Giái đáp của chuyên gia về phương pháp lăn kim làm đẹp

Liệu pháp lăn kim (microneedling) là một phương pháp làm đẹp khá phổ biến hiện nay. Vậy lăn kim là gì? Có nên lăn kim không? Và nhiều câu hỏi khác xoay quanh liệu pháp lăn kim sẽ được chuyên gia Da liễu hàng đầu giải đáp qua bài viết dưới đây.

1. Lăn kim là gì?

Phương pháp lăn kim hay còn gọi là Liệu pháp vi điểm (Micro-needling Therapy), hay Liệu pháp tăng sinh collagen (Collagen Induction Therapy), là một thuật ngữ chung cho quá trình di chuyển một thiết bị đặc biệt trên da của bạn, thiết bị đó có một con lăn với nhiều mũi kim nhỏ gắn trên nó (thường là kim loại thép không gỉ dùng trong y khoa) tạo ra những tổn thương vi điểm và dựa vào cơ chế tự làm lành của cơ thể để loại bỏ các tế bào cũ và sản sinh các tế bào mới.

Có nhiều loại khác nhau của các thiết bị lăn kim với tên sản phẩm khác nhau. Hầu hết các thiết bị lăn kim đều có cơ sở khoa học hợp lý cho thấy chúng có thể giúp làn da của chúng ta trong việc làm giảm sự xuất hiện của những vết sẹo, nhưng về khả năng hỗ trợ trong việc chống lão hoá, giảm các nếp nhăn thì rất ít, về việc trẻ hoá cho làn da thì công nghệ PRP (Platelet Rich Plasma) làm việc tốt và có hiệu quả hơn lăn kim. Cụ thể các thiết bị lăn kim được mô tả như sau:

  • Dermarollers giống như con lăn sơn nhỏ, nó có một vòng quay xi lanh (ống) với ít nhất 200 kim nhỏ trên đó và một tay cầm để di chuyển xung quanh mặt của bạn.
  • Dermapens nhìn giống như một cây bút, với đầu tròn có nhiều kim. Đầu của dụng cụ này và kim được gắn vào một động cơ điện nhỏ. Kim của thiết bị này sẽ di chuyển theo chiều lên xuống trên mặt của bạn.
  • Dermastamps có hình dạng giống Dermapens nhưng có một đầu lớn hơn với nhiều kim. Dermastamps có thể có động cơ hoặc không có động cơ và làm việc chính xác như tên của nó. Thay vì kim lăn trên da, bạn “đóng dấu” kim vào da (máy sẽ làm kim di chuyển lên xuống). Nó khá là giống với máy xăm, nhưng  thay vì 1 kim duy nhất đâm trên da thì Dermastamps sẽ với nhiều kim đâm trên da cùng một lúc (tất nhiên là không có mực như máy xăm).

2. Nguyên tắc hoạt động của phương pháp lăn kim

Phương pháp lăn kim cho dù làm bằng tay hay máy thì cũng đều theo một nguyên tắc hoạt động là tạo ra các vi tổn thương để kích thích cơ thể tăng sinh tế bào. 

Khi lăn kim trên da, làn da phản ứng với những vết kim này như là những vết thương và tạo ra nhiều yếu tố làm lành da, trong đó, chủ yếu là sự tái tạo phát triển mô da. Nhưng các kim lăn rất bén và mỏng nên không thể phá vỡ các mô và lớp màng của da cũng không thay đổi. Tuy nhiên, các kích thích thần kinh này sẽ được các luồng điện chuyển đi, kích thích quá trình làm lành vết thương.

Các tế bào da trong phạm vi bán kính từ 1 – 2 mm xung quanh khu vực châm kim, phóng các tín hiệu tăng trưởng đến các tế bào đồng nhất. Những tín hiệu này quay trở lại kích thích sự tăng sinh tế bào mới, nguyên bào sợi chuyển thành sợi collagen và elastin.

Nhiệm vụ của nguyên bào sợi là di chuyển đến điểm tổn thương thực thể và chữa lành vết thương. Sự hình thành sợi mới này có mối liên hệ với độ dày của da và làm đầy các vết sẹo. Chu trình tăng sinh này kéo dài và kết thúc trong tám tuần.

3. Tác dụng của lăn kim và chiều dài kim tương ứng

Lăn kim sẽ giúp chúng ta cải thiện tình trạng sẹo rỗ, lỗ chân lông to, giúp tăng sinh Collagen và Elastin (giúp da đàn hồi), giúp kích thích tóc tăng trưởng và trị hói đầu…

Trong một nghiên cứu năm 2008, khi áp dụng liệu pháp lăn kim da, lượng Collagen và Elastin tăng gấp 400% trong vòng 1 tháng. Ngoài ra, theo TS.BS Macrene Alexiades – Trưởng khoa Da liễu Đại học New York người đã công bố nhiều nghiên cứu sâu rộng về microneedling, thì lăn kim giúp quá trình đưa các hoạt chất chống lão hóa vào da sâu hơn và mang lại hiệu quả rõ rệt hơn.

TS  Macrene Alexiades cho biết: “Lăn kim sẽ giúp bạn có được làn da căng mướt, hồng hào và tươi sáng trong vài tuần. Sở dĩ chúng ta có kết quả của quả của việc viêm da (có chủ đích) và sưng tấy trên bề mặt da tạo ra”.

TS Mona Gohara – Giảng viên Đại học Yale – Phó chủ tịch Hiệp hội Da liễu phụ nữ khẳng định lăn kim còn kích thích mọc tóc. Cụ thể là, một khảo sát gần đây với 100 người và được chia thành 2 nhóm khác nhau. Nhóm A sẽ dùng duy nhất kem bôi Minoxidil. Nhóm B sẽ dùng Minoxidil kết hợp với liệu pháp lăn kim. Sau 12 tuần, tình trạng tóc của nhóm B cải thiện đến 50% và cao hơn 4,5% so với nhóm A.

Những loại kim có trong cây lăn vi kim thường có kích thước từ 0.25mm đến 2.0mm. Kích thước này sẽ được lựa chọn phụ thuộc vào vấn đề của da bạn. Ví dụ, loại kim 0.25mm sẽ giúp cho làn da mịn màng hơn trong khi loại kim 0.75mm sẽ giải quyết vấn đề về nếp nhăn hoặc sẹo trên da mặt.

Tiến sĩ Joshua Zeichner, giám đốc da liễu thẩm mỹ tại Mt. Bệnh viện Sinai ở thành phố New York giải thích: “Kích thước đường kính kim càng lớn thì vết thương trên da sẽ càng lớn. Ngược lại, kim càng nhỏ, ít tổn thương hơn nhưng ít hiệu quả hơn.” Do đó, theo Tiến sĩ Mariwalla, kích thước tốt nhất là 0.5mm dành cho những loại kim lăn sử dụng tại nhà. Nếu lựa chọn loại đường kính lớn hơn sẽ làm cho khuôn mặt dễ tổn thương. Nếu thực hiện biện pháp lăn kim tại các trung tâm thẩm mỹ, những bác sĩ có chuyên môn sẽ đánh giá chuyên sâu và tìm ra loại cây lăn vi kim thích hợp cho làn da của bạn.

