Những nghiên cứu mới về bài thuốc Quy tỳ thang

Đôi nét về lịch sử Quy tỳ thang và phụ phương

Lịch sử bài thuốc Quy tỳ thang

Quy tỳ thang lần đầu tiên được ghi chép trong “Tế sinh phương” của Nghiêm Dụng Hòa thời Tống (năm 1253, về sau còn được gọi là Tế sinh quy tỳ thang), nguyên văn trong sách viết: “Quy tỳ thang trị tư lự quá độ, lao tổn tâm tỳ, hay quên và hồi hộp.”

Đến thời Tống, Dương Sĩ Doanh trong “Nhân trai trực chỉ phương” (năm 1264) bổ sung thêm: “Quy tỳ thang trị tư lự tổn thương tỳ, không thể thống nhiếp tâm huyết, dẫn đến phản hành, hoặc nôn ra máu, đi ngoài ra máu.”

Vào thời Nguyên, Nguy Diệc Lâm trong “Thế y đắc hiệu phương” (năm 1337) lại phát triển thêm: “Quy tỳ thang trị tư lự tổn thương tỳ, hay quên, vì tỳ không thể thống nhiếp tâm huyết, huyết vong hành, hoặc nôn ra máu, đi ngoài ra máu.”

Qua sự giải thích của hai tác phẩm này, thuyết “tỳ không thống nhiếp tâm huyết” đã được phát triển thành “tỳ không thống huyết” trong thời Minh và Thanh, và trở thành một trong những lý luận cơ bản thường được trích dẫn trong lâm sàng trị liệu các bệnh chứng liên quan đến máu của y học cổ truyền ngày nay.

Phụ phương của Quy tỳ thang

Bài thuốc gốc Tế sinh quy tỳ thang gồm 10 vị thuốc: Bạch truật, Phục linh, Hoàng kỳ, Long nhãn, Toan táo nhân, Nhân sâm, Mộc hương, Cam thảo, Sinh khương và Đại táo.

Các y gia đời sau đã tùy chứng mà gia giảm, như đời Minh, Tiết Lập Trai trong “Giáo chú phụ nhân lương phương” thêm Đương quy và Viễn chí vào phương để trị các chứng bệnh của phụ nữ, đó là Quy tỳ thang thường dùng trong lâm sàng ngày nay.

Nếu thêm Đan bì và Chi tử thì được bài thuốc Gia vị quy tỳ thang (trong “Y giản”) để trị các chứng uất kết tổn thương tỳ.

Thêm Thục địa vào Tế sinh quy tỳ thang sẽ được bài thuốc Hắc quy tỳ thang (trong “Ngân hải chỉ nam”).

Đời Minh, “Cảnh Nhạc toàn thư” phát triển thành Quy tỳ hoàn, và đời Thanh, “Lịch khoa toàn thư” phát triển ra Gia giảm quy tỳ thang.

Phân tích sơ qua về cấu trúc bài thuốc Quy tỳ thang

Hoàng kỳ và Long nhãn nhục là quân dược, bổ tỳ ích khí, dưỡng tâm an thần;

Nhân sâm và Bạch truật giúp Hoàng kỳ ích khí sinh huyết; Đương quy hỗ trợ Long nhãn nhục bổ huyết dưỡng tâm, cả ba là thần dược.

Toan táo nhân, Phục linh (thường dùng Phục thần) và Viễn chí có thể an thần; Mộc hương lý khí tỉnh tỳ, bốn vị này là tá dược.

Cam thảo sao là sứ dược, điều hòa các vị thuốc; thêm Sinh khương và Đại táo giúp điều hòa tỳ vị.

XEM THÊM: Sản phẩm Quy tỳ cao

Quy tỳ thang chữa các chứng bệnh gì?

Các y gia qua nhiều đời đã sử dụng rộng rãi Quy tỳ thang để trị các chứng tư lự quá độ, lao tổn tâm tỳ gây nên hồi hộp, hay quên, kinh sợ, đổ mồ hôi trộm, mệt mỏi, thích nằm, mất ngủ, ăn ít, đầu óc choáng váng, sắc mặt nhợt nhạt, hoặc tỳ hư không thể nhiếp huyết gây xuất huyết, kinh nguyệt không đều ở phụ nữ, băng lậu đới hạ, đau bụng, sốt nhẹ, cơ thể đau nhức, đại tiện không đều, lưỡi nhạt rêu trắng, mạch nhỏ và yếu. Ngày nay, bài thuốc này thường được dùng để điều trị các bệnh về tim mạch, hệ thần kinh, huyết học và phụ khoa.

1. Bệnh tim mạch

Quy tỳ thang kết hợp với thuốc Tây trong điều trị bệnh tim mạch, đặc biệt có hiệu quả tốt đối với chứng rối loạn nhịp tim, suy tim, bệnh động mạch vành và cao huyết áp, đặc biệt hiệu quả với thể tâm tỳ lưỡng hư. Tuy nhiên, đối với các triệu chứng xuất huyết do đàm nhiệt, Quy tỳ thang không thích hợp.

Phùng (2021) và cộng sự đã phân tích hệ thống về hiệu quả của Quy tỳ thang kết hợp với metoprolol trong điều trị rối loạn nhịp tim từ năm 2012 đến 2018, kết quả cho thấy kết hợp đông và tây y có hiệu quả tốt hơn so với chỉ sử dụng thuốc Tây (p < 0.05), nhưng tỷ lệ phản ứng phụ không có sự khác biệt đáng kể về mặt thống kê.

Quy tỳ thang kết hợp thuốc Tây điều trị suy tim thể khí hư huyết ứ có thể tăng cường khả năng co bóp cơ tim, cải thiện chức năng tim, và cải thiện mức BNP (B-type Natriuretic Peptide) và hs-CRP (hypersensitive C-Reactive Protein). Hiệu quả điều trị kết hợp cao hơn rõ rệt so với nhóm đối chứng (p < 0.05).

Quy tỳ thang kết hợp thuốc Tây điều trị cao huyết áp, sau điều trị, huyết áp tâm thu, huyết áp tâm trương và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân được cải thiện rõ rệt so với nhóm đối chứng (p < 0.05), hiệu quả cải thiện huyết áp và chất lượng cuộc sống ở bệnh nhân cao huyết áp.

2. Các bệnh về hệ thần kinh

Mất ngủ do tâm tỳ lưỡng hư

Mất ngủ do tâm tỳ lưỡng hư (thường gặp các triệu chứng như chán ăn, mệt mỏi, tim đập nhanh, hay quên và hay mơ, dễ tỉnh giấc) có thể do rối loạn cảm xúc, ăn uống không điều độ, lao động không hợp lý và cơ thể suy yếu. Khi tỳ vị bị tổn thương, khí huyết không đủ, dẫn đến tâm huyết hư, không thể nuôi dưỡng tâm tỳ, gây ra tình trạng mất ngủ. Do đó, Quy tỳ thang có tác dụng dưỡng tâm an thần, điều trị hiệu quả chứng mất ngủ do tâm tỳ lưỡng hư.

Các nghiên cứu dược lý hiện đại phát hiện rằng Quy tỳ thang có tác dụng an thần, giúp giảm lo lắng thần kinh và tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ bệnh nhân nhanh chóng đi vào giấc ngủ hiệu quả. Khi sử dụng Quy tỳ thang gia giảm để điều trị mất ngủ do tâm tỳ lưỡng hư, chỉ số đánh giá chất lượng giấc ngủ Pittsburgh (PSQI) của bệnh nhân và tỷ lệ tác dụng phụ thấp hơn so với nhóm điều trị bằng thuốc Tây. Thời gian ngủ tổng thể được kéo dài đáng kể, tỷ lệ vào giấc trong vòng một giờ đạt 80-90%, tổng hiệu quả điều trị đạt 90% (p < 0.05). Bài thuốc này cũng có thể cải thiện tình trạng mất ngủ và chất lượng cuộc sống ở bệnh nhân cao tuổi mắc bệnh Parkinson. Hoạt chất chính của Quy tỳ thang là adenosine, và các gen mục tiêu chính là NR3C1, MAPK3, PPARA, tác động thông qua các con đường chuyển hóa và tín hiệu cAMP để điều trị thiếu ngủ.

Trầm cảm

Đối với bệnh nhân trầm cảm, việc sử dụng kết hợp thuốc chống trầm cảm và Quy tỳ thang giúp cải thiện tình trạng bệnh.

Nhóm điều trị kết hợp với Quy tỳ thang và nhóm điều trị bằng thuốc Tây đều có sự giảm điểm đáng kể trên thang đo trầm cảm Hamilton (HAM-D), thang đo trầm cảm tự đánh giá (SDS) và PSQI so với trước điều trị (p < 0.05), và nhóm điều trị kết hợp có điểm số thấp hơn đáng kể so với nhóm chỉ dùng thuốc Tây (p < 0.05). Hiệu quả điều trị của nhóm kết hợp (97.14%) cao hơn đáng kể so với nhóm chỉ dùng thuốc Tây (77.78%) (p < 0.05), và tỷ lệ tác dụng phụ cũng thấp hơn đáng kể (p < 0.05). Quy tỳ thang giúp cải thiện tình trạng trầm cảm và nâng cao chất lượng giấc ngủ của bệnh nhân.

Wei (2023) và cộng sự đã phân tích các thành phần hoạt tính, mục tiêu và cơ chế tác động của sự kết hợp Toan táo nhân – Phục linh – Long nhãn trong Quy tỳ thang, phát hiện các hợp chất chủ chốt như (S)-norzanthoxylin, coumestrol, n-trans-feruloyltyramine, ellagic acid, harmine và tartaric acid có vai trò quan trọng trong việc điều trị trầm cảm. Những hợp chất này giúp giảm phản ứng viêm, ức chế các cytokine gây viêm và giảm quá trình chết tế bào, nhờ đó điều chỉnh tình trạng trầm cảm. Chúng giúp giảm sự biểu hiện của các yếu tố gây viêm như TNF-α, MAPK và CTNNB1, giảm phản ứng viêm và đóng vai trò quan trọng trong điều trị trầm cảm. Các con đường liên quan đến trầm cảm bao gồm tương tác ligand-receptor, con đường tín hiệu canxi, cAMP và các con đường liên quan đến các bệnh thoái hóa thần kinh khác.

Liu (2023) và cộng sự đã phát hiện Quy tỳ thang có thể điều chỉnh các gen như EGF, PPARG, IL-10 và CRP, giúp điều trị trầm cảm kết hợp với các bệnh đường tiêu hóa.

Thoái hóa thần kinh não

Khi sử dụng Gia vị Quy tỳ thang để điều trị suy giảm nhận thức nhẹ (MCI), điểm đánh giá trung bình trên thang lâm sàng đánh giá sa sút trí tuệ (CDR-SB) của nhóm điều trị đã cải thiện rõ rệt từ 1.53 xuống còn 1.13 (p = 0.01), trong khi nhóm dùng giả dược giảm từ 1.61 xuống còn 1.75, sự khác biệt về điểm số lâm sàng giữa hai nhóm có ý nghĩa đáng kể (p = 0.045), chứng tỏ Gia vị Quy tỳ thang an toàn và hiệu quả trong điều trị suy giảm nhận thức nhẹ.

Ở bệnh nhân Alzheimer được điều trị bằng chất ức chế acetylcholinesterase, kết hợp với Quy tỳ thang, các điểm số trên thang đo MMSE-J và RBANS-J đều được cải thiện, cho thấy Quy tỳ thang có thể cải thiện chức năng nhận thức của bệnh nhân Alzheimer.

Phùng (2022) và cộng sự đã nghiên cứu hiệu quả của Quy tỳ thang trên chuột bị thoái hóa thần kinh do tiểu đường, kết quả cho thấy bằng cách điều chỉnh con đường tín hiệu NF-κB/PI3K, giảm sản xuất IL-6 và tăng biểu hiện của IKKα và PI3K (p < 0.05), Quy tỳ thang giúp giảm viêm và cải thiện tình trạng bệnh.

Các bệnh về hệ thống máu

Hứa (2021) quan sát bệnh nhân cường giáp kèm theo giảm bạch cầu, Trần (2021) và các cộng sự nghiên cứu giảm bạch cầu do thuốc chống lao gây ra, cả hai nhóm đều sử dụng thuốc Tây kết hợp với Quy tỳ thang. Kết quả cho thấy, số lượng tế bào bạch cầu, số lượng bạch cầu trung tính và hiệu quả điều trị ở nhóm kết hợp đông và tây y cao hơn đáng kể so với nhóm chỉ điều trị bằng thuốc Tây (p < 0.05).

Diệp (2023) và các cộng sự nghiên cứu tác dụng của Quy tỳ thang trong điều trị bệnh ban xuất huyết dị ứng ở trẻ em, các thành phần hoạt tính chính như betulin, 1-Tetradecanol và adenosine triphosphate có khả năng điều chỉnh chức năng miễn dịch, trong khi stigmasterol và β-ionone điều chỉnh phản ứng viêm thông qua con đường tín hiệu PI3K/AKT. Các mục tiêu chính bao gồm TGF-β1 và TNF, sự mất cân bằng của hai yếu tố này là yếu tố chính gây bệnh, các mục tiêu khác bao gồm IL-6, IL-17A và FOXP3.

Lee (2015) và các cộng sự nghiên cứu tác dụng phòng ngừa hình thành mạch máu bệnh lý võng mạc của Quy tỳ thang, trên mô hình chuột bị bệnh lý võng mạc do oxy hóa (OIR), điều trị bằng Quy tỳ thang làm giảm đáng kể sự biểu hiện của các yếu tố VEGF, FGF2 và PAI-1 mRNA, từ đó giảm hình thành mạch máu bệnh lý ở võng mạc chuột.

Các bệnh phụ khoa

Các bệnh phụ khoa có liên quan mật thiết đến công năng khí huyết ở phụ nữ. Quy tỳ thang được ứng dụng điều trị các bệnh phụ khoa như rối loạn chu kỳ kinh nguyệt do tâm tỳ lưỡng hư, kinh nguyệt quá nhiều, băng lậu, mất ngủ tiền mãn kinh, thiếu sữa sau sinh, với hiệu quả lâm sàng tốt.

Sử dụng Quy tỳ thang gia giảm kết hợp liệu pháp âm nhạc Ngũ hành để điều trị mất ngủ tiền mãn kinh cho kết quả hiệu quả đạt 89.66%, cao hơn đáng kể so với nhóm chỉ dùng Quy tỳ thang hoặc liệu pháp âm nhạc đơn thuần (p < 0.05), điểm số PSQI và MRS của nhóm điều trị kết hợp cũng thấp hơn rõ rệt so với hai nhóm còn lại (p < 0.05).

Do phụ nữ lớn tuổi khí huyết dần suy yếu, đối mặt với áp lực công việc và gia đình làm tổn thương tỳ, khiến tỳ vị hư yếu, dẫn đến khí huyết không đủ, gây táo bón. Dương (2019) áp dụng khái niệm “phòng bệnh trước khi bệnh xảy ra” trong “Nội kinh” để điều trị táo bón ở phụ nữ tiền mãn kinh bằng Quy tỳ thang, giúp điều hòa khí huyết và cải thiện tình trạng táo bón của bệnh nhân.

Các bệnh khác

Trương (2022) và các cộng sự nghiên cứu việc kết hợp đông và tây y để điều trị lupus ban đỏ hệ thống (SLE) dạng nhẹ, áp dụng các bài thuốc đông y khác nhau cho ba chứng bệnh phổ biến của đông y, trong đó, đối với bệnh nhân thể khí huyết hư, sử dụng kết hợp Quy tỳ thang gia giảm và thuốc Tây. So với trước điều trị, lượng glucocorticoid sử dụng của bệnh nhân (p < 0.01) và mức kháng thể dsDNA (p < 0.05) giảm đáng kể, trong khi mức bổ thể C3 và C4 tăng đáng kể (p < 0.01). Tuy nhiên, hiệu quả điều trị sau cùng giữa nhóm điều trị kết hợp và nhóm chỉ điều trị bằng thuốc Tây không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê.

Tóm lại, qua các nghiên cứu ứng dụng lâm sàng hiện đại, đối với các bệnh nhân có các chứng khí huyết lưỡng hư, khí huyết hư suy, khí hư huyết ứ theo đông y, việc sử dụng Quy tỳ thang kết hợp với điều trị bằng y học hiện đại cho hiệu quả tốt hơn. Tuy nhiên, ngoại trừ chứng mất ngủ, các bệnh khác thường kết hợp điều trị bằng thuốc Tây, ít có nghiên cứu độc lập về việc chỉ dùng Quy tỳ thang để kiểm chứng hiệu quả điều trị của nó, do đó cần thêm các nghiên cứu và chứng minh trong tương lai.

Nguồn: Viện nghiên cứu trung y dược quốc gia – Bộ vệ sinh phúc lợi Đài Loan

https://www.nricm.edu.tw/p/406-1000-7224,r11.php?Lang=zh-tw

BS Uông Mai dịch

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *