Bác sỹ thẩm mỹ trả lời 6 câu hỏi thường gặp về phẫu thuật thẩm mỹ mí mắt

Đôi mắt là “cửa sổ tâm hồn”, nhìn qua đôi mắt ta biết được ít nhiều tâm trạng cũng như nỗi vui buồn của người mang nó. Cho nên từ lâu người ta đã quan tâm và bằng mọi cách để làm đẹp cho “cửa sổ tâm hồn” của mình.

Cách trang điểm đúng cách làm nổi bật đôi mắt, trông có vẻ to hơn, mí thấy rõ hơn và hốc mắt có chiều sâu làm cho ánh mắt thêm sắc sảo. Nhưng đôi khi việc làm trên cũng không hữu hiệu đối với những người có mắt một mí kèm thêm tụ mỡ thừa quanh mắt. Ở những trường hợp này, phẫu thuật là cần thiết.

Khi nào nên mổ mí mắt

Đối với người có mắt một mí, không phải lúc nào cũng mổ mí đôi thì mới đẹp. Có những khuôn mặt rất thích hợp với mắt một mí, nhất là khi còn thấy rõ bờ mi thì không nên mổ làm gì. Trước khi quyết định mổ, nên thử nhấn mí để xem có phù hợp không, điều này bạn cần trao đổi cùng bác sĩ.

Đối với người bị sa da mi (blepharochalasis) thường gặp ở người trên 35 tuổi, cả nam lẫn nữ đều bị và thường nặng dần theo tuổi tác. Da mất chất đàn hồi bị giãn ra và xệ xuống, cơ vòng mi và nâng mi cũng bị giãn và yếu đi, mỡ tích tụ quanh mắt tạo nên những túi hay bọc mỡ ở cả mi trên và dưới. hiện tượng này có thể xảy ra đều ở hai bên mắt nhưng thường thì không đều. Chính điều này làm cho đôi mắt xấu đi mà người ta hay gọi là mắt bị bụp và mí đôi…không còn thấy nữa! Đứng trước hoàn cảnh này nhiều người băn khoăn tự hỏi :“Sao mình già thế?”, ngược lại cũng có nhiều người tự cho rằng :“Thế cũng được rồi, chẳng sao” và họ vẫn sống vui vẻ hạnh phúc. Cho nên không bắt buộc phải mổ thẩm mỹ để đạt được mục đích sống của mình, nhưng nếu bạn quan tâm, muốn cải thiện cho đôi mắt của mình trẻ lại thì bạn nên lưu ý những điều sau đây:

Khi nào không nên mổ?

Trong những trườnh hợp bị cường giáp, bị khô mắt, cao huyết áp, bệnh tim mạch, tiểu đường, tăng nhãn áp, nhiễm trùng,…

Mổ có đau không?

Dĩ nhiên là không, nhưng chích thuốc tê thì đau chút ít. Chỉ cần tê tại chỗ, không cần phải gây mê.

Kế hoạch mổ ra sao?

Bác sĩ vẽ đường mổ, cắt bỏ bớt da thừa và lấy bớt các túi mỡ, sau đó tạo hình mí đôi lại cho bạn. dường mổ được khâu bằng chỉ nhỏ, có thể băng hoặc không băng. Thời gian mổ từ 20 đến 30 phút cho mi trên hoặc mi dưới, chỉ khâu được rút sau 4 đến 5 ngày. Đối với các túi mỡ ở mi dưới, người ta có thể rạch qua đường kết mạc ở trong mi mắt, nhờ đó tránh được sẹo mổ ở phía ngoài.

Mổ có ảnh hưởng hay biến chứng gì không?

Bất cứ phẫu thuật nào cũng có nguy cơ, để hạn chế nên tuân thủ theo mọi hướng dẫn của bác sĩ, đương nhiên là bác sĩ phải giỏi, có kinh nghiệm, tốt nhất là “mắt thấy – tai nghe” chứ đừng nghe lời quảng cáo. Những biến chứng có thể hay gặp là bầm sưng quanh mắt, cử động nhắm mở mi mắt khó khăn, mí không cân đối, sẹo mổ xấu,…nhưng những trục trặc này có thể cải thiện sau vài tháng. Có thể gặp biến chứng hở mi, nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến nhãn cầu, trường hợp này phải mổ lại sớm. Đôi khi kết quả sau mổ không như ý muốn. Bạn cần thảo luận với bác sĩ để có giải pháp thích hợp.

Chăm sóc sau mổ?

Phải giữ vết mổ khô sạch, tránh va chạm mạnh lên vết mổ, tránh bôi các chất sát trùng không cần thiết, không cần phải thoa kem hay thuốc chống sẹo. Nên tránh nắng và mang kính râm những ngày đầu sau mổ. Vết mổ mới có thể hơi đỏ và sượng cứng, hiện tượng này giảm dần và biến mất sau từ 3 đến 6 tháng. Nếu mổ đúng và không có biến chứng thì vết mổ ở vùng mi lành sẹo rất đẹp, gần như không thấy gì.

Không nên kiêng ăn quá đáng, chỉ cần tránh ăn nhiều các thực phẩm có khả năng gây dị ứng cao như đồ biển, mắm các lọai,…

Ngòai cách mổ thông thường, người ta còn sử dụng laser để phẫu thuật. Lọai thường dùng là laser CO2, bản chất đây là “con dao ánh sáng”, có tác dụng vừa rạch da vừa cầm máu, vết mổ lành sẹo tốt. Đối với phẫu thuật mi mắt thì tác dụng ưu việt này không khác biệt nhiều so với cách mổ thông thường, nhưng đòi hỏi bác sĩ phải có kinh nghiệm và thành thạo vì biến chứng của laser công suất cao rất nguy hiểm.

Có nhiều lọai laser khác nhau tùy theo họat chất của nó là gì. Mỗi lọai cho tia sáng có bước sóng riêng biệt mà nhờ đó có tác dụng khác nhau. Người ta có thể tái tạo da mặt, xóa các nếp nhăn, các vết thâm, vết nám, mảng sắc tố, bướu mao mạch lan tỏa,……

Tuy nhiên cho dù bạn chọn phương pháp nào đi nữa thì việc trao đổi với bác sĩ trước mổ rất quan trọng, đừng ngần ngại khi hỏi tất cả những điều liên quan đến cuộc mổ của mình, miễn làm sao bạn hài lòng về kết quả mà bạn đã được tham vấn.

Cuộc sống ngày càng tiến bộ, nhu cầu làm đẹp cho con người cũng tăng cao và đa dạng, trong đó phẫu thuật thẩm mỹ góp phần không nhỏ cho bạn sống vui tươi và tự tin hơn. Một tâm hồn đẹp nên có “cửa sổ” đẹp, chứ không nhất thiết phải có “cửa sổ” đẹp mới có tâm hồn…

  BS Phạm Xuân Hùng

Hội viên Viện hàn lâm Thẩm mỹ Hoa Kỳ (AACS)

Chủ tịch Hội nghị khoa học Quốc tế thường niên lần XII về thẩm mỹ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *