Khi được thăm khám, người bệnh thường hỏi “Ngủ ngáy có thể chữa khỏi?”, “Làm thế nào đối phó với chứng ngủ ngáy?”… Bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn các biện pháp xử trí đối với ngủ ngáy dựa vào nguyên nhân cụ thể.
1. Thay đổi thói quen sinh hoạt
– Tư thế ngủ: Nằm nghiêng giúp giảm bớt tình trạng này.
– Giảm cân (nếu thừa cân, béo phì)
– Hạn chế uống bia rượu trước khi ngủ, vì rượu bia gây giảm trương lực cơ bao gồm cả cơ họng.
– Hạn chế hoặc bỏ thuốc lá do gây kích thích đường hô hấp.
– Tạo thói quen ngủ nghỉ điều độ: người thiếu ngủ tinh thần mệt mỏi dễ dẫn đến ngủ ngáy.
– Không nên sử dụng các thuốc an thần hoặc bất cứ loại thuốc nào gây giảm trương lực cơ vùng họng.
– Ngủ ở vị trí đầu cao: Sử dụng gối cao giúp khai thông đường thở.
– Không nên ăn nhiều vào bữa tối, nhất là bơ sữa.
– Tập thể dục thường xuyên vừa giảm được cân, lại tăng lượng oxy cung cấp cho não.
2. Sử dụng thiết bị hỗ trợ
– Sử dụng thiết bị mở rộng mũi khi ngủ: giúp thở qua đường mũi dễ dàng hơn.
– Thiết bị nâng hàm dưới: để nâng lưỡi lên trên trong lúc ngủ.
– Thở máy với áp lực dương.
3. Điều trị theo nguyên nhân
– Điều trị viêm nhiễm vùng mũi họng: viêm mũi xoang, VA, amiđan, phù Quincke.
– Lấy dị vật mũi.
– Phẫu thuật:
+ Cắt cuốn mũi – viêm mũi quá phát cuốn dưới.
+ Chỉnh hình vách ngăn.
+ Điều trị nội hoặc phẫu thuật trong viêm mũi xoang.
+ Phẫu thuật lấy khối u.
4. Phẫu thuật chữa ngáy
– Phẫu thuật chỉnh hình họng màn hầu lưỡi gà (UPPP): loại bỏ tất cả hoặc một phần của:
+ Lưỡi gà (phần trên cổ họng).
+ Vòm mềm (phần sau vòm miệng).
+ Amidan.
UPPP giúp mở rộng phần giữa cổ họng để giúp không khí lưu thông tốt hơn.
– Phẫu thuật LAUP với sự hỗ trợ của tia laser, Coblator… để làm giảm kích thước của vòng mềm và lưỡi gà mở rộng đường hô hấp.
– Phẫu thuật gia cố vòm miệng: đốt những phần mềm ở vòm miệng để tăng độ cứng cáp. Phương pháp này hiệu quả vì ngáy ngủ xảy ra khi các phần mềm ở vòm miệng ngăn cản không khí lưu thông.
– Cắt bỏ mô tế bào bằng tần số vô tuyến (RFTA – somnoplasty) sử dụng tần số vô tuyến để tạo các vết thương có kiểm soát trên phần mềm ở vòm miệng để làm các mô thừa xung quanh co lại. Phương pháp này cũng giúp thông đường hô hấp, do đó hạn chế ngáy ngủ.
– Phương pháp tiêm snoreplasty: tiêm hóa chất vào phần mềm nhằm giảm kích thước của đáy lưỡi, mô mỡ thành sau họng…
– Phẫu thuật chèn mô cấy: chèn một mô cấy hẹp vào trong phần mềm vòm miệng. Mục đích của phương pháp này nhằm gia cố vòm miệng để hạn chế sự rung của khối cơ vùng họng miệng và khoang miệng.
– Phẫu thuật bằng phương pháp sử dụng sợi polime: khâu treo các tổ chức: màn hầu, lưỡi gà… mở rộng khoang miệng, họng và hạ họng.
Khi gặp bất kỳ vấn đề về sức khỏe liên quan đến triệu chứng ngủ ngáy, người bệnh có thể đến các cơ sở y tế để phát hiện và điều trị kịp thời.
PGS.TS Phạm Thị Bích Đào – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội