Nhồi máu cơ tim – Dấu hiệu, cách sơ cấp cứu tại chỗ

Nhồi máu cơ tim là bệnh lý cấp cứu nội khoa rất nặng và đe dọa tính mạng người bệnh. Các triệu chứng của cơn nhồi máu cơ tim rất đa dạng. Một số người có triệu chứng nhẹ. Những người khác có triệu chứng nghiêm trọng. Một số người không có triệu chứng.

1. Dấu hiệu nhồi máu cơ tim

  • Cơn đau ngực có thể có cảm giác như bị đè nén, căng cứng, đau, bị ép hoặc đau nhức
  • Đau ngực lan từ cánh tay trái đến cổ, hàm, răng, có thể xuyên ra sau lưng hoặc đôi khi là bụng trên
  • Đổ mồ hôi lạnh
  • Tim đập bất thường
  • Mệt mỏi, lo lắng
  • Ợ nóng hoặc khó tiêu
  • Chóng mặt hoặc hoa mắt đột ngột
  • Buồn nôn
  • Hụt hơi
  • Ho hoặc thở khò khè, khó thở

Phụ nữ có thể có các triệu chứng không điển hình như cảm thấy đau ngắn hoặc đau nhói ở cổ, cánh tay hoặc lưng. Đôi khi, dấu hiệu triệu chứng đầu tiên của cơn đau tim là ngừng tim đột ngột.

Một số cơn đau tim tấn công đột ngột. Nhưng nhiều người có các dấu hiệu và triệu chứng cảnh báo trước nhiều giờ, nhiều ngày hoặc nhiều tuần. Đau ngực hoặc tức ngực (đau thắt ngực) liên tục xảy ra và không thuyên giảm khi nghỉ ngơi có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm. Đau thắt ngực là do lưu lượng máu đến tim giảm tạm thời.

Trên thực tế cơn đau ngực được phân thành 2 loại là cơn đau thắt ngực ổn định và cơn đau thắt ngực không ổn định.

1.1 Cơn đau thắt ngực ổn định

Cơn đau ngực ổn định bản chất là hậu quả của tình trạng hẹp tắc cố định của 1 phần động mạch vành. Nguyên nhân là do các mảng xơ vữa động mạch làm hẹp lòng động mạch, lưu lượng máu cung cấp cho cơ tim bị giảm. Cơn đau ngực ổn định có thể xuất hiện sau hoạt động gắng sức hoặc bị xúc động mạnh (stress tâm lý). Rất nhiều người bệnh khi nghỉ ngơi, nhịp tim sẽ dần ổn định , chậm lại, động mạch vành lúc này đáp ứng được nhu cầu oxy của cơ tim giúp giảm dần triệu chứng đau ngực.

1.2. Cơn đau thắt ngực không ổn định

Cơ đau thắt ngực không ổn định xuất hiện khi có tình trạng giảm đột ngột dòng máu mạch vành cung cấp nuôi cơ tim. Đây là hậu quả của tình trạng nứt vỡ các mảng xơ vữa, chúng bị đẩy đi theo dòng máu và bít tắc đột ngột một phần hoặc toàn bộ lòng mạch. Cơn đau thắt ngực không ổn định có thể xảy ra vào bất cứ thời điểm nào thậm chí ngay cả khi người bệnh đang nghỉ ngơi hoặc đang ngủ. Mức độ đau thường dữ dội và kéo dài hơn so với cơn đau ngực ổn định. Các cơn đau xuất hiện tăng dần về tần suất và cường độ đau. Cơn đau thắt ngực không ổn định có nguy cơ tiến triển đến nhồi máu cơ tim và đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh

XEM THÊM : CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ BỆNH ĐỘNG MẠCH VÀNH

2. Xử trí và sơ cứu tại chỗ nhồi máu cơ tim

Thời gian vàng của cấp cứu nhồi máu cơ tim là 3 giờ kể từ khi dấu hiệu nhồi máu cơ tim bắt đầu.

2.1 Người bệnh nhồi máu cơ tim

Ngay khi phát hiện các triệu chứng bắt đầu của cơn nhồi máu cơ tim

  • Dừng công việc đang thực hiện, ngồi nghỉ ngơi tư thế nửa nằm nửa ngồi, đầu gối co và nằm nghiêng
  • Liên lạc với 115 và người thân
  • Cố gắng hít sâu thở đều từ từ để ổn định nhịp tim.
  • Nếu có tiền sử bệnh tim mạch thì có thể uống liều thuốc trị đau ngực theo hướng dẫn của bác sĩ. 
  • Nới lỏng quần áo, cà vạt, khăn quàng…

2.2 Người thân xung quanh

  • Người bệnh còn tỉnh táo: Liên hệ ngay 115. Cho người bệnh ngồi xuống hoặc nằm xuống nghỉ ngơi. Trấn an người bệnh, hướng dẫn người bệnh hít thở sâu. Hỗ trợ người bệnh uống thuốc trị đau ngực nếu có. Tuyệt đối không cho người bệnh ăn uống bất cứ thứ gì trừ khi được chỉ định bởi các nhân viên y tế. 
  • Người bệnh bất tỉnh: các kỹ thuật khó thực hiện nên liên lạc 115 để được tư vấn hỗ trợ ép tim ngoài lồng ngực, hô hấp nhân tạo…

3. Cách phòng tránh nhồi máu cơ tim

  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Bạn nên đi khám sức khỏe mỗi năm 1 lần để phát hiện các dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh tim như chỉ số huyết áp, lượng đường trong máu, mức cholesterol, bất thường mạch máu… Đặc biệt ở những người có tiền sử mắc các bệnh chuyển hóa hoặc gia đình có người mắc bệnh chuyển hóa, nhồi máu cơ tim. 
  • Bỏ hút thuốc: Bao gồm thuốc lá, thuốc lào, xì gà và kể cả thuốc lá điện tử. Đồng thời, tránh tiếp xúc với khói thuốc thụ động.
  • Tập thể dục thường xuyên: Hãy tập thể dục hoặc chơi thể thao ít nhất 30 phút mỗi ngày (cường độ vừa) hoặc tập luyện ít nhất 15 phút mỗi ngày (cường độ cao), ít nhất 5 ngày mỗi tuần.
  • Có chế độ ăn uống lành mạnh: Nhiều rau xanh, trái cây, củ quả, các loại hạt và ngũ cốc nguyên hạt. Hạn chế thực phẩm nhiều cholesterol, chất béo bão hòa, muối và đường bổ sung. Nên ăn nhiều cá béo vì chúng chứa omega-3 rất tốt cho tim mạch.
  • Duy trì cân nặng hợp lý: Nếu bạn bị thừa cân béo phì thì nên tăng cường tập luyện kết hợp với giảm ăn để giảm cân một cách lành mạnh.
  • Học cách quản lý căng thẳng: Lên lịch làm việc, sắp xếp công việc hợp lý, tránh tự tạo áp lực cho bản thân, tập hít thở, yoga hoặc thiền.
  • Kiểm soát các bệnh lý hiện có: Uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ và tái khám thường xuyên. Đặc biệt lưu ý với các bệnh nhân đang mắc tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa mỡ máu, béo phì…
  • Tham gia các khóa học sơ cấp cứu tại chỗ để nâng cao kiến thức sơ cứu.

Việc nhận biết sớm các dấu hiệu nhồi máu cơ tim và thực hiện các bước sơ cứu kịp thời có thể cứu sống người bệnh. Hãy luôn sẵn sàng và biết cách xử lý khi gặp phải tình huống này.

BS Uông Mai

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *