Phương pháp chẩn đoán bệnh thông qua “Vọng thần” trong “Vọng chẩn” của y học cổ truyền

 

– Vọng chẩn là một trong 4 phương pháp khám bệnh của y học cổ truyền. Trong Vọng chẩn, vọng thần được xét đến đầu tiên trong tổng số 8 vấn đề chính gồm vọng thần – sắc – hình thái – mũi – mắt – môi – da – lưỡi. Hãy cùng nhau tìm hiểu xem y học cổ truyền dùng vọng thần để chẩn đoán bệnh tình như thế nào.

1. “Thần” trong “Vọng chẩn” là gì?

Sự thịnh suy của “Thần” liên quan trực tiếp đến sự sống chết của một người. 

Sách “Hoàng đế Nội kinh Tố vấn” chương 13 – Di tinh biến khí luận có đoạn: “得神者昌,失神者亡”. Đại ý cái cốt yếu của sự trị bệnh là xét ở sắc và mạnh. Sau khi đã nhận rõ thế nào là thuận, thế nào là nghịch, thế nào là tiêu, thế nào là bản, rồi lại phải xét xem có “Thần” hay không. Nếu không có thần thời sẽ chết. Đó là cái cốt yếu của sự trị bệnh”

Sách “Nội kinh linh khu” có đoạn: “失神者死,得神者昌。神在人體中的重要性可見一斑”. Đại ý người mất “Thần” thì chết, người còn “Thần” thì sống. Tầm quan trọng của “Thần” với con người là điều hiển nhiên.

Thuật ngữ “Thần” trong y học cổ truyền bao hàm 2 ý nghĩa

  • Thần chí: là sự hoạt động tư duy, ý thức và tình chí (cảm xúc)
  • Thần khí: là biểu hiện bên ngoài của sự hoạt động các tạng phủ bên trong cơ thể. 

Như vậy “Thần” không chỉ đề cập đến các dấu hiệu bên ngoài về hoạt động chức năng của các mô cơ quan mà còn đề cập đến trạng thái hoạt động tinh thần, ý thức và cảm xúc.

Vọng thần chính là thông qua các biểu hiện này để đánh giá về sự thịnh suy của không chỉ các cơ quan bên trong cơ thể mà còn đánh giá cả các hoạt động tư duy, ý thức, cảm xúc. Vọng thần chính là một phương pháp để chẩn đoán bệnh tình.

2. Những biểu hiện của “Thần” thông qua “Vọng chẩn”

Y học cổ truyền lý luận “Hình – Thần hợp nhất”. “Thần” là biểu hiện chung của các hoạt động sống trong cơ thể. Vọng thần bao gồm quan sát mục quang, sắc trạch, thần tình và thể thái. Trong đó quan sát sự biến hóa của thần mắt (mục quang) là quan trọng nhất.

Hình – Thần có mối quan hệ mật thiết. Ví như thân thể khỏa mạnh thần sẽ tốt, thân thể suy nhược, thần sẽ mệt mỏi. Khi Hình – Thần không nhất quán, cần rất thận trọng lúc điều trị. Ví như bệnh tình lâu ngày, thân thể suy yếu, sắc không tươi nhuận nhưng thần còn tỉnh táo. Hay bệnh mới mắc nhưng hôn mê, tuy cơ thể vẫn còn đầy đặn nhưng đó lại chưa hẳn là dấu hiệu tốt.

2.1. Mục quang – thần mắt (ánh mắt)

Theo y học cổ truyền, mắt thông với não chịu sự chi phối của tâm thần vì vậy có câu “神藏于心,外候在目” – “thần tàng ở tâm, hiện lên ở mắt”.

Sách Linh khu nói: “五藏六府之精气皆上注于目而为之精” – tinh túy của ngũ tạng lục phủ đều tập trung về mắt.

Như vậy y học cổ truyền quan niệm việc vọng thần – quan sát mắt có thể đánh giá được sự mạnh – yếu của các cơ quan trong cơ thể.

Đề cập đến biểu hiện của mắt, chủ yếu được đánh giá bằng cách quan sát xem

  • mắt có sáng hay không,
  • nhãn cầu có linh hoạt hay không,
  • thị lực có rõ ràng hay không, v.v.

Bởi vì tinh túy của ngũ tạng lục phủ đều tập trung ở mắt, được kết nối với não và đóng vai trò là khiếu của gan, sứ giả của trái tim và là ngôi nhà của tinh thần (肝之窍,心之使,神之舍). Đôi mắt có thể phản ánh rõ nhất sự thịnh vượng và suy giảm chức năng của các cơ quan nội tạng.

Nếu mắt có nhiều ánh sáng, con ngươi cử động linh hoạt, tầm nhìn rõ ràng… thì đó là dấu hiệu của “còn Thần”, tinh khí của tạng phủ còn sung túc.

Nếu ánh mắt lờ đờ, con ngươi mắt cử động chậm chạp, nhìn không rõ thì tinh khí của tạng phủ đã bị suy yếu.

2.2. Sắc trạch

Mùa sắc trong vọng chẩn là màu sắc da của toàn thân lấy màu sắc da của vùng mặt làm chính. Thần vượng thì sắc tươi nhuận, thần suy thì sắc kém. Da có tươi nhuận hay khô hốc hác đều là tiêu chuẩn để đánh giá công năng hoạt động của tạng phủ. Sắc da lấy theo tiêu chuẩn màu da theo chủng tộc. Ví dụ người Việt Nam màu da thường vàng nhạt có sắc hồng rạng rỡ là người khỏe mạnh.

2.3 Thần tình

Tinh thần, ý thức, nét mặt đều phản ảnh trực tiếp tình trạng sức khỏe hiện tại.

Sức khỏe tốt thì thần trí minh mẫn, tư duy mạch lạc, phản ứng nhanh nhẹn, biểu cảm phong phú. Tâm thần suy yếu thì thần trí mơ màng, suy nghĩ lung tung, thờ ơ hoặc kích động…

2.4. Thể thái

Thể thái là tư thế, động thái của cơ thể. Cơ thể đầy đặn hay gầy gò. Động tác tự nhiên nhanh nhẹn hay vận động khó khăn, yếu liệt..

Ngoài các biểu hiện trên của Thần cũng cần phối hợp thêm với ngôn ngữ, tình trạng hô hấp, xem lưỡi, xem mạch… để đưa đến bức tranh toàn cảnh về tình trạng sức khỏe của một người qua đó có thể chẩn đoán sơ bộ chứng hậu từ đó có phương án điều trị phù hợp.

3. Phân loại “Thần” trong Vọng chẩn

Trên thức tế lâm sàng, sau khi quan sát – Vọng Thần, người thầy thuốc có thể tóm tắt sơ bộ các biểu hiện để phân loại mức độ nặng nhẹ của bệnh thông qua “Đắc thần, thiểu thần, thất thần, giả thần, loạn thần”.

3.1 Đắc thần

Đắc thần hay còn gọi là “có thần”. Biểu hiện: nét mặt tươi tỉnh, ý thức mạch lạc, giọng nói rõ ràng, cảm xúc phong phú, da sáng, sắc mặt vinh nhuận (tâm vượng); ánh mắt sáng, con ngươi linh hoạt, phản ứng nhạy bén, hoạt động chân tay linh hoạt (can thận đầy đủ), hơi thở sâu đều đặn (phế sung túc), cơ bắp săn chắc (tỳ vượng)…

Y học cổ truyền cho rằng người bệnh “đắc thần – còn thần”  thì chính khí và công năng tạng phủ trong cơ thể chưa bị tổn thương nhiều, tiên lượng bệnh tốt.

3.2. Thiểu thần

Thiểu thần hay thần khí bất túc trên lâm sàng biểu hiện ánh mắt đờ đẫn, người thiếu sức sống, nước da xỉn màu, suy nghĩ chậm chạp, lười biếng, cơ bắp nhẽo, cử động chậm chạp, giọng nói trầm, không muốn nói, mệt mỏi, yếu ớt.

3.3. Thất thần

Thất thần (thất thần ở bệnh nặng có thể đến mức vô thần) biểu hiện trên lâm sàng với nhiều biểu hiện tiêu cực. Tình trạng này có thể gặp ở những người bệnh tình nghiêm trọng hoặc bệnh lâu ngày, tiên lượng xấu.

  • Tinh khuy thần suy: Ánh mắt đờ đẫn, mắt mờ, sắc mặt thờ ơ không được tươi tắn, tinh thần mệt mỏi, ý thức mơ hồ, phản ứng chậm chạp, cơ nhục teo, gầy gò…
  • Tà thịnh thần loạn: hôn mê, nói mê, hành vi thất thường, hoặc đột ngột ngã xuống bất tỉnh, hai tay nắm chặt, hàm răng cắn chặt… Các biểu hiện này gợi ý tình trạng tà khí cang thịnh, nhiệt nhiễu thần minh, tà nhập tâm bào hoặc can phong giáp đàm… Các tình trạng này thường gặp ở bệnh nhân bệnh nặng cấp tính.

3.4. Giả thần

Giả thần hay hồi quang phản chiếu (tàn đăng phúc minh) là những trường hợp mắc bệnh nặng lâu ngày, cơ thể quá suy kiệt đến cực độ, đột nhiên lại có biểu hiện khá lên như tỉnh táo, đòi ăn uống. Đây chính là tình trạng giả thần xảy ra khi chính khí sắp mất.

  • Ánh mắt vốn u tối đột nhiên sáng lên
  • Da mặt vốn xám xịt đột nhiên có vẻ hồng hào, hai gò má đỏ bừng như trang điểm.
  • Thần trí vốn đã hôn mê hoặc tinh thần cực kỳ suy nhược, đột nhiên có vẻ tỉnh táo, muốn gặp người thân, nói chuyện không ngừng, nhưng tinh thần lại bồn chồn không yên.
  • Thân thể vốn nặng nề khó di chuyển, đột nhiên muốn dậy hoạt động, nhưng không thể tự mình di chuyển.
  • Vốn không có cảm giác thèm ăn, lâu ngày không ăn uống, đột nhiên muốn ăn và ăn rất nhiều.

Sự xuất hiện của giả thần là do tinh khí của các tạng phủ suy kiệt đến cực độ, chính khí sắp mất, âm không thu liễm dương, hư dương thoát ra ngoài, âm dương sắp phân ly. Trong cổ đại, hiện tượng này được ví như “hồi quang phản chiếu” hoặc “tàn đăng phúc minh”, thường là dấu hiệu của bệnh nhân nguy kịch trước khi qua đời. Cần phân biệt rõ giả thần và sự cải thiện của bệnh tình.

Triệu chứng “khá lên” đột ngột của giả thần không phù hợp với sự xấu đi của tình trạng bệnh tổng thể, và chỉ kéo dài trong thời gian ngắn, sau đó bệnh tình nhanh chóng xấu đi. Khi bệnh nặng được cải thiện, thần khí cải thiện dần dần và phù hợp với sự cải thiện của tình trạng tổng thể, như ăn uống tăng lên dần, da mặt dần trở nên hồng hào, chức năng cơ thể dần hồi phục.

3.5 Loạn thần

Thần loạn chỉ tình trạng rối loạn thần trí, thường biểu hiện lâm sàng bao gồm lo lắng sợ hãi, cuồng loạn không yên, thờ ơ đần độn và đột nhiên ngất xỉu, thường gặp ở các bệnh nhân mắc bệnh điên, cuồng, đần độn, động kinh và tạng táo.

Lo lắng sợ hãi:

Chỉ tình trạng bệnh nhân luôn luôn sợ hãi, lo lắng không yên, tim đập nhanh, thở dốc, không dám ở một mình trong phòng, thường thuộc chứng hư, thường gặp ở bệnh nhân mắc chứng tạng táo, thường do tâm đởm khí hư, tâm thần thất dưỡng.

Cuồng loạn không yên:

Chỉ tình trạng bệnh nhân cuồng loạn, hành động lộn xộn, nói nhảm, ít ngủ nhiều mơ, đánh người chửi mắng, không phân biệt thân sơ. Thường thuộc chứng dương, thường gặp ở bệnh cuồng, thường do giận dữ quá mức, khí uất hóa hỏa, chưng đốt tân dịch thành đàm, đàm hỏa nhiễu tâm.

Thờ ơ đần độn:

Chỉ tình trạng bệnh nhân biểu cảm thờ ơ, thần trí đần độn, lẩm bẩm tự nói, khóc cười vô thường, bi quan thất vọng. Thường thuộc chứng âm. Thường do ưu tư kết khí, tân dịch ngưng kết thành đàm, đàm trọc che lấp tâm thần, hoặc do bẩm sinh thiếu hụt.

Đột nhiên ngất xỉu:

Chỉ tình trạng bệnh nhân đột nhiên ngất xỉu, miệng phun nước dãi, hai mắt trợn ngược, tứ chi co giật. Sau khi tỉnh dậy thì bình thường. Thuộc bệnh động kinh, thường do khí tạng mất điều hòa, can phong hiệp đàm thượng nghịch, bế trở thanh khiếu.

Tình trạng Tà thịnh thần loạn và tình trạng loạn thần có ý nghĩa lâm sàng khác nhau. Những triệu chứng như hôn mê, nói mê, hành vi bất thường do tà khí thịnh vượng cũng thuộc loạn thần. Nhưng chủ yếu chỉ tình trạng hôn mê, thường xuất hiện ở giai đoạn nặng của các bệnh toàn thân. Loạn thần ở đây chủ yếu chỉ tình trạng rối loạn thần trí, thường tái phát nhiều lần. Khi thuyên giảm thường không có biểu hiện “loạn thần”, tình trạng bệnh không nhất thiết là nguy kịch. Triệu chứng loạn thần chủ yếu được sử dụng làm cơ sở chẩn đoán bệnh.

Trên đây là những biểu hiện cũng như phân loại “Thần” được các thầy thuốc y học cổ truyền sử dụng để chẩn đoán và tiên lượng tình trạng bệnh tình.

BS Uông Mai

P/s: Hình ảnh minh họa trong bài viết sử dụng được tạo ra bằng trí tuệ nhân tạo ChatGPT

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *