Đột quỵ não thay đổi theo mùa một cách rất rõ ràng. Tỷ lệ đột quỵ cao hơn vào mùa Đông khi so với mùa Hè. Đột quỵ thiếu máu não/đột quỵ nhồi máu não phổ biến hơn vào mùa Đông và đột quỵ chảy máu não phổ biến hơn vào mùa Xuân[1]. Ngoài ra, bệnh nhân bị đột quỵ vào mùa Đông thường có tiên lượng xấu hơn[2]. Tỷ lệ tử vong cũng thay đổi theo mùa, cao nhất là vào mùa Đông[3]. Mặt khác, đột quỵ xảy ra nhiều nhất vào thời điểm 8:01 – 12:00, ban đêm đột quỵ cũng có thể xảy ra nhưng không thường xuyên[4]. Trong một nghiên cứu mang tính bước ngoặt, người ta nhận thấy rằng nhiệt độ giảm 5°C liên quan tới tỷ lệ nhập viện vì đột quỵ tăng lên 7%[5]. Nhiều nhà khoa học cho rằng tỷ lệ đột quỵ cao như vậy là do những thay đổi/rối loạn về chuyển hóa lipid máu/mỡ máu, huyết áp và đông máu trong mùa Đông.
Nhiều bằng chứng khoa học đã cho thấy ngâm mình trong nước lạnh đột ngột có thể kích hoạt/dẫn tới nhồi máu cơ tim. Hơn nữa, một số rối loạn thần kinh như mất toàn bộ trí nhớ thoáng qua (transient global amnesia/TGI) sau khi bơi trong nước lạnh cũng đã được báo cáo. Tuy nhiên, không có bất cứ bằng chứng khoa học nào từ trước tới nay về mối liên quan giữa phơi nhiễm với nước lạnh và nguy cơ đột quỵ được công bố. Một thí nghiệm đã được thực hiện trên 9 người đàn ông trẻ tuổi bằng cách cho họ ngâm nửa dưới của cơ thể trong nước lạnh (13˚C) và sau đó là nước ấm (35˚C) trong 60 phút. Kết quả thí nghiệm cho thấy ngâm trong nước lạnh làm giảm thân nhiệt trung tâm và làm tăng toàn bộ sức cản mạch ngoại vi, rồi sau đó là làm tăng huyết áp động mạch[6]. Về mặt giả thuyết, điều này có thể kích hoạt/dẫn tới đột quỵ (cơ chế như thế nào thì mình sẽ giải thích sau).
Tỷ lệ rung nhĩ (một yếu tố nguy cơ độc lập của đột quỵ thiếu máu não/đột quỵ nhồi máu não) cũng đạt đỉnh vào mùa Đông. Một nghiên cứu được thực hiện ở Đan Mạch và New Zealand đã cho thấy tỷ lệ bệnh nhân có rung nhĩ bị đột quỵ phải nhập viện đạt đỉnh điểm vào mùa Đông[7]. Tâm nhĩ rất dễ bị kích thích ngay ở giai đoạn sớm hạ thân nhiệt, do vậy có thể gây ra rung nhĩ. Trong một nghiên cứu tiến cứu về mô hình các yếu tố đông máu theo mùa ở đàn ông cao tuổi, người ta thấy rằng nồng độ yếu tố hoạt hóa plasminogen mô (t-PA), yếu tố Von Willebrand (VWF) và Fibrin D-dimer đạt đỉnh vào mùa Đông[8].
Như vậy, không có bằng chứng nào cho thấy phơi nhiễm với nước lạnh hoặc ngâm mình trong nước lạnh lại liên quan tới đột quỵ não. Hơn thế nữa, đột quỵ não xảy ra vào ban ngày nhiều hơn ban đêm, mùa Đông nhiều hơn mùa Hè. Tuy nhiên, những người có yếu tố nguy cơ, đặc biệt là rung nhĩ, thì đột quỵ có thể xảy ra bất cứ khi nào và bất cứ thời điểm nào.
TẠI SAO BẠN CẢM THẤY CHÓNG MẶT SAU KHI TẮM NƯỚC NÓNG? Nhiệt làm giãn mạch máu dưới da, cơ thể sẽ cố gắng tự làm mát bằng cách tăng dòng máu tới các khu vực bề mặt lớn gần nhất với môi trường bên ngoài. Máu bị dồn ra ngoại vi nhiều hơn và gián tiếp làm giảm dòng máu ở các khu vực trung tâm của cơ thể, đặc biệt khi đứng dậy nhanh khiến cho nhu cầu máu ở các khu vưc trung tâm tăng (cung lượng tim cần được bồi phụ nhanh). Tất cả những điều này làm giảm dòng máu lên não khiến cho bạn bị chóng mặt hoặc lâng lâng và thậm chí có thể gây ngất xỉu. Do vậy, cần giữ mình trong nước và đứng dậy một cách từ từ khi bạn tắm nước nóng. Cần đi khám bác sĩ để đảm bảo rằng tim mạch và huyết áp của bạn bình thường sẽ giúp bạn dự phòng được hiện tượng này. |
Tài liệu tham khảo
[1] Palm F, Dos Santos M, Urbanek C, Greulich M, Zimmer K, Safer A, et al . Stroke seasonality associations with subtype, etiology and laboratory results in the Ludwigshafen Stroke Study. Eur J Epidemiol 2013;20:117-23.
[2] Turin TC, Kita Y, Rumana N, Murakami Y, Ichikawa M, Sugihara H, et al . Stroke case fatality shows seasonal variation regardless of risk factor status in a Japanese population: 15-year results from the Takashima Stroke Registry. Neuroepidemiology 2009;32:53-60.
[3] Lichtman JH, Jones SB, Wang Y, Leifheit-Limson EC, Goldstein LB. Seasonal variation in 30-day mortality after stroke: Teaching versus non-teaching hospitals. Stroke 2013;44:531-3.
[4] Kelly-Hayes M, Wolf PA, Kase CS, Brand FN, McGuirk JM, D’Agostino RB. Temporal Patterns of Stroke Onset. The Framingham Study. 1995;26(8):1343-7.
[5] Chang CL, Shipley M, Marmot M, Poulter N. Lower ambient temperature was associated with an increased risk of hospitalization for stroke and acute myocardial infarction in young women. J Clin Epidemiol 2004;57:749-57.
[6] Muller MD, Kim CH, Seo Y, Ryan EJ, Glickman EL. Hemodynamic and thermoregulatory responses to lower body water immersion. Aviat Space Environ Med 2012;83:935-41.
[7] Christensen AL, Rasmussen LH, Baker MG, Lip GY, Dethlefsen C, Larsen TB. Seasonality, incidence and prognosis in atrial fibrillation and stroke in Denmark and New Zealand. BMJ Open 2012;2:e001210.
[8] Ghebre MA, Wannamethee SG, Rumley A, Whincup PH, Lowe GD, Morris RW. Prospective study of seasonal patterns in hemostatic factors in older men and their relation to excess winter coronary heart disease deaths. J Thromb Haemost 2012;10:352-8.
Bác sĩ Lương Quốc Chính – Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai
Nguồn: KHOA CẤP CỨU A9 – BỆNH VIỆN BẠCH MAI