Laser Er:YAG có tác dụng loại bỏ thượng bì và 1 phần trung bì của da, kích thích tổng hợp collagen và các thành phần khác nên rất có hiệu quả trong việc trẻ hoá như gây giảm nếp nhăn, loại bỏ sắc tố đồng thời cải thiện tình trạng sẹo lõm hoặc loại bỏ các thương tổn lành tính. Loại laser này ít gây đau, hiếm khi gây tác dụng không mong muốn, thời gian phục hồi nhanh.
1.Đại cương
Laser bào mòn tái tạo bề mặt có tác dụng loại bỏ thượng bì và 1 phần trung bì của da. Quá trình lành vết thương sẽ kích thích tổng hợp collagen và các thành phần khác. Kết quả thu được đó là sự giảm nếp nhăn và cải thiện sẹo lõm, kích thước lỗ chân lông, cấu trúc da đồng thời cũng có thể loại bỏ tổn thương sắc tố lành tính ở thượng bì. Trong đó laser CO2 và laser Er:YAG là 2 loại laser được sử dụng phổ biến nhất.
Er YAG: là loại laser rắn với hoạt chất là erbium pha với yttrium aluminium garnet (Er:Y3Al5O12), ít gây đau, hiếm khi gây tác dụng không mong muốn và thời gian phục hồi nhanh.
2. Cơ chế tác dụng của laser Er:YAG
Laser có bước sóng 2940nm tác động tới đích hấp thu là nước. Khi tương tác với mô da, nó gây nên hiện tượng bốc bay và quang đông. Hệ số hấp thu của nước với laser này cao hơn 12-18 lần so với laser CO2 (10600 nm) nên khả năng đâm xuyên nông hơn, truyền nhiệt ra mô xung quanh ít hơn vì vậy vùng quang đông cũng ít hơn, tăng nguy cơ chảy máu.
3. So sánh laser Er:YAG với laser CO2
Ưu điểm:
- Thời gian hồi phục sau điều trị ngắn hơn
- Đau ít khi điều trị
- Ít tác dụng không mong muốn (đỏ kéo dài, mất sắc tố vĩnh viễn, loang lổ, sẹo…)
Nhược điểm:
- Dễ chảy máu
- Hiệu quả tái tạo bề mặt da kém hơn
4. Laser Er:YAG vi điểm (fractional)
Độ đâm xuyên sâu hơn khoảng 1,5 mm, thời gian hồi phục nhanh hơn do tồn tại vùng da lành xen giữa với các vùng vi tổn thương nhiệt.
Ưu điểm của chế độ vi điểm:
- Hiệu quả tốt trong điều trị sẹo trứng cá
- Trẻ hoá cho những vùng khó điều trị bằng laser tái tạo bề mặt thông thường (cổ, ngực…) vì ít nguy cơ tạo sẹo.
5. Chỉ định
- Các nếp nhăn mức độ nhẹ đến trung bình.
- Các dấu hiệu khác của tổn thương da do ánh sáng như: thay đổi sắc tố, dày sừng..
- Sẹo lõm
- Các tổn thương nông ở da: bớt thượng bì, dày sừng ánh sáng, u ống tuyến mồ hôi, u xơ mạch, u vàng…
6. Chống chỉ định
- Bênh nhân có mong muốn không thực tế
- Nhiễm trùng ở vùng điều trị
- Có bệnh hoặc dùng thuốc nhạy cảm ánh sáng, bệnh mô liên kết.
- Type da tối màu, bệnh nhân chống nắng không tốt
- Đang sử dụng isotretinoin (tăng nguy cơ sẹo phì đại)
- Bệnh nhân có sẹo lồi có khuynh hướng xuất hiện sẹo
- Điều trị vùng hốc mắt vì có thể lộn mi.
7. Tác dụng không mong muốn
- Đỏ da, sưng nề, xuất huyết
- Viêm da tiếp xúc, trứng cá, milia..
- Nhiễm trùng
- Tăng/giảm sắc tố sau viêm
- Sẹo phì đại.
- Lộn mi
8. Chăm sóc sau điều trị
- Giai đoạn vết thương hở (7 ngày) biểu hiện với ban đỏ, vảy tiết, xuất huyết từng điểm
- Bệnh nhân nên rửa nhẹ nhàng (giấm pha loãng), bôi kem dưỡng ẩm tái tạo thượng bì, không trang điểm, không bôi kem chống nắng nhưng cần tránh nắng kĩ.
- Giai đoạn biểu mô hoá (7-30 ngày) với biểu hiện da đỏ nhẹ, nhạy cảm.
- Chế độ chăm sóc bao gồm ngừng dưỡng ẩm, bôi kem chống nắng, trăng điểm nhẹ, chất làm trắng nếu có nguy cơ tăng sắc tố sau viêm
9. Hiệu quả
- Nếp nhăn laser Er:YAG: cải thiện trung bình 52% sau 1 lần điều trị.
- Sẹo lõm: cải thiện 50- 60%.
- U ống tuyến mồ hôi: cải thiện ở 80% các bệnh nhân.
- Tổn thương da do ánh nắng và rám má: cải thiện 60%
Tài liệu tham khảo
- Clinical procedures in laser skin rejuvenation (2007), Paul Carniol, Neil S. Sadick, 31-44.
- Lasers in dermatogy and medicine (2012), Keyvan Nouri, 107-112
BSNT.Trịnh Thị Linh – Bệnh viện Da liễu Trung ương