Vị thuốc Đinh hương – syzygium aromaticum vốn là một vị thuốc khá quen thuộc trong nền y học cổ truyền. Tác dụng của vị thuốc đinh hương được chứng minh là có liên quan đến hỗ trợ điều trị các bệnh lý hô hấp, tiêu hóa…
Câu chuyện về đinh hương
Vào thế kỷ 4 TCN và đầu thời kỳ nhà Tây Hán thì các lãnh chúa Trung Hoa phong kiến đã bắt buộc mọi người phải nhai đinh hương để làm thơm hơi thở của họ trước khi nói trước mặt các lãnh chúa này.
Đinh hương, cùng với nhục đậu khấu và hồ tiêu, được đánh giá cao trong thời kỳ đế chế La Mã, và Pliny Già đã từng kêu ca rằng “không có một năm nào mà Ấn Độ không bòn rút của Đế chế La Mã 50 triệu sestertius” (đơn vị tiền tệ La Mã cổ đại).
Đinh hương – syzygium aromaticum cũng từng là mặt hàng được các thương nhân Ả Rập kinh doanh trong thời kỳ Trung cổ trên tuyến thương mại đầy lợi nhuận trên Ấn Độ Dương.
Vào cuối thế kỷ 15, người Bồ Đào Nha đã chiếm trọn vẹn quyền khai thác tuyến thương mại này, bao gồm cả việc kinh doanh đinh hương, nhờ Hiệp ước Tordesillas với Tây Ban Nha và hiệp ước riêng rẽ khác với quốc vương Hồi giáo Ternate (đảo thuộc quần đảo Molucca, Indonesia). Người Bồ Đào Nha đã đem một lượng lớn đinh hương vào châu Âu, chủ yếu từ nguồn trên quần đảo Molucca. Đinh hương khi đó là một trong các gia vị thuốc bắc có giá trị nhất, 1 kg Đinh hương trị giá khoảng 7 g vàng.
1. Tên khác
Đinh tử hương, chi giải hương, hùng đinh hương, công đinh hương, đinh tử, đinh tử hương . Là nụ hoa cây Đinh hương.
2. Mô tả đinh hương ngoài tự nhiên
Giống như chiếc đinh mũ nhưng lại có mùi hương nên được gọi là đinh hương.
3. Phân bố vùng trồng
Cây được trồng nhiều ở Tanzania, Malayxia, Indonexia, đảo Zanziba và Pemba ở Ấn Độ Dương, Trung Quốc vùng Quảng Đông, Quảng Tây… Tại nước ta hiện chưa trồng được.
4. Thành phần hoạt chất trong tinh dầu đinh hương
Đây là một nguyên liệu thực vật chứa hàm lượng tinh dầu vào loại cao nhất. Trong tinh dầu có 80% eugenol ngoài ra còn có caryophyllin, pyrogalltanin…
5. Tác dụng dược lý hiện đại của vị thuốc đinh hương
- Trên hệ hô hấp: Dịch chiết nước, tinh dầu của Đinh hương có tác dụng kháng khuẩn mạnh với nấm; ức chế các loại vi khuẩn, virus gây bệnh đường hô hấp như trực khuẩn lao, trực khuẩn bạch hầu, trực khuẩn viêm phổi, virus cúm… Ở dạng tinh dầu có tác dụng lọc không khí qua đó giúp gia tăng khả năng kháng khuẩn của đường hô hấp.
- Trên hệ tiêu hóa: kích thích tiêu hóa, trị khuẩn lị, trị khuẩn tả, giảm đau bụng, điều trị viêm loét dạ dày tá tràng, chống nôn…
- Trong lĩnh vực nha khoa: thuốc tê, diệt tủy răng, diệt khuẩn giảm đau răng, giảm hôi miệng.
- Trong các đợt dịch bệnh người ta nhai đinh hương để phòng bệnh nhất là dịch bệnh đường hô hấp và dịch tả.
- Làm hương liệu, làm gia vị món ăn.
6. Đinh hương theo y học cổ truyền
- Vị cay tính ấm.
- Quy kinh phế, tỳ, vị, thận
- Tác dụng chung: giáng nghịch, ôn ấm
- Theo sách bản thảo yếu dược: đinh hương có tính táo, noãn vị, bổ thận. Tân ôn thuần dương. Tiết phế, ôn thận, đại năng (trị) liệu thận, tráng dương sự, noãn âm hộ. Trị thận lãnh ủng trướng, ẩu uế ách nghịch. Đan Khê viết: nhân chi âm khí, dĩ thận vị dưỡng. Thổ thương tắc mộc hiệp tướng hỏa, trực trùng thanh đạo nhi thượng tác khái nghịch. Cổ nhân dĩ vi thận hàn, dụng đinh hương, thị đế, bất năng thanh đàm lợi khí, duy trợ hỏa nhi dĩ. Uông Ngang: ác nghịch hữu đàm trở, khí trệ, thực tắc, bất đắc thăng giáng giả; hữu hỏa uất hạ tiêu giả; thương hàn hãn, thổ, hạ hậu, trung khí đại hư giả; hữu dương minh nội nhiệt thất hạ giả; hữu lị tật đại hạ, thận hư nhi âm hỏa thượng xung giả. Thời Chân viết: đương thị hư thực âm dương, hoặc tiết nhiệt, hoặc giáng khí, hoặc ôn, hoặc bổ, hoặc thổ, hoặc hạ, khả dã. Cổ phương đơn dụng thị đế, thủ kì khổ ôn giáng khí. “Tế sinh”: gia Đinh hương, Sinh khương, thủ kì khai uất tán đàm.
- Tác dụng: điều trị bệnh liên quan đến yếu tố do lạnh gây ra như đau bụng do lạnh, nôn do lạnh, nấc cụt; viêm phế quản do lạnh; cảm cúm; hoắc loạn, trẻ em ợ sữa; loét dạ dày tá tràng thể tỳ vị hư hàn; nhức đầu; chống hôi miệng…
7. Ứng dụng đinh hương trong điều trị bệnh
- cảm cúm
- cảm lạnh
- viêm phế quản
- viêm hầu họng
- đau bụng, buồn nôn do lạnh, do trực khuẩn tả…
- viêm loét dạ dày tá tràng thể hàn
- điều trị viêm chân răng, viêm tủy răng, đau răng, hôi miệng
8. Lượng tiêu thụ đinh hương hàng năm
Nhu cầu tiêu thụ trên toàn thế giới ước tính 20.000 tấn mỗi năm vào các mục địch điều trị, làm gia vị, làm hương liệu.
BS Uông Mai