Ung thư cổ tử cung là một trong các bệnh ung thư thường gặp ở phụ nữ. Bệnh có thể phát triển qua nhiều năm, phần lớn các ca bệnh được phát hiện vào độ tuổi 40 – 70. Tuy nhiên một số trường hợp ung thư cổ tử cung được phát hiện khá sớm ở tuổi 20. Với thế giới hiện nay ung thư vẫn là căn bệnh khiến các chuyên gia y tế đau đầu. Bên cạnh những căn bệnh ung thư nhờ tiến bộ của y học mà tỷ lệ sống sót của người bệnh được nâng cao rõ rệt thì vẫn còn nhiều bệnh ung thư vẫn chưa có phương pháp điều trị triệt để. Liệu ung thư cổ tử cung có nằm trong số đó? Hôm nay tôi muốn chia sẻ về cách mà các bác sỹ dự đoán tỷ lệ thành công trong điều trị ung thư cổ tử cung và trả lời câu hỏi “ung thư cổ tử cung chữa được không?”
1. Ung thư cổ tử cung là bệnh gì?
Ung thư cổ tử cung là bệnh lý ác tính của cổ tử cung. Bệnh bắt đầu từ sự biến đổi của một số tế bào thuộc lớp biểu mô gai phủ toàn bộ tử cung và lòng âm đạo. Sự biến đổi này ban đầu hoàn toàn lành tính bởi tác động của nhiều yếu tố trong đó có virus HPV. Sau đó các biến đổi này từ bề mặt ăn sâu dần xuống lớp đáy chuyển sang dạng tiền ung thư, ung thư tại chỗ và cuối cùng là ung thư thực sự.
Tỷ lệ mắc bệnh ung thư cổ tử cung khá cao ở các nước đang phát triển. Theo số liệu thống kê cập nhật trên bản đồ tỷ lệ mắc bệnh ung thư trên thế giới hiện Việt Nam đứng vị trí 110/183 với tỷ lệ mắc bệnh ung thư cổ tử cung là 6.42/100.000 dân. Một thống kê chi tiết được thực hiện vào năm 2012 cho thấy Việt Nam có khoảng 15.279 phụ nữ bị ung thư cổ tử cung.
2. Tiến triển của bệnh ung thư cổ tử cung và các giai đoạn
Ung thư cổ tử cung diễn biến âm thầm trong nhiều năm. Hầu hết các giai đoạn sớm của bệnh là sự thay đổi tiền ung thư của lớp da cổ tử cung.
Tiền ung thư là mức độ biến đổi nhẹ của các tế bào trước khi tiến tới ung thư thực sự. Nếu những thay đổi này được phát hiện kịp thời thì rất thuận lợi cho điều trị. Cũng tiện cho việc kiểm soát sự lan tràn của tế bào ung thư.
Xét về tiến triển thì thường chia ung thư cổ tử cung thành 2 giai đoạn lớn
2.1. Tiền ung thư bao gồm dị sản và ung thư tại chỗ
- Dị sản có thể nhẹ, trung bình hoặc nặng tùy vào sự thay đổi bất thường của lớp bề mặt cổ tử cung
- Ung thư tại chỗ khi những tế bào bất thường chiếm hết chiều dày lớp “da” cổ tử cung.
- Dị sản và ung thư tại chỗ không phải luôn dẫn tới ung thư xâm lấn. Nhưng nếu không được điều trị thì khả năng tiến triển thành ung thư thực sự và thường đợc phát hiện ợ độ tuổi 20 – 30.
2.2. Ung thư xâm lấn của cổ tử cung
- Các tế bào bất thường xâm lấn qua lớp sâu của bề mặt cổ tử cung để phá hủy cổ tử cung và các tổ chức bình thường xung quanh.
- Hậu quả là gây chảy máu nặng nề. Thậm chí có thể gây tắc đường dẫn nước tiểu
3. Phân loại chẩn đoán giai đoạn bệnh phục vụ điều trị và tiên lượng
Khi được chẩn đoán ung thư cổ tử cung các bác sỹ sẽ phân loại giai đoạn bệnh theo hệ thống FIGO.
Theo hệ thống FIGO ung thư cổ tử cung được chia thành 4 giai đoạn chính. Các giai đoạn bệnh này đều tập trung vào “T” – độ sâu và diện rộng của phân bố khối u mà ít quan tâm đến di căn hạch. Việc phân chia giai đoạn này giúp bác sỹ lựa chọn được phương pháp điều trị phù hợp cũng như tiên lượng được khả năng điều trị thành công.
Tiên lượng sau điều trị với từng giai đoạn ung thư cổ tử cung
- 100% phụ nữ được chữa khỏi khi tổn thương ở dạng vi thể – mức độ tổn thương chỉ quan sát được bằng kính hiển vi.
- 80-90% là tỷ lệ thành công sau điều trị của ung thư cổ tử cung giai đoạn 1.
- 75% các ca ung thư cổ tử cung giai đoạn 2 được điều trị khỏi.
- 30-40% là tỷ lệ tương ứng với ung thư cổ tử cung giai đoạn 3
- Chỉ có < 15% các ca ung thư cổ tử cung giai đoạn 4 được chữa khỏi
- Khi đã có ung thư cổ tử cung di căn thì khả năng sống sót qua 5 năm là vô cùng thấp.
Như vậy có thể mạnh dạn khẳng định rằng ung thư cổ tử cung có chữa được. Tỷ lệ điều trị khỏi ung thư cổ tử cung phát hiện sớm là rất cao tới 90%.
Vậy làm thế nào để có thể đạt được thành công trong điều trị ung thư cổ tử cung? Yếu tố thời điểm phát hiện bệnh chính là yếu tố quyết định. Nhận biết và phát hiện sớm ung thư cổ tử cung có ý nghĩa sống còn với người bệnh.
BS Thanh Mai – Hội Nội khoa Việt Nam