Viêm mũi dị ứng và những điều cần biết

Viêm mũi dị ứng là một trong những bệnh rất phổ biến hiện nay trong cuộc sống. Nó phổ biến bởi sự thay đổi của thời tiết, của không khí, của thói quen sinh hoạt hàng ngày… Bệnh không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nó gây rất nhiều sự phiền toái và bất tiện cho người mắc phải. Nếu không được chữa trị kịp thời, sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm phế quản mãn tính, viêm xoang mủ,…

Viêm mũi dị ứng là gì?

Viêm mũi dị ứng là tình trạng niêm mạc mũi bị viêm do tiếp xúc với các dị nguyên. Tỷ lệ mắc bệnh ở cộng đồng ước tính 6-15% dân số, gặp ở đủ mọi lứa tuổi, không phân biệt giới tính. Bệnh tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng xong lại gây khó chịu và bất tiện trong giao tiếp của người bệnh. Các triệu chứng của bệnh thường xuất hiện nhiều lần trong tháng, trong năm làm giảm khả năng lao động, giảm chất lượng cuộc sống và tốn kém trong điều trị. Bệnh liên quan nhiều đến yếu tố thời tiết, khí hậu, môi trường, cơ địa, tiền sử gia đình do vậy khó điều trị.

Nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng

  • Viêm mũi xoang dị ứng biểu hiện khi có dị nguyên xung đột với kháng thể
  • Dị nguyên thường gặp:
  • Bụi nhà, lông vũ, phấn hoa, nấm mốc, côn trùng, khói thuốc lá, các loại hóa chất, mỹ phẩm, sơn, vôi ve…
  • Thuốc: gây tê, gây mê, kháng sinh…
  • Thức ăn: tôm, cua, cá, sữa, đồ biển
  • Yếu tố môi trường khí hậu: thay đổi thời tiết, chuyển mùa, mưa bão
  • Các yếu tố nhiễm trùng: độc tố vi khuẩn, nấm do các nhiễm trùng mạn tĩnh ở mũi xoang, amidan, V.A, răng lợi…
  • Các yếu tố thuận lợi: dị hình mũi, vách ngăn như vẹo, gai, mào vách ngăn…
  • Cơ địa dị ứng và tiền sử gia đình.

Triệu chứng của viêm mũi dị ứng

Bệnh xuất hiện đột ngột, cơn dị ứng mũi điển hình – Hội chứng mũi dị ứng:

  • Ngứa mũi, mắt, họng hoặc cả vùng da cổ, da ống tai ngoài
  • Hắt hơi: cấp diễn, đột ngột, thành tràng 5-7 lần, kéo dài nhiều phút, thường xuyên tái phát.
  • Chảy nước mũi: trong, nhiều. Nếu bội nhiễm chảy mũi nhày đục.
  • Tắc ngạt mũi: cả 2 bên, do phù nề niêm mạc mũi.
  • Đau vùng mũi, xoang mặt và cả rối loạn vận mạch da vùng mặt
  • Nhức đầu, mệt mỏi, uể oải, giảm khả năng lao động chân tay và trí não.

Khám:

  • Trong cơn:
    • Dị ứng vùng mặt, ổ mắt: màng tiếp hợp đỏ, chảy nhiều nước mắt, ngứa mắt đi kèm với ngứa mũi và hắt hơi.
    • Trong mũi chảy nhiều dịch trong, niêm mạc mũi phù nề, nhợt nhạt phủ nhiều chất nhày, cuốn mũi dưới, giữa phù nề hoặc cương tụ.
  • Ngoài cơn hay giữa các cơn:
    • Niêm mạc có vẻ bình thường.
    • Sau nhiều đợt dị ứng niêm mạc bị biến đổi ànhợt màu hoặc thoái hóa niêm mạc khe giữa như gờ Kauffmann hoặc có polyp ở khe giữa thành chùm như “bong bóng cá”

Chẩn đoán

  • Tiền sử: cá nhân hoặc gia đình bị dị ứng
  • Cơn dị ứng xuất hiện, hoàn cảnh xuất hiện cơn dị ứng (có thể xác định được dị nguyên, nguyên nhân).
  • Tổn thương niêm mạc mũi xoang.
  • Chụp phim Blondeau, Hirtz: hình ảnh dày niêm mạc xoang hàm (hình ảnh cùi dừa), dày niêm mạc xoang sàng, có polyp trong xoang hàm (hình ảnh mặt trời mọc)…
  • Xét nghiệm: tăng bạch cầu ái toan, tăng IgE toàn phần và đặc hiệu, test nội bì tìm phản ứng với dị nguyên

Điều trị

  • Trong cơn dị ứng cấp tính:
    • Làm sạch, thông thoáng mũi với các thuốc co mạch dễ thở, sát trùng
    • Dự phòng viêm, bội nhiễm nếu có
    • Xông, khí dung các thuốc chống viêm
  • Điều trị cơ địa dị ứng: Điều chỉnh rối loạn chuyển hóa, rối loạn thần kinh vận mạch, thiếu hụt vitamin, hormon
  • Điều trị cơ chế dị ứng
    • Thuốc kháng histamine
    • Corticoid
  • Tác động vào quá trình tổng hợp kháng thể: giảm mẫn cảm đặc hiệu hay làm giảm tình trạng quá mẫn cảm dị ứng.
  • Tác động vào dị nguyên: loại bỏ dị nguyên
  • Điều trị ngoại khoa:
    • Khi xuất hiện polyp mũi cần cắt bỏ hoặc điều trị nội khoa bằng corticoid
    • Dị dạng vách ngăn (lệch, gai, mào) thì mổ chỉnh hình
    • Loại bỏ các ổ viêm thuộc vùng tai mũi họng như amidan, V.A

Biến chứng

  • Viêm mũi kéo dài, thường làm bội nhiễm vi trùng làm cho bệnh cảnh dị ứng phối hợp với viêm xoang mủ
  • Viêm phế quản mạn tính, giãn phế quản.

Phòng bệnh

  • Tránh tiếp xúc khi phát hiện các loại dị nguyên đặc hiệu
  • Đề phòng và điều trị sớm các cơn dị ứng cấp để tránh biến chứng
  • Vệ sinh sạch sẽ mũi họng, miệng
  • Đề phòng các yếu tố thuận lợi cho cơn dị ứng xuất hiện như thay đổi thời tiết…

BS Thanh Mai – Hội Nội khoa Việt Nam

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *