Thế nào là bốc hỏa ở phụ nữ tiền mãn kinh – mãn kinh
Bốc hỏa là một trong những triệu chứng phổ biến và ảnh hưởng thường xuyên nhất đến phụ nữ khi trải qua thời kỳ tiền mãn kinh – mãn kinh. Bốc hỏa mặc dù không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại gây nên nhiều phiền toái ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của phụ nữ
Khi phụ nữ bước vào độ tuổi tiền mãn kinh – mãn kinh thường gặp ở lứa tuổi trung niên hoạt động của hệ trục não bộ – tuyến yên – buồng trứng suy yếu dẫn đến hiện tượng bốc hỏa.
Biểu hiện lâm sàng của bốc hỏa
Bốc hỏa ở phụ nữ tiền mãn kinh hay mãn kinh thường khởi đầu đột ngột bằng luồng khí nóng từ phần trên cơ thể bốc lên cổ, mặt rồi tỏa khắp người, thân nhiệt tăng, tim đập nhanh, cảm giác bốc hỏa ở mặt, phần trên ngực và sau đó nhanh chóng lan ra toàn thân. Cảm giác nóng kéo dài từ 2 – 4 phút, thường đi kèm với toát mồ hôi, thỉnh thoảng đánh trống ngực và sau đó là lạnh run.
Cơn bốc hỏa xảy ra đột ngột và thường xuất hiện vào ban đêm, khiến chị em phải thức giấc, rất khó ngủ lại, gây ảnh hưởng đến tâm lý cũng như thói quen sinh hoạt, công việc của hầu hết phụ nữ khi bước vào giai đoạn tiền mãn kinh này
Nguyên nhân cơ chế gây bốc hỏa ở phụ nữ tiền mãn kinh
Nguyên nhân gây bốc hỏa:
Các nghiên cứu cho thấy chứng bốc hỏa là một trong những dấu hiệu cảnh báo giai đoạn tiền mãn kinh – mãn kinh. Bốc hỏa có liên quan mật thiết đến sự lão hóa hệ trục não bộ – tuyến yên – buồng trứng theo thời gian.
Cơ chế gây bốc hỏa:
Khi phụ nữ bước vào giai đoạn tiền mãn kinh, hệ trục não bộ – tuyến yên – buồng trứng bị lão hóa, gây nên sự suy giảm hoạt động hệ trục, hoạt động này đã phá vỡ cơ chế ra mệnh lệnh từ não bộ – tuyến yên xuống buồng trứng để sản xuất bộ 3 nội tiết tố: estrogen, progesterone và testosterone và sự phản hồi ngược từ buồng trứng về não bộ – tuyến yên để điều chỉnh đúng, đủ các hormone cần thiết cũng gặp trục trặc.
Nồng độ các bộ 3 nội tiết tố thay đổi sẽ tác động tới vùng dưới đồi của não – nơi chịu trách nhiệm kiểm soát thân nhiệt. Khi vùng dưới đồi rối loạn, nhìn nhận sai lệch nhiệt độ cơ thể sẽ truyền tín hiệu cho toàn thân giải phóng nhiệt làm tim bơm máu nhanh hơn, mạch máu dưới da giãn nở để lưu thông máu nhiều hơn, lúc này thân nhiệt tăng đột ngột, tuyến mồ hôi hoạt động mạnh nhằm làm mát cơ thể. Sau khi vã mồ hôi, cơ thể mất nhiệt gây ớn lạnh, người mệt lả, lo âu…
Làm gì để giảm khó chịu và kiểm soát cơn bốc hỏa?
Thay đổi lối sống: thường áp dụng cho những phụ nữ có cơn bốc hỏa ở mức độ nhẹ
Hiệu quả của chúng khá thay đổi. Sau đây là một vài gợi ý theo hướng dẫn của Hội Mãn kinh Bắc Mỹ (The North American Menopause Society – NAMS):
– Tránh nơi nóng bức, đồ uống nóng, thức ăn nóng, rượu, cà phê, căng thẳng quá mức và hút thuốc lá. Mặc quần áo làm từ vải thoáng khí, nhẹ, vải cotton- Để giảm căng thẳng và có giấc ngủ ngon hơn nên tập thể dục thường xuyên, nhưng không quá gần giờ đi ngủ.
– Khi cơn bốc hỏa bắt đầu, hãy thử “hô hấp nhịp độ” – thở bụng chậm, sâu – hít vào bằng mũi, thở ra bằng miệng. Thở chỉ 5 – 7 lần/phút, chậm hơn rất nhiều so với thông thường. Nếu thường xuyên bốc hỏa và mất ngủ, không nên lạm dụng thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm, thay vào đó, nên tập thể dục trước khi đi ngủ 2-3 tiếng,thiền, yoga, khí công, thái cực quyền, châm cứu hoặc massage cũng sẽ giúp giảm căng thẳng.
– Thử các cách khác nhau để giữ mát trong khi ngủ. Mặc áo ngủ thoáng khí và nhẹ. Sử dụng giường có nhiều lớp để có thể dễ dàng loại bỏ trong đêm. Để một chiếc quạt cạnh giường. Giữ một túi chườm lạnh hoặc túi đậu đông lạnh dưới gối của bạn và chiếc gối để đầu luôn được đặt trên một bề mặt mát mẻ.
Nếu thức vào ban đêm, uống một ly nước mát. Hãy thử các cách khác nhau để trở lại giấc ngủ, chẳng hạn như: thiền, hô hấp nhịp độ hoặc ra khỏi giường và đọc sách cho đến khi buồn ngủ.
Tránh béo phì
– Cơn phát hỏa thường nhiều và nghiêm trọng hơn ở phụ nữ thừa cân, do estradiol và estrone (2 loại nội tiết estrogen) thấp hơn người bình thường. Ngoài ra, chất béo còn hoạt động như một chất cách điện, cản trở tản nhiệt. Do đó, duy trì một trọng lượng khỏe mạnh và tập thể dục thường xuyên để giảm bốc hỏa và cải thiện sức khỏe tổng quát.
Dùng thuốc
Thuốc được sử dụng trong trường hợp triệu chứng bốc hỏa ở phụ nữ tiền mãn kinh hay mãn kinh xảy ra quá nặng, ảnh hưởng nghiệm trọng đến chất lượng cuộc sống của người mắc phải.
Một số loại thuốc có thể khắc phục hoặc hỗ trợ khắc phục triệu chứng bốc hỏa ở phụ nưc tiền mãn kinh như:
– Thuốc giảm đau thần kinh: Gabapentin và Pregabalin để chống lại cơn bốc hỏa.
– Thuốc chống trầm cảm: Venlafaxin, Fluoxetine và Paroxetin dùng để điều trị cơn bốc hỏa ở phụ nữ tiền mãn kinh khá hiệu quả.
Cần cân nhắc khi sử dụng thuốc không nên quá lạm dụng trong thời gian dài
– Sử dụng các sản phẩm hỗ trợ không phải thuốc
Phần lớn các nghiên cứu đều cho rằng bốc hỏa ở phụ nữ tiền mãn kinh và mãn kinh đều do thiếu hụt estrogen, do đó một số sản phẩm hỗ trợ cân bằng nội tiết tố có thể giúp chị em khắc phục tình trạng này một cách hiệu quả. Trong đó, liệu pháp hoóc-môn sau mãn kinh ngắn hạn được khuyến cáo để điều trị các triệu chứng vận mạch từ trung bình đến nặng (NAMS, 2010).
Khi điều trị các cơn bốc hỏa, nên dùng estrogen liên tục hơn là theo chu kỳ do triệu chứng này thường tái diễn trong giai đoạn ngưng estrogen.
Ở những phụ nữ còn tử cung, estrogen luôn cần được kết hợp với một progestin, để ngăn ngừa tăng sinh nội mạc tử cung. Nếu kể từ kỳ kinh cuối đến hiện tại chưa được 1 năm và người phụ nữ không hút thuốc thì có thể sử dụng thuốc tránh thai estrogen-progestin. Cách này giúp ngừa thai, giảm bốc hỏa và điều hòa kinh nguyệt.
Mặc dù sử dụng kích thích tố có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú và bệnh tim mạch, nghiên cứu cho thấy lợi ích có thể lớn hơn những rủi ro ở phụ nữ trẻ hơn 60 tuổi bị bốc hỏa từ vừa đến nặng. Cách điều trị an toàn là sử dụng liều thấp nhất để điều trị các triệu chứng trong thời gian ngắn nhất nhằm giúp giảm thiểu các nguy cơ có thể xảy ra.