HẮC MÃ TRƯỜNG XUÂN TỬU

Danh mục:

Công dụng – Chủ trị rượu thuốc “Hắc mã trường xuân tửu”

  • Bồi bổ khí huyết
  • Bổ thận tráng dương
  • Dưỡng tâm an thần
  • Kiện tỳ bổ phế
  • Mạnh gân xương
  • Dưỡng can minh mục (sáng mắt)

Thành phần của sản phẩm Hắc mã trường xuân tửu

1. Rượu Lạc Đạo – Văn Lâm

Rượu Lạc Đạo – Văn Lâm (Hưng Yên) có truyền thống hàng trăm năm, cha truyền con nối. 

Rượu Lạc Đạo được làm bằng chính gạo nếp cái hoa vàng trồng tại địa phương – thứ gạo nếp hạt tròn, to mẩy, mười hạt đều nhau chằn chặn. Gạo nếp sau khi được chọn lựa sẽ mang đi ủ với men được làm từ các vị thuốc bắc gia truyền. Sau đó, rượu được chưng cất bằng nồi đất. Đây cũng chính là một trong những điểm đặc biệt khiến hương vị của rượu được giữ nguyên và an toàn cho người sử dụng (do không chứa các tạp chất từ các dụng cụ kim loại nhiễm vào). Hương thơm nồng của lúa nếp, vị êm dịu xen chút cay nhẹ của 36 vị men thuốc bắc tạo ra loại rượu thành phẩm là thứ nước trong veo, độ rượu cao – thường trên 50 độ. Tuy độ rượu cao nhưng uống không cay, không sốc mà hết sức êm say. Hơn nữa, rượu lại rất thơm, người uống rượu cũng không hề có cảm giác đau đầu sau khi uống.

2. Thảo dược

28 loại thảo dược được tuyển chọn từ hàng ngàn vị thuốc tạo ra phương thang Hắc mã trường xuân. 

  • 8 vị bồi bổ khí huyết: Nhân sâm, Bạch linh, Bạch truật, Chích Cam thảo, Xuyên khung, Đương quy, Thục địa, Bạch thược.
  • 6 vị bổ thận tráng dương: Ba kích, Nhục thung dung, Bạch tật lê, Ích trí, Nhục quế, Phụ tử chế
  • 4 vị dưỡng tâm an thần: Long nhãn, Đan sâm, Tang thầm, Viễn chí
  • 4 vị kiện tỳ bổ phổi: Hoài sơn, Mạch môn, Ngọc trúc, Hồng táo
  • 3 vị mạnh gân xương: Đỗ trọng, Tục đoạn, Cẩu tích
  • 3 vị dưỡng can minh mục: Kỉ tử, Bạch cúc, Sơn thù du

Quy trình sản xuất

7000g thuốc gồm 28 vị thuốc được chia thành 2 phần.

  • 1 phần đem sắc theo phương pháp truyền thống, cô đặc thành cao.
  • 1 phần để dạng thô.

Đem cao thuốc và thuốc thô cùng 50 lít rượu Lạc Đạo 50 độ cho vào chum sành Phù Lãng. Bịt kín miệng chum. Để trong phòng lạnh nhiệt độ ổn định 16ºC. Ủ rượu trong vòng 3 tháng. 

Sau khi đủ thời gian, lấy rượu thuốc ra, chia vào từng chai 500ml. Tổng cộng được 99 chai Hắc mã trường xuân tửu.

Cách sử dụng sản phẩm

Liệu trình sử dụng rượu thuốc

Để đảm bảo sử dụng Hắc mã trường xuân tửu tốt cho sức khỏe, mỗi ngày uống không quá 100ml. Mỗi lần uống không quá 30ml rượu thuốc.

Uống điều độ sẽ tốt hơn.

Có thể pha loãng với nước lọc hoặc nước RO để giảm độ rượu. (Chỉ nên làm khi có kinh nghiệm pha hạ độ rượu. Rượu không dùng được cồn kế để đo độ)

Lưu ý khi sử dụng

  • Không uống cùng lúc với các loại rượu khác.
  • Không pha rượu với bia hay các thức uống khác.
  • Không lạm dụng rượu uống đến say.
  • Người bệnh mắc các bệnh như: Viêm gan; xơ gan; viêm loét đường tiêu hóa; lao phổi; động kinh; tâm thần; bệnh lý tim mạch; tăng huyết áp; các bệnh viêm thận cấp mãn; những người dị ứng với rượu; phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú… nên thận trọng khi sử dụng, tốt nhất không nên uống rượu, bia, chất kích thích..
  • Sau uống rượu không lái xe hoặc làm các việc đòi hỏi sự tỉnh táo.

Quy cách đóng gói

Mỗi chai 500ml

THÔNG TIN THAM KHẢO –

Điều gì làm nên sự đặc biệt của Hắc mã trường xuân tửu

Để có thể có một bình rượu thuốc vị ngon, bổ dưỡng và độc nhất vô nhị thì khâu chọn chum sành và quá trình ủ rượu là tối quan trọng.

Chum sành – làng gốm Phù Lãng 

Vạn Quốc Dược Vương sau khi tìm hiểu đã lựa chọn chum sành của làng gốm Phù Lãng để ủ rượu.

  • Nghề gốm Phù Lãng được hình thành và phát triển ở đây vào khoảng thời Trần, thế kỷ XIV.
  • Gốm Phù Lãng được tạo nên từ “xương” đất đỏ hồng lấy từ vùng Thống Vát, Cung Khiêm (Bắc Giang).
  • Đất để làm đồ sành phải là loại đặc biệt, có độ dẻo. Lấy được đất về, người thợ phải phơi cho đất bạc màu trộn lẫn các lần đất, đập thành những viên nhỏ bằng ngón chân cái rồi mới cho “ngậm” nước, sau đó xéo tròn, nề đất, chọn sạn, phá, sa cho tới khi đất phải nhuyễn mịn như một miếng giò mới thôi. Một miếng đất trước khi chuốt phải nề, xéo tới chục lần mới thành khoanh cho lên bàn xoay nắn thành sản phẩm.
  • Không tồn dư kim loại nặng, không chứa hóa chất độc hại, không ảnh hưởng đến mùi vị rượu sau khi ngâm
  • Chum ngâm rượu được làm nên từ đất sét đỏ, được tráng một lớp men tự nhiên từ tro rừng và bùn sông. Hồn cốt của gốm Phù Lãng được tạo nên từ sự dân dã, mộc mạc của nước men da lươn. Chất liệu làm men tráng gồm có: Tro cây rừng (loại cây mà khi đốt, tàn tro trắng như vôi hoặc như tàn thuốc. Ngày nay nghệ nhân Phù Lãng thường dùng tứ thiết là lim, sến, táu, nghiến), hai là vôi sống (vôi tả), ba là sỏi ống nghiền nát, bốn là bùn phù sa trắng.
  • Đảm bảo nung đủ nhiệt. Chum sành cần được nung đủ nhiệt độ tối thiểu 1.200 độ C để khử hoàn toàn tạp chất và kim loại nặng, tránh ảnh hưởng đến chất lượng rượu.
  • Đảm bảo nung đủ thời gian. Chum được nung đủ thời gian phát ra tiếng đanh và trong trẻo khi gõ. Chum đã nung đủ lâu đảm bảo độ bền của sành.

Quy trình ủ rượu cũng là một nét riêng của Hắc mã trường xuân

Nếu như nhiều người tìm hiểu về Vạn Quốc Dược Vương sẽ nghĩ rằng chúng tôi – những người tôn trọng và gìn giữ nét truyền thống, đề cao những giá trị cổ truyền sẽ ủ rượu theo phương pháp truyền thống là hạ thổ thì có lẽ mọi người đã nhầm.

Không thể phủ nhận phương pháp hạ thổ rượu là một trong những phương pháp cổ truyền đặc sắc và tạo ra những hương vị rượu khó quên của nhiều loại rượu nổi tiếng đi vào thi ca và xuất hiện rất nhiều trong các phim lịch sử, cổ trang, kiếm hiệp… Tuy nhiên thời đại thay đổi, mọi thứ đều đã đổi thay. Vạn Quốc Dược Vương đề cao những giá trị cổ truyền nhưng luôn luôn muốn hiện đại hóa “cổ truyền” để đem lại lợi ích cao nhất cho người dùng.

Nhược điểm của phương pháp hạ thổ rượu chính là

  • Ngày xưa, phân bón hóa học và thuốc trừ sâu không được sử dụng trên đất nên đất không bị ô nhiễm. Nhưng đất ngày nay phần lớn chứa kim loại nặng, vi khuẩn và thuốc trừ sâu, nếu rượu bị chôn trong môi trường như vậy chắc chắn khó tạo ra được loại rượu đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
  • Nhiều người thay vì hạ thổ sẽ ủ rượu ở dưới giếng, tuy nhiên ngày nay giếng nước cũng bị san lấp hoặc bỏ hoang, tù đọng nhiều năm.
  • Không khí thay đổi liên tục do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu

Chính vì vậy việc ủ rượu trong đất (hạ thổ) khó có thể đảm bảo tính ổn định của rượu cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ưu điểm của phương pháp ủ rượu của Vạn Quốc Dược Vương 

  • Không dùng các biện pháp cũ do đất hiện nay đã bị ô nhiễm nhiều
  • Rượu thuốc được ngâm trên 3 tháng, giảm nồng độ andehit trong rượu. 
  • Rượu được để trong môi trường bảo quản lạnh 16 độ C để đảm bảo hoạt động của vi sinh vật trong rượu (5-25 độ c) đồng thời ngăn rượu bay hơi quá nhiều làm ảnh hưởng đến độ rượu.
  • Dụng cụ chứa rượu là loại chum sành, đặc và không bị rò rỉ, nhưng cũng hơi xốp và dễ thấm các phân tử nhỏ, để oxy trong không khí có thể đi vào thùng chứa, tạo ra sự tuần hoàn oxy vi mô và làm cho rượu trở nên êm dịu hơn!
  • Dùng rượu độ cao lâu năm để ngâm thuốc. Không chỉ ngâm rượu trong thời gian dài mà ngay cả rượu dùng để ngâm thuốc cũng là loại rượu độ cao đã để trên 3 năm. Điều này một lần nữa giúp lượng andehit trong rượu được khử một cách từ từ, tự nhiên. 

Độc nhất vô nhị

Mỗi chai Hắc mã trường xuân tửu là phiên bản duy nhất. Vạn Quốc Dược Vương đã mạn phép sưu tập 99 chữ hán việt và 99 câu đối, thông điệp để tạo ra phiên bản Hắc mã trường xuân độc nhất. Có lẽ phải rất lâu nữa mới có lô Hắc mã trường xuân tửu mới được Vạn Quốc Dược Vương đưa đến tay bạn. Nhưng chắc chắn đó cũng sẽ phiên bản duy nhất. Vạn Quốc Dược Vương không chỉ muốn lưu trữ những gì thuộc về y học cổ truyền mà còn muốn mỗi người đều biết thêm về nét đẹp của chữ hán việt xưa.

Rượu trong Y học cổ truyền

Rượu đã có lịch sử tồn tại hàng ngàn năm, không chỉ là kết tinh trí tuệ của cha ông mà còn là một nét văn hóa đặc trưng của người Việt. Rượu trong văn hóa xưa được sử dụng chủ yếu trong các nghi thức tế lễ như tế trời đất, lễ tổ tiên hoặc trong nhiều nghi lễ quan trọng khác. Chẳng thế mà người xưa có câu “Vô tửu bất thành lễ”. Rượu được kết tinh từ gạo – thứ hạt trân quý nhất trời đất (ngọc thực) trải qua quá trình chưng cất kì công trở thành linh hồn trời đất, được coi là “sứ giả” kết nối Trời – Người, Người – Người, cũng là nguồn cảm hứng thi ca, là “nàng thơ” của giới tao nhân mặc khách. Đấy là rượu trong văn hóa. Còn trong y học cổ truyền rượu có mối liên hệ mật thiết.

Xét về chữ nghĩa, chữ tửu (酒) và chữ y (醫) đều có bộ Dậu (酉).

Xét về dược tính, rượu tính ấm, vị ngọt, hăng, đắng, hồi về các kinh tâm, can, tỳ, phế, có tác dụng giãn cơ, thông kinh hoạt lạc, chỉ thống tán hàn, có tác dụng điều trị nhiều chứng bệnh đồng thời là dẫn dược đưa thuốc đến những vùng cơ thể bị bệnh.

 

0/5 (0 Reviews)

Đánh giá

Chưa có đánh giá nào.

Hãy là người đầu tiên nhận xét “HẮC MÃ TRƯỜNG XUÂN TỬU”