Người bệnh ung thư có nên uống sữa không?

Nguy cơ ung thư chịu ảnh hưởng một phần bởi chế độ ăn uống. Nhiều nghiên cứu đã xem xét mối liên quan giữa việc tiêu thụ sữa/các chế phẩm từ sữa bò (phô mai, kem, bơ…) và ung thư. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng sữa bò có thể bảo vệ cơ thể chống lại ung thư, trong khi những nghiên cứu khác cho rằng sữa bò có thể làm tăng nguy cơ ung thư. Bài viết này xem xét bằng chứng liên kết các sản phẩm từ sữa bò với ung thư.

1. Đặc điểm chung của các nghiên cứu về mối liên quan giữa sữa bò và ung thư

Đầu tiên bạn đọc cần hiểu biết một vài khái niệm nhỏ trước khi tìm hiểu nội dung chính của bài viết

Nghiên cứu đoàn hệ là một dạng nghiên cứu khoa học được dùng nhiều trong y khoa để xác định các yếu tố nguyên nhân gây bệnh, tìm ra những yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Nghiên cứu được thực hiện trên một tập hợp người có đặc điểm tương đồng với nhau và thường chỉ khác nhau về yếu tố cần nghiên cứu.

Có hai loại là nghiên cứu đoàn hệ tương lai và nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu.

  • Nghiên cứu đoàn hệ tương lai là tại thời điểm bắt đầu nghiên cứu thì cả 2 nhóm đều chưa mắc bệnh (ví dụ không bị ung thư buồng trứng), sau 1 thời gian theo dõi thì người ta sẽ xem tỷ lệ bệnh (ung thư buồng trứng) có khác nhau giữa hai nhóm (có tiêu thụ sữa và không tiêu thụ sữa) hay không. Từ những kết quả phân tích, các nhà khoa học sẽ đi đến kết luận rằng yếu tố lựa chọn nghiên cứu có phải là yếu tố nguy cơ gây bệnh không
  • Nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu là các nhà khoa học sẽ chọn một nhóm đã phơi nhiễm (ví dụ đã tiêu thụ sữa) rồi so sánh tỷ lệ bệnh với một nhóm khác không phơi nhiễm (ví dụ không tiêu thụ sữa) để kết luận yếu tố phơi nhiễm đó có phải là một yếu tố nguy cơ gây bệnh hay không. Nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu thường có độ tin cậy kém hơn nghiên cứu đoàn hệ tương lai do những sai lệch trong thu thập dữ liệu và các nhà khoa học không thể bổ sung các dữ liệu bị thiếu.

Trước tiên cần phải hiểu ý nghĩa thực tiễn và những hạn chế của các nghiên cứu đã được thực hiện về sữa bò và ung thư nói riêng và chế độ ăn uống với bệnh tật nói chung.

Hầu hết các nghiên cứu đã thực hiện được gọi là nghiên cứu quan sát. Đây là loại nghiên cứu sử dụng số liệu thống kê để ước tính mối quan hệ giữa chế độ ăn uống và nguy cơ mắc bệnh. Các nghiên cứu quan sát không thể chứng minh rằng một loại thực phẩm là nguyên nhân gây ra bệnh. Chúng chỉ có thể chỉ ra rằng những người tiêu thụ loại thực phẩm đó ít nhiều có khả năng mắc bệnh. Tính chính xác của những nghiên cứu này thường không cao và không mang tính khẳng định. Mặc dù vậy việc thực hiện các nghiên cứu này vẫn mang ý nghĩa quan trọng, là một phần không thể thiếu trong khoa học dinh dưỡng. Chúng cung cấp manh mối cho chúng ta trong việc đưa ra lời khuyên dinh dưỡng cũng như việc chẩn đoán và điều trị khi kết hợp với các giải thích sinh học hợp lý khác.

Hầu như tất cả các nghiên cứu của con người về mối liên hệ giữa sữa và ung thư đều quan sát được trong tự nhiên, trong đời sống thực tế. Những nghiên cứu này không thể chứng minh rằng các sản phẩm sữa gây ra bệnh mà chỉ có xác định được việc tiêu thụ sữa có liên quan hay không đến bệnh ung thư.

2. Thống kê tổng hợp các nghiên cứu khoa học về mỗi liên quan giữa việc sử dụng sữa bò và nguy cơ mắc các bệnh ung thư

Mối liên quan giữa sữa bò, các chế phẩm từ sữa bò và bệnh ung thư
Mối liên quan giữa sữa bò, các chế phẩm từ sữa bò và bệnh ung thư

2.1. Một số nghiên cứu đưa ra cảnh báo về việc tiêu thụ sữa bò làm tăng nguy cơ ung thư

– Ung thư buồng trứng (ovarian cancer)

  • Năm 2004, Phòng Dịch tễ học dinh dưỡng, Viện Y học Môi trường Quốc gia, Viện Karolinska, Stockholm, Thụy Điển công bố kết quả nghiên cứu về tiêu thụ sữa và nguy cơ ung thư buồng trứng. Đây là một nghiên cứu đoàn hệ tương lai dựa trên số liệu thống kê từ 61084 phụ nữ trong độ tuổi 38-76 đã được ghi danh vào danh sách chụp nhũ ảnh Thụy Điển. Chế độ ăn uống được đánh giá vào năm 1987-1990 với việc sử dụng bảng câu hỏi tần số thực phẩm tự quản lý. Trong thời gian theo dõi trung bình 13,5 năm có 266 phụ nữ được chẩn đoán mắc ung thư buồng trứng biểu mô xâm lấn; 125 phụ nữ bị ung thư buồng trứng serous. Nghiên cứu đưa ra kết quả việc sử dụng nhiều sữa và các sản phẩm từ sữa, đặc biệt là sữa nguyên chất chưa tách béo, có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư buồng trứng. Các chuyên gia đưa ra giải thuyết có thể lactose – một loại đường có trong sữa – đã thúc đẩy việc sản sinh ra loại hormones gây kích thích các khối u phát triển. Nghiên cứu đề xuất các nghiên cứu trong tương lai nên xem xét các phân nhóm ung thư buồng trứng riêng biệt và quan sát kĩ hơn về mối liên hệ giữa sữa và ung thư buồng trứng (https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/15531686)
  • Năm 2005, một thống kê được tổng hợp từ 22 nghiên cứu nhỏ lẻ trước đó cho thấy bơ sữa có thể là một yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh ung thư buồng trứng. Kết quả phân tích tổng hợp này cung cấp một số hỗ trợ cho giả thuyết rằng lượng sữa và đường sữa cao có thể liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư buồng trứng. Bằng chứng này phần lớn giới hạn trong các nghiên cứu đoàn hệ (http://onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1002/ijc.21305/full).

– Ung thư tuyến tiền liệt (prostate cancer)

  • Ung thư tuyến tiền liệt đã trở thành loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới tại Hoa Kỳ. Mặc dù tiêu thụ sữa được coi là một yếu tố rủi ro trong một số nghiên cứu dịch tễ học trước đây, nhưng kết quả của các nghiên cứu không nhất quán. Năm 2009 một phương pháp phân tích tổng hợp đã được thực hiện để ước tính tỷ lệ chênh lệch kết hợp (OR) giữa tiêu thụ sữa và ung thư tuyến tiền liệt từ các nghiên cứu kiểm soát trường hợp được công bố từ năm 1984 đến 2003. Kết quả của nghiên cứu cho thấy có mối tương quan giữa lượng sữa tiêu thụ với tỷ lệ gia tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt. Các chuyên gia đã đưa ra giả thuyết rằng chính thành phần estrogen và IGF-I là 2 thành phần được cho là có liên quan đến thúc đẩy sự gia tăng ung thư tuyến tiền liệt (https://pdfs.semanticscholar.org/6811/e85aff99494e42186a5f5d4ef0c2b7401d75.pdf)
  • Năm 2016 một nghiên cứu của Khoa độc chất – Trường y tế công cộng – Đại hoc Chiết Gang – Trung quốc đưa ra kết luận “Tổng lượng sản phẩm sữa không có tác động đáng kể đến việc tăng tất cả nguy cơ tử vong do ung th. Tuy nhiên, lượng sữa nguyên chất ở nam giới góp phần làm tăng nguy cơ tử vong do ung thư tuyến tiền liệt” (https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/27765039)
  • Năm 2017, Trường Y Harvard thực hiện nghiên cứu với tiêu đề “Uống sữa và mối liên quan đến sự sống còn ở bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt” đã chỉ ra rằng uống sữa có liên quan đến tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt tiến triển . Hai nghiên cứu đoàn hệ của Hoa Kỳ báo cáo tỷ lệ tử vong do ung thư tuyến tiền liệt tăng lên với lượng sữa tăng chất béo cao. Tuy nhiên nghiên cứu cũng cho thấy nếu uống sữa ít béo có liên quan đến việc giảm ranh giới tử vong do ung thư tuyến tiền liệt ở những bệnh nhân bị ung thư tuyến tiền liệt khu trú. (https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/28187509)
  • Một câu hỏi được đặt ra: “Có phải lượng sữa thúc đẩy sự khởi đầu hoặc tiến triển của ung thư tuyến tiền liệt thông qua các tác động lên các yếu tố tăng trưởng giống như insulin (IGFs)” được các nhà nghiên cứu của Đại học Bristol – Anh giải đáp năm 2017 với đáp án “IGF-I là một cơ chế tiềm năng dựa trên mối liên quan quan sát được giữa lượng sữa và nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt” (https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/28361446)
  • Nghiên cứu năm 2018 của các 8 trường đại học và trung tâm y tế lớn tại Mỹ đã phỏng vấn 996 người đàn ông Mỹ gốc Phi và 1064 người Mỹ với chẩn đoán mô học về ung thư tuyến tiền liệt từ Dự án Ung thư tuyến tiền liệt Bắc Carolina-Louisiana (PCaP). Kết quả cho thấy việc tiêu thụ sữa nguyên chất cùng với lượng Ca, Mg cao hơn có liên quan đến tỷ lệ mắc ung thư tuyến tiền liệt cao. (https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/29722851)
  • 4 trường đại học ở California đã thực hiện nghiên cứu trên 1334 người trong vòng 8 năm và đưa ra kết quả báo cáo vào năm 2018. Nghiên cứu chỉ ra rằng sữa giàu chất béo, đặc biệt là sữa nguyên chất, ở những người đàn ông khỏe mạnh có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt xâm lấn. Tiêu thụ sữa nguyên chất sau khi chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt có liên quan đến tăng nguy cơ tái phát, đặc biệt ở những người đàn ông rất thừa cân hoặc béo phì. Đàn ông bị ung thư tuyến tiền liệt chọn uống sữa nên chọn các lựa chọn không béo hoặc ít béo. (https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/29722851)

– Ung thư nội mạc tử cung (endometrial cancer)

  • Năm 2011 Khoa Dinh dưỡng, Trường Y tế Công cộng Harvard công bố một nghiên cứu thực hiện trong 26 năm về “Sữa, lượng sữa và nguy cơ ung thư nội mạc tử cung”. Trong nghiên cứu các nhà khoa học đưa ra nhận định Estrogen có vai trò trung tâm trong nguyên nhân của ung thư nội mạc tử cung. Sữa và các sản phẩm từ sữa là nguồn cung cấp hoóc môn steroid và các yếu tố tăng trưởng có thể có tác dụng sinh lý ở người. Chúng tôi đã đưa ra giả thuyết rằng việc sử dụng nhiều sữa và các sản phẩm từ sữa có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung , đặc biệt là ở phụ nữ sau mãn kinh không sử dụng liệu pháp hormone. Đây là một nghiên cứu đoàn hệ tương lai với 68.019 nữ tham gia nghiên cứu sức khỏe của y tá trong độ tuổi 34-59 năm 1980. Tiêu thụ sữa và sữa được đánh giá vào các năm 1980, 1984, 1986, 1990, 1994, 1998 và 2002 dưới dạng phục vụ mỗi ngày và theo dõi tiếp tục đến năm 2006. Họ quan sát thấy mối liên quan rõ rệt về mặt tổng thể giữa lượng sữa và ung thư nội mạc tử cung và mối liên hệ mạnh mẽ hơn giữa những phụ nữ sau mãn kinh không sử dụng hormone có chứa estrogen. Tiến sĩ Gammaa và các đồng nghiệp lý giải cho kết luận này rằng nếu như 60 – 80% lượng estrogen được hấp thu vào trong cơ thể mỗi ngày đều có nguồn gốc từ sữa bò sẽ làm đẩy nhanh quá trình phân chia tế bào ở nội mạc tử cung dẫn đến những bất thường trong đó có việc hình thành khối u (http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/21717454)
  • Các nghiên cứu quan sát đã đề xuất những phát hiện không thống nhất về mối quan hệ giữa lượng sản phẩm sữa và nguy cơ ung thư nội mạc tử cung thúc đẩy các nhà khoa học đến từ Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc thực hiện nghiên cứu. Họ đưa ra kết luận dựa trên phân tích tổng hợp của nghiên cứu công bố năm 2018 là không quan sát thấy mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa tổng lượng sản phẩm sữa và nguy cơ ung thư nội mạc tử cung. Tuy nhiên, nguy cơ ung thư gia tăng có liên quan đến việc ăn bơ. Có mối liên quan tiêu cực đáng kể về lượng sản phẩm sữa và nguy cơ ung thư nội mạc tử cung ở những phụ nữ có chỉ số BMI cao hơn. (https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5793253/)

– Ung thư gan (hepatocellular carcinoma)

  • Việc sử dụng các sản phẩm sữa có liên quan đến nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, nhưng các phát hiện thường không nhất quán và thông tin về nguy cơ ung thư biểu mô tế bào gan (HCC) bị hạn chế. Chính vì vậy năm 2014, Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế IARC – Pháp công bố nghiên cứu mối liên quan giữa việc tiêu thụ tổng số và các sản phẩm sữa cụ thể (sữa / phô mai / sữa chua) và các thành phần của chúng (canxi / vitamin D / chất béo / protein), với ung thư biểu mô tế bào gan trong Điều tra Triển vọng Châu Âu về đoàn hệ Ung thư và Dinh dưỡng. Kết quả của nghiên cứu cho thấy rằng tiêu thụ nhiều hơn các sản phẩm sữa, đặc biệt là sữa và phô mai, có thể liên quan đến nguy cơ ung thư biểu mô tế bào gan tăng. Chưa tìm thấy mối liên quan nào giữa sữa chua, các thành phần khác của sữa như canxi, vitamin D, chất béo và protein với ung thư gan. (https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/24615266)

2.2. Một số nghiên cứu khác về việc tiêu thụ sữa bò và các chế phẩm từ sữa bò giúp giảm nguy cơ bị ung thư

– Ung thư đại trực tràng

  • Viên nghiên cứu Ung bướu Quốc gia Hoa Kỳ đã thực hiện một nghiên cứu quy mô lớn dựa trên kết quả của 60 nghiên cứu trong vòng 41 năm từ 1966 đến 2007 với tổng số người tham gia là 26000 người. Nghiên cứu đưa ra con số thuyết phục về lượng canxi có trong các chế phẩm từ sữa đặc biệt là bơ sữa giúp giảm 45% nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng lớn hơn nhiều so với việc bổ sung canxi thông qua thuốc bổ (25%). Lý giải cho điều này các chuyên gia cho rằng khi canxi liên kết với các phân tử acid mật và acid béo tồn tại trong ống tiêu hóa sẽ ức chế khả năng phá hủy tế bào biểu mô ruột. Canxi là thành phần tham gia trực tiếp vào quá trình phân bào của tế bào thành ruột (phân chia tế bào) qua đó hạn chế tình trạng quá sản. bên cạnh đó canxi giúp cho tín hiệu liên hệ giữa các tế bào được cải thiện vì vậy giúp ích cho việc tiêu diệt tế bào ung thư. (https://www.tandfonline.com/doi/full/10.1080/01635580802395733)
  • Đến năm 2013, sau 11 năm quan sát giữa việc sử dụng sữa và tổng số sữa (toàn chất béo, bán tách kem và tách kem), sữa chua, phô mai và canxi chế độ ăn uống có nguy cơ ung thư đại trực tràng với 477.122 đàn ông và đàn bà phát hiện 4.513 trường hợp mắc ung thư đại trực tràng đã xảy ra. Sau khi loại bỏ các yếu tố không liên quan các nhà khoa học nhận thấy tổng lượng sữa tiêu thụ có liên quan nghịch với nguy cơ ung thư đại trực tràng. Kết quả của nghiên cứu đã củng cố bằng chứng cho vai trò bảo vệ có thể có của các sản phẩm sữa đối với nguy cơ ung thư đại trực tràng (http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3759377/)
  • Mới đây nhất, năm 2018, Đại học Rovira i Virgili, Khoa Hóa sinh và Công nghệ sinh học công bố kết quả nghiên cứu tổng hợp từ 15 nghiên cứu đoàn hệ và 14 nghiên cứu kiểm soát với 22.000 người tham gia. Nghiên cứu chỉ ra việc tiêu thụ lượng lớn sữa bò và các chế phẩm từ sữa bò có liên quan đến giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng (CRC). (https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/31089733)

– Ung thư vòm họng

  • Ngày 10/4/2019 Đại học Hồng Kông – Trung Quốc đã công bố nghiên cứu mới về mối liên quan giữa sữa và ung thư vòm hòng. Do thời gian gần đây tỷ lệ mắc ung thư biểu mô vòm họng (NPC) cao hơn nhiều ở nam giới cho thấy hormone giới tính là một yếu tố nguy cơ. Chính vì vậy mà các sản phẩm từ sữa chưa hormone sterroid được đưa và quan sát và nghiên cứu ở 815 người bệnh và  1502 người đối chứng. Kết quả cho thấy những người tiêu thụ sữa có nguy cơ mắc ung thư vòm họng thấp hơn những người không tiêu thụ sữa. nhóm nghiên cứu cũng đề xuất các nghiên cứu chuyên sâu hơn để tìm ra mối liên quan, họ hy vọng các kết quả nghiên cứu tiếp theo có thể khẳng định thêm ý nghĩa của việc tiêu thụ sữa trong phòng tránh bệnh ung thư vòm họng (https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/31024854)

2.3 Những nghiên cứu cho kết quả không có mối liên quan giữa sữa, các chế phẩm từ sữa và bệnh ung thư

– Ung thư phổi

Năm 2016 Bệnh viện Ung thư Chiết Giang thực hiện nghiên cứu “Sản phẩm sữa, lượng canxi và nguy cơ ung thư phổi”. Thống kê tổng cộng có 32 nghiên cứu liên quan đến mối liên hệ này đã được xác định từ cơ sở dữ liệu PubMed và Web of Science cho đến ngày 1 tháng 4 năm 2015, bao gồm 12 nghiên cứu đoàn hệ và 20 nghiên cứu kiểm soát trường hợp. Sau khi tổng hợp kết quả của các nghiên cứu riêng lẻ, các nhà khoa học chỉ ra rằng lượng sản phẩm sữa hoặc canxi không liên quan đến thống kê với nguy cơ ung thư phổi (https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/26877260)

– Mới đây trong một thống kê nghiên cứu của 3 trung tâm nghiên cứu y khoa nổi tiếng của Hà Lan, Đan Mạch và Anh đã cùng thực hiện “Sữa và các sản phẩm từ sữa: tốt hay xấu cho sức khỏe con người? Một đánh giá về tổng số bằng chứng khoa học” công bố năm 2016 cho cái nhìn khá khái quát về vai trò của sữa với sức khỏe chung của con người trong đó có ung thư. Nghiên cứu chỉ ra “Trong số các bệnh ung thư, sữa và chế phẩm từ sữa có liên quan nghịch với ung thư đại trực tràng , ung thư bàng quang, ung thư dạ dày ung thư , ung thư vú và không liên quan đến nguy cơ ung thư tụy, ung thư buồng trứng, hoặc ung thư phổi, trong khi bằng chứng liên quan đến ung thư tuyến tiền liệt ung là không phù hợp”. (https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/27882862)

Vậy bệnh nhân ung thư có nên sử dụng sữa bò và các chế phẩm từ sữa bò?

17 nghiên cứu được dẫn chứng trong bài viết chia làm 3 phe ủng hộ, phản đối và trung lập. Các nghiên cứu trên có những nghiên cứu đưa ra quan điểm đồng thuận, có những nghiên cứu đưa ra kết luận tranh cãi và phản đối các nghiên cứu khác. Tuy nhiên rõ ràng các nghiên cứu này là riêng lẻ và cụ thể về từng mặt bệnh ung thư (ung thư phổi, gan, vòm họng, buồng trứng…) chứ không phải là nghiên cứu trên bệnh ung thư chung.

Ngay phần đầu bài viết tôi cũng đã chia sẻ rằng các nghiên cứu này đa phần sẽ không đưa ra được kết luận chính xác mà chỉ là những kết luận về mối liên quan chứ không khẳng định nguyên nhân gây bệnh. Nghĩa là các nghiên cứu không khẳng định sữa và các chế phẩm của sữa là nguyên nhân gây ung thư. Tương tự cũng không có nghiên cứu nào nói rằng sữa và các chế phẩm từ sữa có thể chữa được bệnh ung thư

Vì giữa các nghiên cứu còn chưa đồng thuận nên sữa và các chế phẩm từ sữa được coi là loại thực phẩm gây nhiều tranh cãi trong các thực phẩm dành cho người bệnh ung thư. Chính vì vậy để tránh lo lắng vì những khuyến cáo của các nhà khoa học, người bệnh ung thư có thể chọn các nhóm thực phẩm khác để bổ sung dinh dưỡng.

  • Bệnh nhân ung thư nên hay không nên uống sữa bò phụ thuộc vào căn bệnh ung thư cụ thể mà người bệnh đang mắc.
  • Chưa có nghiên cứu nào khẳng định sữa và các chế phẩm từ sữa là nguyên nhân gây ra một loại bệnh ung thư nào đó. Và cũng chưa có nghiên cứu nào cho kết quả sữa và các chế phẩm từ sữa chữa được bệnh ung thư. Các nghiên cứu chỉ dừng lại ở việc khuyến cáo nên dùng hay không nên dùng tùy theo từng loại bệnh ung thư cụ thể
  • Khi nói sữa bò làm tăng nguy cơ mắc một loại ung thư nào đó thì điều đó không đồng nghĩa với việc nếu bạn không uống sữa bò thì bạn sẽ không mắc bệnh ung thư đó. Bởi ngoài sữa bò thì cũng còn vô số các yếu tố ảnh hưởng thúc đẩy căn bệnh ung thư như tuổi tác, gen, môi trường…
  • Không thể đánh đồng khái niệm “mối liên quan” với “nguyên nhân”
  • Trong các loại thực phẩm dành cho người bệnh ung thư chúng ta còn rất nhiều thực phẩm khác và người bệnh ung thư hoàn toàn có thể lựa chọn các loại sản phẩm khác nếu không thấy yên tâm khi dùng sữa bò.
  • Trong các loại sữa thì có vẻ như sữa nguyên chất được nhiều nhà khoa học cảnh báo hơn là sữa tách béo. Trong các chế phẩm của sữa có vẻ như sữa chua được các nhà khoa học ủng hộ hơn so với các loại khác (bơ, kem, phomat…)

Lời khuyên dinh dưỡng

Nếu không dùng sữa bò thì có loại sữa nào thay thế được?

Ngoài sữa bò người bệnh có thể lựa chọn các loại sữa hạt (sữa nguồn gốc thực vật) để thay thế. Tuy nhiên trước khi lựa chọn bạn vẫn nên tham khảo qua ý kiến của bác sỹ điều trị. Bởi chung quy các loại sữa này cũng chưa được nghiên cứu nhiều và cũng phù hợp với từng người bệnh khác nhau. Dưới đây là một số loại sữa hạt bạn có thể cân nhắc sử dụng

Một số loại sữa hạt dinh dưỡng bổ sung cho người bệnh ung thư
Một số loại sữa hạt dinh dưỡng bổ sung cho người bệnh ung thư
  • Sữa đậu nành: Sữa đậu nành có hàm lượng protein và vitamin D cao có thể là một lựa chọn thay thế bổ sung dinh dưỡng cho người bệnh. Có rất nhiều cách để làm thay đổi hương vị sữa đậu nành giúp bạn thấy hứng thú hơn như có thể cho chút vani, socola… Bạn cũng nên lưu ý, hầu hết đậu nành hiện nay là loại biến đổi gen (GM). Nếu bạn muốn tránh thực phẩm biến đổi gen, bạn sẽ cần tìm sữa đậu nành hữu cơ hoặc với nhãn không được chứng nhận GMO.
  • Sữa hạt hạnh nhân: Bên cạnh vị béo ngậy, sữa hạt hạnh nhân còn giúp nhuận tràng, chống táo bón, tốt cho hệ tiêu hóa. Sữa hạnh nhân có nhiều canxi, vitamin D và vitamin E, nó không chứa chất béo bão hòa, đường sữa và cholesterol. Lưu ý khi dùng hạt hạnh nhân bạn cần loại bỏ vỏ lụa bên ngoài. Có thể cho thêm chút mật ong vào sữa để có vị ngọt.
  • Sữa gạo có thể là sự lựa chọn an toàn với nhiều người bệnh. Nó không chứa chất béo bão hòa hoặc cholesterol, nhưng nó cũng gần như không có protein. Sữa gạo vừa bổ sung được các vitamin nhóm B, vừa cung cấp dinh dưỡng lại là loại sữa dễ uống, thanh nhiệt cơ thể. Nên lựa chọn gạo tẻ để làm sữa gạo. Nếu bạn không thể làm sữa gạo có thể uống nước cơm thay thế cũng là một lựa chọn thông thái.
  • Sữa dừa vốn dùng trong chế biến các món ăn, tuy nhiên sữa dừa cũng có thể là một loại thức uống. Nó không chỉ cung cấp các loại khoáng chất, vitamin mà còn chứa nhiều chất chống oxy hóa. Tuy nhiên không nên uống nhiều sữa dừa vì chúng gây đầy bụng, khó tiêu.
  • Ngoài ra có thể sử dụng các loại khác như sữa hạt điều, sữa hạt lanh, sữa yến mạch nhưng đa phần các loại sữa này cũng thường ít protein. 

Sữa bò là loại sữa cung cấp nhiều protein, canxi và vitamin – đây là những thành phần không có nhiều trong các loại sữa hạt vì thế nếu sử dụng sữa hạt thay thế bạn sẽ phải bổ sung thêm các chất dinh dưỡng khác thông qua các nhóm thực phẩm khác. 

Dinh dưỡng dành cho bệnh nhân ung thư

Dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư thực sự là một yếu tố quan trọng bậc nhất quyết định hiệu quả điều trị. Rất nhiều người vì ăn uống quá kiêng khem dẫn đến không đủ sức khỏe để thực hiện các biện pháp điều trị như hóa trị, xạ trị hay phẫu thuật. Rõ ràng một chế độ ăn hợp lý là rất cần thiết với người bệnh ung thư.

Với mỗi bệnh ung thư sẽ có những lưu ý khác nhau về chế độ dinh dưỡng vì vậy bạn nên nhận lời khuyên từ chính các bác sỹ trực tiếp điều trị cho bạn hoặc các chuyên gia dinh dưỡng tại khoa dinh dưỡng lâm sàng các bệnh viện điều trị ung thư chuyên sâu. 

Nhưng cho dù bạn bị bệnh ung thư, bị bệnh tim mạch… hay hoàn toàn khỏe mạnh thì chế độ ăn phong phú đa dạng về chủng loại và đầy đủ 5 nhóm chất thiết yếu vẫn là sự lựa chọn vàng cho sức khỏe của bạn. 

Một chế độ ăn nhiều rau xanh, cá, thịt gia cầm, thêm dầu thực vật, uống nhiều nước và vận động, tập thể dục thể thao….sẽ giúp bổ dung đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể chống chọi lại bệnh tật. Bên cạnh sự lựa chọn sữa bò người bệnh có thể lựa chọn các loại sữa hạt với hàm lượng dinh dưỡng cao và an toàn. Nước ép, sinh tố trái cây cũng là một sự thay thế hoàn hảo bổ sung vitamin và chất khoáng cần thiết. Tập luyện thể thao nhẹ nhàng và duy trì trạng thái tâm lý tích cực sẽ giúp quá trình chuyển hóa và hấp thu dinh dưỡng được tốt hơn.

Hy vọng qua bài viết này sẽ giúp người bệnh ung thư có được sự lựa chọn thông thái cho  chế độ dinh dưỡng của bản thân.

BS Thanh Mai – Hội Nội khoa Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *