Những ngày gần đây vụ một số trẻ mần non ở Bắc Ninh dương tính với xét nghiệm sán lợn đang khiến cộng đồng dậy sóng. Nhưng có một số vấn đề cốt lõi chúng ta cần làm rõ
- Xét nghiệm miễn dịch chẩn đoán sán cho kết quả dương tính với sán lợn chỉ là kết luận khẳng định đã từng nhiễm sán lợn hoặc đang nhiễm sán lợn chứ không có giá trị khẳng định đường lây nhiễm sán lợn.
- Bệnh sán lợn có những biến chứng nguy hiểm khi không được phát hiện và điều trị kịp thời, đúng phác đồ. Nhưng khi đã được phát hiện thì việc điều trị không phức tạp.
- Bệnh sán lợn hiện có thuốc đặc trị. Với điều trị sán trưởng thành dùng thuốc liều duy nhất. Đối với điều trị nang sán thời gian điều trị kéo dài 10 – 30 ngày tùy loại thuốc.
- Việc phòng bệnh hết sức đơn giản
- Nguyên tắc bất di bất dịch là không ăn lợn gạo (lợn mang sán, ấu trùng sán)
- Tuyệt đối ăn chín, uống sôi, vệ sinh cá nhân sạch sẽ, không phóng uế bừa bãi, giữ gìn vệ sinh chung.
Bản thân bạn và gia đình cũng nên chủ động phòng tránh bệnh bằng việc:
- Kiểm tra sức khỏe và tình trạng nhiễm ký sinh trùng nếu nghi ngờ mắc bệnh. Khi trong gia đình có người mắc bệnh nên xét nghiệm cả gia đình để loại trừ.
- Chủ động ăn chín, uống sôi, giữ gìn vệ sinh thân thể, vệ sinh môi trường.
- Thông thái trong lựa chọn thực phẩm cho các bữa ăn của gia đình.
- Tẩy giun, sán định kỳ hàng năm theo khuyến cáo của Bộ y tế.
Dưới đây là toàn văn các thông tin cập nhật về bệnh sán dây lợn do Cục y tế dự phòng – Bộ y tế công bố.
1. Bệnh sán dây, ấu trùng sán lợn và các biện pháp phòng bệnh – Cục y tế dự phòng – Bộ Y tế
“Bệnh sán dây, ấu trùng sán lợn và các biện pháp phòng bệnh
Bệnh sán dây, ấu trùng sán lợn gặp ở nhiều nơi trên thế giới, người mắc bệnh thường liên quan đến tập quán ăn uống, ăn thịt lợn chưa nấu chín. Ở Việt Nam, bệnh xuất hiện ở tất cả các vùng miền, các tỉnh thành. Theo số liệu được báo cáo của các cơ sở điều trị đến nay, có ít nhất 55 tỉnh, thành có trường hợp bệnh sán dây, ấu trùng sán lợn. Bệnh ấu trùng sán lợn do ăn phải thức ăn bị ô nhiễm có nhiễm trứng sán dây lợn hoặc ấu trùng sán lợn (như thịt lợn gạo) chưa được nấu chín kỹ. Thông thường, ấu trùng sán lợn sẽ chết khi được đun nấu ở nhiệt độ 75o C trong vòng 5 phút hoặc đun sôi trong vòng 2 phút.
Để biết xem có phải mắc bệnh sán dây, ấu trùng sán lợn hay không cần dựa vào các biểu hiện triệu chứng bệnh như: đi ngoài ra đốt sán, rối loạn tiêu hóa, đau bụng kéo dài…; và các xét nghiệm. Bệnh ấu trùng sán lợn được điều trị khỏi bằng các thuốc Praziquantel và Albendazole. Người bệnh cần được chẩn đoán sớm và điều trị để tránh bệnh lây lan ra cộng đồng.
Trong một vài ngày qua, có nhiều cháu nhỏ ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đã được gia đình đưa đến Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương để khám xác định bệnh ấu trùng sán lợn. Các bác sỹ đã và đang tích cực khám chẩn đoán phát hiện các triệu chứng, đánh giá các nguyên nhân, các yếu tố dịch tễ, tiền sử sử dụng các loại thức ăn bị ô nhiễm, làm xét nghiệm và tiến hành các phân tích để có chẩn đoán. Việc chẩn đoán HIỆN TẠI có đang mắc bệnh ấu trùng sán lợn hay không cần dựa vào nhiều yếu tố vì xét nghiệm ELISA kháng thể dương tính có thể do đã bị nhiễm bệnh trước đó. Vì vậy, việc chẩn đoán chính xác nguồn lây truyền, đường lây cần có các điều tra, đánh giá dịch tễ cẩn thận, rõ ràng, chính xác đảm bảo khách quan dựa trên các bằng chứng khoa học.
Để chủ động phòng bệnh sán dây và ấu trùng sán lợn, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân:
2. PHÁC ĐỒ CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ BỆNH SÁN DÂY (SÁN DÂY LỢN VÀ SÁN DÂY BÒ) – CỤC Y TẾ DỰ PHÒNG – BỘ Y TẾ
(Taeniasis)
Bệnh sán dây bao gồm 2 loại là sán dây lợn và sán dây bò, thuộc nhóm C trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Bệnh sán dây có thể ký sinh ở người dưới hình thức sán trưởng thành và ấu trùng.
1. Đặc điểm của bệnh:
1.1. Định nghĩa ca bệnh:
– Ca bệnh lâm sàng:
+ Bệnh sán dây trưởng thành: chủ yếu gây triệu chứng đau bụng, rối loạn tiêu hóa nhẹ. Tuy nhiên, triệu chứng chủ yếu là người bị bệnh thường xuyên có những cảm giác khó chịu, bứt rứt do những đốt sán (sán dây bò) tự rụng ra ngoài ống tiêu hóa bất cứ lúc nào.
+ Bệnh ấu trùng: tùy thuộc vào vị trí ký sinh của nang sán mà có những biểu hiện khác nhau (có các nốt ở dưới da bằng hạt đỗ, hạt lạc, di động dễ, không ngứa, không đau, nằm ở vị trí cơ vân, không ở trên đường đi của hạch bạch huyết; hoặc có thể bị động kinh, liệt tay, chân hay liệt nửa người, nói ngọng, rối loạn trí nhớ hoặc đau đầu dữ dội; hoặc có thể tăng nhãn áp, giảm thị lực hoặc mù nếu có nang sán ở mắt.
– Ca bệnh xác định:
+ Bệnh sán dây trưởng thành: xét nghiệm phân tìm thấy đốt sán và trứng sán dây.
+ Bệnh ấu trùng: xét nghiệm chẩn đoán xác định khi có một trong các tiêu chuẩn sau sinh thiết các nốt/nang sán dưới da. Ép, soi kính hiển vi thấy vòng móc của đầu sán hoặc chụp cắt lớp não CT scanner có nang sán trong não. Đó là những nốt dịch có chấm mờ lệch tâm, kích thước 3-5 mm, có nốt to hơn, có thể có nốt vôi hóa. Chụp cộng hưởng từ (MRI) có độ chính xác cao hơn nhưng cần cân nhắc để có chỉ định trong từng trường hợp cụ thể.
1.2. Chẩn đoán phân biệt với một số bệnh tương tự:
– Bệnh sán dây trưởng thành: cần phân biệt với bệnh giun truyền qua đất như giun đũa, giun tóc, giun móc/mỏ, bằng xét nghiệm phân tìm trứng giun trong phân.
– Bệnh ấu trùng: phân biệt với các bệnh ấu trùng giun đũa chó bằng kỹ thuật ELISA, giun xoắn và một số bệnh thần kinh, bệnh về mắt bằng các xét nghiệm chuyên khoa.
1.3. Xét nghiệm:
– Loại mẫu bệnh phẩm:
+ Bệnh phẩm phân để tìm trứng sán dây hoặc đốt sán dây trưởng thành.
+ Bệnh phẩm máu để tìm kháng thể kháng ấu trùng sán dây lợn trong huyết thanh bệnh nhân.
– Phương pháp xét nghiệm:
+ Xét nghiệm phân để tìm trứng theo phương pháp xét nghiệm trực tiếp hoặc phương pháp Kato.
+ Xét nghiệm máu tìm kháng thể kháng ấu trùng sán dây lợn bằng phương pháp ELISA. Ngoài ra, có thể dùng phương pháp sinh thiết cơ hoặc chụp cắt lớp não CT scanner để tìm nang sán.
2. Tác nhân gây bệnh:
– Tên tác nhân:
+ Bệnh sán dây (Taeniasis) là do các loài sán dây trưởng thành gồm Taenia saginata, Taenia solium và Taenia asiatica ký sinh trong ruột gây nên.
+ Bệnh ấu trùng sán lợn (Cysticercosis) là do những ấu trùng sán lợn ký sinh ở trong cơ, trong não, trong mắt người gây nên.
– Hình thái:
+ Sán dây trưởng thành: sán dây thường dài từ 2 – 4 mét, có khi tới 8 – 10 mét. Nhìn bên ngoài, sán dây có hình thể như một dải băng và có 3 phần: phần đầu là một hình cầu mang những mồm hút và bộ phận bám, phần cổ thường thắt lại và không có đốt, phần thân gồm nhiều đốt và những đốt tùy theo độ trưởng thành có sự phát triển khác nhau..
+ Ấu trùng sán dây lợn: khi phát triển đầy đủ, ấu trùng là một túi giống như một hạt đu đủ mọng nước, chiều dài 15 mm, chiều ngang 7 – 8 mm, hình dạng của ấu trùng có thể thay đổi tùy theo nơi ký sinh. Ở những cơ chắc, ấu trùng có hình kéo dài nhưng ở những bộ phận có tổ chức lỏng lẻo ấu trùng lại có hình cầu.
– Khả năng tồn tại trong môi trường bên ngoài:
+ Đối với trứng sán dây nằm trong đốt sán nên khó bị phá vỡ, chỉ khi nào đốt sán thối rữa mới giải phóng trứng; cũng như trứng giun đũa, trứng sán dây ra môi trường nhiệt độ ánh sáng trên 700C mới có khả năng diệt trứng.
+ Ấu trùng sán dây lợn bị giết chết ở dưới -20C, nhưng ở 00C đến -20C nó sống được gần 2 tháng và nhiệt độ phòng thí nghiệm cũng sống được 26 ngày. Nếu muốn dùng thịt sống thì phải ướp thịt ở -100C trong 4 ngày mới bảo đảm; ấu trùng bị giết chết ở 45-500C để đảm bảo an toàn phải đun sôi trên 1 giờ.
3. Đặc điểm dịch tễ học:
– Bệnh sán dây trưởng thành: phân bố rải rác nhiều nơi trên toàn quốc, tỷ lệ nhiễm dao động từ 0,5-12%; trong đó, tỷ lệ nhiễm sán dây bò chiếm chủ yếu 70-80%, sán dây lợn chiếm tỷ lệ thấp 10-20%.
– Bệnh ấu trùng sán lợn: phân bố rải rác ở ít nhất 49 tỉnh/thành trong cả nước, tỷ lệ nhiễm khoảng 5-7%.
4. Nguồn truyền nhiễm:
– Ổ chứa: sán dây trưởng thành sống ở ruột non của người; ấu trùng sán dây lợn sống ký sinh ở trong tổ chức của một số động vật có vú như người, lợn, lợn rừng, trâu, bò, lạc đà, cừu, dê, ngựa, thỏ, chó, mèo.
– Thời gian ủ bệnh: sán dây trưởng thành khoảng 8-10 tuần, ấu trùng sán dây lợn khoảng 9-10 tuần.
– Thời kỳ lây truyền: sau khoảng 10 tuần, sán trưởng thành sống trong ruột non của người, những đốt sán già tự rụng ra ngoài hậu môn hoặc theo phân bài tiết ra ngoài. Trong đốt sán có trứng sán, khi đốt rữa ra trứng sẽ giải phóng và nếu người ăn phải trứng sán dây lợn sẽ gây bệnh ấu trùng sán dây lợn.
5. Phương thức lây truyền:
– Người ăn phải thịt lợn, thịt bò có ấu trùng sán (nang sán) chưa được nấu chín sẽ phát triển thành sán dây lợn/bò trưởng thành ký sinh ở ruột non của người.
– Người ăn phải trứng sán dây lợn, trứng sẽ phát triển thành nang trùng sán trong cơ thể (người gạo); rất hiếm gặp bệnh ấu trùng sán dây bò.
6. Tính cảm nhiễm và miễn dịch:
– Bệnh sán dây trưởng thành: thường liên quan đến tập quán ăn thịt lợn/bò tái hoặc chưa nấu chín. Tuy nhiên, bệnh sán dây bò thường chiếm tỷ lệ cao hơn vì người dân thường ăn thịt bò tái hoặc chưa nấu chín hơn thịt lợn.
– Bệnh ấu trùng sán dây lợn: thường gặp ở những vùng có sử dụng phân tươi để bón cây trồng.
– Người rất ít có miễn dịch với bệnh sán dây trưởng thành và ấu trùng.
7. Các biện pháp phòng chống dịch:
7.1. Biện pháp dự phòng:
– Tuyên truyền giáo dục sức khỏe: tuyên truyền cho người dân về tác hại và đường lây truyền của bệnh sán dây và bệnh ấu trùng sán lợn để chủ động phòng chống bệnh.
– Vệ sinh phòng bệnh: vệ sinh cá nhân, không ăn thịt bò/lợn tái hoặc chưa nấu chín; thực hiện ăn chín, uống chín, ăn rau sống phải rửa sạch dưới vòi nước. Quản lý và xử lý nguồn phân tươi hợp lý, tránh reo rắc mầm bệnh ra môi trường. Phát hiện và tẩy sán trưởng thành sớm nếu bị nhiễm bệnh.
7.2. Biện pháp phòng chống dịch:
– Tổ chức: nếu có dịch xảy ra phải thành lập ngay Ban chỉ đạo các cấp khoanh vùng dập dịch.
– Chuyên môn: thu dung bệnh nhân tới cơ sở y tế để điều trị diệt mầm bệnh; kiểm soát trâu, bò vùng có dịch; tuyên truyền người dân không ăn thịt lợn/bò chưa được nấu chín dưới bất kỳ hình thức nào.
7.3. Nguyên tắc điều trị:
– Điều trị sớm, đủ liều và dùng thuốc đặc hiệu.
– Điều trị hỗ trợ khi cần thiết để nâng cao thể trạng cho bệnh nhân.
– Lưu ý những trường hợp chống chỉ định điều trị cho phụ nữ có thai, những người đang bị bệnh cấp tính hoặc suy tim, suy gan, suy thận, bệnh tâm thần…, cơ địa dị ứng với thuốc cần dùng.
– Thuốc điều trị:
+ Điều trị sán dây trưởng thành: có thể dùng một trong hai loại thuốc sau:
Praziquantel viên nén 600 mg liều 15-20 mg/kg, liều duy nhất uống sau khi ăn 1 giờ.
Niclosamide viên nén 500 mg liều 5-6 mg/kg, liều duy nhất uống lúc đói, sau 2 giờ tẩy Magie sulphat 30 mg kèm theo uống nhiều nước (1,5-2 lít).
+ Điều trị nang sán: áp dụng tại các bệnh viện từ tuyến huyện trở lên:
Praziquantel viên nén 600 mg liều 15 mg/kg/lần ´ 2 lần/ngày ´ 10 ngày ´ 2-3 đợt, mỗi đợt cách nhau 10-20 ngày hoặc
Albendazole 7,5 mg/kg/lần ´ 2 lần/ngày ´ 30 ngày ´ 2-3 đợt, mỗi đợt cách nhau 10-20 ngày. Trước khi dùng phác đồ này, cần tẩy sán trưởng thành bằng Praziquantel liều duy nhất từ 15-20 mg/kg.
7.4. Kiểm dịch y tế biên giới: Không nhập hoặc xuất thịt lợn/bò có ấu trùng (lợn gạo/bò gạo) qua biên giới.”