Tác dụng của vị thuốc Trạch tả và những lưu ý khi sử dụng

Trạch tả hay còn gọi là mã đề nước, cao 0,3 – 1m. Đông y lấy phần thân rễ cây trạch tả làm thuốc với nhiều tác dụng như trừ thấp, lợi tiểu, thúc đẩy tiêu hóa, hỗ trợ giảm cân, cải thiện chức năng thận,… Cùng tìm hiểu rõ hơn về vị thuốc này trong bài viết dưới đây.

1. Trạch tả là gì?

Trạch tả (mã đề nước) tên khoa học là Alisma plantago-aquatica L var.orientalis Samuelsson. Cây trạch tả thường tìm thấy ở những nơi ẩm ướt như ao, ruộng với chiều cao khoảng 0,3 – 1m. Tại nước ta, trạch tả mọc hoang ở các vùng Lạng Sơn, Lào Cai, Lai Châu, Cao Bằng và được trồng ở nhiều tỉnh như Nam Định, Thái Bình, Hòa Bình. Thân rễ trạch tả trắng, hình cầu hoặc giống như con quay, mọc thành cụm. Lá mọc từ gốc hình thuôn dài hoặc giống lưỡi mác, phía cuối cuống hẹp lại thành hình tim. Vị thuốc trạch tả sử dụng trong y học cổ truyền là thân rễ được thu hái vào mùa đông, khi lá bắt đầu héo. Người ta đào, rửa sạch, phơi khô, bỏ rễ xơ và vỏ sần sùi, thái mỏng ngâm nước rồi phơi nắng cho khô.

Trong thời gian gần đây, các nhà nghiên đã phân tích ra các thành phần của trạch tả gồm  triterpenoids, sesquiterpenes, diterpenoids, tinh dầu, flavonoid, polysaccharides và axit amin. Trong đó triterpenoids, sesquiterpenoids những thành phần chính được chiết xuất ra từ loại thảo dược này.

2. Tác dụng của trạch tả

Theo y học cổ truyền, trạch tả có vị ngọt, hơn mặn tính hàn, quy kinh Túc Thái dương và Túc Thiếu âm, là âm trong dương dược. Trạch tả được coi là thuốc thánh để:

  • Trừ thấp chỉ khát
  • Thông lợi thủy tà
  • Thông lâm
  • Chữa tiểu tiện ra máu
  • Chữa tết tinh
  • Chữa tả lỵ sưng trướng.

Các nghiên cứu y học hiện đại đã chỉ ra rằng các hoạt chất như alcohol A, B và sesquiterpene có tác dụng dược lý như:

  • Hạ huyết áp
  • Hạ lipid máu
  • Chống xơ vữa động mạch
  • Chống thiếu máu cục bộ cơ tim
  • Đồng thời còn có tác dụng lợi tiểu
  • Chống phù và bảo vệ thận.
  •  Bảo vệ gan
  • Giảm lượng đường trong máu
  • Hỗ trợ phòng ngừa ung thư
  • Hạn chế các tổn thương do oxy hoá
  • Chống viêm 
  • Giảm tình trạng nhiễm khuẩn.
  • Chiết xuất nước trạch tả cũng có thể làm giãn mạch máu và tăng nhu động tá tràng.
  • Rượu trạch tả có thể làm giảm sản xuất melanin và ức chế tế bào hủy xương. 

Trên thực tế lâm sàng, trạch tả thường được phối hợp với các vị thuốc y học cổ truyền khác nhằm ngăn ngừa và điều trị tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, hạ lipid máu, bệnh mạch vành, thiếu máu cơ tim cục bộ. Đồng thời cải thiện tình trạng tiểu tiện bất thường, tiểu máu, tiểu đạm, đau thắt lưng, phù… do tổn thương thận mạn tính. 

Như vậy, các nghiên cứu hiện đại đã một lần nữa chứng minh tác dụng lợi tiểu, thông lâm, tả thủy tà và bổ sung thêm nhiều tác dụng khác chưa được nhắc tới trong y học cổ truyền.

3. Lưu ý khi sử dụng trạch tả.

3.1. Bào chế

Tùy vào mục đích sử dụng sẽ có phương pháp bào chế khác nhau:

  • Cho vào thuốc lợi thủy ở tỳ vị thì nên dùng sống.
  • Cho vào thuốc tư âm lợi thủy thì nên sao với muối. 
  • Cho vào thuốc ôn bổ như Bát vị thì nên sao với nước muối.

3.2. Kiêng kỵ khi dùng

  • Người can thận âm hư nhưng không có thấp nhiệt thì không nên dùng.
  • Kỵ sắt, không nên dùng các dụng cụ từ sắt khi bào chế và chế biến thuốc.

Trên đây là các thông tin về vị thuốc trạch tả. Hiện nay, trạch tả được sử dụng phổ biến nhất trong bài thuốc bổ thận như Bát vị địa hoàng và Lục vị địa hoàng để dẫn thuốc vào kinh thận, tả thấp hỏa ở trong thận thì khi đó bổ mới có hiệu quả. 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *