Phát hiện sớm dấu hiệu ung thư gan

Ung thư gan đang là vấn đề sức khỏe đáng quan tâm ở các nước đang phát triển. Năm 2012, ước tính toàn thế giới có 782.000 ca mới mắc, trong đó ở các nước kém phát triển chiếm 83%. Ung thư gan là ung thư phổ biến đứng thứ 5 ở nam giới (554.000 ca, chiếm 7.5% tổng số ca ung thư) và thứ 9 ở nữ (228.000 ca, chiếm 3.4% tổng số ca ung thư). Làm thế nào để phát hiện sớm ung thư gan?

Có thể phát hiện sớm ung thư gan?

Thông thường, ung thư gan không biểu hiện triệu chứng ở giai đoạn sớm. Muốn phát hiện sớm ung thư gan thì phải khám sàng lọc, đặc biệt ở những người có nguy cơ cao như: viêm gan vi-rút (B, C), viêm gan do rượu, xơ gan.

Đối với những người có nguy cao thì nên đi khám sàng lọc 6 – 12 tháng/lần, làm siêu âm và xét nghiệm máu xác định chỉ số ung thư gan.

Chẩn đoán ung thư gan

Ở Việt Nam, đa số bệnh nhân được chẩn đoán ung thư gan khi bệnh đã ở giai đoạn muộn, nghĩa là khi có các triệu chứng lâm sàng, khối u to, có thể có di căn. Các bệnh nhân được phát hiện sớm thường là qua khám sức khỏe định kỳ. Cho dù được chẩn đoán sớm hay muộn thì đều phải kết hợp nhiều phương tiện chẩn đoán: tiền sử, dấu hiệu lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh (siêu âm, cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ), xét nghiệm máu (chỉ số ung thư) và xét nghiệm tế bào.

* Tiền sử

Thông thường là bệnh nhân nam, viêm gan hoặc xơ gan do vi-rút viêm gan B, có hoặc không uống rượu. Ngoài ra, ung thư gan vẫn gặp ở phụ nữ không có yếu tố nguy cơ.

* Dấu hiệu lâm sàng

Các triệu chứng này thường không xuất hiện ở giai đoạn sớm. Các triệu chứng ung thư gan thường không đặc hiệu và dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác.

Biểu hiện có thể gặp ở bệnh nhân ung thư gan
Biểu hiện có thể gặp ở bệnh nhân ung thư gan
  • Sụt cân.
  • Chán ăn
  • Đầy bụng, khó tiêu.
  • Nôn, buồn nôn.
  • Sờ thấy khối u gan to ở dưới bờ sườn phải.
  • Sờ thấy khối lách to ở dưới bờ sườn trái.
  • Đau bụng hoặc đau vùng gần vai phải.
  • Bụng trướng.
  • Ngứa.
  • Vàng da, vàng mắt.
  • Có thể có các dấu hiệu khác kèm theo như: sốt, giãn tĩnh mạch dưới da, bầm tím, chảy máu.

Khối u gan sản xuất hoóc-môn tác động lên cơ quan khác nên có thể gây ra:

  • Tăng canxi máu, gây buồn nôn, mơ hồ, táo bón, yếu mỏi hoặc các vấn đề của cơ.
  • Hạ đường máu gây nên mệt mỏi.
  • Vú to lên, có hoặc không kèm teo tinh hoàn ở nam.
  • Tăng số lượng hồng cầu trong máu, có thể gây nên đỏ da.
  • Tăng cao nồng độ cholesterol trong máu

Các xét nghiệm cận lâm sàng

Chẩn đoán hình ảnh:

Các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh giúp phát hiện sự tồn tại của khối u trong cơ thể (vị trí, số lượng, kích thước, mức độ xâm lấn …), giúp chọc hút, sinh thiết khối u, phát hiện tổn thương di căn, tái phát, theo dõi điều trị …

  • Siêu âm: là phương tiện chẩn đoán phổ biến, đơn giản, dễ thực hiện, không độc hại, có thể làm nhiều lần, giá thành thấp. Siêu âm giúp phát hiện khối u trong gan và những khối u di căn ngoài gan. Hiện nay, siêu âm có ở hầu hết các cơ sở y tế từ tuyến huyện trở lên, tuy nhiên để phát hiện được tổn thương, đặc biệt giai đoạn sớm thì đòi hỏi kinh nghiệm và trình độ của người làm siêu âm rất nhiều.
  • Cắt lớp vi tính: là kỹ thuật sử dụng tia X, cho hình ảnh là các lát cắt của cơ thể tùy theo vị trí mong muốn thăm khám của bác sĩ. Chụp CT ổ bụng để xác định chính xác kích thước, hình dáng và vị trí của các khối u. Ngoài ra, CT còn dùng để chọc hút, sinh thiết khối u nghi ngờ. Trong trường hợp đó là khối u ác tính thì cần làm thêm CT vùng ngực để xác định tổn thương di căn.
  • Cộng hưởng từ MRI: tương tự như CT, MRI cung cấp đặc điểm hình ảnh của các mô mềm trong cơ thể. Nhưng MRI sử dụng sóng radio và từ trường mạnh mà không phải tia X. MRI có thể giúp phân biệt phần nào khối u lành tính và ác tính, xem được mức độ xâm lấn của khối u với các cơ quan lân cận. Nhược điểm của MRI là mất nhiều thời gian, người bệnh có cảm giác không thoải mái trong khi chụp, chi phí cao.
  • Chụp mạch: là kỹ thuật sử dụng tia X để thăm khám mạch máu. Trong chẩn đoán ung thư gan, chụp mạch để xác định các mạch máu cung cấp cho gan, giúp cho bác sĩ quyết định phương án và tiến hành điều trị.
  • Chụp xương: để xác định xem u gan đã di căn ra xương hay chưa, thường chỉ chụp khi bệnh nhân có dấu hiệu của di căn như đau.

Các kỹ thuật chẩn đoán khác: sử dụng khi bác sĩ nghĩ tới khối u gan ác tính mà các xét nghiệm về hình ảnh không xác định được. Các kỹ thuật làm thêm gồm có: nội soi, sinh thiết, sinh thiết nội soi, sinh thiết khi phẫu thuật. Sinh thiết là kỹ thuật được sử dụng để chẩn đoán xác định bản chất của khối u trước khi điều trị. Tuy nhiên cần lưu ý, khả năng di căn của tế bào ung thư trong khi sinh thiết, đặc biệt trong trường hợp bệnh nhân chuẩn bị ghép gan

Xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu giúp xác định chẩn đoán, nguyên nhân, chức năng gan, chức năng của các cơ quan khác, theo dõi điều trị và phát hiện tái phát

  • AFP: đây là một loại protein do khối u gan sản xuất, bác sĩ dùng chỉ số này giúp chẩn đoán ung thư gan. Chỉ số AFP tăng thì nghĩ nhiều tới ung thư gan, AFP không tăng thì ít nghĩ đến. Cần lưu ý là chỉ số này chỉ có tính chất gợi ý mà không phải là yếu tố quyết định trong chẩn đoán vì nhiều khối u lành tính cũng tăng AFP, khoảng 30% khối u ác tính lại không tăng chỉ số này nên phải phối hợp với các dấu hiệu lâm sàng và xét nghiệm khác để chẩn đoán. Chỉ số này đặc biệt quan trọng trong việc theo dõi sau điều trị, nếu chỉ số tăng thì khả năng cao là khối u tái phát, ngược lại nếu chỉ số giảm hoặc ổn định ở mức bình thường thì diễn biến điều trị tốt hoặc chưa có các dấu hiệu tái phát.
  • AFP-L3: Là một đồng đẳng (Isoform) của AFP. Ba dạng AFP được phân biệt bởi mức độ fucosyl hóa (fucosylation) của chuỗi đường gắn với N-acetylglucosamine. Các dạng này có khả năng gắn vào Lens culinaris agglutinin (LCA) với các ái lực khác nhau. AFP-L1 là loại không gắn LCA, là dạng chủ yếu được thấy ở những người bị bệnh gan lành tính như viêm gan B mạn hoặc xơ gan AFP-L2 là có khả năng gắn LCA với ái lực vừa và là dạng chủ yếu được sản xuất bởi các khối u túi noãn hoàng. AFP-L3 được sản xuất bởi các tế bào gan ác tính, gắn vào LCA với ái lực cao và là dạng chủ yếu được thấy ở các bệnh nhân bị HCC. AFP-L3 được ghi nhận là tỉ lệ phần trăm của AFP-L3 so với tổng mức AFP. Giá trị cắt của AFP-L3 được xác định là 10% thì xét nghiệm có độ nhạy 56% và độ đặc hiệu 90% trong phát hiện HCC. Người có giá trị AFP-L3 cao hơn 10% thì tăng gấp 7 lần nguy cơ xuất hiện HCC trong vòng 21 tháng.
  • DCP hay PIVKA II: Là một dạng bất thườngđược tạo ra bởi sự thiếu vitamin K của prothrombin, một yếu tố đông máu được sản xuất bởi gan. DCP có thể được sản xuất bởi các khối u gan và mức độ thường tăng lên khi bị HCC. Nồng độ DCP bình thườnglà 0 – 7,5ng/ml. Với giá trị cắt là 25ng/mL thì xét nghiệm DCP có độ nhạy là 87% và độ đặc hiệu là 85% trong chẩn đoán HCC. Nhiều nghiên cứu cho thấy sự tăng DCP thường phản ảnh tình trạng của bệnh, kích thước khối u, sự xâm lấn tĩnh mạch cửa. Ngoài ra sau phẫu thuật cắt bỏ khối u hoặc sau điều trị ung thư gan bằng phương pháp khác, nồng độ DCP giảm nhanh. Sự tăng DCP trở lại sau điều trị thể hiện bệnh tái phát hoặc thất bại của điều trị.

Phần lớn các nghiên cứu bệnh chứng so sánh AFP với DCP trong chẩn đoán HCC cho thấy độ nhạy của DCP cao hơn AFP. Các nghiên cứu khẳng định sự kết hợp của DCP và AFP làm tăng rõ rệt độ nhạy và độ đặc hiệu trong chẩn đoán sớm HCC.

Các xét nghiệm máu khác liên quan đến gan gồm: chức năng gan, chỉ số đông máu, xét nghiệm tình trạng nhiễm vi-rút. Các xét nghiệm này giúp đánh giá tình trạng của gan, tiên lượng điều trị.

Ngoài ra còn làm thêm các xét nghiệm về chức năng thận, công thức máu…

Xét nghiệm tế bào học

  • Sinh thiết gan: Chọc hút tế bào gan là một thủ thuật mà bác sĩ sẽ dùng một kim sinh thiết (một dụng cụ bằng kim loại) nhỏ chọc qua da lấy một mảnh nhỏ nhu mô gan làm xét nghiệm (mảnh nhỏ tổ chức gan này sẽ được quan sát dưới kính hiển vi). Sinh thiết gan cho phép phát hiện xem có tế bào bất thường ở gan như tế bào ung thư hay không; hoặc để đánh giá mức độ hiệu quả của quá trình điều trị xơ gan, viêm gan… 

Như vậy, chẩn đoán ung thư gan cần phối hợp nhiều phương pháp từ chẩn đoán lâm sàng, tìm hiểu tiền sử cho đến chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm máu và xét nghiệm tế bào.

GS.TS.BS. Mai Trọng Khoa 

PGĐ BV Bạch Mai, GĐ Trung tâm y học hạt nhân và Ung bướu/ Trưởng BM Y học hạt nhân, ĐH Y Hà Nội

Trích “Ung thư gan – Sách dành cho bệnh nhân, gia đình và cộng đồng” – NXB Thanh Niên

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *