Cuộc sống hiện đại khiến chúng ta mải miết quan tâm tới những điều lý thú bên ngoài mà quên mất việc phải chăm lo cho bản thân. Càng ngày càng có ít người coi sức khỏe là ưu tiên hàng đầu của cuộc sống chính vì vậy mà mỗi ngày trôi qua lại có vô vàn các vấn đề sức khỏe mới phát sinh khiến chúng ta không kiểm soát được.
Kinh lạc trong cơ thể đóng mở theo giờ, vận hành có quy luật rõ ràng. Dựa vào sự vận hành của khí huyết trong kinh lạc, sự thịnh suy của nó theo khung giờ trong ngày mà người xưa nương theo đó đề ra phương pháp dưỡng sinh nâng cao sức khỏe và kéo dài tuổi thọ.
Giờ Dần (từ 3 – 5 giờ): Thái âm Phế kinh vượng.
Giờ Dần kinh thái âm Phế hoạt động mạnh. Khoảng thời gian này nếu có giấc ngủ tốt thì sắc da hồng hào, tinh khí đầy đủ. Bên cạnh đó, người bị bệnh Phổi các triệu chứng thường khởi phát mạnh nhất vào giờ Dần ví như ho, hen, thở khò khè, khó thở khiến người bệnh tỉnh giấc. Đây là một trong các nguyên do mà người tu hành, luyện khí công dưỡng sinh hay lựa chọn khung giờ này để luyện thở, tập khí công hay ngồi thiền giúp lưu thông khí huyết làm khỏe mạnh hệ hô hấp. Vậy nếu thời gian này bạn không ngủ, bạn đã thức hãy hít sâu thở đều, tập các bài thể dục nhẹ nhàng.
Giờ Mão (5 – 7 giờ): Dương minh Đại trường kinh vượng.
Giờ Mão Đại trường hoạt động thải chất độc và cặn bã. Buổi sáng bạn nên dậy sớm, uống một ly nước ấm và sau đó đi vệ sinh để thải chất cặn bã tích trong lòng ruột già suốt ngày hôm trước, đây là thời điểm đi đại tiện tốt nhất trong ngày.
Lưu ý những người già sau khi dậy nên ngồi tại giường 10 – 15 phút xoa mặt và đầu gáy cho tỉnh táo mới đi vệ sinh để tránh đột quỵ vì trúng gió. Những người thường xuyên táo bón, công việc ngồi nhiều nên rèn thói quen đi vệ sinh vào giờ Mão như vậy bạn sẽ giảm được tình trạng táo bón kinh niên của mình.
Giờ Thìn (7 – 9 giờ): Dương minh Vị kinh vượng.
Giờ Thìn thì nên ăn sáng bởi dễ tiêu hóa, hấp thu cũng tốt hơn. Đây là khung giờ mà dạ dày hoạt động mạnh nhất. Bạn là người mắc bệnh lý về dạ dày? Vậy bạn chính là người không thể bỏ qua bữa sáng – bữa ăn quan trọng nhất trong ngày.
Vào bữa sáng 1 chén cháo nhỏ hay 1 bát súp nóng chính là thần dược cho người bệnh dạ dày. Bạn đừng quên nhé. Và nếu được sau ăn sáng khoảng 1 giờ bạn có thể massage kinh vị thì tin rằng bạn sẽ có một hệ tiêu hóa tốt. Hãy luôn nhớ câu “Ăn sáng như một ông Hoàng, ăn trưa như vị Hoàng Tử và ăn tối như kẻ ăn mày”
Giờ Tỵ (9 – 11 giờ): Thái âm Tỳ kinh vượng, cơ thể tạo máu.
“Tỳ chủ vận hóa, tỳ thống huyết”. Tỳ là cơ quan điều hành toàn bộ việc tiêu hóa, hấp thu, bài tiết, lại quản về máu. Nếu Tỳ tốt thì việc hấp thu và tiêu hóa cũng tốt, chất lượng máu cũng tốt, môi sẽ hồng mịn, nhuận.
Đến đây rõ ràng vào giờ Tỳ nếu như bạn còn chưa ăn sáng thì lấy gì cho Tỳ tiêu hóa và hấp thu đây? Còn nếu bạn ăn rồi thì yên tâm rằng những gì bổ dưỡng của bữa sáng đến thời điểm này ắt hẳn đang được tiêu hóa và chuyển hóa hết để cung cấp nguồn năng lượng dồi dào cho bạn. Và đó cũng là nguyên do mà vì sao bạn ăn sáng rồi nhưng đến tầm 11h -12h bạn lại thấy đói.
Giờ Ngọ (11 – 13 giờ): Thiếu âm Tâm kinh vượng.
Giờ Ngọ nên nghỉ ngơi để an thần dưỡng tinh khí. “Tâm chủ thần minh”. Tim đẩy máu vận hành, dưỡng thần, khí, và cơ bắp.
Một giấc ngủ ngắn vào giờ Ngọ có tác dụng dưỡng tim rất tốt, giúp buổi chiều tỉnh táo và hoạt động hết năng suất.
Giờ Mùi (13 – 15 giờ): Thái dương Tiểu trường kinh vượng.
Giờ Mùi Tiểu trường làm nhiệm vụ phân chia trong đục. Phần chất lỏng đục được đưa về bàng quang, chất cặn bã đưa xuống đại trường, chất tinh túy chuyển lên tỳ, phế. Ruột non hấp thu và bài tiết tốt nhất vào giờ Mùi. Vì vậy bạn nên ăn trưa trước 1h chiều.
Lúc này uống nhiều nước, uống trà có lợi cho Tiểu trường thải độc hạ hỏa. Sau khi ngủ trưa dậy nhớ uống 1 cốc nước lọc lớn hoặc nhâm nhi tách trà sẽ rất tốt đấy.
Giờ Thân (15 – 17 giờ): Thái dương Bàng quang kinh vượng.
Giờ Thân nước đủ thì cơ thể dưỡng âm tốt. Bàng quang chứa nước thải để bài tiết ra khỏi cơ thể. Nếu bàng quang nóng sẽ tiểu són. Giờ Thân nhiệt độ cơ thể thường nóng hơn, người hay có biểu hiện hâm hâm nóng sốt về chiều – người âm hư biểu hiện rõ nhất.
Hẳn là buổi chiều bạn cũng thấy cảm giác khát xuất hiện nhiều hơn. Buổi chiều chính là thời điểm bạn nên uống nhiều nước hơn trong ngày.
Giờ Dậu (17 – 19 giờ): Thiếu âm Thận kinh vượng.
Thận tàng tinh, giờ Dậu nạp nguyên khí mạnh. Y học Phương Đông quan niệm “Thận là cái gốc tiên thiên, chứa tinh chất của sinh sản và tinh chất của lục phủ ngũ tạng”. Khi qua giờ Thân cơ thể hạ hỏa thải độc, giờ Dậu đến chính là Thận tới lúc thu về tinh hoa. Lúc này không thích hợp cho những hoạt động mạnh, cũng không hợp uống nước nhiều.
Vào giờ này việc của bạn là trở về bên gia đình sum họp, nếu như bạn muốn có “2 trái bầu dục” khỏe thì bạn không nên đi nhậu cả lít bia vào khung giờ này.
Giờ Tuất (19 – 21 giờ): Thiếu âm Tâm bào kinh vượng, giảm áp lực để tim dễ chịu.
“Tâm bao kinh là lớp da mỏng bên ngoài tim, bên cạnh có mạch, đường thông khí huyết. “Tà” không được vào, nếu không tim sẽ tổn thương”. Tâm bào kinh vào giờ Tuất vượng nhất, giúp loại bỏ những nhân tố gây bệnh xung quanh tim để tim đạt trạng thái tốt nhất.
Lúc này cần giữ tâm trạng đặc biệt thoải mái, có thể đọc sách, nghe nhạc, đi spa, khiêu vũ… để thả lỏng tâm trạng, giải tỏa áp lực. Hãy nghe những bản nhạc du dương, những giai điệu vui vẻ có như vậy trái tim của bạn mới vui vẻ được. Đây là lúc “hạt giống tâm hồn hấp thu dinh dưỡng để nảy nở” vì thế đừng “tưới’ cho “hạt giống” của bạn những điều tiêu cực.
Giờ Hợi (21 – 23 giờ): Thiếu dương Tam tiêu kinh vượng, là giờ thông bách mạch.
Tam tiêu là đường đi của nguyên khí, trải dài khắp ‘3 miền” chủ về khí và thông điều nước. Giờ Hợi Tam tiêu có thể thông bách mạch, vì thế ngủ vào giờ này là cách dưỡng sinh rất tốt, có lợi cho sức khỏe và giữ dung nhan.
Đặc điểm chung của nhiều người già là ngủ vào giờ Hợi. Người hiện đại nếu không thể ngủ vào giờ này thì nên nghe nhạc, đọc sách, xem phim, luyện yoga. Tuy nhiên tốt nhất là không để qua giờ hợi mới ngủ. Cho dù bạn chưa buồn ngủ cũng hãy lên giường nhắm mắt dưỡng thần. Ngày nào cũng vậy bạn sẽ hình thành thói quen và thay đổi đồng hồ sinh học để có thể đi ngủ vào đúng giờ Hợi. Bạn muốn trường thọ, muốn trẻ mãi, muốn chậm lão hóa nhớ nhé ngủ vào giờ Hợi.
Giờ Tý (23 – 1 giờ): Thiếu dương Đởm kinh vượng.
Lý luận Đông y cho rằng: “Khí dư của gan tiết vào mật, tụ lại thành tinh (dịch mật)”. Người ngủ trước giờ Tý thì mật hoàn thành trao đổi chất. Dịch mật sung túc thì não bộ tỉnh táo. Người ngủ trước giờ Tý thì sáng dậy đầu óc minh mẫn, khí sắc hồng hào, không bị thâm quầng mắt. Ngược lại, trong giờ Tý không ngủ thì khí sắc nhợt nhạt, thâm vành mắt.Ngoài ra, vì dịch mật thải độc không tốt nên dễ kéo theo kết tinh, kết thạch (sỏi mật). Khi bạn còn chong đèn vào giờ này lâu dần sẽ tổn thương Đởm khí và rồi vào 1 sáng tinh sương bạn tỉnh dậy sẽ thấy miệng có vị ngăm đắng. Nếu bạn bị Trào ngược dạ dày thì lời khuyên là tuyệt đối không đi ngủ muộn sau 22h.
Giờ Sửu (1 – 3 giờ): Quyết âm Can kinh vượng.
Theo lý luận Đông y: can tàng huyết, khi ngủ máu về can. Nếu giờ Sửu không ngủ thì gan tiếp tục phải chuyển vận năng lượng kích thích tư duy và hành động, việc trao đổi chất bị ảnh hưởng. Vì thế trước giờ Sửu không đi vào giấc ngủ thì sắc mặt xanh xám, tâm trạng uể oải, dễ bị bệnh gan và mặt đốm rỗ. Chứng trào ngược dạ dày thực quản có 1 nguyên nhân từ sự bất hòa giữa can và tỳ vị, khí can phạm vị gây ra chứng này.
Bạn muốn thoát khỏi chứng trào ngược hãy nhớ vào giờ Sửu nhất thiết bạn phải đang say giấc rồi. Nếu không hãy uống ly nước ấm hoặc cốc sữa nóng cho cơ thể dễ chịu và để phổi không bị khô.
“BẾ TINH, DƯỠNG KHÍ, TỒN THẦN
THANH TÂM – QUẢ DỤC, THỦ CHÂN, LUYỆN HÌNH”
BS Thanh Mai