Liên quan đến thông tin “Hà Nội là thành phố ô nhiễm bụi PM2.5 đứng thứ hai Đông Nam Á” mà một số bài báo gần đây đề cập, Tổng cục Môi trường cho rằng, do không giải thích đầy đủ, thiếu chính xác nên dễ dẫn đến hiểu lầm trong cộng đồng khi tiếp nhận thông tin.
Cụ thể, trong Báo cáo về Hiện trạng chất lượng không khí toàn cầu của Trung tâm phát triển sáng tạo xanh (GreenID) so sánh giá trị bụi PM2.5 tại một số thành phố trong khu vực Đông Nam Á, GreenID cho rằng Hà Nội đứng thứ 2 sau Jakarta về mức độ ô nhiễm bụi PM2.5 trong khu vực Đông Nam Á.
Theo Tổng cục Môi trường, nhận định này là chưa chính xác, bởi vì trong bảng thống kê, GreenID chỉ có dữ liệu của 20 thành phố thuộc 04 quốc gia: Thái Lan (14 thành phố), Indonesia (01 thành phố); Philippines (03 thành phố), Việt Nam (02 thành phố), không có đủ số liệu của 11 quốc gia của khu vực Đông Nam Á để có thể đánh giá, xếp hạng theo như nhận định đã nêu.
Qua so sánh với một số thành phố khác của Châu Á cho thấy mức độ ô nhiễm của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thấp hơn rất nhiều. Giá trị bụi PM2.5 trung bình năm 2018 tại Hà Nội là 40,8 µg/m3, tại Tp. Hồ Chí Minh là 26,9 µg/m3, trong khi đó Dhaka – Bangladesh: 97,1 µg/m3; Dehli – Ấn Độ: 113,5 µg/m3; các thành phố của Trung Quốc như Hòa Điền, Hà Bắc, Từ Châu, Trịnh Châu… dao động từ 65,5 – 116 µg/m3…
Tổng cục Môi trường cho biết, cho đến nay, ở Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng, ô nhiễm không khí chỉ tập trung chủ yếu là ô nhiễm bụi (do hoạt động giao thông, xây dựng… và một số nguồn vận chuyển từ xa đến). Các chất khí khác (NOx, SO2, CO…) đều có giá trị trung bình thấp hơn rất nhiều giới hạn quy chuẩn cho phép. Một số khu vực có xảy ra ô nhiễm NO2 hoặc SO2 nhưng chỉ mang tính cục bộ ở một số thời điểm.
Trong khi đó, ở Trung Quốc, Ấn Độ và một số quốc gia khác, ngoài ô nhiễm bụi còn xảy ra tình trạng ô nhiễm NO2, SO2 (do sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong các ngành công nghiệp nặng, đun nước nóng, sửa ấm trong mùa đông…) với mức độ khá cao.
“Theo dự báo diễn biến xu hướng thời tiết, trong thời gian tới, tại Hà Nội vẫn tiếp tục duy trì trạng thái thời tiết thay đổi bất thường, những ngày nóng xen kẽ những ngày giảm nhiệt độ mạnh do các đợt không khí lạnh tràn về, độ ẩm trong không khí cũng thay đổi bất thường sẽ khiến cho tình trạng ô nhiễm bụi PM2.5 tiếp tục diễn ra như những ngày vừa qua.
Hiện tượng này sẽ giảm dần khi thời tiết chuyển dần sang mùa hè”- cơ quan này cho biết thêm.
Theo báo cáo của GreenID, Jakarta và Hà Nội là hai thành phố ô nhiễm nhất Đông Nam Á, trong khi Samut Sakhon – một tỉnh gần Bangkok, đứng thứ ba. Với chất lượng không khí của Bắc Kinh ngày càng được cải thiện, Jakarta có nguy cơ sớm vượt qua thành phố bị ô nhiễm nổi tiếng của Trung Quốc, vì mức độ ô nhiễm năm 2018 ở Jakarta chỉ thấp hơn khoảng 12% so với Bắc Kinh. Ba trong số năm nơi ô nhiễm nhất nằm ở Thái Lan. Tiếp xúc với ô nhiễm PM2.5 làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như ung thư phổi, đột quỵ, tim mạch và các bệnh về đường hô hấp, bao gồm các triệu chứng hen suyễn. Trung bình, tuổi thọ toàn cầu giảm 1,8 năm do ô nhiễm không khí – nói cách khác, nếu mọi người đều được sống trong bầu không khí sạch, trung bình chúng ta sẽ sống lâu hơn 1,8 năm. Ví dụ, đối với trẻ em sống ở Bắc Kinh, Jakarta và Hà Nội, ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ tử vong do nhiễm trùng đường hô hấp lên 40% và hen suyễn lên 20%. Đối với người trưởng thành, nguy cơ ung thư phổi tăng 25-30% và nguy cơ đột quỵ tăng gấp đôi. |
Dương Hải – Suckhoedoisong.vn