Kho tàng y học cổ truyền đã để lại cho nhân loại vô vàn các phương thuốc có giá trị bất tử theo thời gian. Bát vị hoàn (Quế phụ địa hoàng thang, bát vị, bát vị địa hoàng, bát vị quế phụ, bát vị địa hoàng hoàn) là phương thuốc kinh điển do Thánh y Trọng Cảnh lập nên từ gần 2000 năm trước. Đến nay Bát vị hoàn vẫn được sử dụng rộng rãi trong nhiều chứng bệnh trong đó có suy thận, tiểu đường, hiếm muộn, yếu sinh lý…
Lịch sử bài Bát vị hoàn
Nội kinh, Nan kinh, Thương hàn luận và Kim quỹ yếu lược là 4 bộ sách kinh điển của nền y học cổ truyền phương Đông, đây cũng là kim chỉ nam cho nhiều trường phái lý luận đông y nói chung.
Thánh y Trương Trọng Cảnh (150-219) với bộ sách Thương hàn luận và Kim quỹ yếu lược trở thành thầy thuốc nổi tiếng bậc nhất trong nền y học cổ đại Trung Hoa.
Trong cuốn Kim quỹ yếu lược có ghi chép phương thuốc Kim quỹ Thận khí hoàn (Bát vị thận khí hoàn) được coi là bài thuốc tiền đề cho 2 bài thuốc nổi tiếng bậc nhất của y học cổ truyền đó là bài Lục vị địa hoàng hoàn của danh y Tiền Ất và bài Quế phụ địa hoàng thang (Bát vị hoàn) được ghi lại trong cuốn Y tông kim giám của Ngô Khiêm.
Ngô Khiêm, tự Lục Cát, người tỉnh An Huy, Trung Quốc. Theo các ghi chép lịch sử, Ngô Khiêm sống vào thời nhà Thanh, quãng niên hiệu Ung Chính, Càn Long (1723-1795). Ông làm đến chức Viên phán Thái y viện phục vụ Vua và tam cung lục viện. Đến tháng 11 năm Càn Long thứ 4 (1789), tuân theo ý chỉ của Vua, Ngô Khiêm cùng với Lưu Dụ Phong tập hợp rất nhiều tài liệu về phương thuốc bí truyền, sách thuốc quý trong khắp thiên hạ. Việc biên soạn cuốn sách kéo dài gần 3 năm đến cuối năm 1742. Vua Càn Long đặt tên sách là “Y tông kim giám” và dùng làm giáo tài của Thái y viện.
Bài thuốc Bát vị hoàn đực ghi chép ở quyển 40, mục “Hư lao trị pháp” với tên gọi Quế phụ địa hoàng thang (桂附地黄汤). So với bài Kim quỹ thận khí hoàn của Thánh y Trọng Cạnh thì bài thuốc này có 2 sự thay đổi về thành phần Sinh địa -> Thục địa, Quế chi -> Nhục quế từ đó nâng cao tác dụng lưỡng bổ âm dương, nhưng thiên về bổ thận dương, mệnh môn hỏa.
Ở Việt Nam, danh y Hải Thượng Lãn Ông với học thuyết thủy hỏa rất đề cao và coi trọng bài thuốc Bát vị hoàn và Lục vị hoàn. trong cuốn Hải thượng Y tông tâm lĩnh có ghi: “Phàm mệnh môn hỏa suy, tướng hỏa không đủ sinh được thổ, đến nỗi tỳ vị hư hàn, hư yếu, khí kém, không thiết ăn uống, đại tiện không rắn, rốn bụng quặn đau, đêm đi đái nhiều, hoặc mạch hư nhược, âm thịnh cách dương, trong thực hàn ngoài giả nhiệt thì dùng bài thuốc này. Uống bài Bát vị lâu ngày khiến cho người ta béo khỏe mà nhiều con. Đây là bài thuốc hay nhất để bảo toàn sinh mạng.”
Công dụng của bài thuốc
Ôn bổ thận dương, mệnh môn hỏa suy
Thành phần bài thuốc
Bài thuốc gồm 8 vị thuốc
- Thục địa hoàng (8 phần): tính ôn vị cam, bổ huyết, dưỡng can, tư thận, ích tinh, trấn tủy. Dùng trong điều trị can thận âm hư, đau lưng gối, cốt chưng triều nhiệt, đạo hãn (ra mồ hôi trộm), di tinh, tiêu khát (tiểu đường), thiếu máu, hồi hộp trống ngực, kinh nguyệt không đều, băng lậu, huyễn vựng, ù tai, tóc bạc sớm…
- Sơn dược/hoài sơn (4 phần): vị ngọt tính bình, bổ phế, kiện tỳ, ích thận. Thường được dùng trong các bài thuốc chữa bệnh đường tiêu hóa, hô hấp. Cũng được dùng trong các bài thuốc chữa các vấn đề thuộc sản – phụ – nam khoa.
- Sơn thù du (4 phần): Trong y học cổ truyền, Sơn thù du có vị chua tính ôn sáp, bổ thận ôn can, cố tinh bí khí (khí bế tàng), cường âm trợ dương, an ngũ tạng, thông cửu khiếu, súc tiểu tiện. Thường xuất hiện trong các bài thuốc bổ can thận, chữa dau lưng, mỏi gối, tiểu tiện nhiều lần, tiểu đêm, vàng mắt, ù tai, điếc tai, ra mồ hôi, di tinh, đa kinh, rong kinh…
- Trạch tả (3 phần): Trong y học cổ truyền, Trạch tả có vị ngọt mặn, tính lạnh có tác dụng lợi thủy thẩm thấp, thanh nhiệt tả hỏa. Trạch tả thường được sử dụng trong các bài thuốc chữa nhiễm trùng đường tiết niệu (tiểu buốt, tiểu dắt, tiểu khó, tiểu máu…); phù; thấp nhiệt ở can gây hoa mắt chóng mặt; thấp nhiệt đại trường gây chứng tiêu chảy, tả lỵ; tiết tinh, hoạt tinh ở nam giới …
- Đan bì (3 phần): Trong y học cổ truyền, Đan bì được dùng phổ biến trong điều trị các bệnh tim mạch, huyết hư, huyết ứ, và các bệnh sinh dục nữ
- Bạch linh (3 phần): Theo y học cổ truyền, Bạch phục linh có tác dụng lợi niệu thẩm thấp, kiện tỳ, an thần. Thường được dùng trong các bài thuốc điều trị các bệnh như nhiễm trùng đường tiết niệu, tỳ vị hư nhược gây tiêu chảy, mất ngủ, hay quên…
- Nhục quế (1 phần): Theo y học cổ truyền, Nhục quế có vị thơm, cay, ngọt, đại nhiệt, thuần dương, bổ thận dương mệnh môn hỏa, thông huyết mạch. Chuyên trị các chứng trầm hàn cố lãnh, khử doanh vệ phong hàn, biểu hư tự hãn, khái nghịch (ho, hen suyễn), đau bụng lạnh bụng, tay chân lạnh, bế kinh, lưng gối đau lạnh, rối loạn tiểu tiện…
- Phụ tử chế (1 phần): Theo y học cổ truyền, Phụ tử chế có tác dụng hồi dương cứu nghịch, bổ mệnh môn hỏa, tán hàn trừ thấp. Phụ tử chế chuyên trị các chứng
Vong dương (ra nhiều mồ hôi lạnh, chân tay lạnh, sắc mặt trắng xanh, thở nhỏ, yếu, đại tiện lỏng…),
Thận dương suy kém, chân tay lạnh, ớn lạnh, liệt dương, và đi tiểu nhiều. Tỳ vị hư nhược, đau bụng, phân lỏng,
Đau xương khớp do phong, hàn, thấp
Tiêu chuẩn lựa chọn vị thuốc
- Thục địa được chọn lọc từ những củ sinh địa to béo, đạt chất lượng. Trải qua phương pháp cửu chưng cửu sái cổ truyền để tạo ra thục địa đạt tiêu chuẩn màu đen, bóng, khô mà dẻo, sờ không bị dính tay, thái không bị ra nước, ăn có vị ngọt.
- Sơn dược có rất nhiều loại và được trồng phổ biến ở các vùng Hà Bắc, Đông Bắc, Sơn Đông, Hà Nam, Giang Tô, Chiết Giang… Tuy nhiên Sơn dược trồng ở đất Hoài Khánh thuộc tây bắc tỉnh Hà Nam là loại tốt nhất được gọi là Hoài sơn. Sở dĩ Sơn dược đất Hoài Khánh tốt là vì khí hậu Hoài Khánh mùa xuân không quá khô, mùa hạ không quá nóng, mùa thu không bị ngập úng, mùa đông không quá lạnh.
Sơn thù được lựa chọn cẩn thận. Các quả sơn thù có thịt dày, ít hạt và được loại bỏ hoàn toàn phần hạt. Sơn thù có tác dụng thu liễm nhưng hạt Sơn thù lại gây chứng hoạt tinh, tiết tinh ở nam giới vì vậy trong quá trình bào chế việc loại bỏ hạt Sơn thù du là đặc biệt quan trọng. Sơn thù dùng trong Bát vị hoàn đã được bào chế cùng với rượu theo phương pháp truyền thống để làm tăng tính ôn ấm cũng như công dụng của Sơn thù.
Trạch tả chọn những củ to, tròn, chắc, ruột màu trắng hoặc hơi vàng, hơi xốp, được thu hoạch trước khi cây ra hoa. Trạch tả sau khi qua giai đoạn tuyển chọn kĩ lưỡng, sơ chế sẽ tiếp tục được bào chế với muối theo phương pháp cổ truyền nhằm hỗ trợ dược tính, nâng cao hiệu quả của việc dẫn thuốc vào thận.
Đan bì được lựa chọn là vỏ rễ cây mẫu đơn trồng ở vùng An Huy – Trung Quốc. Có vỏ ngoài màu nâu vàng, ruột màu trắng hơi hồng, bột mịn, mặt cắt mịn và tương đối phẳng. Đan bì của An Huy là loại Đan bì tốt nhất trên thị trường. Các cây mẫu đơn được lựa chọn đều trên 4 năm tuổi.
Chọn những cây nấm Phục linh to, vỏ xám đen sần sùi, phần thịt màu trắng, rắn chắc. Bỏ phần vỏ, lấy thịt, sơ chế sau đó bào chế với sữa theo đúng phương pháp cổ truyền để tăng tác dụng kiện tỳ trợ giúp cho Hoài sơn.
Nhục quế được lựa chọn từ loại Ngọc Quế trên 5 năm tuổi của Quảng Tây. Phần lấy vỏ nằm ở gần sát phần gốc, vỏ dày.
Phụ tử chế là loại hắc phụ tử đã qua bào chế theo phương pháp cổ truyền.
Phân tích bài thuốc
Nhục quế tân ôn đại nhiệt, Phụ tử chế tân đại nhiệt, đều có tác dụng bổ hỏa trợ dương. Hai vị khi dùng chung giúp gia tăng tác dụng bổ hỏa. Tiết Lập Trai từng nói : “chỉ có Quế Phụ trong bài Bát vị hoàn mới có tác dụng bổ thận, ở các bài khác thì làm cho tuyên thông”. (Quân dược)
Thục địa cam ôn tư thận âm, trấn tinh ích tủy. Sơn thù du chế rượu cam ôn bổ can thận, thu liễm cố sáp. Hoài sơn cam bổ tính bình có tác dụng thu liễm, dưỡng âm ích khí, bổ tỳ phế thận, cố tinh súc niệu. Ba vị thuốc hợp dụng giúp bổ can tỳ thận, phối với Quế Phụ cứu dương, âm sinh dương trưởng. (Thần dược)
Bạch linh cam bổ đạm thấm, kiện tỳ thấm thấp. Trạch tả cam đạm thấm lợi tính hàn, tiết tả thấm thấp, tả tà hỏa. Đan bì tân tán khổ tiết vi hàn giúp thanh tả can hỏa. Ba vị thuốc thấm lợi tác dụng ngược với 3 vị Thần dược giúp bổ mà không trệ, không bị nhiệt táo. (Tá dược)
Sự phối ngũ giữa 8 vị thuốc tạo ra phương thuốc trong bổ có tả, ôn bổ thận dương làm chính trị chứng thận dương bất túc dẫn đến chân tay lạnh, phù thũng, tiểu tiện bất lợi hoặc tiểu nhiều lần, đàm ẩm suyễn khái, tiêu khát…
Ứng dụng lâm sàng:
Các nghiên cứu dược lý hiện đại cho thấy các vị thảo dược trong bài Bát vị hoàn có tác dụng
- Hạ đường huyết, hạ lipid máu, ngăn ngừa xơ vữa động mạch
- Tăng cường chức năng miễn dịch, loại bỏ gốc tự do hoạt động,
- Cải thiện nội tiết,
- Cải thiện chức năng thận,
- Cải thiện thị lực ở người bị đục thủy tinh thể
- Cải thiện vi tuần hoàn,
- Điều chỉnh chức năng của hệ thần kinh tự chủ,
- Trì hoãn lão hóa
- Thúc đẩy sản xuất testosterone trong tinh hoàn.
Trong những năm gần đây, Quế phụ địa hoàng hoàn đã được kiểm chứng lâm sàng và được nhiều bệnh viện, y gia Trung Quốc sử dụng để điều trị các bệnh về hệ sinh dục – tiết niệu, tăng huyết áp, đục thủy tinh thể, thở khò khè phế quản, cổ trướng, loãng xương, xơ gan kèm theo co thắt dạ dày, viêm khớp do gút, mày đay và các bệnh khác.
Trong đó, các bệnh về hệ sinh dục – tiết niệu bao gồm viêm thận mãn tính, viêm niệu đạo mãn tính, bí tiểu sau sinh, phì đại tuyến tiền liệt, người già tiểu không kiểm soát, đái dầm khó chữa, viêm âm đạo do tuổi già; vô sinh nam, nữ hóa tuyến vú, liệt dương; phụ nữ mắc bệnh, hàng loạt bệnh vô sinh tăng prolactin máu.
Ngoài ra, đối với người già bệnh khớp gối biến dạng, lao xương, đái tháo nhạt, hội chứng thận hư, viêm cầu thận, xuất huyết võng mạc, tăng nhãn áp, lao, co giật mí mắt, thiếu máu, mất ngủ, chảy nước miếng, sốt thấp kéo dài, tiêu chảy mãn tính, đau thần kinh tọa và các bệnh khác có tác dụng nhất định.
Chỉ định
- Đau lưng mỏi gối, chân tay lạnh, lưng lạnh, tiêu chảy do thận hư
- Tiểu đêm, tiểu nhiều lần, tiểu khó, són tiểu
- Phù thũng
- Ho lâu ngày, nhiều đờm. Viêm phế quản mạn tính, hen phế quản mạn tính…
- Nam di tinh, liệt dương
- Nữ rối loạn kinh nguyệt, khí hư nhiều, tử cung lạnh, hiếm muộn, vô sinh.
- Tiểu đường, rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp
- Tăng cường miễn dịch
Dẫn dược – thang tống thuốc Bát vị
Để tăng một phần tác dụng điều trị nào đó của bài thuốc Bát vị hoàn, hoặc các tinh trạng cấp không thể dây dưa, các thầy thuốc xưa thường sử dụng một số bài thuốc khác dạng thang sắc để uống viên thuốc Bát vị như:
- Nước muối loãng: tăng tác dụng giáng hoả.
- Nước cơm sôi: tăng khả năng sinh tinh đồng thời bổ tỳ kiêm bổ thận.
- Nước đun sôi: giúp thuốc được tiêu hóa từ từ
- Rượu đun nóng: sức thuốc nhanh hơn, mạnh hơn để tránh hàn tà của mùa đông.
- Bổ trung ích khí thang: kiểm soát việc dẫn hỏa xuống dưới tránh thuốc chạy xuống thái quá. Có thể uống cùng hoặc uống Bổ trung ích khí thang buổi sáng, trưa uống Bát vị hoàn.
- Lý trung thang: Người tỳ vị hư hàn không dùng bát vị hoàn, nếu cần phải dùng thì dùng cùng Lý trung thang.
- Quy tỳ thang: bòi đắp hậu thiên kèm tiên thiên
- Sinh mạch thang: phế kim sinh thận thủy, làm mẹ con nuôi nhau.
- Nhân sâm trần mễ thang: Để sinh thêm dương khí, dẫn thuốc xuống tỳ thận.
Lưu ý khi sử dụng
Một số trường hợp cần thận trọng hoặc tránh dùng Bát vị hoàn
- Không dùng cho người mẫn cảm với các thành phần có trong sản phẩm.
- Cảm mạo
- Phụ nữ có thai và cho con bú, trẻ em
- Người mắc bệnh lý nền nặng.
Một số nghiên cứu của y học hiện đại về bài thuốc Quế phụ địa hoàng thang (bát vị hoàn, Hachimi-jio-gan) dưới các dạng bào chế khác nhau
- Trường Khoa học Dược phẩm, Đại học Y khoa Trung Quốc Chiết Giang năm 2021 công bố kết quả nghiên cứu bước đầu sử dụng Quế phụ địa hoàng hoàn (Bát vị hoàn) trong điều trị các bệnh đường hô hấp. Tăng tiết chất nhầy là một dấu hiệu của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) và có liên quan đến việc tăng sản xuất đờm và suy giảm chức năng phổi. Do đó, giảm tiết chất nhờn có thể là một cơ hội điều trị mới để ngăn ngừa COPD. Bát vị hoàn là một loại thuốc cổ điển của Trung Quốc và đã được sử dụng như một chất điều hòa miễn dịch để điều trị chứng thận dương hư, bao gồm suy giáp, suy giảm chức năng vỏ thượng thận, viêm phế quản mãn tính và COPD. Kết quả chứng minh rằng Bát vị hoàn cải thiện chức năng phổi và ngăn chặn tình trạng phù phổi và ức chế tăng tiết nhầy.
- Một nghiên cứu mới được các nhà khoa học tại Trường Y học Cổ truyền Trung Quốc, Đại học Y khoa Phương Nam công bố tháng 6 năm 2021 Quế phụ địa hoàng hoàn là một phương tễ Trung Quốc nổi tiếng với hoạt tính tăng cường sinh lực và được coi là cải thiện các triệu chứng của thận dương hư. Hệ vi sinh vật đường ruột cũng được cải thiện đáng kể. Phong phú hơn và nhiều vi khuẩn có lợi hơn.
- Tạp chí Công thức thực nghiệm Trung Quốc năm 2019 đăng tải công trình nghiên cứu của các chuyên gia về Quế phụ địa hoàng hoàn. Bài thuốc có thể cải thiện hiệu quả sức mạnh thể chất, tâm trạng. Giúp giảm đau thắt ngực và tăng cường chức năng tim mà không có phản ứng phụ nào ở bệnh nhân sau phẫu thuật can thiệp mạch vành qua da.
- Trường Y học Cổ truyền Trung Quốc, Đại học Tế Nam năm 2016 công bố kết quả nghiên cứu cho thấy Quế phụ địa hoàng hoàn cải thiện tình trạng dương hư bằng cách tăng nồng độ alanine, glutamine, alpha glucose, isoleucine, betaine và propylene glycol và thúc đẩy chuyển hóa năng lượng của cơ thể.
- Học viện Y học Cổ truyền Trung Quốc, Bắc Kinh năm 1994 công bố kết quả nghiên cứu Quế phụ địa hoàng hoàn có thể làm tăng albumin huyết thanh, giảm protein nước tiểu, nitơ urê huyết thanh và cholesterol toàn phần trong huyết thanh, đồng thời cải thiện các tổn thương mô học ở thận trong bệnh viêm thận cấp.
- Khoa Khoa học Dược phẩm, Đại học Meijo, Nagoya, Nhật Bản thực hiện 2 nghiên cứu trong 2 năm liên tiếp 1987, 1988 kết luận Bát vị hoàn có thể có hiệu quả dự phòng đối với bệnh đục thủy tinh thể nói chung và đục thủy tinh thể do tiểu đường.
- Trường Y Đại học Tokai, Kanagawa, Nhật Bản năm 2020 đã công bố nghiên cứu: Vô sinh do các phương pháp điều trị chống ung thư đã trở thành một mối quan tâm đáng kể, nhưng hiện nay có rất nhiều phương pháp điều trị hạn chế cho tình trạng này. Việc Hachimi-jio-gan (quế phụ địa hoàng) được sử dụng điều trị vô sinh nam đã được các bác sĩ ứng dụng trong điều trị vô sinh nam ở bệnh nhân điều trị ung thư đem lại kết quả khả quan.
- Đại học Y dược Toyama, Toyama, Nhật Bản năm 2004: Nghiên cứu này cho thấy Hachimi-jio-gan có thể là một phương pháp điều trị mới để cải thiện bệnh thận do tiểu đường.
- Khoa Thận, Bệnh viện Kantoh-Teishin, Tokyo, Nhật Bản năm 1996: Những dữ liệu này cho thấy chiết xuất Hachimi-jio-gan có tác dụng hạ huyết áp, có liên quan đến giải quyết một phần tổn thương thận trong tăng huyết áp.
- Các nhà nghiên cứu của Đài Bắc – Đài Loan năm 2016 nhận thấy bát vị địa hoàng hoàn và thành phần hoạt chất loganin của nó giúp cải thiện tình trạng bàng quang tăng hoạt.
- Đại học Y dược Toyama năm 2005: Đái tháo đường hiện nay là nguyên nhân phổ biến nhất của suy thận giai đoạn cuối. Điều trị lâu dài với Hachimi-jio-gan (bát vị hoàn) làm giảm tổn thương thận do tiểu đường.
- Nghiên cứu của Đại học Y dược Toyama năm 2005: Hachimi-jio-gan (quế phụ địa hoàng) đóng một vai trò bảo vệ trong sự tiến triển của suy thận mãn tính thông qua sự suy giảm các độc tố urê, nâng cao hoạt động của enzym chống oxy hóa như SOD và catalase, và cải thiện các tổn thương mô bệnh học ở thận.
BS Uông Mai