Như vậy có thể tổng hợp lại một số tác dụng của phương pháp lăn kim

  • Tăng cường sự xâm nhập của các sản phẩm chăm sóc da hay tăng trưởng tóc: Chiều dài kim tối đa 0,3 mm trên mặt và 0,5 mm trên phần còn lại của cơ thể. Một trong những lợi ích của việc điều trị da này đến từ khả năng giúp thấm sâu các dưỡng chất. Tiến sĩ  Zeichner cho biết: “Cây lăn vi kim sẽ tạo ta các vết thương siêu nhỏ giúp tăng cường sự thẩm thấu của các thành phần hoạt tính trên bề mặt da.” Tuy nhiên, bạn nên lựa chọn các loại serum có thành phần đơn giản nhưng hiệu quả như axit hyaluronic và peptide thay vì retinol. Nếu sử dụng những loại serum không thích hợp, làn da có thể biến chứng và để lại sẹo về sau. Để chắc chắn hơn về điều này, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ da liễu.
  • Nếp nhăn: Chiều dài kim 1-1,5 mm. Với chiều dài kim hơn 1 mm các bạn nên đến bác sĩ thẩm mỹ để đạt được hiệu quả tốt hơn, tránh gây tổn thương và an toàn hơn cho da. Lăn kim là một lựa chọn cho những người có làn da quá mỏng khi mà không điều trị được bằng laser.
  • Da lỏng lẻo: Chiều dài kim 1,5 mm. Bạn có thể cải thiện làn da lỏng lẻo bất cứ nơi nào trên cơ thể bao gồm cả cổ, ngực, mặt sau của cánh tay, bụng, đùi… Trong giai đoạn đầu của tình trạng da lỏng lẻo có thể bị chậm, trì hoãn hoặc gây ra vết nhăn, đối với khu vực nhạy cảm, da mỏng như cổ chẳng hạn thì chỉ cần chiều dài kim là 0,5 mm.
  • Lão hóa da: Chiều dài kim 1,0 đến 1,5 mm.
  • Sắc tố da không đồng đều: Chiều dài kim 0,5 mm đến 1,0 mm (không được sử dụng trên các nốt ruồi).
  • Sẹo: Chiều dài kim 1,5mm với mật độ chậm.
  • Rạn da: có thể được phục hồi một phần, hầu hết thì không thể hết hoàn toàn.
  • Sẹo mụn sâu: Chiều dài kim 1.5 mm thường không đủ, chiều dài cần thiết phải là 2,5 mm, nhưng với chiều dài kim như thế này thì không thể làm an toàn tại nhà được, các bạn cần đến spa, clinic có bác sĩ uy tín để thực hiện.

Ngoài các vấn đề trên da mặt, lăn kim vi điểm đôi khi được sử dụng để điều trị các vết rạn da ở các khu vực khác trên cơ thể. Một nghiên cứu cho thấy microneedling có hiệu quả đối với các vết rạn ở đùi và bụng khi kết hợp với chất làm đầy. Sẹo trên các bộ phận cơ thể khác cũng có thể được điều trị bằng thủ thuật này. Tuy nhiên, microneedling chủ yếu được sử dụng trên da mặt.

4. Một số hạn chế và rủi ro có thể có của liệu pháp lăn kim

Giống như tất cả cá quy trình thẩm mỹ, microneedling không phải không có rủi ro. Tác dụng phụ phổ biến nhất là gây kích ứng da nhẹ sau khi tiến hành thủ thuật. Bạn có thể thấy da kích ứng mẩn đỏ trong vài ngày. Điều này được coi là phản ứng tự nhiên với những tổn thương nhỏ do kim lăn tạo ra trong da của bạn.

Vì lăn kim là liệu pháp gây tổn thương và chảy máu nên các dụng cụ thực hiện phải được vô trùng theo đúng tiêu chuẩn của bộ y tế. Việc vô trùng các dụng cụ sẽ giúp chúng ta tránh các trường hợp nhiễm các loại vi khuẩn gây hại như Herpes mụn rộp… và có khi là viêm gan B hay HIV.

Macrene Alexiades cho biết rằng: “Nếu lăn kim quá thường xuyên sẽ khiến các mao mạch bị vỡ và khiến làn da của bạn ‘cứng đờ như tượng sáp”. Vì vậy, chúng ta nên cần có thời gian để da có thể tự phục hồi. Tần suất liệu trình có thể là 1 tháng/lần”. Bên cạnh đó lại có một số ý kiến khác về tần xuất thực hiện lăn kim. Theo Tiến sĩ Mariwalla, bạn nên sử dụng cây lăn vi kim không quá 2 lần một tuần để cung cấp cho da thời gian hồi phục lâu hơn. Ngược lại, Tiến sĩ Zeichner cho rằng chu kì một lần một luần sẽ không gây thiệt hại nhiều. Như vậy khoảng thời gian giữa 2 lần thực hiện lăn kim phụ thuộc vào kinh nghiệm của các bác sỹ cũng như tốc độ phục hồi của từng làn da. 

Bên cạnh đó Macrene Alexiades chia sẻ rằng, nếu chúng ta chỉ áp dụng duy nhất biện pháp lăn kim mà không kết hợp nhiều liệu trình khác thì sẽ không có kết quả lâu dài. Những chuyên gia, bác sĩ, những người có kinh nghiệm sẽ có liệu trình chữa trị khác nhau. Vì vậy, tốt nhất chúng ta nên tìm đến những trung tâm uy tín hoặc những bác sĩ có kinh nghiệm để có được phác đồ điều trị phù hợp.

Những người đang có vấn đề về: Chàm, đỏ da Rosacea, mụn, viêm da quanh miệng (Periroral Dermatitis)… không nên thực hiện các liệu trình lăn kim. Bởi lẽ, lúc này làn da đang rất yếu và nhạy cảm nên không thể chịu thêm tác động xâm lấn quá mạnh từ bên ngoài. Ngoài ra, phụ nữ ở giai đoạn sau sinh có làn da đặc biệt nhạy cảm cũng không thích hợp điều trị lăn kim.

Một số tác dụng phụ nghiêm trọng hơn có thẻ xảy ra như:

  • Chảy máu
  • Bầm tím
  • Nhiễm trùng
  • Bong da

Nếu sau khi làm thủ thuật mà bạn gặp phải những hiện tượng này thì nên báo ngay cho bác sĩ.

5. Những người không nên/tuyệt đối không được áp dụng liệu pháp lăn kim

5.1. Những trường hợp cần thận trọng 

  • Sẹo lồi
  • Eczema, Psoriasis, mụn đang sưng, Rosacea, hoặc tình trạng da mãn tính khác
  • Actinic (Solar) Keratosis
  • Tiểu đường (vết thương chậm hồi phục)
  • Nốt ruồi nổi, mụn cóc, hoặc vùng da đang bị tổn thương
  • Herpes Simplex hoặc nhiễm Zoster (lăn kim có thể sẽ làm lan truyền nhanh hơn)
  • Mẹ có thai hoặc cho con bú (lăn kim với chiều dài thích hợp có thể tạo ra collagen, quá trình tạo ra collagen thì có thể sẽ ảnh hưởng đến lượng vitamin và dưỡng chất khi nuôi em bé trong bụng hoặc trong sữa mẹ)

5.2. Những trường hợp tuyệt đối không được lăn kim

  • Scleroderma – Xơ cứng bì
  • Blood clotting problems – Tình trạng máu khó đông
  • Collagen vascular diseases – Các bệnh mạch máu collagen
  • Cardiac abnormalities – Bất thường về tim mạch
  • Immunosuppression – Ức chế miễn dịch
  • Active bacterial or fungal infections – Nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc nấm
  • Scars less than 6 months old – Sẹo cũ dưới 6 tháng
  • Facial Botox or fillers injected within the last 6 weeks – Tiêm botox hoặc filler trong vòng 6 tuần trở lại

6. Bạn cần chuẩn bị những gì trước khi làm microneedling?

Trước khi muốn tiến hành thủ thuật này, bạn nên nói với bác sĩ về những phương pháp điều trị cũng như các loại thuốc bạn đang áp dụng gần đây. Bạn có thể cần phải ngừng sử dụng một số loại thuốc như ibubrofen và những thuốc điều trị mụn trứng cá khác…

Nếu bạn đang sử dụng retinoids tại chỗ trước đó thì bác sĩ sẽ khuyến cáo bạn nên ngừng sử dụng dể tránh gặp phải tác dụng phụ.

7. Microneedling so với lăn kim tại nhà ra sao?

Microneedling – lăn kim vi điểm là một quy trình chuyên nghiệp chỉ được thực hiện bởi bác sĩ có chứng chỉ được đào tạo chuyên sâu. Hiện nay, nhằm tiết kiệm chi phí và thời gian nhiều chị em lựa chọn con lăn tại nhà để tự thực hiện. Tuy nhiên thực tế, con lăn tại nhà lại không gây ra những tổn thương như microneeedling chuyên nghiệp. Do vậy, dĩ nhiên là hiệu quả đem lại là không cao. Đặc biệt, tự ý lăn kim tại nhà có thể khiến bạn gặp phải một số rủi ro như gây đau, tổn thương da quá mức…

Tốt nhất, nếu muốn có một làn da đẹp như ý bạn nên chọn phương pháp microneedling chuyên nghiệp được thực hiện bởi các bác sĩ có tay nghề.

Hy vọng qua bài chia sẻ này sẽ giải đáp được phần nào các câu hỏi xoay quanh liệu pháp lăn kim như lăn kim có tốt không? lăn kim ở đâu thì tốt? lăn kim có tác dụng gì?… Điều đặc biệt quan trọng cần ghi nhớ về liệu pháp lăn kim là lựa chọn được các bác sĩ có kinh nghiệm, các chuyên gia được đào tạo bài bản, và các trung tâm thực hiện uy tín được cấp phép hành nghề. Không nên tự ý lăn kim ở nhà khi bạn chưa có đủ kinh nghiệm và các dụng cụ đủ tiêu chuẩn vệ sinh.

Nguồn tham khảo

  1. Dogra S, Yadav S, Sarangal R. Microneedling for acne scars in Asian skin type: an effective low cost treatment modality. J Cosmet Dermatol. 2014;13(3):180-7.
  2. Liebl H, Kloth L. Skin cell proliferation stimulated by microneedles. J Am Coll Clin Wound Spec. 2012;4(1):2-6.
  3. Chawla S. Split Face Comparative Study of Microneedling with PRP Versus Microneedling with Vitamin C in Treating Atrophic Post Acne Scars. J Cutan Aesthet Surg. 2014;7(4):209-212.
  4. Lodish H, Berk A, Zipursky SMP, Baltimore D, Darnell J. Molecular Cell Biology. New York: W. H. Freeman; 2000. p. Section 22.3.
  5. Robins, SP et. al., J Invest Dermatol. 2003 Aug;121(2):267-72.
  6. Cahill E, O’Cearbhaill E. Toward Biofunctional Microneedles for Stimulus Responsive Drug Delivery. Bioconjug Chem
  7. Al-Qallaf B, Das D. Optimizing microneedle arrays to increase skin permeability for transdermal drug delivery. Ann N Y Acad Sci. 2009;1161:83-94.
  8. Narayan R. Transdermal delivery of insulin via microneedles. J Biomed Nanotechnol. 2014;10(9):2244-60.
  9. Zhang H, Zhai Y, Yang X, Zhai G. Breaking the skin barrier: achievements and future directions. Curr Pharm Des. 2015;21(20):2713-24.
  10. Seo K, Kim D, Lee S, Yoon M, Lee H. Skin rejuvenation by microneedle fractional radiofrequency and a human stem cell conditioned medium in Asian skin: a randomized controlled investigator blinded split-face study. J Cosmet Laser Ther. 2013;15(1):25-33.
  11. https://www.elle.com/beauty/makeup-skin-care/a12773502/microneedling-faq-facts-cost/

Lược dịch và tổng hợp: BS Thanh Mai – DS Thanh Nga

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *