Mất ngủ là một bệnh rối loạn giấc ngủ có tỷ lệ mắc khá cao trong những năm gần đây. Khi thăm khám, bệnh nhân thường than phiền về các triệu chứng như khó ngủ, thức dậy quá sớm hoặc tỉnh giấc giữa chừng, đồng thời kèm theo các biểu hiện như tâm trạng không tốt, mệt mỏi, và khó tập trung. Những triệu chứng này có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến công việc, cuộc sống và giao tiếp xã hội của bệnh nhân.
Trong y học hiện đại, các loại thuốc an thần và gây ngủ thường được sử dụng để giảm bớt triệu chứng mất ngủ, tuy có hiệu quả nhất định, nhưng việc sử dụng lâu dài có thể dẫn đến tình trạng phụ thuộc thuốc, và những loại thuốc này cũng có tác dụng phụ nhất định. Vì vậy, cần lựa chọn phương án điều trị thích hợp. Y học cổ truyền có lịch sử lâu đời và có nhiều ưu thế trong việc điều trị chứng mất ngủ, đã đạt được hiệu quả điều trị rõ rệt. Bài viết này sẽ trình bày về việc điều trị chứng mất ngủ bằng y học cổ truyền.
1. Biểu hiện của chứng mất ngủ
Chứng mất ngủ bao gồm các triệu chứng như khó vào giấc, tỉnh giấc giữa đêm, hoặc không thể ngủ suốt đêm.
Chất lượng giấc ngủ kém có thể khiến người bệnh dễ cáu gắt, khó chịu, và thậm chí gây ra các triệu chứng như hồi hộp, tim đập nhanh. Nếu mất ngủ kéo dài, nó có thể làm suy giảm hệ miễn dịch của cơ thể và tăng nguy cơ mắc các bệnh lý khác.
Theo 1 nghiên cứu của Trường Y khoa Đại học Pittsburgh năm 2008 thì phần lớn những người bị trầm cảm đều bị rối loạn giấc ngủ. Trầm cảm cũng chiếm tỷ lệ cao trong số những nhóm người mắc nhiều loại rối loạn giấc ngủ.
2. Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh của mất ngủ
Trong các tài liệu cổ điển, mất ngủ được xếp vào các phạm trù như “bất mị”, “bất đắc ngoạ”, “mục bất minh”, “thất miên” và y học cổ truyền cho rằng căn nguyên bệnh lý cơ bản của căn bệnh này là do sự mất cân bằng âm dương.
Y học cổ truyền đã có hiểu biết từ lâu về chứng mất ngủ. Trong cuốn Kim Quỹ Yếu Lược có ghi rằng “hư phiền bất đắc miên” (tức khó ngủ do tâm phiền), và các tác phẩm như Y Lâm Cải Thác và Cảnh Nhạc Toàn Thư cũng đều đề cập đến chứng bất mị. Khi phân tích từ góc độ “tà chính”, nguyên nhân của chứng mất ngủ khá phức tạp, bao gồm mất cân bằng âm dương và tâm thần bị xáo trộn. Có một số nguyên nhân chính sau:
2.1. Mất điều hòa dinh vệ (dinh vệ thất điều)
Y học cổ truyền cho rằng, khí dinh vệ có công dụng bồi bổ và nuôi dưỡng cơ thể, có mối liên hệ mật thiết với khí huyết, tạng phủ và tân dịch. Dinh khí chủ yếu là phần âm của tinh khí, còn phần dương được gọi là “vệ khí”. Khi dinh vệ mất điều hòa, sẽ dẫn đến khí huyết khuy hư, chức năng tạng phủ mất cân bằng, và tâm thần bất an, từ đó gây ra các triệu chứng mất ngủ. Trong Hoàng Đế Nội Kinh cũng có đề cập đến mối quan hệ giữa mất điều hòa dinh vệ và chứng mất ngủ.
2.2. Mất cân bằng chức năng tạng phủ
Sự xuất hiện của chứng mất ngủ có liên quan chặt chẽ đến sự mất cân bằng chức năng của các tạng như tâm, can, tỳ, thận. Các yếu tố như áp lực tinh thần và áp lực công việc ảnh hưởng lớn đến chức năng tạng phủ.
- Khi tâm bất an, vì tâm chủ thần chí, sẽ gây ra chứng mất ngủ.
- Thận chủ về thủy và là cơ quan quan trọng trong quá trình trao đổi chất, có vai trò cân bằng âm dương, nếu thận hư sẽ phá vỡ sự cân bằng này và gây ra mất ngủ.
- Can chủ về sự thư giãn, nếu chức năng can suy yếu sẽ gây ứ trệ can khí, kết hợp với trạng thái tình chí bất ổn sẽ dẫn đến khó ngủ về đêm.
- Tỳ sinh huyết, nếu tỳ tổn thương sẽ làm tiêu hao tâm huyết, gây mất cân bằng khí huyết, tâm thần bất an và dẫn đến mất ngủ. Nếu ăn uống không điều độ, sẽ gây tích tụ đàm nhiệt trong dạ dày, quá trình tiêu hóa bị cản trở, khí cơ ứ trệ, và dẫn đến triệu chứng mất ngủ.
2.3. Mất cân bằng âm dương
Mất cân bằng âm dương được coi là cơ chế bệnh lý chung của chứng mất ngủ. Sự điều hòa âm dương của cơ thể phù hợp với quy luật thay đổi của tự nhiên, và điều này ảnh hưởng đến giấc ngủ của con người. Giấc ngủ khỏe mạnh phụ thuộc vào sự vận hành tự nhiên của âm dương trong cơ thể dưới sự kiểm soát của tâm thần. Nếu âm dương mất cân bằng, sẽ gây tác động tiêu cực đến giấc ngủ.
2.4. Tà khí xâm nhập
Tà khí xâm nhập có thể gây ra sự mất cân bằng âm dương trong cơ thể, làm cho tâm hư thất dưỡng gây ra chứng mất ngủ. Tà khí cũng có thể làm rối loạn chức năng của ngũ tạng, gây mất cân bằng trong cơ thể, và là một trong những cơ chế bệnh lý quan trọng gây ra chứng mất ngủ. Trong Chư Bệnh Nguyên Hậu Luận có ghi rằng: “Tà khí xâm nhập tạng phủ… âm khí hư, mắt không nhắm được”, chỉ rõ rằng tà khí xâm nhập cơ thể là nguyên nhân chính gây ra chứng bất mị.
3. Điều trị bằng thuốc
Theo y học cổ truyền, tâm chủ huyết mạch, khi khí huyết đủ đầy thì tâm thần an định, do đó trong điều trị thường sử dụng các loại thuốc bổ tâm huyết và an thần.
Toan táo nhân thang
Bài thuốc Toan táo nhân thang có xuất xứ từ Kim quỹ yếu lược, được bào chế từ các vị thuốc như phục linh, tri mẫu, toan táo nhân, cam thảo, xuyên khung… có tác dụng trừ phiền an thần. Nghiên cứu của Tôn Khả Đình và cộng sự chỉ ra rằng, khi kết hợp Toan Táo Nhân Thang với thuốc tây Escitalopram, với các vị bổ sung như chi tử, thiền thoái, và đạm đậu xị, nếu bệnh nhân gặp các triệu chứng như chóng mặt, nhiều mộng mị, dễ tỉnh giấc, thì thêm các vị thuốc như trân châu mẫu, đan sâm. Sử dụng một liều mỗi ngày, uống sáng và tối liên tục trong 2 tháng, hiệu quả điều trị đạt 93.33%, cao hơn đáng kể so với nhóm chỉ sử dụng thuốc tây (P < 0.05). Toan táo nhân thang có tác dụng bổ khí huyết, bổ thận âm, an thần tĩnh tâm, và khi kết hợp với các vị thuốc như chi tử, thiền thoái, đạm đậu xị, có thể tăng cường tác dụng thư can dưỡng huyết, ích khí an thần, giúp giảm các triệu chứng mất ngủ do can khí uất kết.
Cam mạch đại táo thang
Bài thuốc Cam mạch đại táo thang cũng xuất xứ từ Kim quỹ yếu lược, là phương thuốc đại diện trong điều trị chứng tạng táo ở phụ nữ, có tác dụng dưỡng tâm an thần, điều hòa khí cơ, và có hiệu quả trong việc điều trị chứng mất ngủ do can khí uất kết, tâm thần bất an ở phụ nữ. Thành phần bài thuốc gồm cam thảo, phù tiểu mạch (lúa mì), và đại táo, có thể gia giảm theo triệu chứng. Nếu bệnh nhân bị âm hư hỏa vượng, có thể thêm hoàng liên và a giao, nếu có triệu chứng phiền não thì thêm sài hồ và chi tử. Trong Linh khu – Ngũ vị thiên có đề cập: “Bệnh tim, nên ăn mạch”, do lúa mì giàu vitamin nhóm B, tác động tích cực đến hệ thần kinh và hệ nội tiết của cơ thể, giúp làm dịu các triệu chứng lo âu và trầm cảm kèm theo chứng mất ngủ. Theo dược lý hiện đại, lúa mì có tác dụng chống mệt mỏi, an thần, giảm đau và tăng cường miễn dịch; cam thảo bổ dưỡng tâm khí, đại táo bổ khí, hòa giải, dưỡng ẩm và làm dịu. Nghiên cứu dược lý hiện đại cũng chỉ ra rằng, cam thảo có tác dụng chống loạn nhịp tim, đại táo giúp hạ huyết áp, chống mệt mỏi, toàn bộ bài thuốc có tính bình hòa, bổ tâm, điều can và kiện tỳ, mang lại hiệu quả điều trị tốt cho bệnh nhân mất ngủ, đặc biệt là ở phụ nữ mãn kinh.
Bán hạ tả tâm thang
Bài thuốc Bán hạ tả tâm thang xuất xứ từ Thương hàn luận, cho rằng chứng mất ngủ có liên quan mật thiết đến tỳ vị, do đó bài thuốc này được dùng để điều trị chứng mất ngủ do tỳ vị bất hòa. Thành phần chính gồm hoàng cầm, bán hạ, can khương, hoàng liên, và đại táo, có tác dụng điều hòa khí cơ tỳ vị.
- Bán hạ là quân dược, có tác dụng hóa thấp giáng nghịch, chỉ nôn, tiêu ứ kết, được sử dụng từ lâu trong điều trị mất ngủ. Nghiên cứu dược lý hiện đại cũng chứng minh rằng bán hạ có tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương, giúp an thần và gây ngủ.
- Khi kết hợp với can khương, bài thuốc có tác dụng ôn trung tán hàn, chỉ thống.
- Hoàng cầm và hoàng liên điều hòa âm dương, giúp cân bằng khí cơ, kết hợp với nhân sâm và đại táo để bổ trung ích khí, cam thảo giúp giảm bớt tính nóng của thuốc, từ đó đạt được hiệu quả điều trị mất ngủ.
Hoàng liên a giao thang
Trong Thương hàn luận có đề cập rằng: “Thiếu âm bệnh, mắc từ hai đến ba ngày trở lên, tâm phiền, không ngủ được, dùng Hoàng liên a giao thang chủ trị”, đoạn văn này chủ yếu áp dụng cho những bệnh nhân mất ngủ có cơ chế bệnh lý chính là “thận âm suy hư, tâm hỏa vượng“.
Bài thuốc gồm 5 vị thuốc: hoàng liên, hoàng cầm, a giao, thược dược và lòng đỏ trứng gà. Hoàng liên có tác dụng tả tâm hỏa mạnh mẽ, thược dược bổ âm và bổ huyết, giúp hạ nhiệt và trừ phiền, a giao dưỡng âm dịch, hoàng cầm tăng cường hiệu quả thanh hỏa của hoàng liên, lòng đỏ trứng gà dưỡng thận âm và hạ tâm hỏa.
Nghiên cứu công bố năm 2021 cho thấy, khi điều trị bệnh nhân tiểu đường kết hợp mất ngủ bằng Hoàng Liên A Giao Thang gia giảm, thêm toan táo nhân, long nhãn, bá tử nhân để tư âm thanh nhiệt, dưỡng tâm an thần, đã giúp giảm điểm số chất lượng giấc ngủ PSQI so với nhóm đối chứng một cách rõ rệt (P < 0.05). Điều này cho thấy bài thuốc có hiệu quả trong điều trị mất ngủ và được bệnh nhân công nhận.
Sài hồ long cốt mẫu lệ thang
Sài hồ long cốt mẫu lệ thang là phương thuốc kinh điển từ Thương hàn luận, thường dùng để điều trị chứng thiếu dương bệnh kèm tâm đởm bất an. Thành phần chính bao gồm tiểu sài hồ thang, cam thảo, long cốt, mẫu lệ, và phục linh. Tiểu sài hồ thang có công dụng hòa giải thiếu dương, phù chính khứ tà, điều hòa khí cơ. Khi kết hợp với long cốt và mẫu lệ, hai vị thuốc này có tác dụng trọng trấn an thần, long cốt giúp bình can tiềm dương, mẫu lệ làm mềm kết tụ và giải trừ sự uất ức, cả hai đều có tác dụng an thần. Sài hồ giải uất và thư giãn can khí, chữa các triệu chứng ứ trệ khí cơ do can không sơ tiết, gây ra trầm cảm và mất ngủ. Phục linh bổ tâm tỳ và giúp an thần. Các vị thuốc phối hợp có công dụng sơ can giải uất, trọng trấn an thần. Nghiên cứu dược lý hiện đại chỉ ra rằng, thành phần saponin trong sài hồ có tác dụng an thần và ổn định thần kinh.
Một nghiên cứu năm 2020 cho thấy điều trị Sài hồ gia long cốt mẫu lệ đơn lẻ có hiệu quả hơn các loại thuốc thông thường bằng cách giảm PSQI, cải thiện tỷ lệ hiệu quả lâm sàng, kéo dài tổng thời gian ngủ ddoognf thời tỷ lệ tác dụng phụ cũng thấp hơn so với nhóm đối chứng.
Quy tỳ thang
Quy tỳ thang, xuất xứ từ Nghiêm thị tế sinh phương, chủ yếu bao gồm các vị thuốc như cam thảo, long nhãn, toan táo nhân, hoàng kỳ, đại táo, viễn chí và mộc hương… Toàn bài thuốc có tác dụng bổ khí kiện tỳ, an thần, dưỡng huyết và an tâm. Quy tỳ thang tập trung vào việc điều trị tâm tỳ, vì tỳ hư sẽ làm cho khí huyết không đủ, trong khi tỳ vượng sẽ giúp khí huyết được sinh hóa đầy đủ, từ đó có thể giúp giảm nhẹ các triệu chứng mất ngủ cho bệnh nhân.
XEM THÊM: QUY TỲ THANG
Điều trị không dùng thuốc
4.1. Phương pháp châm cứu
Châm cứu là một kỹ thuật chăm sóc sức khỏe phổ biến trong y học cổ truyền, có tác dụng điều hòa âm dương và thông kinh mạch. Vì mất ngủ liên quan chặt chẽ đến sự mất cân bằng âm dương, nên áp dụng phương pháp này vào điều trị mất ngủ có thể mang lại kết quả tốt.
Phương pháp châm cứu bổ trợ an thần, bắt đầu từ việc điều trị hai tạng tỳ và thận, kết hợp với Đổng thị kỳ huyệt và kỹ thuật đảo mã châm pháp, châm cứu thông thường, chú trọng cả triệu chứng và căn nguyên, vừa bổ vừa tả, khai thông khí cơ và mạch lạc, bổ ích khí huyết. Khi khí huyết cân bằng, mạch lạc thông suốt, ngũ tạng điều hòa thì tâm thần sẽ an định.
Ngoài ra, nhiều nghiên cứu cho thấy, sau khi điều trị châm cứu, nồng độ oxyhemoglobin trong não của bệnh nhân mất ngủ không do tổn thương thực thể có sự thay đổi, đặc biệt là ở vùng vỏ não trán và đỉnh. Điều này giúp điều chỉnh sự kích hoạt của các vùng não, từ đó cải thiện triệu chứng mất ngủ.
4.2. Phương pháp xoa bóp
Xoa bóp là một phương pháp trị liệu không xâm lấn, có độ an toàn cao trong điều trị mất ngủ. Từ những thủ thuật xao bóp đơn giản cho đến các thủ thuật xao bóp đặc biệt như xoa bóp tạng phủ Tân Cô đều hướng tới 1 mục tiêu là khơi thông kinh lạc, điều hòa những rối loạn chức năng tạng phủ tạo ra sự thông suốt trong vận hành khí huyết, cân bằng âm dương qua đó cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Một số phương pháp xao bóp như tác động ấn vào hai mạch xung, nhâm, nhấn vào huyệt Thần Khuyết trên mạch nhâm để duy trì hoạt động bình thường của khí cơ trong cơ thể. Sử dụng phương pháp nắm và vuốt trên mạch đốc để điều hòa khí dinh vệ, cuối cùng dùng phương pháp véo và nắn mạch đới để làm mềm các kinh mạch, giúp khí cơ được lưu thông, âm dương tương hỗ, và tâm thần an tĩnh, giúp dễ ngủ.
Bên cạnh đó việc kết hợp liệu pháp xoa bóp bấm huyệt vùng đầu cổ (huyệt Thái Dương, An Miên, Bách Hội…) với thuốc thang bổ khí dưỡng huyết… sẽ giúp trừ tà khí, thư giãn gân cốt, thông kinh lạc, điều hòa khí huyết ở đầu, giúp não bộ được nuôi dưỡng, từ đó cải thiện triệu chứng mất ngủ cho bệnh nhân.
4.3. Phương pháp sử dụng các huyệt ở tai
Phương pháp dán hạt vương bất lưu hành và ấn huyệt tai là một kỹ thuật thường được sử dụng trong điều trị chứng mất ngủ. Phương pháp này có tác dụng điều chỉnh chức năng của các tạng phủ và kinh mạch trong cơ thể, giúp chúng hoạt động bình thường, từ đó cải thiện triệu chứng mất ngủ. Theo quan niệm y học cổ truyền, mười hai kinh mạch của cơ thể đều liên kết với tai, vì vậy, việc kích thích các huyệt vị tương ứng trên tai có thể giúp thông kinh mạch. Một số huyệt được lựa chọn như Thần môn, Giao cảm, Tâm huyệt, Can huyệt, Tỳ huyệt. Trong đó
- Thần môn là huyệt chính điều trị mất ngủ có tác dụng bổ tâm dưỡng huyết, nhu dưỡng tâm thần.
- Phối với huyệt Giao cảm có tác dụng dưỡng tâm ngưng thần, ích âm thanh nhiệt.
- Tâm huyệt hoạt huyết hành huyết.
- Can huyệt sơ can lý khí.
- Thận huyệt giao thông tâm thận.
- Tỳ huyệt dưỡng huyết sinh mạch.
Việc sử dụng miếng dán hạt vương bất lưu hành vào các vùng huyệt trên tai có thể tác động đến các dây thần kinh liên quan đến giấc ngủ, đồng thời giúp điều hòa âm dương, điều hòa khí huyết, điều hòa chức năng tạng phủ.
Việc ấn hạt vương bất lưu hành với lực, tần suất khác nhau có thể tạo ra các kích thích khác nhau tương đương với phép bổ tả trong y học cổ truyền. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng ấn nhẹ hạt vương bất lưu hành và day chậm kích thích nhẹ nhàng trên các huyệt vùng tai có hiệu quả tốt trong điều trị mất ngủ do tâm tỳ hư.
4.4. Phương pháp cứu ngải
Cứu ngải là một phần quan trọng trong y học cổ truyền, có tác dụng bổ dương, trừ hàn, ôn kinh, và thông kinh mạch.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng châm cứu kết hợp với cứu ngải có tác dụng rõ ràng đối với chứng mất ngủ sau đột quỵ.
Một nghiên cứu của Hình Việt và Khổng Mã Lệ cũng cho thấy khi điều trị cho bệnh nhân sau đột quy, kết hợp châm cứu ngũ tạng du (Tâm du, Phế du, Tỳ du, Thận du, Can du) và cứu ngải huyệt Dũng tuyền sau 4 tuần bệnh nhân đã giảm đáng kể các triệu chứng mất ngủ, mệt mỏi, hồi hộp, mức serotonin 5-HT và dopamine giảm rõ rệt. Cứu ngải huyệt Dũng tuyền giúp cải thiện tuần hoàn máu cục bộ, kích thích sự lưu thông của tâm hỏa, dẫn hỏa quy nguyên và giao thông tâm thận, từ đó cải thiện chất lượng giấc ngủ của bệnh nhân.
Phương pháp cứu ngải vùng bụng tác động lên mạch Nhâm, một phần kinh thận và kinh vị đi qua. Phương pháp cứu ngải ôn ấm, kết hợp với tác dụng của ngải cứu được truyền qua cơ thể, giúp bổ khí dưỡng huyết, bồi bổ nguyên khí, cân bằng âm dương. Khi kết hợp với châm cứu, phương pháp này có thể nâng cao hiệu quả lâm sàng, giúp giảm triệu chứng mất ngủ cho bệnh nhân.
Mất ngủ là căn bệnh phổ biến trong quá trình phát triển xã hội hiện nay, không chỉ thường gặp ở người cao tuổi mà tỷ lệ mắc bệnh cũng đang có xu hướng trẻ hóa. Nếu không được chú trọng, mất ngủ có thể gây hại đến sức khỏe thể chất và tinh thần của con người. Các phương pháp điều trị trong y học hiện đại còn đơn điệu và không nên sử dụng thuốc trong thời gian dài. Y học cổ truyền, như một phương pháp quan trọng, với việc điều trị bằng cách biện chứng luận trị, có thể điều chỉnh chức năng tạng phủ ở nhiều mức độ và đa mục tiêu, từ đó cải thiện tình trạng bệnh. Các phương pháp điều trị bên ngoài như châm cứu, nhĩ châm mang lại cảm giác thoải mái và dễ thực hiện, tạo ra những lợi thế nhất định trong điều trị mất ngủ.
BS Uông Mai tổng hợp