Bạn đã từng phát hiện ra rằng, mỗi người có những biểu hiện rất khác nhau sau khi uống rượu? Bạn có thắc mắc tại sao có người uống rượu xong mặt đỏ tía tai, còn có người lại càng uống mặt càng tái nhợt, có người chỉ uống một ly đã ngã, nhưng có người lại uống mãi không say. Thực ra, tất cả điều này đều liên quan đến yếu tố trong cơ thể chúng ta. Hãy cùng Vạn Quốc Dược Vương tìm hiểu về vấn đề này nhé!
Sự chuyển hóa rượu trong cơ thể
Khi rượu vào cơ thể, trước hết nó sẽ được chuyển hóa tại gan nhờ enzym alcohol dehydrogenase (ADH) thành acetaldehyde. Acetaldehyde là một chất độc, nếu không được xử lý kịp thời, nó có thể gây hại cho các tế bào. May mắn thay, trong cơ thể chúng ta có một loại enzym khác là aldehyde dehydrogenase (ALDH), nó sẽ chuyển acetaldehyde thành axit acetic vô hại, sau đó axit acetic tiếp tục được phân giải thành carbon dioxide và nước, và cuối cùng được thải ra ngoài.
Trong quá trình chuyển hóa rượu, alcohol dehydrogenase (ADH) và aldehyde dehydrogenase (ALDH) đóng vai trò quan trọng. Nghiên cứu cho thấy khi hai loại enzym này có hoạt tính chuyển hóa cao, nghĩa là sau khi uống rượu, chất trung gian acetaldehyde trong cơ thể được chuyển hóa nhanh chóng và không dễ tích tụ; nghiên cứu cũng phát hiện rằng nhóm người này thường có khả năng uống rượu tốt hơn.
Mặt đỏ khi uống rượu” vs “Mặt trắng khi uống rượu”, ai uống giỏi hơn?
Tại sao sau khi uống rượu lại “mặt đỏ”? Khi enzym alcohol dehydrogenase (ADH) có hoạt tính quá mạnh hoặc enzym aldehyde dehydrogenase (ALDH) có hoạt tính chuyển hóa thấp, sau khi uống rượu sẽ xuất hiện các phản ứng như mặt đỏ, nóng bừng, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn và buồn ngủ. Đây là do acetaldehyde trong cơ thể tích tụ nhanh chóng mà không được chuyển hóa kịp thời. Acetaldehyde là chất gây ung thư, nếu tích tụ lâu dài với số lượng lớn sẽ làm tăng đáng kể nguy cơ mắc ung thư.
Tại sao sau khi uống rượu lại “mặt trắng”? Khi cả hai loại enzym này đều có hoạt tính chuyển hóa thấp, sau khi uống rượu sẽ xảy ra tình trạng da dần trở nên trắng bệch. Điều này là do lượng lớn rượu không được phân giải trong cơ thể mà đi thẳng vào hệ tuần hoàn máu, khiến các mao mạch ngoại vi co lại và máu dồn về các khu vực trung tâm bên trong cơ thể. Lâu dần, nguy cơ mắc ung thư gan ở nhóm người này sẽ tăng cao.
Như vậy việc mặt đỏ hay mặt tái phụ thuộc vào ADH và ALDH. Hai loại enzym này lại do gen quy định. Bởi vậy phản ứng sau uống rượu như thế nào phụ thuộc vào hệ gen của bạn. Bạn có thể xét nghiệm gen ALDH2 để biết về tửu lượng của bản thân. Gen ALDH2 có 2 type là Glu(G) và Lys(L) tạo ra 3 kiểu gen GG, LG, LL tương ứng với 3 kiểu người
- Người mang kiểu gen GG: khả năng chuyển hóa acetaldehyde tốt nhất (tửu lượng rất cao)
- Người mang kiểu gen LG: khả năng chuyển hóa acetaldehyde tốt (tửu lượng cao)
- Người mang kiểu gen LL: khả năng chuyển hóa acetaldehyde kém nên acetaldehyde tích tụ trong cơ thể -> đỏ mặt khi uống rượu, thậm chí có thể nôn mửa, tim đập nhanh, nhức đầu…
Những người mang kiểu gen GG, LG thường gặp ở Nhật Bản, Hàn Quốc. Trong khi có khoảng 30-40% dân châu Á mang kiểu gen LL.
Những người càng uống rượu mặt càng tái đi, đến 1 thời điểm say không biết gì, không uống được nữa là do họ có enzym acetaldehyde dehydrogenase2 (ALDH 2) hoạt tính cao.
Người vừa có acetaldehyde dehydrogenase2 (ALDH 2) hoạt tính cao và ADH hoạt tính cao thuộc nhóm ‘cao thủ” về rượu. Khi uống nhiều rượu 2 loại enzym này sẽ chuyển hóa nhanh chóng alcohol thành acetat đi vào chu trình Crep tạo ra năng lượng dưới dạng nhiệt nên những người này hay ra nhiều mồ hôi khi uống lượng lớn rượu.
Các rủi ro sức khỏe từ việc uống rượu
Tác động của rượu đến cơ thể rất đa dạng, không chỉ ảnh hưởng đến khả năng uống rượu mà còn có thể gây ra một loạt các vấn đề sức khỏe. Uống rượu quá mức trong thời gian dài, đặc biệt đối với những người có đột biến gen ALDH2, acetaldehyde sẽ tích tụ trong cơ thể, có thể gây hư hại và đột biến DNA, làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư đặc biệt phải kể đến ung thư gan, ung thư thực quản…
Ngoài ra, rượu còn có thể gây hại cho gan, gây ra viêm gan, gan nhiễm mỡ, thậm chí là xơ gan. Đối với tim, uống rượu lâu dài có thể dẫn đến bệnh cơ tim và bệnh tim. Rượu cũng có thể ảnh hưởng đến chức năng nhận thức của não, gây suy giảm trí nhớ và giảm khả năng học tập.
Nghệ thuật uống rượu: Khuyến khích uống có trách nhiệm, tận hưởng cuộc sống lành mạnh
Văn hóa uống rượu đã ăn sâu trong nhiều tầng lớp xã hội, thường gắn liền với các hoạt động xã giao, lễ kỷ niệm hay thậm chí là công việc. Tuy nhiên, cùng với sự gia tăng nhận thức về sức khỏe, việc uống rượu có trách nhiệm trở nên đặc biệt quan trọng.
Sau khi hiểu rõ khả năng chuyển hóa rượu của bản thân, chúng ta có thể đưa ra quyết định uống rượu một cách thông minh hơn. Uống rượu vừa phải có nghĩa là kiểm soát lượng tiêu thụ, tránh những rủi ro sức khỏe do việc uống quá mức gây ra. Trong các tình huống xã hội, ngay cả khi đối mặt với việc bị ép uống, chúng ta cũng nên giữ nguyên tắc của mình, không uống quá đà vì áp lực từ bên ngoài.
Ngoài ra, việc khuyến khích một văn hóa uống rượu lành mạnh, chẳng hạn như chọn loại rượu nhẹ, uống từ từ và kết hợp với đồ ăn, đều là những cách hiệu quả để giảm thiểu tác hại của rượu đối với cơ thể.
BS Uông Mai tổng hợp và lược dịch