Làm thế nào để biết trẻ bị đau bụng giun? Khi nào cần tẩy giun cho trẻ

Gần đây nhưng vụ việc về vệ sinh an toàn thực phẩm liên tiếp xảy ra ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe con người nhất là đối tượng trẻ em. Nguy cơ bị nhiễm giun sán ở trẻ vẫn tăng cao mặc dù được sống một cuộc sống hiện đại cùng với những chăm sóc đặc biệt từ gia đình. Vậy, những biểu hiện trẻ bị đau bụng giun? Khi nào thì cần tẩy giun cho trẻ? 

Dấu hiệu cảnh báo trẻ bị đau bụng giun

  • Đau bụng vùng quanh rốn, đau thành từng cơn kèm theo nôn, buồn nôn.
  • Cá biệt có những trẻ nôn ra giun (giun chui lên tận dạ dày)
  • Trẻ thường đi đại tiện phân sống hoặc phân lỏng, đôi khi đi ngoài ra giun.

Đây là những biểu hiện thường gặp gây đau bụng do giun ở trẻ. Tuy nhiên ở mỗi trẻ sẽ có những biểu hiện và diễn biến khác nhau. Cha mẹ cần quan sát kỹ trẻ để phát hiện sớm bệnh.

Trẻ nhiều giun tác động tiêu cực đến sức khỏe của trẻ

  • Đa phần các trẻ nhiều giun bị suy dinh dưỡng, biếng ăn và còi cọc. Điều này được lý giải là do nguồn dinh dưỡng trẻ ăn vào không được hấp thu trọn vẹn mà phải san sẻ một phần với giun tồn tại trong hệ thống tiêu hóa. 
  • Trong trường hợp số lượng giun quá nhiều có thể khiến trẻ bị tắc ruột do búi giun.
  • Mặc dù không còn phổ biến như trước đây nhưng số lượng ca bị giun chui ống mật vẫn còn gặp khá nhiều. Giun chui ống mật có thể dẫn đến viêm túi mật, viêm tụy, gây tắc mật cấp…
  • Rất nhiều trường hợp giun di chuyển và sống tại mắt, não gây ra những biến chứng nguy hiểm.
  • Đặc biệt khi bị nhiễm giun móc trẻ có thể bị thiếu máu nặng vì mất máu mãn tính do tổn thương niêm mạc ruột làm chảy máu kéo dài

Đối tượng cần tẩy giun

  • Thông thường trẻ trên 2 tuổi có giun là cha mẹ có thể thực hiện tẩy giun cho trẻ.
  • Với những trẻ dưới 2 tuổi có giun cha mẹ nên tham khảo ý kiến bác sỹ về việc lựa chọn loại thuốc tẩy giun cho phù hợp. 
  • Đối với những trẻ không có biểu hiện cảnh báo có giun thì ngoài 4 tuổi cha mẹ cũng nên chủ động tẩy giun cho trẻ theo định kỳ. 

Các thuốc thường được dùng để tẩy giun cho trẻ

  • Mebendazol: cũng làm cho giun bị cạn kiệt glycogen dự trữ, ngoài ra còn ức chế sự sinh sản của giun. Chỉ dùng thuốc này cho trẻ trên 2 tuổi. Để tẩy giun kim, cho trẻ uống 100mg, sau 2 đến 4 tuần nhắc lại một lần nữa; còn để tẩy một hay nhiều loại giun: móc, tóc, kim: dùng liều duy nhất 400mg.
  • Albendazol: ức chế sự thu nhận glucose ở ấu trùng và giun trưởng thành, làm giảm dự trữ glycogen, giảm năng lương nên giun bất động rồi chết. thuốc có tác dụng trên nhiều loại giun như giun đũa, móc, tóc, lươn, kim. Liều dùng một lần duy nhất cho trẻ từ 2 tuổi trở lên. Liều 1 viên 400mg. Riêng với giun móc liều dùng là mỗi ngày 1 viên 400mg, dùng trong 3 ngày liên tiếp.
  • Pyratel: Có  biệt dược là  hemilltox hàm lượng 125mg và 250mg:   tác dụng bằng cách phong bế thần kinh – cơ của giun, khiến chúng bị tê liệt và nhu động ruột sẽ đẩy giun ra ngoài. Pyrantel tác động lên cả dạng chưa trưởng thành nhưng không có tác dụnng trên dạng ấu trùng. Thuốc này có thể dùng để tẩy giun kim, giun đũa, giun móc cho trẻ từ 1  tuổi trở lên với liều  10mg/kg cân nặng. Nếu trẻ nhiễm giun kim nhiều có thể nhắc lại sau 1 tuần cũng với liều lượng như trên

Các loại thuốc trên được bào chế dưới dạng viên nén, thơm, ngọt, có thể nhai, nghiền trước khi uống hay dạng hỗn dịch, tùy theo lứa tuổi của bé để lựa chọn dạng thuốc cho thích hợp. Có thể uống thuốc vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, không cần phải nhịn đói. Tuy nhiên uống vào buổi tối trước khi đi ngủ là tốt nhất . Hiện nay, ở trường mầm non, các bé cũng được cho uống thuốc một lần trong năm, thường vào đầu năm học, các bậc phụ huynh nên lưu ý cho bé uống nhắc lại sau 6 tháng.

Cách phòng tránh bệnh giun cho trẻ

  • Đảm bảo vệ sinh thực phẩm cho trẻ: uống nước đun sôi để nguội, ăn rau đã nấu chín, các loại trái cây nên gọt vỏ sau khi rửa.
  • Giữ vệ sinh trong quá trình chế biến thức ăn cho trẻ.
  • Không cho trẻ ăn sống (các món trần, nhúng) mà phải cho trẻ ăn chín, uống sôi.
  • Thường xuyên cắt móng tay, rửa hậu môn bằng xà phòng tắm sau mỗi lần bé đi đại tiện, không cho bé đi đại tiện bừa bãi.
  • Nhắc nhở con có ý thức rửa tay sạch sẽ trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh.
  • Ở nông thôn, cần bố trí khu vực xử lý phân xa nơi ở và giếng nước, không để bé bò lê la, nghịch đất cát.
  • Định kỳ 6 tháng cho bé uống thuốc tẩy giun một lần. Nếu trong nhà có một thành viên bị nhiễm giun kim, nên tẩy giun cho cả nhà.
  • Nhắc nhở con có ý thức rửa tay sạch sẽ trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh

Tẩy giun cho trẻ là việc làm cần thiết vì nếu không được tẩy giun, trẻ sẽ trở nên còi cọc, thiếu dinh dưỡng, trẻ có thể bị tắc ruột do búi giun, hoặc gây ra những cơn đau cấp khi giun chui lên đường mật, giun sinh trưởng, phát triển và di trú lên mắt, não…

  • Dấu hiệu cảnh báo trẻ có giun:
    • đau bụng kèm buồn nôn, nôn ra giun
    • gãi, ngoáy đít nhiều lần
  • Cẩn chủ động tẩy giun cho trẻ trên 4 tuổi. 
  • Chú ý đến việc vệ sinh ăn uống, giữ vệ sinh tay chân cho trẻ nhất là sau khi đi vệ sinh. Tuyệt đối không cho trẻ ăn sống, ăn các đồ ăn tái,… mà phải cho trẻ ăn chín, uống sôi.

Bs Thanh Mai – Hội Nội khoa Việt Nam

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *