Bạn tiếp xúc với người mắc bệnh vảy nến có những vùng da tróc vảy trắng. Bạn lo lắng không biết bệnh vảy nến có bị lây không? Bạn thắc mắc bệnh vảy nến lây qua đường nào? Bài viết dưới đây sẽ làm sáng tỏ những băn khoăn của bạn.
Bệnh vảy nến là gì?
Trước hết bạn cần biết bệnh vảy nến là một bệnh da liễu mạn tính chiếm tỷ lệ 5-7% số bệnh nhân đi khám tại các phòng khám chuyên khoa.
Bệnh đặc trung bởi các tổn thương ở da với hình ảnh dát đỏ có ranh giới rõ ràng với vùng da lành, trên mặt có phủ vảy da trắng dễ bong tróc. Các vùng da tổn thương có kích thước và hình dạng khác nhau, sờ mềm, không thâm nhiễm, không đau.
Ngoài các tổn thương trên da, vảy nến có thể có thể có biểu hiện ở các cơ quan khác như móng, khớp, niêm mạc…
Vảy nến có bị lây không? Bệnh vảy nến lây qua đường nào?
Có 2 vấn đề gặp ở người bệnh vảy nến khiến mọi người đặt ra câu hỏi bệnh vảy nến có bị lâu không?
- Thứ nhất: Vùng da tổn thương trong bệnh vảy nến có sự mở rộng về diện tích về mặt da bị bệnh. Tình trạng này rất thường gặp ở người điều trị không tốt hoặc không điều trị.
- Thứ 2: Trong gia đình có nhiều người cùng mắc bệnh vảy nến
Cần khẳng định ngay rằng vảy nến không do virus hay vi khuẩn gây ra. Đây là bệnh da không lây từ người sang người. Chính vì không lây nên đương nhiên không có đường lây truyền. Do vậy người khỏe mạnh hoàn toàn có thể tiếp xúc với người bệnh thậm chí ôm ấp, cầm tay, ăn uống chung… mà không cần lo lắng.
Là bệnh không lây nhưng trong gia đình lại có nhiều người cùng mắc bệnh. Điều này được lý giải bởi yếu tố di truyền.
Mặc dù không phải là bệnh lạ hiếm gặp song cho đến nay người ta vẫn chưa hiểu rõ về nguyên nhân gây bệnh vảy nến. Các nhà khoa học cho rằng đây là một rối loạn miễn dịch có liên quan đến yếu tố di truyền đa gen. Có khoảng 30-50% các bệnh nhân có người thân trong gia đình mắc bệnh. Những người có sự mất cân bằng một số gen HLA có nguy cơ cao mắc bệnh vảy nến (HLA – Cw6, HLA – B13, HLA – B17…)
Những người mang gen chưa chắc đã mắc bệnh tuy nhiên nếu bị các yếu tố nguy cơ tác động thì có thể khởi phát bệnh vảy nến. Một số yếu tố là tác nhân gây khởi phát các đợt tiến triển như stress, nhiễm khuẩn, chấn thương, rối loạn nội tiết, một số thuốc điều trị… dẫn đến tình trạng tăng sản tế bào biểu bì sinh ra vảy nến.
Những người chưa bao giờ thấy bệnh vảy nến trước đó thường cho rằng đây là bệnh truyền nhiễm, khi gãi các vảy da tróc ra cũng sẽ khiến bệnh lây lan sang các vùng da khác hoặc lây sang người khác.
Việc diện tích da bị tổn thương lan rộng là do hệ thống miễn dịch gây ra bệnh vảy nến đang trở nên tồi tệ hơn hay nói cách đơn giản là bệnh đang nặng lên chứ không phải một sự lây lan.
Tùy vào thể bệnh vảy nến mà người bệnh có thể bị tổn thương da nhiều vùng trên cơ thể như khuỷu tay, da đầu, đầu gối… Thậm chí dạng vảy nến ban đỏ lan rộng trên phần lớn cơ thể tạo ra các mảng đỏ tươi. Loại vảy nến này thường khá nguy hiểm đe dọa tính mạng.
Những yếu tố kích hoạt sự lan rộng của tổn thương thường liên quan đến việc điều trị như điều trị không tốt, không điều trị. Bên cạnh đó tình trạng này có thể gặp trong các trường hợp mắc các rối loạn miễn dịch khác, hút thuốc lá, chấn thương da…
Kết luận
Vảy nến là bệnh không lây nhưng có yếu tố di truyền và dễ bị các tác nhên bên ngoài cũng như trạng thái stress kích thích khởi phát đợt tiến triển. Người bệnh nên giữ tinh thần thoải mái, hạn chế các chấn thương ngoài da, tuân thủ phác đồ điều trị của bác sỹ để duy trì trạng thái ổn định của bệnh vảy nến tránh các biến chứng nguy hiểm.
BS Thanh Mai