Một trong các phương pháp bào chế kì công và nổi tiếng bậc nhất trong y học cổ truyền có lẽ là Cửu chưng cửu sái. Vậy Cửu chưng cửu sái là gì? Ý nghĩa và mục đích của việc Cửu chưng cửu sái là gì? Bài viết này sẽ vén bức màn bí mật về một trong những cách bào chế đông dược độc đáo.
1. Cửu chưng cửu sái là gì?
Bào chế trong y học cổ truyền là điểm độc đáo tạo nên công dụng riêng biệt của những vị thuốc, phương thuốc. Bào chế góp phần lớn vào tính đa dạng làm phong phú tính ứng dụng của các loại thuốc. Cùng một thảo dược nhưng bào chế khác nhau cho ra những vị thuốc và công dụng khác nhau.
Nói đến bào chế là nói đến khâu khó khăn và vất vả nhất của đông dược. Nhắc đến bào chế là người ta nghĩ đến sự cầu kì, chỉn chu, cẩn thận. Bào chế đôi khi đơn giản chỉ là sao vàng nhưng cũng có khi phức tạp như ngâm, tẩm, tứ chế… Nhưng có lẽ kì công và phức tạp nhất phải kể đến phương pháp bào chế Cửu chưng cửu sái.
Xét về bề mặt câu chữ:
- Cửu: 9
- Chưng: hấp cách thủy
- Sái: Phơi nắng
Như vậy có thể hiểu Cửu chưng cửu sái là 9 lần hấp cách thủy, 9 lần phơi nắng.
2. Tại sao lại là Cửu chưng cửu sái?
Tại sao lại là Cửu
Trong số học cổ đại của Trung Quốc, số lẻ là số dương, số chẵn là số âm, và “chín” là số lớn nhất trong số dương, đại diện cho “dương tận cùng”, nhưng thường thì số chín không dùng để chỉ một con số/số lần cụ thể. Số “cửu” ở đây là để chỉ sự lặp đi lặp lại nhiều lần để dược liệu đạt được “lượng dương” tối đa. Vì vậy, Cửu chưng cửu sái có nghĩa là hấp và phơi nắng/sấy nhiều lần, số lần phải là số lẻ, vì vậy thường thấy các cách gọi số lẻ như “tam chưng tam sái” hay “ngũ chưng ngũ sái” thường thấy trong bào chế ngày nay.
Trong cuốn “Lôi Công bào chế luận” giới thiệu, dược liệu khác nhau có thời gian hấp khác nhau do đặc tính khác nhau, nếu không có thời gian lửa quy định thì nên chọn cách Cửu chưng cửu sái.
Tại sao phải lặp lại nhiều lần
Chưng là dùng thủy và nhiệt làm chín thuộc về âm
Sái là dương quang, mặt trời thuộc về dương.
Ánh sáng mặt trời là nguồn gốc cơ bản của tất cả năng lượng nhiệt và dương trong tự nhiên. Người xưa cho rằng việc hấp, phơi/sấy khô dược liệu giống như thêm chất âm ẩm và sinh khí của dương vào dược liệu. Theo nghiên cứu hiện đại, việc hấp, sấy nhiều lần sẽ gây ra các phản ứng hóa học trong dược liệu, từ đó loại bỏ tạp chất, giảm kích ứng.
3. Mục địc của Cửu chưng cửu sái
Giảm tính chất nhớt của thuốc và giúp thuốc hấp thu tốt hơn
Nhiều loại thuốc bổ có đặc tính nê trệ, nhờn, dính, nhiều dầu, những đặc tính này sẽ khiến cho việc tiêu hóa trở nên khó khăn và khó hấp thu. Ở một số người bị tỳ vị hư nhược thậm chí có thể sẽ bị đau bụng, tiêu chảy sau khi uống thuốc. Những thứ này nếu được đào thải ra khỏi cơ thể thì không sao, nếu không được chuyển hóa, những phân tử này không dễ tiêu hóa và hấp thụ sẽ tích tụ dần trong cơ thể, dễ tích tụ thành độc tố.
Giảm độc tính của thuốc, thích hợp cho hầu hết các bạn thể chất ăn uống
Nguyên lý cơ bản của mọi phương pháp bào chế đều nhắm hướng tới việc giảm độc tính và tăng tác dụng có lợi.
Y học cổ truyền Trung Quốc cho rằng sau khi Cửu chưng cửu sái có thể loại bỏ tạp chất của dược liệu và làm cho thuốc trở nên tinh khiết hơn. Theo quan điểm khoa học hiện đại, điều đó có nghĩa là các chất độc hại và gây dị ứng ban đầu trong thuốc sẽ bị phân hủy sau một thời gian dài hấp và sấy khô hoàn toàn nên dược liệu ít tác dụng phụ hơn, dược liệu tinh khiết hơn, uống tương đối an toàn.
4. Lưu ý khi thực hiện phương pháp Cửu chưng cửu sái
Khi chưng thuốc phải đun trên lửa nhỏ, chủ yếu là để hấp kỹ, sau đó phơi thuốc ra nắng.
Không nên phơi trong những ngày có sương mù hoặc vào mùa có mưa, nếu không sẽ bị hỏng thuốc. Nguyên liệu sẽ không được làm khô hoàn toàn dẫn đến giảm tác dụng.
Ngoài ra, một số dược liệu như Sinh địa cần phải ngâm rượu trước khi hấp, hoặc có thể cho thêm các chất bổ trợ khác vào hấp cách thủy.
Tùy vào kích thước dược liệu, độ chắc, yêu cầu bào chế mà có cách Cửu chưng cửu sái khác nhau.
5. Những vị thuốc nào thường áp dụng phương pháp Cửu chưng cửu sái?
- Sinh địa Cửu chưng cửu sái thành Thục địa
- Hà thủ ô
- Hoàng tinh
- Hắc chi ma (vừng đen)
- Hòe giác (quả hòe)
BS Uông Mai