Ở nước ta trong khoảng hơn mười năm trở lại đây, An cung ngưu hoàng hoàn (ACNHH) không còn xa lạ gì đối với cả thầy thuốc và bệnh nhân trong lĩnh vực tai biến mạch máu não nói riêng và các bệnh não nói chung. Đằng sau việc sử dụng rộng rãi một cách không chính thống, hẳn vẫn còn không ít người mơ hồ về thực chất tác dụng dược lý cũng như độc tính của ACNHH. Bài viết này hy vọng giúp bạn đọc có thêm thông tin khoa học về ACNHH.
Tổng quan về An cung ngưu hoàng hoàn – TS Bùi Tiến Hưng
1. Nguồn gốc bài thuốc An cung ngưu hoàng
ACNHH đã được nhắc đến nhiều trong sách Ôn bệnh điều biện của Ngô Đường (1758 – 1836) đời Thanh – Trung Quốc. Cuốn sách quan trọng này thảo luận về biện chứng luận trị các bệnh sốt (“ôn bênh”) được soạn xong năm 1798. Tính đến nay ACNHH đã có lịch sử ít nhất 200 năm. Nguyên văn trong sách chép “Ôn bệnh thái âm… hôn mê nói sảng thì lấy Thanh cung thang để chữa, Ngưu hoàng hoàn… cũng được.”
Về thành phần dược liệu, trong sách cũng chép “Ngưu hoàng 1 lạng, uất kim 1 lạng, tê giác 1 lạng, hoàng liên 1 lạng, chu sa 1 lạng, mai phiến 2 đồng rưỡi, xạ hương 2 đồng rưỡi, chân châu 5 đồng, sơn chi 1 lạng, hùng hoàng 1 lạng, vàng quỳ làm áo, hoàng cầm 1 lạng. Những thứ trên nghiền bột thật nhỏ, luyện với mật già làm viên, mỗi viên một đồng cân, lấy vàng quỳ làm áo, bọc trong sáp.Mạch hư thì uống với Nhân sâm thang, mạch thực thì uống với Ngân hoa bạc hà thang, mỗi lần uống một viên. Kiêm chữa đờ người đột ngột hôn mê, năm chứng giản trúng tà bất tỉnh, người lớn trẻ em bị co quắp liệt người do nhiệt. Người lớn bệnh nặng thể thực ngày 2 lần, nặng có thể ngày 3 lần. Trẻ nhỏ uống ba lần nửa viên, không biết thì uống hai lần nửa viên”. Từ những năm 1990, thành phần sừng tê giác được thay bằng bột sừng trâu để bảo vệ loài động vật quý hiếm này.
Cách thức Ngô Đường biên soạn sách Ôn bệnh điều biện chú trọng vào phần lý luận và phương pháp chứ không câu nệ vào phương dược. Các bài thuốc đưa ra được giải thích thêm về cách lập phương và vai trò từng vị thuốc của bài thuốc trong phần Phương luận. Phần Phương luận của ACNHH như sau: “lấy hương thơm để xua tan bẩn đục mà lợi cho các khiếu, lạnh mặn để giữ thận thủy mà yên tâm thể, lạnh đắng khai thông hỏa phủ mà giải tỏa tâm dụng. Ngưu hoàng… khai thông thần của tâm chủ. Tê giác chủ trị trăm thứ độc, tà quỷ chướng khí. Chân châu… khai thông thần minh, cùng với Tê giác bổ thủy cứu hỏa. Uất kim có hương thơm của cỏ, Mai phiến có hương thơm của cây, Hùng hoàng có hương thơm của đá, Xạ hương có hương thơm của tinh huyết, hợp bốn loại hương thơm đó để dùng, khiến cho tà nhiệt ôn độc vốn bế tắc sâu ở trong khu vực quyết âm nhất loạt từ trong thấm ra, mà tà bẩn tự tiêu, thần minh có thể khôi phục. Hoàng liên giải tỏa tâm hỏa, Chi tử giải tỏa hỏa của tâm và tam tiêu, Hoàng cầm giải tỏa hỏa của đởm, phế, khiến cho tà hỏa theo các hương thơm mà nhất loạt tiêu tan. Chu sa bồi bổ tâm thể, giải tỏa tâm dụng, cùng với vàng quỳ làm giáng đờm mà giữ cho bền chắc…”.
Trong nhiều trước tác Đông y thế kỉ XIX và XX, ACNHH thường được nhắc đến cùng với Tử tuyết đan và Cục phương Chí bảo đan, gọi là Lương khai Tam bảo đan, tức là ba loại thuốc viên quý dùng đầu tay cho các trường hợp ôn bệnh nguy kịch, có “hôn mê, nói sảng”. Tác dụng của ACNHH thiên về thanh nhiệt giải độc nên thường được dùng cho những trường hợp nhiễm trùng. Cho đến cuối thập kỉ 1980, chỉ định chính của ACNHH vẫn là viêm não, viêm màng não với các biểu hiện sốt cao, rối loạn ý thức, rối loạn vận động. Đôi khi ACNHH còn được dùng cho những trường hợp hôn mê gan. Chỉ định dùng ACNHH cho tai biến mạch máu não được khẳng định dựa trên các quan sát lâm sàng từ đầu những năm 1990 với tỷ lệ hiệu quả được báo cáo từ 85% đến 100%.
2. Tác dụng dược lý của An cung ngưu hoàng hoàn
Nhiều báo cáo của các thầy thuốc trung Quốc nhận thấy ACNHH có hiệu quả cao trong điều trị tai biến mạch máu não cũng như một số bệnh não nhiễm trùng. Tuy vậy cho đến nay chưa hề có bất kỳ thử nghiệm lâm sàng đối chứng chặt chẽ nào về ACNHH để có thể đưa ra bằng chứng lâm sàng thuyết phục về tác dụng của ACNHH đối với những căn bệnh này. Ví dụ như theo bài đăng trên tạp chí Trung y Trung dược tháng 11/2007 của tác giả Lôi lợi Phong và Súy Gia Trung trình bày một nghiên cứu trên 48 trường hợp bệnh nhân xuất huyết não có tiền sử tăng huyết áp, trong đó có 23 trường hợp điều trị theo phác đồ chuẩn phổ biến hiện nay còn 25 trường hợp thì được dùng thêm ACNHH (1 viên/ngày trong 5 ngày, qua ống thông dạ dày) bên cạnh phác đồ chuẩn. Kết quả tỷ lệ điều trị có hiệu quả ở nhóm ACNHH là 80%, trong khi ở nhóm phác đồ chuẩn chỉ là 47,8%.
Từ đầu những năm 2000, nhiều thực nghiệm đã được tiến hành trên động vật để tìm hiểu cơ chế tác dụng của ACNHH trong một số bệnh lý như xuất huyết não, thiếu máu não… Gần đây nhất là một nghiên cứu công bố trên tạp chí Journal of Ethnopharmacology ngày 28/5/2014, theo đó ACNHH được sử dụng cho chuột thực nghiệm bị tắc động mạch não giữa với liều 0,125 và 0,25 g/kg/ngày thì đều làm giảm mức độ nặng triệu chứng thần kinh, giảm diện tích nhồi máu, giảm tổn thương tế bào và giảm chết tế bào theo chương trình khi so với các con chuột đối chứng. ACNHH làm đảo ngược được rối loạn bệnh lý do thiếu máu não gây ra, cụ thể là làm tăng biểu lộ Bcl-2 và giảm biểu lộ Bax và caspase-3 là những tác nhân điều hòa quá trình chết theo chương trình của tế bào. Mặc dù các tác giả nghiên cứu thực nghiệm này kết luận rằng ACNHH có tác dụng bảo vệ thần kinh và tác dụng này nhiều khả năng liên quan đến việc điều hòa quá trình chết theo chương trình của tế bào, đây cũng vẫn chỉ là nghiên cứu thực nghiệm trên chuột, và liều dùng ACNHH trên chuột vẫn hơi cao hơn so với liều dùng trên người. Viên ACNHH trên thị trường hiện nay thường được bào chế nặng 3g và sử dụng 1 viên mỗi ngày thì liều dùng trên người trung bình khoảng 0,05-0,06 g/kg/ngày sẽ thấp hơn rất nhiều so với liều thử nghiệm nêu trên.
