Viêm mũi dị ứng ở trẻ em từ A đến Z

Viêm mũi dị ứng là một trong những bệnh hô hấp phổ biến có thể gặp ở tất cả các đối tượng khác nhau. Bệnh thường không nguy hiểm đến tính mạng. Các triệu chứng viêm mũi dị ứng ở trẻ em nếu không được điều trị sớm có thể dẫn đến một số biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt của trẻ. 

1. Viêm mũi dị ứng ở trẻ em là gì?

Viêm mũi dị ứng ở trẻ em là phản ứng của cơ thể khi trẻ tiếp xúc với các dị nguyên. Đây là tình trạng cơ thể giải phóng Histamin. Histamin là chất trung gian được sản sinh khi cơ thể có tình trạng dị ứng. Histamin gây ngứa, sưng, viêm niêm mạc hốc mũi, tích tụ dịch mũi. Khi đó trẻ xuất hiện các triệu chứng như khó thở, chảy nước mũi, nghẹt mũi, hắt hơi,… Các triệu chứng này khiến trẻ khó chịu, dễ cáu gắt, bỏ ăn, quấy khóc nhiều hơn. Viêm mũi dị ứng có thể gặp ở tất các đối tượng tuy nhiên thường gặp hơn ở trẻ em. Có khoảng 75-80% trẻ dưới 6 tuổi đã từng mắc viêm mũi dị ứng.

Bệnh có thể xảy ra theo mùa như mùa lạnh, mùa hoa,… hoặc xảy ra quanh năm nếu gặp điều kiện thuận lợi. Viêm mũi dị ứng ở trẻ em có thể tự khỏi mà không cần sử dụng thuốc. Tuy nhiên bệnh có thể bị tại đi tái lại nhiều lần. Các thuốc được sử dụng hiện nay chủ yếu có tác dụng giảm các triệu chứng ở trẻ.

2. Tác nhân gây viêm mũi dị ứng ở trẻ em

Viêm mũi dị ứng ở trẻ em gây ra bởi rất nhiều tác nhân khác nhau. Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp:

  • Nguyên nhân bên ngoài: Các yếu tố gây dị ứng như bụi, nấm, lông chó, mèo, thời tiết thay đổi nước hoa,… Các yếu tố này khi xâm nhập vào mũi kích thích và gây viêm nhiễm niêm mạc mũi.
  • Nguyên nhân bên trong: Bản thân trẻ có cơ địa dị ứng hoặc có tiền sử mắc các bệnh đường hô hấp khác như viêm họng, viêm amidan, viêm xoang,… có nguy cơ mắc viêm mũi dị ứng cao hơn các trẻ khác.
  • Nguyên nhân khác: Tiền sử gia đình, cấu trúc mũi bất thường,… là một trong số các nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng ở trẻ.

3. Dấu hiệu viêm mũi dị ứng ở trẻ em

Hắt hơi, chảy nước mũi là dấu hiệu thường gặp khi trẻ mắc viêm mũi dị ứng
Hắt hơi, chảy nước mũi là dấu hiệu thường gặp khi trẻ mắc viêm mũi dị ứng

Các triệu chứng viêm mũi dị ứng ở trẻ em cũng tương tự như các đối tượng khác. Bố mẹ nên lưu ý đưa trẻ đi khám nếu có các dấu hiệu bất thường như:

  • Hắt hơi, chảy nước mũi, nghẹt mũi.
  • Trẻ có dấu hiệu khó thở, thở khò khè, đêm ngủ há miệng.
  • Ngứa ngáy, khó chịu vùng mũi. Một số trẻ có thể ngứa tai, mắt.
  • Dịch mũi của trẻ có màu trắng trong hoặc trắng đục.
  • Ngoài ra, trẻ có thể có một số dấu hiệu khác như đau họng, chảy máu cam,…

Các triệu chứng của viêm mũi dị ứng có thể khiến trẻ quấy khóc nhiều hơn, chán ăn, mệt mỏi. Vì vậy, bố mẹ cần lưu ý khi phát hiện sớm các dấu hiệu viêm mũi dị ứng ở trẻ để đưa bé đi khám và điều trị sớm. Tránh các ảnh hưởng về sức khỏe cũng như thể chất của trẻ.

4. Phương pháp chữa viêm mũi dị ứng ở trẻ em

Kết hợp thuốc và các mẹo dân gian làm giảm các triệu chứng viêm mũi dị ứng ở trẻ em
Kết hợp thuốc và các mẹo dân gian làm giảm các triệu chứng viêm mũi dị ứng ở trẻ em

Các phương pháp điều trị viêm mũi dị ứng ở trẻ em phụ thuộc vào nhiều yếu tố như độ tuổi, các triệu chứng gặp phải, cơ địa của trẻ. Hiện nay, có hai phương pháp thường dùng chữa viêm mũi dị ứng trẻ em bằng mẹo dân gian và bằng thuốc.

4.1 Chữa viêm mũi dị ứng ở trẻ em bằng mẹo dân gian

Các mẹo dân gian chữa viêm mũi dị ứng tại nhà đã được sử dụng từ lâu và cho hiệu quả rất tốt. Ưu điểm của phương pháp này là nguyên liệu dễ kiếm, giá thành rẻ, ít tác dụng phụ. Chữa viêm mũi dị ứng ở trẻ em bằng phương pháp thiên nhiên hỗ trợ cải thiện các triệu chứng bệnh khi mới bắt đầu. 

  • Sử dụng nước muối: Nước muối sinh lý là sản phẩm được các bác sĩ khuyên dùng để làm sạch mũi, làm loãng dịch, đẩy một phần dịch viêm ra khỏi khoang mũi. Nước muối hỗ trợ làm giảm các triệu chứng khó thở, nghẹt mũi ở trẻ. Phương pháp này có thể áp dụng cho cả trẻ sơ sinh và trẻ lớn.  Sử dụng nước muối rửa mũi cho bé 1-2 lần/ ngày, không quá 5 ngày/đợt bệnh. Không nên tự pha nước muối tại nhà vì muối ăn và nước chưa vô khuẩn có thể dẫn đến tình trạng viêm của trẻ trở nên nghiêm trọng.
  • Sử dụng ngải cứu: Theo Đông Y, ngải cứu có tính ấm, khả năng kháng viêm, kháng khuẩn cao. Để chữa viêm mũi dị ứng ở trẻ em có thể thêm ngải cứu vào các món ăn như trứng rán, nấu canh… Ngoài ra có thể đun nước tắm cho trẻ nhằm giảm các triệu chứng hắt hơi, sổ mũi. Không dùng ngải cứu cho các trẻ có vấn đề về gan, thận.

4.2 Chữa viêm mũi dị ứng ở trẻ em bằng thuốc

Trẻ em là đối tượng nhạy cảm, rất dễ xảy ra biến chứng nếu điều trị không đúng cách. Để đảm bảo an toàn, khi trẻ có các dấu hiệu của viêm mũi dị ứng cần đưa trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa để có phương án điều trị phù hợp. 

Dưới đây là một số loại thuốc bác sĩ có thể kê cho bé. Tùy theo độ tuổi và tình trạng của bé, bác sĩ sẽ kê loại thuốc phù hợp.

  • Thuốc thông mũi, xịt mũi: Avamys, Nasonex, Otrivin, Xisat,… Các loại thuốc này làm giảm triệu chứng nghẹt mũi, sổ mũi, làm thông thoáng đường thở.
  • Thuốc kháng Histamin: Fexofenadine, Loratadin, Clorpheniramin,…Thuốc kháng Histamin có tác dụng ngăn cản sự sinh sản Histamin trong cơ thể.

Các loại thuốc chỉ mang tính tham khảo. Không tự ý sử dụng thuốc tại nhà, điều này có thể làm tình trạng của trẻ trở nên nguy hiểm hơn.

5. Chăm sóc trẻ viêm mũi dị ứng

Luyện tập thể dục đều đặn là một trong những phòng ngừa viêm mũi dị ứng ở trẻ em hiệu quả
Luyện tập thể dục đều đặn là một trong những phòng ngừa viêm mũi dị ứng ở trẻ em hiệu quả

Các triệu chứng của viêm mũi dị ứng có thể khiến trẻ khó chịu, chán ăn, mẫn cảm hơn. Bố mẹ nên chú ý một số điều sau đây để giảm bớt khó chịu cho trẻ:

  • Vệ sinh mũi, họng cho trẻ hàng ngày.
  • Giữ ấm cho trẻ.
  • Cho trẻ uống nhiều nước sẽ làm dịch mũi loãng hơn, trẻ có thể thở dễ dàng hơn.
  • Bổ sung thêm dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày, tăng cường hệ miễn dịch của trẻ.
  • Trong trường hợp trẻ chán ăn có thể cho trẻ ăn cháo, xay nhuyễn thức ăn, chia thành nhiều bữa trong ngày.

6. Phòng tránh viêm mũi dị ứng ở trẻ em

Viêm mũi dị ứng dễ điều trị tuy nhiên bệnh thường hay tái phát. Phương pháp tốt nhất để đảm bảo sức khỏe của trẻ là dự phòng bệnh tái phát nhiều lần bằng cách:

  • Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với các chất có thể gây dị ứng như nước hoa, nước xả vải, lông chó, mèo,…
  • Giữ không gian sống sạch sẽ, thông thoáng.
  • Giữ ấm cho trẻ, nhất là những thời điểm thay đổi thời tiết
  • Luôn đeo khẩu trang cho trẻ khi ra ngoài.
  • Bổ sung vitamin, tăng cường sức đề kháng cho trẻ hàng ngày.
  • Vệ sinh răng miệng cho trẻ hàng ngày. Không để dịch mũi, họng tích tụ dễ hình thành ổ viêm.

Viêm mũi dị ứng ở trẻ em là bệnh lý có thể điều trị và kiểm soát tốt. Vì vậy bố mẹ cần chú ý phát hiện sớm các triệu chứng của bệnh để có phương án điều trị tốt nhất. Hy vọng bài viết có thể hỗ trợ thêm cho bố mẹ trong quá trình chăm sóc trẻ.

CN. Vũ Thị Anh Đào

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *