Bệnh tiêu chảy cấp tính là loại bệnh thường gặp ở trẻ em lứa tuổi mầm non và những năm đầu cấp tiểu học. Bệnh gây tử vong cao do trẻ bị mất nước và các chất điện giải.
Bệnh tiêu chảy cấp tính
Bệnh tiêu chảy cấp tính là loại bệnh thường gặp ở trẻ em lứa tuổi mầm non và những năm đầu cấp tiểu học. Bệnh gây tử vong cao do trẻ bị mất nước và các chất điện giải.
Nguyên nhân gây tiêu chảy cấp tính
Bệnh tiêu chảy cấp tính thường có nguyên nhân do thức ăn không phù hợp hoặc do nhiễm khuẩn thực phẩm.
- Do người mẹ thiếu sữa hoặc trẻ bị cai sữa sớm nên phải ăn những thức ăn không thích hợp như ăn bột sớm, bột đặc, ăn nhiều hoặc các thành phần protein, lipit, cacbonhydrat… trong thức ăn không phù hợp với tuổi của trẻ.
- Do dinh dưỡng không tốt dẫn đến tiêu chảy. Tiêu chảy là nguyên nhân gây suy dinh dưỡng và suy dinh dưỡng lại làm cho tiêu chảy tăng thêm.
- Virut rota là tác nhân chính gây tiêu chảy nặng và đe doạ đến tính mạng của trẻ dưới 2 tuổi.
- Do vi khuẩn tại ruột: Các vi khuẩn này gây bệnh qua thực phẩm và các dụng cụ cho trẻ ăn, uống. Bệnh cũng có thể lây qua bàn tay bẩn ở những người phục vụ trẻ.
- Các vi khuẩn thường gặp là trực khuẩn E.coli đường ruột, trực khuẩn lỵ, phẩy khuẩn tả, trực khuẩn thương hàn.
- Do nhiễm khuẩn ngoài đường ruột: trẻ có thể bị tiêu chảy sau khi viêm mũi, họng, viêm tai giữa, viêm phổi sau khi bị sởi hay ho gà.
Ngoài ra những yếu tố thuận lợi gây bệnh tiêu chảy cấp do điều kiện vệ sinh môi trường kém, khí hậu nóng, ẩm tạo điều kiện cho các vi sinh vật gây bệnh phát triển.
Những trẻ bị suy dinh dưỡng dễ dàng mắc bệnh tiêu chảy và bệnh sẽ kéo dài hơn, tỷ lệ tử vong cao.
Biểu hiện của bệnh tiêu chảy cấp tính
- Tiêu chảy xuất hiện đột ngột, trẻ đi phân lỏng nhiều nước, số lần đi nhiều hơn 3 lần trong 24 giờ, thường kéo dài 1 tuần.
- Nôn thường xuất hiện đầu tiên trong trường hợp tiêu chảy do virut Rota hoặc tiêu chảy do tụ cầu. Nôn liên tục hoặc vài lần làm cho trẻ bị mất nước và chất điện giải.
- Biếng ăn có thể xuất hiện sớm hoặc sau khi trẻ bị tiêu chảy nhiều ngày. Trẻ thường chán ăn, chỉ thích uống nước.
- Trẻ hay quấy khóc, vật vã, đôi khi co giật, hoặc mệt lả nằm li bì. Có thể trẻ còn bị khóc do nhiễm khuẩn.
- Mất nước do tiêu chảy là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tử vong. Có 3 biểu hiện của sự mất nước ở trẻ bị tiêu chảy cấp:
- Mất nước nhẹ: cân nặng của trẻ giảm dưới 5% trọng lượng cơ thể. Nhưng chưa có biểu hiện khát nước, môi chưa khô, mắt không bị trũng.
- Mất nước vừa: cân nặng của trẻ giảm từ 5% đến 9% trọng lượng cơ thể. Trẻ khát nước nhiều, người vật vã, mắt trũng, miệng khô, da mất tính đàn hồi, thở nhanh.
- Mất nước nặng: trẻ khát nước nhiều, người lờ đờ, mệt mỏi. Mạch đập nhanh, hạ huyết áp.
Các biện pháp phòng bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ
- Đề phòng trẻ mất nước khi tiêu chảy: nếu thấy trẻ đi tiêu chảy toé 2- 3 lần trong ngày, cần cho trẻ uống oresol để bù nước và điện giải.
- Chế độ dinh dưỡng: Với trẻ nhỏ cần phải cho bé bú ngay từ khi mới sinh, đến 6 tháng tuổi cho trẻ ăn bổ sung, thức ăn phải đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, tỷ lệ phải thích hợp với độ tuổi.
- Vệ sinh trong vấn đề ăn uống: Dụng cụ chế biến và thức ăn phải sạch sẽ, tráng nước sôi trước khi cho trẻ dùng. Các loại quả phải được rửa sạch, gọt vỏ, bóc vỏ…
- Vệ sinh môi trường: Nhà trường phải có nguồn nước sạch để phục vụ ăn uống và sinh hoạt cho học sinh, khu vệ sinh của trường phải có đủ hố tiểu, hố tiêu, không để học sinh phóng uế bừa bãi… Rác phải để đúng nơi quy định tránh gây ô nhiễm.
Cục y tế dự phòng – Bộ Y tế