3. Thành phần độc tính có trong An cung ngưu hoàng hoàn
Trong Đông y có nhiều vị thuốc có độc tính cần phải sử dụng thận trọng. Đã từ lâu những quan ngại về độc tính của ACNHH thúc đẩy nhiều nghiên cứu về lĩnh vực này. Trong thành phần nguyên thủy của ACNHH có chu sa (muối sulfua thủy ngân HgS) và hùng hoàng (muối sulua asen As4S4, As2S2), mỗi vị thuốc này chiếm 10% trọng lượng viên thuốc. Có thể tính toán thấy hàm lượng thủy ngân và Asen trong ACNHH là không hề nhỏ.
Trên tạp chí Experimental Biology and Medicine số 236 năm 2011, nhóm tác giả Trung Quốc và Mỹ đã công bố một nghiên cứu thực nghiệm trên chuột về độc tính trên thận của ACNHH. Khi so sánh chu sa, hùng hoàng và ACNHH (ở liều cao hơn tới 6 lần so với liều lâm sàng) với các muối thủy ngân khác là HgCl2 (1/10 chu sa), MeHg (1/100 chu sa) và các muối asen khác là NaAsO2 (1/100 hùng hoàng) hoặc Na2HAsO4 (1/50 hùng hoàng). Kết quả theo dõi chuột dùng chu sa, hùng hoàng và ACNHH cho thấy hầu như không có độc tính gì trên thận, thấp hơn rất nhiều khi so với các muối thủy ngân và asen khác dù chỉ sử dụng bằng một phần rất nhỏ so với chu sa, hùng hoàng và ACNHH. Lý giải về độc tính rất thấp trên thận của các thuốc này chính là ở độ hòa tan trong nước và hấp thu rất thấp của chu sa và hùng hoàng, khiến cho chỉ có rất ít kim loại tích lũy tại cơ quan đích. Những quy định điều chỉnh về độc chất hiện nay chỉ quan tâm đến tổng lượng thủy ngân và asen mà chưa chú ý đến đặc thù của từng loại hợp chất, trong đó có những hợp chất được sử dụng làm thuốc.
Về nguy cơ độc tính trên gan của thành phần thủy ngân trong ACNHH, trên tạp chí Regulatory Toxicology and Pharmacology số ra tháng 6/2011 đã trình bày một thực nghiệm đánh giá độc tính gan trên chuột dùng chu sa, ACNHH so với các muối thủy ngân MeHg và HgCl2. Kết quả là độc tính trên gan của chu sa và ACNHH hầu như không đáng kể, thấp hơn nhiều khi so sánh với các muối thủy ngân khác. Một lần nữa các tác giả lại nhấn mạnh việc sử dụng tổng hàm lượng thủy ngân để đánh giá độc tính của ACNHH nói riêng, các thuốc Đông y có chứa chu sa nói chung, có vẻ là không phù hợp.
4. Sử dụng An cung ngưu hoàng hoàn ở Việt Nam
ACNHH đã được sử dụng ở Việt Nam từ rất lâu. Trước kia ACNHH theo chân những thầy thuốc từ phương Bắc sang, nhưng chỉ được sử dụng trong những trường hợp bệnh nặng và gia đình khá giả bởi giá thành của thuốc khá đắt. Trong những năm gần đây khi giao thương mở rộng, đời sống kinh tế phát triển, việc mua một viên thuốc giá vài triệu đồng từ một khoảng cách vài nghìn km trở nên dễ dàng hơn thì ngày càng có nhiều người mua và tích trữ viên thuốc này như bùa hộ mệnh trong nhà. Người ta giữ thuốc trong nhiều năm, thế nhưng theo nhà thuốc Đồng Nhân Đường – Trung Quốc cơ sở sản xuất ACNHH khá nổi tiếng thì hạn sử dụng của ACNHH chỉ là 5 năm.
Có cầu tất có cung, nhiều cơ sở kinh doanh nhận thấy việc mua bán ACNHH là thị trường đầy tiềm năng nên hiện nay có rất nhiều loại ACNHH khác nhau xuất xứ từ các nước như An cung ngưu hoàng hoàn Đồng Nhân Đường, An cung ngưu hoàng hoàn Hàn Quốc, Triều Tiên… Cách trình bày rất đa dạng , từ hộp nhung xanh, nhung đỏ, hộp gỗ xanh, hộp thiếc vỏ đỏ. Có người còn quảng cáo cả loại ACNHH có sừng tê giác trong khi Dược điển 2010 của Trung Quốc quy định ACNHH sản xuất bằng sừng trâu. Giá cả mỗi loại cũng rất là “trên trời”, đắt rẻ, thực hư, giả thật lẫn lộn, ngay cả thầy thuốc cũng ít người phân biệt được rõ ràng. Ví dụ riêng loại hộp gỗ màu xanh có ít nhất 3 loại khác nhau, bề ngoài nhìn qua hoàn toàn giống nhau về màu sắc, kích thước, tem, kiều chữ, hạn sử dụng,… nhưng thực chất khác nhau rất nhiều về giá và chất lượng.
Một vấn đề nảy sinh khi trào lưu sử dụng ACNHH lan rộng, đó chính là việc tự ý dùng thuốc. Thầy thuốc Tây y ở các bệnh viện không có thông tin đầy đủ về ACNHH nên không thể tư vấn cho người bệnh. Vậy là người bệnh mầy mò, nghe những người khác rỉ tai, một đồn mười, mười đồn trăm, càng nghe đồn đại nhiều càng tin, và cứ thế sử dụng. Đã có không ít trường hợp người bệnh được đưa đến bệnh viện trong tình trạng hấp hối, đường thở đầy vụn ACNHH. Đó là những người bệnh bị đột quỵ mất khả năng tự nuốt, nhưng người thân cứ ấn ACNHH bắt nuốt. Những trường hợp này, nếu muốn uống thuốc cần nghiền nhỏ viên thuốc, hòa nước và cho uống qua ống thông dạ dày. Bên cạnh đó, việc quá tin tưởng vào ACNHH khiến cho nhiều người bị đột quỵ không chịu đi bệnh viện ngay, mà nằm nhà chờ tác dụng của viên thuốc đắt tiền này. Hậu quả là thời gian quý báu để có thể can thiệp giải quyết đột quỵ trôi qua, người bệnh có những tổn thương thần kinh không hồi phục, sống lệ thuộc và trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Quan điểm của BS Lương Quốc Chính – Cấp cứu A9 – Bạch Mai
Truyền thông đưa ra cảnh báo rầm rộ về tác hại chảy máu toàn thân do uống an cung ngưu hoàng hoàn để dự phòng hoặc điều trị đột quỵ có vẻ hơi quá, thậm chí định hướng sai nguyên nhân dẫn tới các hậu quả này. Điều này có thể không những không có tác dụng cảnh báo mà còn khiến cho người dân lúng túng trong việc dự phòng và xử trí sai các biến chứng chảy máu không đáng có.
Chảy máu toàn thân có thể do rất nhiều nguyên nhân khác nhau như các bệnh lý về máu và đông máu, các bệnh lý nhiễm trùng nặng hoặc do dùng thuốc chống đông quá liều.
Tuy nhiên, nói như trên không có nghĩa là bao biện cho tác dụng chống đông máu theo cơ chế chống ngưng tập tiểu cầu (antiplatelet aggregation) của an cung ngưu hoàng hoàn.
Hầu hết các thành phần chính (8 trong 11 thành phần) được liệt kê ở dưới có trong viên An cung ngưu hoàng hoàn đều có tác dụng:
- an thần (Bezoar, Rhinoceros horn, Radix scutellariae, Coptidis rhizome, Cape jasmine),
- chống co giật (Bezoar, Rhinoceros horn),
- hạ sốt (Bezoar, Rhinoceros horn, Radix scutellariae, Coptidis rhizome, Cape jasmine),
- chống viêm (Bezoar, Rhinoceros horn, Radix scutellariae, Coptidis rhizome, Cape jasmine),
- kháng virus (Bezoar, Rhinoceros horn), trợ tim (Bezoar, Rhinoceros horn)
- chống ngưng tập tiểu cầu (Bezoar, Rhinoceros horn, Musk) v.v…
– Bezoar: Ngưu hoàng (sỏi tự nhiên trong túi mật của trâu, bò)
– Rhinoceros horn: Sừng tê giác
– Radix scutellariae: Hoàng cầm
– Coptidis rhizome: Hoàng liên
– Cape jasmine: Chi tử (quả dành dành)
– Musk: Xạ hương (túi xạ trong hươu xạ, cầy hương, chuột hương)
– Borneol: Băng phiến hay còn gọi là long não
– Curcuma: Uất kim (nghệ vàng)
Như vậy điều chúng ta quan tâm ở đây là tác dụng chống ngưng tập tiểu cầu (antiplatelet aggregation) nhờ 3 thành phần Bezoar, Rhinoceros horn và Musk có trong viên thuốc. Đây có thể là lý do chính cho chỉ định dự phòng hoặc điều trị đột quỵ nhồi máu não của của viên an cung ngưu hoàng hoàn.
Đột quỵ có hai loại là đột quỵ nhồi máu não và đột quỵ chảy máu não với những biểu hiện triệu chứng khởi phát rất giống nhau. Ngay đối với các bác sĩ cũng rất khó phân biệt hai loại đột quỵ này nếu bệnh nhân chưa được chụp phim cắt lớp vi tính sọ não để chẩn đoán.
Khi xảy ra đột quỵ chảy máu não, bệnh nhân được sử dụng các thuốc chống đông, các thuốc chống ngưng tập tiểu cầu và ngay cả đối với viên an cung ngưu hoàng hoàn thì có thể dẫn tới hậu quả chảy máu não tiến triển, tình trạng người bệnh xấu đi nhanh chóng, hôn mê sâu hơn và có thể tử vong.
Ngay cả đối với các trường hợp đột quỵ nhồi máu não, nhất là nhồi máu não diện rộng do tắc các động mạch lớn, thì cũng có thể có biến chứng chảy máu não trong ổ nhồi máu não (chảy máu não chuyển dạng) do dùng các thuốc chống đông, các thuốc chống ngưng tập tiểu cầu và viên an cung ngưu hoàng hoàn.
Nên thận trọng khi kết luận chảy máu toàn thân do dùng viên thuốc an cung ngưu hoàng hoàn vì hệ lụy này có thể do rất nhiều nguyên nhân khác nhau mà có thể dự phòng được, đặc biệt là ở những người đang được điều trị lâu dài các bệnh lý khác bằng thuốc chống đông. Hơn nữa, có một vài bằng chứng có giá trị khoa học không cao lại cho thấy hiệu quả và mức độ an toàn của an cung ngưu hoàng hoàn trong đột quỵ chảy máu não (không rõ cơ chế).
Vì vậy, để đảm bảo an toàn, tránh những hệ lụy đáng tiếc như chảy máu não tiến triển, bỏ qua mất giờ vàng (chậm trễ tới bệnh viện) để dùng thuốc tiêu sợi huyết và/hoặc can thiệp nội mạch lấy huyết khối động mạch trong đột quỵ nhồi máu não, các biến chứng khác như sặc phổi… người dân không nên tự ý sử dụng viên thuốc an cung ngưu hoàng hoàn nhằm mục đích dự phòng hoặc điều trị đột quỵ khi không có chỉ định của bác sĩ.
(Theo thông tin từ Guo Y, Yan S, Xu L, et al. Use of angong niuhuang in treating central nervous system diseases and related research. Evidence-based complementary and alternative medicine : eCAM 2014; 2014: 346918. 2015/01/15. DOI: 10.1155/2014/346918.)
Ý kiến của GS.TS Trương Việt Bình – Nguyên giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam
Tại sao lại coi việc sử dụng An cung ngưu Hoàng hoàn như một thánh dược phòng và diều trị tai biến mạch não?
Có lẽ xuất phát từ tin dồn một vị cán bộ cao cấp bị tai biến mạch não đã đc TQ cho dùng An cung ngưu Hoàng hoàn và hồi phục. Và từ đó Đồng nhân đường TQ đã sản xuất An cung ngưu Hoàng hoàn để bán cho người VN, rồi Quảng Châu, Hàn Quốc cũng sản xuất nhái thuốc này để bán cho người VN mua để dành, để làm quà biếu sếp, ông bà cha mẹ khi sang du lịch hoặc công tác tại TQ. Và rồi thuốc thật giả tràn lan để bán cho gia đình có người bị đột quỵ.
Vậy bản chất của thuốc này là gì và chữa gì?
Bài thuốc gồm:
Ngưu Hoàng 100 g
Sừng trâu nước 200g
Xạ huong nhân tạo 25 g
Trân trâu 50 g
Chu sa 100 g
Hùng Hoàng 100 g
Hoàng Liên 100 g
Hoàng cầm 100 g
Chi tử 100 g
Uất kim 100g
Băng phiến 25 g
Mật ong luyện thành viên 3 g.
Nguồn gốc bài thuốc : Ngô Cúc Thông ( đời Thanh) tác giả của Ôn bệnh điều biện. (1736-1820)
Công dụng : thanh nhiệt , giải độc, trấn kinh, khai khiếu
Chủ trị : nhiệt nhập tâm bào. Sốt cao co giật hôn mê.
Chuyên trị ôn nhiệt bệnh. Là những bệnh mang tính nhiệt, truyền nhiễm.
Vậy đột quỵ do Vỡ mạch não ( xuất huyết não), nhồi máu não có thuộc phạm trù ôn bệnh không ?
Đột quỵ theo y học cổ truyền thường được mô tả trong các bệnh lý do trúng phong kinh lạc hoặc trúng phong tạng phủ gây hôn mê, liệt hoặc liệt, yếu nửa người không hôn mê . Nguyên nhân do phong tà kết hợp nội phong ( do can huyết hư, can dương thượng cang hoặc đàm thấp hoá hỏa).
Trường hợp hôn mê co giật sốt cao, liệt cần điều trị an cung ơ các trường hợp viêm não, viêm màng não do vi rus hoặc vi khuẩn.
Chữa tai biến mạch não do trúng phong thì phải khu phong, thông lạc. Nếu hôn mê phải khai khiếu tỉnh thần kết hợp : nếu can huyết hư âm hư phải bổ can huyết, bổ âm( Tư âm tiềm dương), nếu khí trệ huyết ứ thì phải hoạt huyết thông lạc, nếu đàm thấp thì phải kiện tỷ trừ thấp hoá đàm. Nếu can thận âm hư thì phải kết hợp tư bổ can thận.
Như vậy về cơ chế đột quỵ ( nhồi máu não và chảy máu não ) do béo phì ( mỡ máu cao), xơ vữa mạch não, Can dương thượng cang thì dùng an cung ngưu Hoàng hoàn không có tác dụng. Chỉ có thể sử dụng trong trường hợp sốt cao co giật liên quan viêm não, viêm màng não. An cung không có tác dụng thông kinh hoạt lạc trong nhồi máu não hoặc cầm máu trong xuất huyết não.
Còn việc sử dụng An cung ngưu Hoàng hoàn phòng đột quỵ vô lý ở chỗ thuốc này là thuốc thanh nhiệt giải độc, chỉ làm tiêu nhiệt độc chứ không thể làm thành mạch mềm mại đỡ xơ vữa. Mặt khác thuốc có độc và lạnh sẽ làm hao tổn dương khí ở người cao tuổi vốn khí huyết đã hư suy nhiều. Các thuốc thanh nhiệt, lạnh đắng làm cho bệnh nhân đầy bụng, ăn ko tiêu và làm tổn hại dương khí của tỳ thận. Uống kéo dài sẽ làm mất công năng vận hoá của tỳ sẽ làm mất nguồn sinh hoá huyết, góp phần gây tai biến mạch não.
Còn dùng An Cung ngưu hoàng hoàn để chữa di chứng tai biến mạch máu não càng vô lý ở chỗ, khi bệnh nhân bị bán thân bất toại đa phần thuộc chứng hư. Nửa người bên liệt thường lạnh vì khí huyết không lưu thông, cơ nhục teo nhẽo, vô lực. Khi dùng các vị thuốc Đắng lạnh thanh nhiệt thì càng làm cho bệnh nặng lên khó hồi phục.
Khi TS Nguyễn Quốc Triệu làm Bộ trưởng Bộ y tế. Tôi có đi tháp tùng Bộ trưởng sang thăm và làm việc với Cục trung y trung dược TQ. Có đi thăm các bệnh viện y học cổ truyền và bệnh viện Tây y ở Bắc Kinh, Thiên Tân, Thành Đô. Khi tới khoa điều trị đột quỵ, TS Triệu có hỏi bác sỹ và bệnh nhân xem có dùng An cung ngưu Hoàng hoàn điều trị tai biến mạch não không thì tất cả bác sỹ trung y cũng như Tây y đều nói không và bệnh nhân không biết An cung ngưu hoàng hoàn điều trị đột quỵ như Việt Nam tuyên truyền.
Như vậy nhiều người chúng ta vì nghe đồn thổi mà mua thuốc để dùng và dự trữ. nhiều bác sỹ vì lợi nhuận buôn bán đã thổi phồng tác dụng của thuốc này và vô tình là nguồn tiêu thụ thuốc cho một số công ty chỉ sản xuất cho người Việt chúng ta vì nhu cầu xuất phát từ tin đồn mà ko cần biết tác dụng thực sự của thuốc.
Để phòng đột quỵ theo y học cổ truyền phải tránh béo phì, đái đường, rối loạn chuyển hoá
từ lúc còn trẻ, vận dộng ăn uống hợp lý nhằm tránh đàm thấp ư đọng tại các kinh mạch, phủ tạng chống vữa xơ động mạch, có đời sống tinh thần tốt,lạc quan, giảm những cảm xúc âm tính, thái quá phòng biến động Huyểt áp…. giữ can huyết can khí can dương luôn ở mức cân bằng tránh thiên thắng.
Điều trị đột quỵ hiện nay có những tiến bộ khoa học y học như nội soi lòng mạch hút cục máu đông, bơm chất hàn chỗ vỡ… tốt trong nhiều trường hợp đột quỵ nếu can thiệp tim mạch kịp thời. Đồng thời kết hợp YHCT để khu phong, thông lạc, ổn định và điều trị các rối loạn thực vật do quá trình xuất huyết não hoặc nhồi máu não gây ra… điều trị đột quỵ kết hợp YHCT và Tây y rất tốt nếu kết hợp sớm và ngay khi đột quỵ. Thời tôi làm trưởng khoa lão bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương vào những năm 1995-1999, bệnh nhân đột quỵ, thậm chí hôn mê được điêu trị kết hợp YHCT và YHHĐ ngay thì khoảng 70% bệnh nhân sau 3 tuần đã dậy được và tập vận động rồi.
Đặc điểm điều trị di chứng tai biến mạch não nhiều thầy thuốc hay sử dụng tả pháp, hoặc dùng châm cứu cường độ kích thích mạnh và lâu làm thoát khí của bệnh nhân và làm cho việc hồi phục kéo dài.
Có điều kiện thì dùng thuốc nam hàng quý để giải độc trừ đàm thấp thông kinh mạch.
GS Nguyễn Văn Thông nói về khả năng dự phòng đột quỵ của An cung ngưu hoàng hoàn
GS Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam cho biết, ông đã từng trực tiếp sang Trung Quốc từ 10 năm trước, đến các bệnh viện cũng như cơ sở Đồng Nhân Đường nhưng tuyệt nhiên không thấy nơi nào sử dụng an cung ngưu hoàng hoàn để phòng đột quỵ.
GS chia sẻ, trực tiếp đến “quê hương” của an cung ngưu hoàng hoàn mới thấy đây là sản phẩm siêu lợi nhuận, các viên thuốc chỉ có giá 100-150 tệ (350 – 500 nghìn đồng) nhưng về Việt Nam bán đội giá lên tới 1-2,5 triệu đồng.
“Thành phần sừng tê giác trong an cung không có tác dụng ngừa đột quỵ. Trong viên thuốc cũng chứa thạch tín, thủy ngân, vì vậy bệnh nhân không nên dùng, đặc biệt chống chỉ định với những bệnh nhân đột quỵ chảy máu não”, GS Thông nhấn mạnh.
GS Thông cũng khuyên người tiêu dùng nên tỉnh táo trước lời quảng cáo thổi phồng về tác dụng ngừa đột quỵ.
“Thuốc bất kỳ nào khi vào cơ thể, tác dụng dược lý cũng chỉ có trong vài giờ, sau đó được bài tiết, làm sao có tác dụng dự phòng thời gian dài được. Nếu muốn thuốc tồn tại trong vòng 7 ngày thì cần phải được chế tạo bằng công nghệ cao hoặc viên thuốc phải được bao bọc bằng chất liệu đặc biệt để có thể giữ lại trong dạ dày”, GS Thông chia sẻ.
Trong quá trình điều trị, GS Thông cho biết ông đã gặp rất nhiều bệnh nhân đột quỵ nôn dịch màu xanh, là đặc trưng của người bệnh dùng an cung, tuy nhiên khi hỏi, gia đình nào cũng chối.
BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới TƯ cho biết, đột quỵ (tai biến mạch máu não) gồm thể chảy máu não (xuất huyết não), nhồi máu não (thiếu máu não, chiếm 85%).
Theo đó, an cung ngưu hoàng hoàn chỉ có tác dụng nhỏ với các trường hợp bị tai biến thiếu máu não, khi đó có thể giúp giảm đông máu, tuy nhiên bệnh nhân vẫn có nguy cơ chảy máu trong vùng nhồi máu.
Ngược lại, nếu bị xuất huyết não, uống an ngưu hoàng hoàn càng nguy hiểm vì gia tăng chảy máu do máu không thể đông lại.
Trong khi đó, để xác định tai biến thiếu máu não hay xuất huyết não, các bác sĩ phải chụp chiếu, xét nghiệm. Do đó người dân không nên tuỳ tiện dùng thuốc.
Trong các tài liệu đông y của Trung Quốc, an cung ngưu hoàng hoàn cũng chỉ có tác dụng thanh nhiệt, giải độc trị sốt cao, co giật, khu đờm, các triệu chứng của nhiệt nhập tâm bào, nói sảng, lưỡi đỏ, trẻ em sốt cao, co giật.
Thuốc nào cũng có hai mặt của nó, kể cả thuốc Đông y có hàng trăm năm lịch sử. Việc sử dụng thuốc đúng chỉ định và có sự theo dõi thích hợp của người thầy thuốc sẽ phát huy được mặt ưu điểm của thuốc và hạn chế được các tác dụng không mong muốn. Hy vọng những thông tin trên đây sẽ giúp bạn đọc có thêm hiểu biết để chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân mình và gia đình.
Trên đây là tổng hợp các ý kiến chuyên gia đầu ngành về các vấn đề xoay quanh việc sử dụng An cung ngưu hoàng hoàn.
- TS Bùi Tiến Hưng – Giảng viên bộ môn Y học cổ truyền – Đại học Y Hà Nội
- TS Lương Quốc Chính – Khoa cấp cứu A9 – Bệnh viện Bạch Mai
- GS.TS Trương Việt Bình – Phó Chủ tịch Trung y Thế giới, Nguyên GĐ Học viện y dược học cổ truyền Việt Nam
- GS Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam
Người tổng hợp: BS Thanh Mai