Khi bị gãy xương – nên và không nên ăn gì?

Người bị gãy xương nên ăn gì để phục hồi tốt nhất? Đây luôn là vấn đề được gia đình bệnh nhân quan tâm nhất. Nhiều người cho rằng nên ăn nhiều đồ bổ dưỡng để bổ sung dinh dưỡng cùng quan niệm ăn gì bổ nấy, uống canh xương nếu bị gãy xương. Tuy nhiên bất kỳ bệnh nào cũng có quá trình hồi phục riêng và nhu cầu dinh dưỡng cũng khác nhau ở từng giai đoạn phát triển của bệnh.

1. Nguyên tắc bổ sung dinh dưỡng theo giai đoạn

Trong giai đoạn đầu của gãy xương

Khoảng 1-2 tuần sau khi gãy, vị trí gãy xương thường bị tụ máu và sưng, khí huyết lưu thông không thuận lợi. Việc điều trị chủ yếu là hoạt huyết hóa ứ.

Chế độ ăn uống nên thanh đạm, bao gồm các loại rau, trái cây, sản phẩm từ đậu, trứng, v.v.

Cần tránh ăn các thức ăn chua, cay, nóng, và dầu mỡ, đặc biệt không nên ăn quá sớm các thực phẩm bổ dưỡng nhiều chất béo như nước hầm xương, gà béo, cá hầm, vì sẽ khiến ứ huyết tích tụ khó tan, kéo dài quá trình hồi phục và ảnh hưởng đến việc phục hồi chức năng sau này.

Ở giai đoạn giữa của gãy xương

Từ 2 đến 6 tuần sau khi gãy, lúc này vết sưng tại chỗ gãy đã giảm, việc điều trị chủ yếu là loại bỏ ứ huyết và thúc đẩy sự hình thành mô mới, cũng như kết nối lại xương và gân. Trong giai đoạn này, sự phát triển của canxi xương cần nhiều dưỡng chất hơn, vì vậy chế độ ăn uống cần chuyển từ thanh đạm sang giàu dinh dưỡng. Lúc này, bạn có thể uống nước hầm xương gà, ăn gà hầm, trứng, cá, gan động vật để bổ sung thêm vitamin A, D, canxi và protein. Tuy nhiên, rau củ quả thanh đạm vẫn cần phải được duy trì trong chế độ ăn.

Ở giai đoạn cuối của gãy xương 

Sau 6 tuần, lúc này huyết ứ ở vị trí gãy đã cơ bản được hấp thu, việc điều trị nên tập trung vào bổ dưỡng để thúc đẩy sự phát triển chắc chắn hơn của xương, đồng thời giúp thư giãn gân cốt và hoạt huyết, giúp các khớp lân cận khu vực gãy xương có thể cử động linh hoạt, phục hồi chức năng như trước. Có thể ăn bất kỳ thực phẩm giàu dinh dưỡng nào, đặc biệt là các thực phẩm giàu canxi, phốt pho, sắt và các khoáng chất. Có thể kết hợp với các món như súp gà già, nước hầm xương gà, xương dê, súp gân nai, hầm cá…

2. Một số nhóm thực phẩm tốt cho người bị gãy xương

Hàng ngày nên cân bằng việc tiêu thụ sáu nhóm thực phẩm chính để cơ thể nhận được đầy đủ các loại dưỡng chất.

6 nhóm thực phẩm bao gồm:

  • Nhóm sữa và các sản phẩm từ sữa
  • Nhóm ngũ cốc nguyên hạt và ngũ cốc
  • Nhóm đậu, cá, trứng, thịt
  • Nhóm rau
  • Nhóm trái cây
  • Nhóm dầu mỡ và các loại hạt (quả hạch)

Sau phẫu thuật hoặc chấn thương (ví dụ: gãy xương), sự mất mát protein diễn ra nhanh hơn, do đó cần lựa chọn các thực phẩm giàu protein có giá trị sinh học cao như sữa (sữa tách béo hoặc sữa ít béo), trứng, thịt nạc, cá, gia cầm (bỏ da) để bổ sung dinh dưỡng. Người ăn chay có thể chọn đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành để bổ sung protein từ thực vật.

Để đẩy nhanh quá trình lành vết thương và tăng cường khả năng chống lại bệnh truyền nhiễm, có thể tiêu thụ các thực phẩm giàu vitamin C (trái cây, rau màu xanh đậm và màu vàng đỏ), chẳng hạn như ổi, cam quýt, chanh, cà chua.

Canxi là thành phần chính cấu tạo xương, bệnh nhân gãy xương bị mất nhiều canxi, cần bổ sung qua thực phẩm. Sữa là nguồn cung cấp canxi chính; các thực phẩm khác giàu canxi bao gồm: cá nhỏ, hàu, nghêu, lòng đỏ trứng, đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành (như váng đậu, đậu hũ ngũ vị), rau xanh đậm, tảo biển, rong biển, mè đen, mè trắng, men (đường kiêng) v.v.

Vitamin D đóng vai trò quan trọng trong việc giúp xương hấp thụ và sử dụng canxi. Các thực phẩm giàu vitamin D bao gồm: lòng đỏ trứng, sữa, gan động vật (như gan heo, gan bò), dầu gan cá. Ngoài ra, ánh nắng mặt trời có thể kích hoạt vitamin D trong da, vì vậy việc tiếp xúc với ánh nắng thường xuyên cũng là một cách tốt để bổ sung vitamin D.

Vitamin B6 đặc biệt quan trọng trong quá trình hình thành khung xương. Vitamin B12 hỗ trợ các tế bào xương hoạt động tích cực. Người bị gãy xương có thể bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin như thịt bò, cá hồi, cá thu, tôm , trứng, sữa, …v.v.

Magie là thành tố quan trọng trong quá trình tái tạo xương đo đó đóng vai trò thiết yếu phục hồi vùng xương bị tổn thương. Thực phẩm giàu magie có thể kể đến như cá thu, cá trích, cá chép, tôm, sữa, ngũ cốc, rau xanh, hạnh nhân…

Nhắc đến xương khớp không thể bỏ qua yếu tố vi lượng kẽm. Kẽm thúc đẩy vitamin D hoạt động mạnh mẽ hơn để tăng cường hấp thu canxi. Kẽm cũng được kết hợp trong các sản phẩm chứa canxi, vitamin D để giúp tái tạo và phục hồi xương khớp nhanh hơn như loãng xương, gãy xương…

Cung cấp đủ nước: Nước giúp điều chỉnh nhiệt độ cơ thể, hỗ trợ tiêu hóa, hấp thu, và ngăn ngừa táo bón. Bệnh nhân phải nằm lâu nên tăng cường lượng nước uống, ít nhất khoảng 2.000 đến 3.000 ml mỗi ngày (khoảng 20-30 ml cho mỗi kg cân nặng) để làm loãng nước tiểu và ngăn ngừa sỏi thận.

Tránh đồ uống chứa caffeine như cà phê, trà, và nước ngọt có ga.

Tiêu thụ thực phẩm giàu collagen để thúc đẩy sự phục hồi của xương, chẳng hạn như gân bò, chân gà, giò heo. Đối với những người bị chứng mỡ máu cao, có thể thay thế bằng các thực phẩm như nấm mèo, hải sâm.

3. Sáu điều nên làm trong sinh hoạt dành cho bệnh nhân gãy xương

  • Nên ăn uống thanh đạm, dễ tiêu hóa: Uống nhiều nước súp, ít ăn thực phẩm dầu mỡ và chiên rán, không nên ăn quá cay, và hạn chế uống trà.
  • Nên ăn nhiều rau giàu chất xơ: Bệnh nhân gãy xương ít vận động, thường bị táo bón, do đó cần ăn nhiều rau có chứa nhiều chất xơ để hỗ trợ việc đại tiện.
  • Nên ăn nhiều thực phẩm giàu collagen: Sự tái tạo xương sau tổn thương chủ yếu dựa vào màng xương và tủy xương, các thực phẩm giàu collagen như da heo hoặc chân giò heo có thể thúc đẩy quá trình sửa chữa màng xương và tủy xương.
  • Nên tắm nắng nhiều: Tia UV trong ánh nắng mặt trời giúp kích thích sản sinh vitamin D, làm tăng khả năng hấp thụ canxi.
  • Nên tập thể dục nhẹ nhàng: Thực hiện các bài tập hợp lý dưới sự hướng dẫn của bác sĩ có thể thúc đẩy sự lành xương và sửa chữa mô mềm, không nên nằm nghỉ hoàn toàn quá lâu.
  • Nên uống nhiều nước: Bệnh nhân phải nằm trên giường dễ bị nhiễm trùng đường tiểu và sỏi thận, vì vậy cần uống nhiều nước để hỗ trợ bài tiết.

4. Sáu điều cấm kỵ đối với bệnh nhân gãy xương

  • Không nên bổ sung canxi một cách mù quáng: Việc tiêu thụ quá nhiều canxi không làm tăng tốc độ lành xương mà còn có thể gây tăng canxi máu, dẫn đến sỏi thận và hiện tượng canxi hóa bất thường.
  • Không nên ăn quá nhiều xương: Xương chứa nhiều phốt pho và canxi, nếu tiêu thụ quá mức sẽ gây mất cân bằng tỷ lệ giữa chất hữu cơ và vô cơ trong xương.
  • Không nên ăn lệch: Dinh dưỡng cân bằng giúp vết thương mau lành và hỗ trợ quá trình hồi phục.
  • Không nên ăn quá nhiều đồ ngọt: Ăn nhiều đồ ngọt có thể khiến cơ thể rơi vào trạng thái nhiễm toan, làm tiêu hao nhiều canxi và vitamin B1, không có lợi cho sự phục hồi của bệnh nhân gãy xương.
  • Không nên phụ thuộc quá mức vào thuốc: Sử dụng thuốc trong thời gian dài với liều lượng lớn có thể làm giảm cảm giác ngon miệng, tổn thương chức năng gan, và cản trở khả năng tự phục hồi của cơ thể.
  • Không nên hút thuốc và uống rượu: Dù uống một lượng nhỏ rượu có thể không ảnh hưởng nhiều, nhưng uống quá nhiều và hút thuốc sẽ gây co thắt mao mạch, làm giảm tuần hoàn máu ở vị trí tổn thương, kéo dài quá trình lành xương.

Một chế độ ăn uống khoa học và lối sống lành mạnh sẽ thúc đẩy quá trình lành vết thương do gãy xương, ngoài chế độ ăn uống, người bệnh gãy xương phải tích cực thực hiện các bài tập chức năng và điều trị toàn diện dưới sự hướng dẫn của bác sĩ ở giai đoạn sau để có thể khỏi bệnh nhanh chóng và khỏe mạnh.

BS Uông Mai lược dịch

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *