Viêm họng do vi khuẩn uống thuốc gì?

Viêm họng do vi khuẩn chiếm khoảng 20% các nguyên nhân gây viêm họng. Nhiều người mắc viêm họng thường có tâm lý chủ quan dẫn đến tình trạng bệnh nặng hơn, thậm chí gây biến chứng toàn thân…

Một số đặc điểm của viêm họng do vi khuẩn

Khi bị viêm họng do vi khuẩn, người bệnh xuất hiện khô rát họng, nuốt nước miếng rất khó khăn, sốt đột ngột. Tùy độc tố của từng chủng vi khuẩn mà sốt có thể từ 37°5 đến 40°C, hơi thở hôi. Khám họng thấy niêm mạc họng đỏ, bề mặt có giả mạc trắng hoặc vàng bám, giả mạc dễ lấy và dễ tan trong nước.

Viêm họng do vi khuẩn chiếm khoảng 20% các nguyên nhân gây viêm họng. Tuy nhiên, đây lại là nguyên nhân để viêm họng gây biến chứng toàn thân, đặc biệt là liên cầu β tan huyết nhóm A như thấp tim, thấp khớp cấp, viêm cầu thận cấp… để lại hậu quả nặng nề cho bản thân người bệnh, gia đình và xã hội. Khi mắc bệnh, việc sử dụng kháng sinh là hết sức cần thiết để tiêu diệt vi khuẩn.

Sử dụng kháng sinh nhóm beta-lactam

Hiện tại, theo kết quả của nhiều công trình nghiên cứu các chủng vi khuẩn gây viêm họng cho rằng, nhóm kháng sinh beta-lactam vẫn là nhóm thuốc điều trị hữu hiệu bao gồm penicilin, cephalosporin và các beta-lactam khác.

Nhóm beta-lactam được sử dụng để điều trị các nhiễm trùng khác nhau do vi khuẩn gây ra, chẳng hạn như viêm xoang, viêm phổi, nhiễm trùng tai, viêm phế quản, viêm đường tiết niệu, nhiễm trùng da và viêm họng. Không sử dụng thuốc cho người dị ứng với bất kỳ thuốc nào thuộc nhóm beta-lactam hoặc nếu đã từng dùng thuốc nhưng men gan bị tăng trong thời gian dùng. Với những người bệnh có tiền sử về gan, bệnh thận, hoặc tăng bạch cầu đơn nhân, hoặc đã từng bị dị ứng với kháng sinh, phụ nữ đang có thai hoặc cho con bú khi khám bệnh phải thông báo với bác sĩ điều trị.

Tuy nhiên, khi được kê đơn điều trị bằng kháng sinh nhóm này, người bệnh vẫn có thể gặp phải những biểu hiện khó chịu như tiêu chảy nhẹ, ợ nóng, đau đầu, buồn nôn hoặc nôn, phát ban da hoặc ngứa. Những biểu hiện nặng nề hơn cần đến khám hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ càng sớm càng tốt bao gồm: tiêu chảy có máu, vàng da, nước tiểu màu sẫm, sốt, lú lẫn hoặc phản ứng da nghiêm trọng (ban da màu đỏ hoặc tím lây lan, đặc biệt ở mặt hoặc phần trên của cơ thể, gây ra phồng rộp và bong tróc.

Tối ưu hiệu quả và hạn chế tác dụng phụ của thuốc

Dùng thuốc theo chỉ định: Điều quan trọng đầu tiên là người bệnh phải dùng thuốc chính xác theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ. Không nên dùng với số lượng lớn hơn hoặc nhỏ hơn hoặc lâu hơn so với khuyến cáo.

Uống thuốc đúng cách: Khi uống thuốc nên uống với một ly nước đầy, vào lúc bắt đầu của một bữa ăn để giảm kích ứng dạ dày. Dùng thuốc tại cùng một thời điểm mỗi ngày và phải uống cả viên trừ dạng bào chế có thể ngậm hoặc nhai hay siro. Đối với thuốc dạng bột phải pha thêm nước thì cần lắc dung dịch hoặc hỗn dịch của thuốc trước khi dùng. Để chắc chắn có được liều lượng chính xác cần đong chất lỏng với một muỗng đo lường thường đi kèm với thuốc.

Sử dụng hết liều điều trị: Khi dùng kháng sinh beta-lactam hay bất kỳ loại kháng sinh nào cần phải dùng thuốc đầy đủ thời gian theo quy định, thông thường từ 5 – 7 ngày. Triệu chứng của bệnh có thể cải thiện trước khi vi khuẩn được tiêu diệt hết nhưng vẫn phải sử dụng hết liều điều trị.

Một số thuốc giúp giảm triệu chứng bệnh

Thuốc hạ sốt: Khi bị viêm họng do vi khuẩn, người bệnh thường bị sốt và cần phải sử dụng thuốc hạ sốt. Các loại thuốc hạ sốt, giảm đau chứa các thành phần ibuprofen, acetaminophen cần sử dụng đúng liều lượng theo cân nặng đối với trẻ em và chỉ dẫn đối với người lớn. Không được dùng thuốc quá gần nhau gây tăng liều thuốc và ảnh hưởng tới gan.

Thuốc giảm đau họng: Đây là loại thuốc được hòa tan trong miệng một cách từ từ để bôi trơn cổ họng và ngăn chặn sự kích thích như ngứa và khô. Thuốc giảm đau họng được làm từ nhiều thành phần khác nhau, có thể là các thành phần tự nhiên như tinh dầu bạc hà, mật ong, gừng, chanh… cũng có thể là các thuốc giảm đau chống viêm hay thuốc chứa thành phần gây tê anasthetics.

Thuốc súc họng: Súc họng cũng là một biện pháp để làm giảm đau họng. Có thể súc họng bằng nước muối ấm nhiều lần trong ngày. Đối với trẻ em, cha mẹ cần chú ý nhắc nhở và chắc chắn rằng trẻ đã nhổ ra các chất lỏng sau khi súc miệng. Ngoài ra, người bị viêm họng có thể sử dụng thuốc có tính sát khuẩn như povidone-iodine để súc họng nhằm làm sạch miệng và có tác dụng giảm kích ứng.

PGS.TS Phạm Thị Bích Đào

Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *