Bước 1: Chẩn đoán để đánh cảm
- Cảm nắng: thường gặp về mùa hè. Biểu hiện người nóng ran, ra mồ hôi, khô miệng, khát nước, họng đỏ đau, đi tiểu ít, người mệt mỏi, nặng hơn có thể choáng váng đầu óc, tức ngực buồn nôn.
- Cảm lạnh: thường gặp vào mùa đông. Biểu hiện khi bị cảm lạnh thường là gai rét, sợ lạnh, phát sốt nhẹ, không ra mồ hôi, chảy nước mũi, đau đầu, đau mỏi cơ khớp, nặng có thể gây đau bụng, đại tiện phân nát…
- Cảm cúm: tình trạng nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính do virus influenza (virus cúm) gây ra. biểu hiện sốt cao, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mắt, khô rát họng… Với bệnh cảm cúm, phương pháp đánh cảm chỉ có tác dụng giảm các triệu chứng.
- Trúng gió: có thể gặp cả 4 mùa. Thường sẽ xuất hiện lần lượt các triệu chứng: ban đầu là sổ mũi, đau họng; tiếp đến là đau đầu cùng thái dương, trước trán; tiếp theo sốt nhẹ,…
- Khi bị các giai đoạn này có thể dùng đánh cảm để làm giảm các triệu chứng. Nhưng đến khi thấy đau vùng gáy và đỉnh đầu là các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài tự nhiên đã xâm nhập vào cơ thể ở mức độ sâu hơn do vậy không dùng đánh cảm nữa.
Bước 2: Chuẩn bị dụng cụ và tư thế bệnh nhân
- Cần 2 quả trứng gà luộc, dùng lòng trắng đánh cảm, lòng đỏ ăn trong thời gian đánh cảm.
- Đồng bạc nguyên chất là tốt nhất, nếu không có bạn có thể dùng tạm đồ trang sức bằng bạc.
- 1 khăn nhỏ mỏng.
- Cần phòng kín, tránh gió, không bật điều hòa, không bật quạt..
- Bệnh nhân có thể ngồi ghế hoặc nằm giường.
Bước 3: Thao tác
- Cho bệnh nhân ăn lòng đỏ trứng lúc còn nóng.
- Người đánh cảm bằng lòng trắng trứng còn nóng tách đôi, cho đồng bạc vào giữa 2 phần của lòng trắng trứng, bọc bằng khăn mỏng. Lưu ý đánh cảm lúc lòng trắng còn nóng.
- Bắt đầu đánh từ đầu, thân, tay chân. Với người cảm nặng nên đánh toàn thân, người cảm nhẹ có thể chỉ cần đánh ở vai lưng.
- Động tác đánh cảm: miết nhẹ nhàng có độ ấn trên bề mặt da, đánh sao cho lòng trắng không bị nát mà người bệnh vẫn cảm thấy độ nóng ấm sâu là được. Tránh động tác miết mạnh gây tổn thương rát, rộp da.
- Đánh từ trên xuống dưới, không đánh theo chiều ngược lại:
- Trán: đánh từ ấn đường ra 2 bên thái dương.
- Cổ vai: đánh từ gáy ra 2 đầu vai
- Lưng: đánh trên cổ xuống thắt lưng dọc theo 2 bên cột sống, không đánh vào cột sống.
- Tay: hướng đánh từ trên vai xuống ngón tay
- Chân: hướng từ eo xuống bàn chân
- Bụng: thường ít đánh, nếu bệnh nhân có đau rát họng có thể đánh vùng cổ trước miết dọc theo xương ức.
- Đánh đến khi lòng trắng gần nguội thì dừng lại.
- Thời gian đánh cảm mỗi lần khoảng 3-5 phút. Mỗi lần đánh không quá 3 lần/ngày.
- Đánh đến khi đống bạc vẫn giữ nguyên màu trắng.
- Sau đánh cảm tránh gió, tránh nước ít nhất 30 phút.
Bước 4: Xem màu đồng bạc để biết bệnh
- Trắng chuyển sang màu vàng đồng: cảm nắng.
- Từ màu trắng chuyển đen: cảm lạnh
- Trắng chuyển xanh đen: trúng gió lạnh
- Pha nhiều màu: cảm nhiều dạng ngoại tà.
BS Uông Mai