1. Hậu COVID (Long COVID- COVID kéo dài) là gì?
Hậu Covid (Long COVID) là một thuật ngữ để mô tả các tác động của Covid-19 tiếp tục trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng sau khi khỏi bệnh. Viện Y tế và Chất lượng Điều trị Quốc gia Anh (NICE) định nghĩa Long Covid kéo dài hơn 12 tuần, mặc dù một số chuyên gia coi các triệu chứng kéo dài hơn 8 tuần là Long Covidi.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa Long Covid “thường là 3 tháng kể từ khi bắt đầu Covid-19 với các triệu chứng kéo dài ít nhất 2 tháng và không thể giải thích bằng một chẩn đoán thay thế.”
Nghiên cứu được công bố vào tháng 6 năm 2021 bởi Đại học Imperial College London, dựa trên nửa triệu người ở Anh, đã phát hiện ra hai loại chính của các triệu chứng đang diễn ra: một nhóm nhỏ hơn những người có các triệu chứng hô hấp, chẳng hạn như ho hoặc khó thở, (nhóm này có nhiều khả năng ban đầu bị bệnh Covid-19 nghiêm trọng), và một nhóm lớn hơn có nhiều triệu chứng tổng quát hơn, đặc biệt là mệt mỏi và thiếu năng lượng.
Nghiên cứu dựa trên những người đã báo cáo các triệu chứng của họ bị Covid kéo dài trên ứng dụng Nghiên cứu triệu chứng Zoe Covid cũng xác định được hai nhóm triệu chứng chính, một chủ yếu là hô hấp, bao gồm mệt mỏi và đau đầu và nhóm triệu chứng thứ hai ảnh hưởng đến nhiều bộ phận của cơ thể, bao gồm tim, não và ruột. Trong nghiên cứu trên 4.182 người, các triệu chứng về tim thường được báo cáo, chẳng hạn như đánh trống ngực hoặc nhịp tim tăng lên, cũng như các triệu chứng không liên quan đến tim như cảm giác kim châm, tê và ‘sương mù não’.
2. Tỷ lệ mắc hậu COVID (COVID kéo dài – Long COVID)
Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) ước tính rằng có khoảng 3 – 12% những người bị nhiễm Covid sẽ vẫn có các triệu chứng trong 12 tuần sau lần đầu mắc bệnh. Điều này dựa trên dữ liệu được cung cấp bởi 20.000 người trong Khảo sát Nhiễm trùng Coronavirus (CIS) từ ngày 26/4/2021 đến ngày 1/8/2021.
Điều quan trọng cần lưu ý là những ước tính này đã được thực hiện trước khi Omicron trở thành biến thể thống trị ở Anh. Vì Omicron xuất hiện chưa đủ lâu nên chúng ta vẫn chưa biết liệu nó có nhiều khả năng dẫn đến Covid kéo dài (Long covid) hay không. Bởi vì ngày nay phần lớn dân số thế giới đã được tiêm chủng đầy đủ, nên cũng sẽ khó có thể phân biệt được liệu có bất kỳ sự khác biệt nào về tỷ lệ Covid kéo dài là do sự khác biệt giữa các biến thể hay do tác dụng bảo vệ của việc tiêm chủng hay không.
ONS ước tính rằng 1,3 triệu người ở Anh đã trải qua các triệu chứng Covid kéo dài kể từ ngày 2/1/2022. Con số này chỉ chiếm hơn 1/50 dân số (2,1%). Đây được xác định là các triệu chứng đã kéo dài hơn 4 tuần kể từ lần nhiễm bệnh đầu tiên. Con số này tăng từ 1,2 triệu (1,9%) tính đến ngày 2/10/2021, phản ánh sự gia tăng các ca nhiễm trùng Covid vào tháng 12/2021.
Hơn 4/10 (42%) trong số những người này đã trải qua các triệu chứng Covid kéo dài hơn một năm sau lần đầu tiên bị nghi ngờ nhiễm COVID-19. Gần 2/3 (63%) cho biết các triệu chứng của họ đã làm giảm khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày.
Một nghiên cứu được công bố vào tháng 6 bởi Imperial College, London, trên nửa triệu người trưởng thành ở Anh đã báo cáo bị bệnh Covid cho thấy hơn 1/3 vẫn có ít nhất 1 triệu chứng kéo dài đến 12 tuần sau đó.
Một nghiên cứu do Đại học Leicester thực hiện trên 1.000 người cần được điều trị tại bệnh viện vì Covid cho thấy phần lớn (7 trong 10 người) vẫn chưa hồi phục hoàn toàn sau 5 tháng kể từ khi họ xuất viện. Các tác giả báo cáo cho biết 1/5 trong số những người trong nghiên cứu có thể được coi là có khuyết tật mới.
Trong số những người đang làm việc trước khi mắc Covid-19, gần 1/5 (17,8%) không còn làm việc và 1/5 (19,3%) đã trải qua sự thay đổi liên quan đến sức khỏe đối với công việc của họ.
3. Mất bao lâu để phục hồi COVID kéo dài?
Các chuyên giai vẫn đang tìm hiểu tình trạng bệnh kéo dài bao lâu và nó khác nhau giữa mọi người như thế nào. Điều quan trọng cần lưu ý là tác động lâu dài không phải chỉ có ở Covid-19 mà các bệnh do vi rút khác cũng có thể có ảnh hưởng lâu dài. Nghiên cứu được dẫn đầu bởi các nhà nghiên cứu Leicester được mô tả ở trên cho thấy rằng trong số những người cần điều trị tại bệnh viện cho căn bệnh ban đầu, bệnh thường kéo dài từ 5 tháng trở lên và có những báo cáo riêng biệt về nó kéo dài 12 tháng hoặc hơn (bao gồm cả hai đối tượng, những người không cần điều trị tại bệnh viện và những người đã điều trị tại viện.)
4. Các triệu chứng của COVID kéo dài
Mặc dù hầu hết những người bệnh Covid-19 đều hồi phục nhanh chóng, nhưng đối với một số tác động của vi rút có thể kéo dài hàng tuần hoặc hàng tháng. Điều này được gọi là “Long Covid”.
Những tác động lâu dài này không chỉ xảy ra ở những người từng phải nhập viện mà cả những người triệu chứng nhẹ, không triệu chứng cũng có thể gặp phải..
Theo ONS, các triệu chứng phổ biến nhất mà những người mắc chứng Covid kéo dài gặp phải là mệt mỏi (51%), mất khứu giác (37%), khó thở (36%), tiếp theo là khó tập trung (28%).
Các triệu chứng kéo dài do COVID-19 gây ra có thể bao gồm:
- Sự mệt mỏi, thiếu năng lượng
- Khó thở hoặc thở gấp
- Ho dai dẳng
- Rối loạn giấc ngủ: khó ngủ, mất ngủ, ngủ không sâu giấc…
- Rối loạn tâm thần: lo lắng và trầm cảm
- Tim mạch: tim đập nhanh, tức ngực hoặc đau ngực, hồi hộp trống ngực
- Đau khớp hoặc đau mỏi cơ
- “Sương mù não”: khó hoặc không thể suy nghĩ, giảm hoặc mất tập trung…
- Rối loạn khứu giác hoặc vị giác
4.1. Đau ngực sau mắc COVID-19
Đau ngực là một triệu chứng phổ biến của Covid-19. Một số người bị đau ngực kéo dài xuất hiện sau khi nhiễm Covid-19 lần đầu hoặc bắt đầu trong vài tuần sau khi họ đã khỏi COVID-19.
Điều quan trọng cần nhớ là đau ngực không chỉ liên quan đến COVID kéo dài mà nó có thể là tình trạng cấp cứu tim mạch do các bệnh lý tim mạch thực sự. Ngay khi có các dấu hiệu của cơn đau ngực, người bệnh cần liên hệ với các nhân viên y tế để được tư vấn và sàng lọc các tình trạng khẩn cấp nhất là khi có kèm một số biểu hiện:
- Đau ngực đột ngột hoặc dữ dội và không biến mất
- Đau ngực đột ngột kèm theo nôn, buồn nôn, đổ mồ hôi hoặc khó thở
- Đau ngực đột ngột kèm theo mất ý thức
Ở các bệnh nhân COVID kéo dài, triệu chứng đau ngực rất đa dạng và khó phân biệt chắc chắn với 1 cơn đau ngực cấp cứu. Phần lớn các bệnh nhân mô tả đau cơ hoặc đau nhức có thể ở một vùng cụ thể hoặc lan rộng hơn xung quanh vùng ngực. Người bệnh có cảm giác đau khi chạm vào và cơn đau tăng lên khi thực hiện các động tác xoay người hoặc cúi, ngửa. Cơn đau không đặc hiệu, có thể đau nhói hoặc âm ỉ, và có thể xảy ra từng cơn ngắn hoặc liên tục, ít có tính chu kỳ.
4.2. Hồi hộp trống ngực, chóng váng, ngất xỉu sau mắc COVID-19
Có bằng chứng mới nổi cho thấy một số người bị Covid kéo dài có các triệu chứng tương tự như những người bị một tình trạng được gọi là hội chứng nhịp tim nhanh tư thế (PoTS). Tình trạng này có thể gây chóng mặt khi di chuyển, thay đổi tư thế. Các triệu chứng phổ biến nhất là cảm thấy choáng váng, đánh trống ngực (nhận biết được nhịp tim của bản thân) và mệt mỏi.
Đã có một số báo cáo trường hợp trong các tạp chí y khoa về những người có các triệu chứng liên tục sau khi nhiễm Covid-19, và một số được phát hiện có PoTS. PoTS xảy ra do cách cơ thể tránh tụt huyết áp khi bạn đứng lên không hoạt động bình thường. Thông thường, khi bạn ngồi xuống hoặc đứng lên, trọng lực làm cho một phần máu của bạn chảy xuống dưới, có thể gây tụt huyết áp. Cơ thể phản ứng để ngăn ngừa giảm huyết áp bằng cách thu hẹp mạch máu và tăng nhẹ nhịp tim. Nhưng nếu bạn có PoTS, những thay đổi tự động này sẽ không xảy ra. Khi bạn chuyển sang tư thế đứng, lượng máu cung cấp cho tim và não của bạn giảm xuống và tim của bạn bắt đầu đập nhanh hơn để bù đắp.
Mặc dù không có cách chữa khỏi PoTS, nhưng nó có thể được kiểm soát bằng chế độ ăn uống, tập thể dục và thuốc. Các nhà nghiên cứu cho biết điều quan trọng là phải được chẩn đoán chính xác để bệnh nhân có thể được điều trị và tư vấn về cách kiểm soát các triệu chứng của họ.
Các chuyên gia khuyến cáo rằng bệnh nhân khó thở, đánh trống ngực, mệt mỏi, đau ngực và ngất xỉu nên được kiểm tra cẩn thận để tìm các vấn đề về hội chứng PoTS. Điều này bao gồm việc kiểm tra tư thế đứng chủ động, đo sự thay đổi nhịp tim và huyết áp của bệnh nhân sau khi chuyển từ tư thế nằm sang tư thế đứng…
4.3. Đau lưng sau mắc COVID-19
Trong khi các vấn đề về khớp và cơ có thể xảy ra ở bất kỳ đâu trên cơ thể trong hoặc sau khi mắc Covid-19, các vấn đề về lưng là một trong những vấn đề phổ biến nhất. Bạn có thể đã từng bị đau lưng trước khi mắc Covid-19 và nếu bạn ít vận động hơn khi bị bệnh, điều này có thể khiến các vấn đề về khớp hoặc cơ trở lại, hoặc trở nên tồi tệ hơn. Cứng khớp và yếu cơ cũng có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu bạn không di chuyển nhiều khi bạn không khỏe.
Trong những tuần sau khi tiêm Covid-19, một số người bị đau lưng hoặc cảm giác như bị kim châm. Khi hồi phục, các triệu chứng này cũng có thể cải thiện. Người bệnh có thể chủ động cân bằng giữa nghỉ ngơi với nhiều hoạt động bình thường hàng ngày, đồng thời tập thể dục để cải thiện sức mạnh và sự linh hoạt, chẳng hạn như tập các bài tập dãn cơ hoặc yoga…
5. Phương pháp xét nghiệm và phát hiện sớm COVID kéo dài
Không có một xét nghiệm duy nhất nào để chẩn đoán Covid kéo dài. Hậu Covid hay Long Covid vẫn là một tình trạng chưa được hiểu đầy đủ. Điều quan trọng là khi gặp phải các bất thường về sức khỏe, người bệnh cần nhận được sự tư vấn từ chuyên gia và nhân viên y tế.
Một số xét nghiệm sàng lọc chẩn đoán nguyên nhân có thể bao gồm:
- Xét nghiệm máu
- Điện tâm đồ và huyết áp (bao gồm cả huyết áp tư thế)
- Chụp X-quang (CTscan…) ngực
Hiện các nhà nghiên cứu đang tìm kiếm những cách mới để kiểm tra Covid kéo dài.
6. Phương pháp điều trị Covid kéo dài
Thật không may, không có một phương pháp điều trị hoặc thuốc đặc hiệu nào để điều trị Covid kéo dài.
Kinh nghiệm của bác sĩ là khác nhau, vì vậy điều quan trọng là trao đổi thông tin sức khỏe với bác sĩ của bạn về các triệu chứng bạn đang gặp phải. Họ có thể cho bạn biết cách quản lý chúng tốt nhất và cho bạn biết những hỗ trợ nào khác có sẵn.
Nếu Covid kéo dài ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của bạn, bạn có thể cần nhập viện điều trị.
Cũng có rất nhiều mẹo nhỏ bạn có thể áp dụng tại nhà để kiểm soát các triệu chứng của Covid kéo dài. Một số mẹo kiểm soát các triệu chứng COVID kéo dài
6.1. Mệt mỏi và khó thở
- Không làm việc quá sức. Cố gắng chia các nhiệm vụ cảm thấy khó thành nhiều phần nhỏ hơn và xen kẽ các hoạt động dễ và khó. Cân nhắc thời gian tốt nhất trong ngày để thực hiện các hoạt động nhất định dựa trên mức năng lượng của bạn.
- Thường xuyên nghỉ ngơi trong thời gian ngắn sẽ tốt hơn là cố gắng hết sức rồi nghỉ ngơi trong thời gian dài, hãy đảm bảo bạn được nghỉ ngơi trước khi kiệt sức.
- Đừng ngừng làm những việc khiến bạn cảm thấy khó thở. Nếu bạn ngừng sử dụng cơ bắp của mình, chúng sẽ yếu đi, có thể khiến bạn khó thở hơn khi cố gắng sử dụng chúng.
- Cố gắng tăng dần lượng bài tập thể dục. Hãy thử đi bộ ngắn hoặc thực hiện các bài tập sức mạnh cơ bắp đơn giản. Nên tham khảo ý kiến của các huấn luyện viên.
- Nếu bạn sử dụng gậy chống hoặc khung, hãy nghiêng người về phía trước khi bạn cảm thấy khó thở.
- Các bài tập thở là giải pháp hiệu quả giúp cải thiện nhanh triệu chứng khó thở.
6.2. Khôi phục sức khỏe tinh thần
Cần xác định trước rằng bạn có thể sẽ có một số ngày tồi tệ vì thế cần đối xử tử tế hơn với bản thân bằng cách xây dựng kế hoạch làm việc và nghỉ ngơi hợp lý.
Kết nối với những người khác có thể giúp bạn cảm thấy hạnh phúc hơn, hãy đảm bảo giữ liên lạc với gia đình và bạn bè.
Hãy tạo ra những thói quen tốt cho tâm trạng của bạn như nghe nhạc giai điệu vui vẻ, xem phim hài hước, mua sắm, vẽ tranh, chơi nhạc, đọc sách, ngồi thiền, thể dục….
Duy trì hoạt động, vận động sẽ giúp giải phóng endorphin và cải thiện tâm trạng của bạn.
6.3. Duy trì khả năng tập trung và trí nhớ
Sử dụng các công cụ ghi chú để giúp bạn ghi nhớ mọi thứ. Bên cạnh đó cũng chủ động tập nhớ các danh mục công việc cần thiết để khôi phục dần khả năng ghi nhớ vốn có của bạn..
Cố gắng giảm bớt phiền nhiễu. Bạn nên lựa chọn những nơi yên tĩnh để rèn luyện khả năng tập trung trước khi quay lại với phong cách làm việc trước đó của bạn.
Việc lập kế hoạch rõ ràng có thể hữu ích trước khi tiếp cận bất kỳ vấn đề hoặc tình huống mới. Hãy chia nhỏ nó thành các bước và tiếp tục kiểm tra kế hoạch của bạn khi bạn làm theo nó.
7. Tiêm phòng và Covid kéo dài
7.1. Tiêm phòng làm giảm nguy cơ mắc Covid kéo dài
Có – có rất nhiều bằng chứng cho thấy việc chủng ngừa sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh Covid kéo dài.
Dữ liệu từ Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) cho thấy tiêm hai liều vắc-xin có thể giảm 40% nguy cơ mắc bệnh Covid kéo dài (ở những người 18-69 tuổi).
Nghiên cứu từ Đại học King’s College London ủng hộ điều này, cho thấy rằng 2 liều vắc-xin làm giảm một nửa nguy cơ mắc bệnh Covid kéo dài ở người lớn.
Phân tích, xem xét dữ liệu từ Ứng dụng ZOE Covid trong khoảng thời gian từ ngày 8/12/2020 đến ngày 4/7/2021, cũng cho thấy rằng những người trưởng thành được tiêm chủng đầy đủ ít có khả năng phải điều trị tại bệnh viện hơn và có xu hướng báo cáo các triệu chứng Covid nhẹ hơn những người không được tiêm chủng.
Cả hai nghiên cứu này đều xảy ra trước khi Omicron trở thành biến thể Covid thống trị ở Anh vì vậy cần phải nghiên cứu thêm để hiểu rõ tác động của chúng.
7.2. Tiêm phòng giúp gì khi bạn bị Covid kéo dài
Có một số bằng chứng cho thấy việc chủng ngừa có thể làm giảm Covid kéo dài ở những người nhiễm vi rút trước khi họ được tiêm chủng.
Trong nghiên cứu được công bố vào tháng 10/2021 , Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh đã sử dụng dữ liệu từ Cuộc khảo sát nhiễm trùng Coronavirus của Vương quốc Anh để xem xét mối liên quan giữa tiêm chủng Covid-19 và Covid kéo dài ở những người đã từng tiêm vắc xin này trước khi tiêm vắc xin.
Họ phát hiện ra rằng vắc-xin đầu tiên có liên quan đến việc giảm 13% khả năng tự báo cáo về Covid kéo dài ban đầu, mặc dù không rõ từ dữ liệu liệu đây có phải là sự cải thiện lâu dài hay các triệu chứng quay trở lại sau lần cải thiện ban đầu. Liều thứ hai có liên quan đến việc giảm 9% khả năng tự báo cáo về Covid kéo dài, liên quan đến việc tiêm vắc xin đầu tiên, và có bằng chứng thống kê về sự cải thiện bền vững sau lần này.
Loại vắc xin nào đã được sử dụng (Pfizer, AstraZeneca hoặc Moderna) dường như không tạo ra bất kỳ sự khác biệt nào đối với kết quả. Tuổi, dân tộc, giới tính hoặc các vấn đề sức khỏe khác của người đó cũng không.
Loại nghiên cứu này là quan sát, có nghĩa là nó không thể chứng minh nguyên nhân và kết quả. Nghiên cứu cũng bị giới hạn ở chỗ nó chỉ theo dõi mọi người trung bình 67 ngày sau khi tiêm vắc xin lần hai và không phải tất cả mọi người trong nghiên cứu đều tiêm vắc xin lần hai. Vì vậy, chúng ta không thể chắc chắn từ điều này rằng vắc xin Covid-19 giúp những người bị Covid kéo dài (mặc dù chúng tôi biết rằng chúng giảm nguy cơ mắc lại Covid). Theo thời gian, chất lượng và sự hiểu biết về dữ liệu này sẽ được cải thiện và các kết luận cũng như số liệu thống kê được tạo ra sẽ rõ ràng hơn.
8. Trẻ em và hội chứng Covid kéo dài
Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) đã công bố dữ liệu từ Khảo sát Nhiễm trùng Coronavirus ở Anh, xem xét có bao nhiêu người xuất hiện các triệu chứng 5 tuần sau khi nhiễm bệnh. Cuộc khảo sát cho thấy gần 13% trẻ em trong độ tuổi từ hai đến 11 tuổi và 14,5% trẻ em từ 12 đến 16 tuổi báo cáo một số triệu chứng nhất định bao gồm mệt mỏi, ho, nhức đầu, đau cơ hoặc mất vị giác hoặc khứu giác sau 5 tuần sau khi bị bệnh Covid-19. Nhưng không rõ từ dữ liệu được công bố có bao nhiêu trẻ em mà những con số này dựa trên.
ONS cũng công bố dữ liệu cho thấy 1/10 học sinh trung học báo cáo các triệu chứng liên tục hơn 4 tuần sau khi nhiễm Covid-19 được xác nhận. Một tỷ lệ tương tự các học sinh bị nghi ngờ (nhưng chưa được xác nhận) nhiễm trùng Covid-19 cũng báo cáo rằng họ có các triệu chứng kéo dài hơn 4tuần. Các triệu chứng phổ biến nhất là “suy nhược/mệt mỏi”, được báo cáo bởi gần một nửa số học sinh có các triệu chứng kéo dài. 6/10 học sinh có các triệu chứng Covid kéo dài cho biết nó hạn chế khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày. Dữ liệu dựa trên một cuộc khảo sát đối với 2.326 học sinh tại các trường học ở Anh từ ngày 2 đến 26/7/2021.
9. Ai là người có nguy cơ mắc Covid kéo dài
Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ ứng dụng Nghiên cứu triệu chứng COVID để tìm ra ai có nguy cơ mắc Covid kéo dài nhất. Họ phát hiện ra rằng những người lớn tuổi, phụ nữ và những người bị nhiễm trùng nặng hơn (với 5 triệu chứng trở lên trong tuần đầu tiên bị bệnh Covid-19) có nhiều khả năng mắc Covid kéo dài hơn.
Họ phát hiện ra rằng Covid kéo dài ảnh hưởng đến khoảng 1/10 thanh niên 18-49 tuổi mắc Covid-19, tăng lên gần gấp đôi khoảng 1/5 (22%) ở người trên 70 tuổi. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện những người bị hen suyễn cũng có nhiều khả năng bị phát triển Covid kéo dài. Đây là mối liên hệ rõ ràng duy nhất mà họ tìm thấy với tình trạng sức khỏe hiện có ở những người đã bị Covid kéo dài.
Các nhà nghiên cứu từ Bệnh viện Đại học Zurich đã sao lưu những phát hiện này. Nghiên cứu của họ cũng phát hiện ra rằng những người có mức độ thấp của một số kháng thể (IgM và IgG3) trong máu của họ có thể có nhiều khả năng mắc bệnh Covid kéo dài. Khi họ kết hợp dữ liệu kháng thể này với các yếu tố khác (chẳng hạn như tuổi của người đó, số lượng các triệu chứng Covid ban đầu và tiền sử bệnh hen suyễn), họ có thể dự đoán tốt hơn ai sẽ tiếp tục mắc bệnh Covid lâu dài.
Số liệu từ Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh về những người bị Covid kéo dài tự báo cáo cho biết bệnh này phổ biến nhất ở những người ở độ tuổi 35-69, nữ giới, những người sống ở những vùng thiếu thốn nhất, những người làm việc trong lĩnh vực y tế hoặc chăm sóc xã hội, hoặc giảng dạy và giáo dục, và những người có bệnh nền hoặc khuyết tật khác. Nghiên cứu này dựa trên 305,997 người đã trả lời Khảo sát về nhiễm trùng Coronavirus trong 4 tuần đến ngày 2/1/2022.
BS Uông Mai lược dịch