Tại Việt Nam, giống như các bệnh lý ung thư khác, phần lớn bệnh nhân ung thư gan được chẩn đoán khi bệnh đã không còn ở giai đoạn sớm, khi đó bệnh nhân đi điều trị sẽ gặp nhiều khó khăn như: tốn kém về tiền bạc do phải dùng nhiều biện pháp điều trị, mệt mỏi do bệnh tật, chất lượng cuộc sống sau điều trị không cao, thời gian sống sau điều trị ngắn. Ngoài ra, bệnh nhân ung thư gan ở Việt Nam chủ yếu diễn biến từ viêm gan B, uống nhiều rượu dẫn đến xơ gan rồi ung thư gan. Tình trạng ung thư kết hợp với chức năng gan kém làm cho tiên lượng của bệnh không được tốt.
Ung thư gan là gì?
Có 2 loại ung thư gan: ung thư gan nguyên phát và ung thư gan thứ phát.
- Ung thư gan nguyên phát là khối u ác tính xuất phát từ gan. Các loại khác nhau của ung thư gan nguyên phát được đặt tên theo loại tế bào mà từ đó ung thư đã phát triển. Trong đó, ung thư biểu mô tế bào gan (tên tiếng Anh viết tắt là HCC) là ung thư phát sinh từ tế bào gan chiếm đa số (khoảng 85% các ca ung thư gan là ung thư gan nguyên phát). Ngoài ra, các ca ung thư ít gặp hơn là ung thư đường mật hoặc ung thư ống dẫn mật.
- Ung thư gan thứ phát là ung thư di căn từ nơi khác đến, thường do u từ đại tràng, phổi, vú. Trong bài này, chúng tôi chỉ đề cập tới ung thư tế bào gan nguyên phát (HCC).
Để hiểu rõ về ung thư gan nguyên phát thì chúng ta sẽ tìm hiểu về cấu trúc và chức năng bình thường của gan.
Cấu trúc và chức năng của gan
Gan là một tạng lớn nhất trong cơ thể, nằm ở bên dưới xương sườn phải (hạ sườn phải), có hình tháp, chia thành 2 thùy: gan phải và gan trái.
Khác với các tạng khác trong cơ thể, gan nhận máu từ 2 nguồn: động mạch gan và tĩnh mạch cửa. Con người không có gan thì không thể sống được.
Gan có chức năng sau:
- Là nơi cắt đứt và dự trữ các chất dinh dưỡng được hấp thu từ ruột.
- Là cơ quan chuyển hóa một số chất trước khi sử dụng cho cơ thể.
- Gan sản xuất hầu hết các yếu tố đông máu, giúp cơ thể không bị chảy máu khi bị chấn thương hay bị cắt đứt.
- Gan sản xuất ra mật để giúp tiêu hóa thức ăn, đặc biệt là mỡ.
- Gan là cơ quan thải các chất độc trong máu.
Gan được cấu tạo chủ yếu bởi tế bào gan, ngoài ra còn có các tế bào khác như: mạch máu, đường mật. Gan sản xuất ra mật, đi theo ống mật rồi đổ vào túi mật để đi xuống ruột giúp tiêu hóa thức ăn.
Các loại u gan
Do gan được cấu tạo bởi nhiều loại tế bào nên có thể tạo nên nhiều loại tổn thương u (lành tính, ác tính). Mỗi loại tổn thương đều do các nguyên nhân khác nhau, có phương án điều trị khác nhau và tiên lượng cũng khác nhau.
* Các khối u gan lành tính
Là những khối u phát triển tại gan nhưng không lan sang các cơ quan khác, đôi khi khối u phát triển to có thể gây ra biến chứng, khi đó phải phẫu thuật để loại bỏ khối u.
- U máu: Là u gan lành tính thường gặp nhất, phát triển từ mạch máu trong gan. Hầu hết u máu trong gan không có triệu chứng và không phải điều trị. Nhưng nếu khối u to có nguy cơ chảy máu thì phải phẫu thuật cắt bỏ.
- U tuyến gan: U tuyến gan là khối u lành tính, xuất phát từ tế bào gan. Hầu hết không có triệu chứng và không cần điều trị. Một số ít trường hợp gây ra triệu chứng như: đau, sờ thấy khối ở bụng hoặc mất máu. Những khối u này có nguy cơ vỡ gây chảy máu hoặc phát triển thành ung thư, do đó nên phẫu thuật cắt bỏ. Sử dụng một số thuốc có thể gây tăng nguy cơ mắc loại u này, ví dụ phụ nữ dùng viên thuốc tránh thai.
- Quá sản thể nốt khu trú (Focal nodular hyperplasia): Quá sản thể nốt khu trú là một dạng u phát triển từ nhiều loại tế bào (tế bào gan, tế bào đường mật và mô liên kết). Mặc dù quá sản thể nốt khu trú là dạng u lành tính nhưng nếu không chẩn đoán chính xác được tổn thương thì cũng nên phẫu thuật cắt bỏ, đặc biệt khi nó gây ra triệu chứng.
Cả hai dạng u tuyến gan và quá sản thể nốt khu trú đều thường gặp ở nữ hơn ở nam.
* Các khối u gan ác tính
Là những khối u ác tính hình thành từ gan, có xu hướng di căn sang các cơ quan khác và gây ra các biến chứng nặng nề.
- Ung thư biểu mô tế bào gan: Đây là loại ung thư gan phổ biến nhất, khoảng 80% ung thư gan là dạng này. Dạng này hầu như gặp ở người xơ gan. Có 2 dạng ung thư biểu mô tế bào gan:
- Ung thư phát triển từ một khối. Lúc đầu khối có kích thước nhỏ, sau đó lớn dần lên, dạng này chỉ di căn sang vị trí khác của gan khi ở giai đoạn cuối.
- Ung thư phát triển nhiều khối ngay từ ban đầu.
- Ung thư đường mật trong gan: Khoảng 10% – 20% ung thư gan nguyên phát là ung thư đường mật, các tế bào ung thư phát triển từ tế bào ống mật trong gan.
- Các loại ung thư gan nguyên phát ít gặp hơn là Angiosarcoma, Hemangiosarcoma và Hepatoblastoma.
Các yếu tố nguy cơ gây ung thư gan
Yếu tố nguy cơ là các yếu tố (từ bên ngoài hay bên trong) có ảnh hưởng đến khả năng mắc bệnh. Các bệnh ung thư khác nhau thì sẽ có các yếu tố nguy cơ khác nhau. Có những yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được (lối sống, thói quen) nhưng cũng có những yếu tố nguy cơ không thể thay đổi (gen, giới, tuổi tác).
Có một số yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến ung thư gan như sau:
- Giới: Ung thư biểu mô tế bào gan chủ yếu gặp ở nam giới, có lẽ liên quan đến lối sống (uống rượu, viêm gan B).
- Tình trạng xơ gan: Xơ gan là tình trạng tế bào gan bị phá hủy, sau đó bị thay thế bởi các mô xơ sẹo. Những người có xơ gan thì khả năng ung thư gan là rất cao. Trong số những người bị ung thư gan thì hầu hết có xơ gan. Các nguyên nhân gây xơ gan gồm: vi-rút (B, C, E), uống rượu. Ít gặp hơn là do bệnh tự miễn, miễn dịch di truyền. Việt Nam chủ yếu gặp là viêm gan vi-rút B. Trong thực tế lâm sàng người ta nhận thấy, 70 – 80% ung thư gan phát triển trên xơ gan. Ở Pháp, chứng nghiện rượu là nguyên nhân gây xơ gan đối với 90% các trường hợp xơ gan ở nam giới và 70% các trường hợp xơ gan ở nữ giới, trong đó có 10 – 20% ung thư hóa. Ở Nhật Bản, Việt Nam, một số nước châu Á và châu Phi, 80 – 90% ung thư gan phát triển từ xơ gan do viêm gan vi-rút B, C mạn tính
- Viêm gan virus mạn tính: Trên thế giới, yếu tố nguy cơ phổ biến nhất của ung thư gan là viêm gan mạn tính do vi-rút viêm gan B, C. Trong đó, ở các nước phát triển (Âu, Mỹ) thì chủ yếu mắc viêm gan C, trong khi các nước đang phát triển, châu Á thì chủ yếu mắc viêm gan B. Tình trạng viêm mạn tính sẽ tiến triển thành xơ gan, rồi thành ung thư gan. Nguy cơ sẽ đặc biệt tăng cao nếu người bệnh nhiễm hai loại vi-rút (B, C) hay vừa nhiễm vi-rút vừa uống nhiều rượu.
- Uống nhiều rượu: Tại các nước phát triển, nghiện rượu là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến xơ gan, từ đó dẫn đến ung thư gan. Những người nghiện rượu có nguy cơ mắc ung thư gan cao gấp 4 – 5 lần so với những người không nghiện rượu.
- Hút thuốc lá: Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc ung thư gan. Người đang hút thuốc có nguy cơ cao hơn người đã bỏ thuốc nhưng nói chung có hút thuốc (quá khứ hay hiện tại) thì đều có nguy cơ cao hơn người không hút. Những người hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư gan cao gấp 2 – 8 lần so với những người không hút thuốc lá.
- Béo phì: Béo phì cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư gan. Có thể do bệnh gan nhiễm mỡ và xơ gan.
- Đái tháo đường type 2: Đái tháo đường týp 2 cũng làm tăng nguy cơ ung thư gan, có thể do tình trạng thừa cân, béo phì thường gặp ở người mắc bệnh này. Nguy cơ đặc biệt tăng ở bệnh nhân có yếu tố nguy cơ khác như: nghiện rượu, viêm gan vi-rút.
- Bệnh chuyển hóa di truyền: Những người có bệnh chuyển hóa di truyền Hemochromatosis sẽ hấp thu nhiều sắt từ máu. Gan cũng hấp thu nhiều sắt sẽ gây ra xơ gan và ung thư gan.
- Nhiễm Aflatoxins: Chất gây ung thư này được tạo ra do nấm trong ngũ cốc (lạc, đỗ, đậu, ngô, gạo). Các loại ngũ cốc này bảo quản trong môi trường nóng, ẩm sẽ dễ bị mốc. Nếu bị nhiễm chất này trong thời gian dài sẽ tăng khả năng ung thư gan, đặc biệt khi bệnh nhân có nhiễm vi-rút viêm gan B, C.
- Nhiễm Vinyl chloride: Vinyl chloride là loại hóa chất dùng để sản xuất nhựa. Nhiễm loại hóa chất này cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư gan.
- Nhiễm Anabolic steroids: Đây là loại hoóc-môn nam do một số vận động viên thể dục thể thao sử dụng để tăng cường sức khỏe và cơ bắp. Nếu dùng thuốc này trong thời gian dài cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư gan.
- Nhiễm Asen: Sử dụng nước nhiễm Asen trong một thời gian dài cũng làm tăng khả năng mắc ung thư gan.
- Nhiễm Dioxine: Tại Việt Nam, hậu quả của chiến tranh để lại với hàng triệu tấn chất độc màu da cam có chứa chất Dioxine cũng là một yếu tố nguy cơ gây bệnh ung thư gan.
- Nhiễm ký sinh trùng: Nhiễm ký sinh trùng gây ra bệnh sán máng (Schistosomiasis), từ đó gây nên ung thư gan.
- Yếu tố di truyền: Hầu hết ung thư gan là do các yếu tố môi trường bên ngoài, có thể có tăng nguy cơ cho những người họ hàng kế cận (bố, mẹ, con).
- Yếu tố không rõ ràng ảnh hưởng đến ung thư gan: thuốc tránh thai
Đến nay nguyên nhân gây ung thư gan còn chưa rõ ràng và các yếu tố nguy cơ kể trên không phải là tất cả. Có người có nhiều yếu tố nguy cơ nhưng không bị bệnh, trong khi có người rất ít nguy cơ thì lại bị bệnh. Các yếu tố nguy cơ chỉ nói lên khả năng có thể mắc ung thư gan ở một số đối tượng chứ chưa phải là nguyên nhân gây ra ung thư gan.
GS.TS.BS. Mai Trọng Khoa
PGĐ BV Bạch Mai, GĐ Trung tâm y học hạt nhân và Ung bướu/ Trưởng BM Y học hạt nhân, ĐH Y Hà Nội
Trích “Ung thư gan – Sách dành cho bệnh nhân, gia đình và cộng đồng” – NXB Thanh Niên