Rối loạn nội tiết tố nữ gây mụn

Nhân câu chuyện của một bệnh nhân nữ 48 tuổi đến khám vì bỗng dưng mọc mụn trứng cá trên mặt. Mặc dù đã dùng nhiều thuốc mát gan, thuốc bôi… và rất chăm vệ sinh mặt nhưng vẫn không đỡ. Hôm nay tôi muốn chia sẻ câu chuyện về một trong các cơ chế gây ra mụn trứng cá – rối loạn nội tiết tố nữ.

1. Những loại hormone nội tiết nào ảnh hưởng đến sự bùng phát của mụn trứng cá?

Mọi người đều cho rằng khi còn đang trong quá trình dậy thì việc có mụn trứng cá là chuyện hết sức “sinh lý”. Tuy nhiên độ tuổi trung niên mà vẫn bùng phát mụn trứng cá là điều hiếm thấy. Thực tế đúng là không nhiều phụ nữ bị mụn trứng cá ở độ tuổi này. Lúc này rất có thể mụn trứng cá mà bạn mắc phải là mụn nội tiết.

Theo một thống kê của bác sỹ da liễu Cherise M. Levi, MD ở thành phố New York thì mụn nội tiết thường gặp ở phụ nữ trưởng thành 20 – 40 tuổi. Thậm chí có những người sau 40 tuổi vẫn bị mụn trứng cá – bùng phát mụn trứng cá ở thời kỳ mãn kinh do rối loạn nội tiết tố nữ gây mụn. Bên cạnh đó rối loạn nội tiết tố nam gây mụn cũng là tình trạng thường gặp.

1.1. Estrogen, progesterone và androgen – hormon sinh dục

S. Manjula Jegasothy, MD, bác sĩ da liễu – người sáng lập Viện Miami Skin giải thích: “Các loại hormon gây ra loại mụn trứng cá này là sự biến động của estrogen và progesterone.  Cả hai đều thay đổi rất nhiều trong suốt chu kỳ kinh nguyệt”. Ngoài ra, tỷ lệ giữa các loại hormone này cũng có thể ảnh hưởng đến mức androgen (testosterone) của phụ nữ – một trong các yếu tố trực tiếp gây ra mụn trứng cá nội tiết tố.

Tình trạng rối loạn nội tiết tố nữ có thể xảy ra khi đến kỳ kinh nguyệt, mang thai, sau sinh, tiền mãn kinh, mãn kinh hoặc khi mắc các bệnh liên quan đến buồng trứng như u nang buồng trứng, buồng trứng đa nang…

Cơ chế hình thành mụn trứng cá
Cơ chế hình thành mụn trứng cá

1.2. Insulin – hormone tuyến tụy

Nồng độ insulin tăng lên này là một trong hai yếu tố gây mở thụ thể androgen, hoạt hóa này cũng đồng thời tác động đến các phân tử thuộc các androgen gây kích thích tăng sinh mô phụ thuộc tín hiệu androgen. Bên cạnh đó insulin cũng góp phần làm tăng sản xuất chất béo ở da khiến các nang lông dễ bị bít tắc. Không những thế insulin còn đóng vai trò quan trọng trong việc làm trầm trọng thêm tình trạng viêm. Lượng insulin được tiết ra một phần chịu ảnh hưởng của lượng đường trong máu. Đây là một trong những mối liên hệ chính giữa chế độ dinh dưỡng và mụn trứng cá.

Xem thêm: Một số nghiên cứu về mối liên quan giữa rối loạn nội tiết và các vấn đề về da

1.3. Cuối cùng là hormone giải phóng Corticotropin

Trong một nghiên cứu “Mối liên quan giữa stress và mụn trứng cá ở các nữ sinh viên y khoa tại jeddah – Saudi Arabia” đã đưa ra một số kết luận:

  • Ở phụ nữ trưởng thành bị mụn trứng cá, căng thẳng mãn tính làm tăng tiết androgen của tuyến thượng thận và dẫn đến tăng sản bã nhờn.
  • Để đối phó với căng thẳng cảm xúc, trục hypothalamic – pituitary – adrenal (HPA) kích hoạt tăng mức độ sản xuất cortisol.  Hormone giải phóng Corticotropin (CRH) là phần tử gần nhất của trục HPA. CRH hoạt động như một điều phối viên trung tâm cho các phản ứng thần kinh nội tiết và tình trạng căng thẳng.
  • CRH kích thích sản xuất lipid tuyến bã nhờn và tạo ra steroid, góp phần gây ra mụn trứng cá. Hormone CRH trong da có liên quan đến mụn trứng cá có thể ảnh hưởng đến các quá trình viêm dẫn đến tổn thương mụn do stress.
  • CRH cũng gây ra cytokine IL-6 và IL-11 sản xuất trong keratinocytes, góp phần gây viêm, được coi là một thành phần quan trọng trong sinh bệnh học của mụn trứng cá.

Năm 2003, một nghiên cứu của Đại học Stanford được công bố trên tạp chí Archives of Dermatology cho thấy rằng sinh viên đại học bị mụn trứng cá trong các kỳ thi. Mức độ nghiêm trọng của mụn trứng cá tương quan cao với sự gia tăng căng thẳng.

Trong một nghiên cứu năm 2007 của học sinh trung học ở Singapore, các nhà nghiên cứu từ Trường Đại học Y khoa Wake Forest cũng phát hiện ra rằng tình trạng mụn trứng cá nặng lên trong thời gian thi cử. Nghiên cứu này cũng đã được công bố trên tạp chí y khoa Thụy Điển Acta Derm Venereol.

2. Làm thế nào để phát hiện mụn trứng cá do rối loạn nội tiết gây ra

2.1. Bạn đã qua tuổi thiếu niên

Giai đoạn dậy thì là lúc mà hormon của cơ thể đặc biệt là hormone sinh dục chưa ổn định dễ dẫn đến gây mụn trứng cá điều này khá phổ biến. Tuy nhiên nếu ngay cả khi bạn đã qua lứa tuổi dậy thì nhất là ở nữ giới mà vẫn có mụn trứng cá xuất hiện bạn nên nghĩ đến trường hợp rối loạn nội tiết tố nữ gây mụn.

Mụn nội tiết có thể bùng phát vào năm bạn 20 tuổi. Đó là bởi vì giai đoạn xung quanh 20 tuổi phụ nữ có hoạt động nội tiết tố mạnh nhất, theo tiến sĩ Jegasothy. “Tuổi 20 của bạn thường là tuổi sinh đẻ, làm cho phụ nữ dễ bị các biến động nội tiết tố liên quan đến mang thai, sinh con và cho con bú.”

Tuy nhiên các chuyên gia cũng lưu ý tuổi tác không quá quyết định sự bùng phát của mụn trứng cá. “Trong suốt sự nghiệp chuyên nghiệp của tôi, tôi thấy rằng gần một nửa số phụ nữ ở độ tuổi 20 bị mụn trứng cá và phụ nữ giai đoạn mãn kinh có thể bùng phát lại tình trạng mọc mụn trứng cá nhất là những người bị rối loạn kinh nguyệt”, ông Marina Peredo, MD, bác sĩ da liễu tại Bệnh viện Mount Sinai chia sẻ.

2.2. Vị trí mọc mụn trứng cá

Hình thái và vị trí thường gặp của mụn nội tiết
Hình thái và vị trí thường gặp của mụn nội tiết

Một trong những dấu hiệu bị mụn nội tiết dễ nhận biết nhất là vị trí của nó trên mặt. Nếu bạn nhận thấy các u nang bị viêm xung quanh mặt dưới của bạn – đặc biệt là cằm và hàm của bạn – rất có thể là rối loạn nội tiết gây mụn. “Điều này là do những kích thích tố dư thừa trong cơ thể của bạn kích thích các tuyến dầu – phần nhiều trong số đó là xung quanh khu vực cằm của bạn,” Tiến sĩ Peredo nói. “Những tuyến dầu thừa này làm cho làn da của bạn trở thành vị trí đắc địa cho những loại mụn này.” Mặc dù cằm và hàm là những nơi rất phổ biến cho mụn trứng cá, nó có thể xuất hiện dọc theo mặt hoặc xuống cổ của bạn.

2.3. Sự xuất hiện có chu kỳ

Mụn trứng cá xuất hiện có tính chu kỳ tương ứng với chu kỳ kinh nguyệt
Mụn trứng cá xuất hiện có tính chu kỳ tương ứng với chu kỳ kinh nguyệt

Nếu như mụn trứng cá của bạn xuất hiện trùng lặp với chu kỳ kinh nguyệt của bạn thì đây là một dấu hiệu có tính chẩn đoán cao. Tiến sĩ Jegasothy giải thích. “Điều này đúng ngay cả ở phụ nữ sau mãn kinh, bởi vì những phụ nữ này vẫn trải qua biến động hàng tháng ở mức estrogen và progesterone của họ, mặc dù thấp hơn phụ nữ tiền mãn kinh.” Có đôi khi không trùng với chu kỳ nhưng có thể chẩn đoán là mụn nội tiết nếu do tác động của thay đổi nội tiết tố gây mụn.

2.4. Tính chất của mụn trứng cá

Mụn trứng cá có nhiều loại như mụn đầu đen, mụn đầu trắng… Nhưng mụn trứng cá do rối loạn nội tiết gây ra đa phần là các mụn lớn, thể ẩn, đau đớn, không thể nặn được nhân mụn ra ngoài khi đang trong giai đoạn viêm tấy.

Tiến sĩ Jegasothy nói. “Những vết sưng này thường mềm khi chạm vào vì chúng tích tụ dầu trong một khoảng thời gian vài ngày hoặc vài tuần sau đó gây ra phản ứng viêm. Những u nang đau đớn này có khuynh hướng xuất hiện ở cùng một nơi nhiều lần, trở thành bán cấp hoặc mãn tính. Vì vậy việc điều trị cần bắt đầu từ bên trong thay vì đơn thuần là điều trị tại chỗ.”

3. Làm gì với mụn trứng cá do rối loạn nội tiết gây ra

Bởi nguyên nhân gây mụn được xác định chủ yếu là do yếu tố rối loạn nội tiết gây ra nên điều quan trọng nhất trong điều trị chính là cân bằng lại nội tiết tố.

  • Việc cân bằng lại nội tiết tố cần những điều chỉnh từ sâu bên trong cơ thể. Nên đi khám để phát hiện kịp thời các bệnh lý về hệ thống nội tiết của cơ thể.
  • Giữ cho tinh thần thoải mái
  • Hạn chế ăn các thực phẩm có nguy cơ làn tăng lượng insulin của cơ thể.
  • Kết hợp điều chỉnh từ bên trong với các chế phẩm bôi tại chỗ.
  • Tham khảo bác sỹ nội tiết trước khi sử dụng các chế phẩm liên quan đến điều chỉnh nội tiết như thuốc tránh thai, các sản phẩm hỗ trợ bổ sung nội tiết tố… Không nên  tự ý bôi, uống các thuốc trị mụn trứng cá nội tiết sẽ dễ gây các biến chứng làm nặng thêm tình trạng mụn hoặc gây rối loạn nội tiết trầm trọng hơn
  • Vệ sinh da mặt thường xuyên và cẩn thận

Trên đây là một số chia sẻ xung quanh vấn đề rối loạn nội tiết tố gây mụn. Hy vọng chị em phụ nữ sẽ có một hệ nội tiết cân bằng và một làn da đẹp.

BS Thanh Mai

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *