Cơn đau do gout được ví như “vua của đau”. 37% người mắc bệnh sẵn sàng đổi một vé số trúng thưởng để đảm bảo không bao giờ bị bùng phát bệnh gout nữa. Bên cạnh một số yếu tố nguy cơ gây bệnh gout như di truyền và tuổi tác – nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn, cũng có rất nhiều yếu tố có thể tránh được hoặc hạn chế để ngăn ngừa các cơn đau bùng phát. Căng thẳng tâm lý là yếu tố khởi phát cơn gout cấp mà bạn có thể chủ động kiểm soát.
1. Mối liên quan giữa căng thẳng tâm lý và gout
Gout là một bệnh do rối loại chuyển hóa các nhân purin với đặc điểm chính là tăng acid uric máu, gây lắng đọng các tinh thể monosodium urat ở các mô dẫn đến tình trạng viêm khớp.
Gout là một trong số ít bệnh được phát hiện và định danh từ rất sớm khoảng năm 2640 trước công nguyên và được mô tả là bệnh của các vua và vua của các bệnh. Trước đây bệnh thường gặp ở nam giới sau 40 tuổi và phụ nữ sau mãn kinh. Tuy nhiên trong các nghiên cứu gần đây người ta nhận thấy gout đang gia tăng nhanh chóng về số lượng người mắc và mức độ trẻ hóa về độ tuổi mắc bệnh. Tại Việt Nam theo thống kê (2015), tại Khoa cơ xương khớp Bệnh viện Bạch Mai, bệnh gút đứng thứ 4 trong 15 bệnh khớp nội trú thường gặp nhất.
Mặc dù được biết đến từ khá sớm và là vấn đề sức khỏe tương đối phổ biến nhưng những hiểu biết về bệnh gout vẫn chưa thật sự đầy đủ, các bác sĩ lâm sàng cũng gặp không ít khó khăn trong việc kiểm soát tình trạng tiến triển và các đợt gout cấp.
Điều trị bằng thuốc và thay đổi thói quen ăn uống là những điều được nhắc đến nhiều trong các phác đồ điều trị bệnh gout. Nhưng gần đây nhiều nhóm nghiên cứu đã đề cập đến mối liên quan giữa tâm lý và bệnh gout.
Cuộc sống hiện đại với vô vàn áp lực, căng thẳng khiến cho các vấn đề về căng thẳng tâm lý hay các rối loạn tâm lý như trầm cảm, lo âu ngày một phổ biến gây ra rất nhiều vấn đề về sức khỏe. Và rất không may là người bệnh gout cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ từ các rối loạn tâm lý.
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học năm 2015, kết luận rằng bệnh gút làm tăng đáng kể nguy cơ rối loạn trầm cảm. Nghiên cứu được thực hiện trên 34.050 bệnh nhân bị bệnh gút và 68.100 người đối chứng. Họ phát hiện ra rằng những bệnh nhân mắc bệnh gút có nguy cơ trầm cảm cao hơn 1,18 lần.
Một nghiên cứu trên tạp chí Joint Bone Spine cho thấy những bệnh nhân thường xuyên bị các cơn gút cấp có khả năng bị các triệu chứng trầm cảm, cho dù họ có dùng allopurinol hay không.
Một số nghiên cứu đáng chú ý về bệnh gút và trầm cảm đã được công bố trong vài năm qua. Năm 2017 Tạp chí Tâm thần học Quốc tế công bố một phân tích tổng hợp cho thấy bệnh nhân bị bệnh gút có nguy cơ bị trầm cảm cao hơn gần 20% so với người bình thường. Đến năm 2018, tại hội nghị thường niên hội thấp khớp học Hoa Kỳ các nhà nghiên cứu đã trình bày về việc phát hiện bệnh nhân gout có nguy cơ trầm cảm cao hơn 10% so với dân số chung. Điều này cũng dễ lý giải vì khi chúng ta phải chịu đựng đau đớn bởi các cơn gout cấp hành hạ hay bị giảm thẩm mỹ bởi các hạt tophi thì đương nhiên chúng ta sẽ lâm vào trạng thái tâm lý không tốt. Tình trạng này kéo dài có thể dẫn tới các hệ lụy như trầm cảm, lo lắng hoặc các trạng thái tâm lý tiêu cực khác. Mức độ tổn thương tâm lý phụ thuộc vào tần xuất các cơn gout cấp, số khớp viêm, mức độ đau, tình trạng khuyết tật, mức độ biến dạng khớp, sự thay đổi chất lượng cuộc sống…
Mặt khác khi chúng ta căng thẳng cơ thể sẽ mất đi vitamin B5. B5 rất quan trọng vì nó hỗ trợ cơ thể loại bỏ axit uric, và khi mức B5 thấp, axit uric cao, làm tăng nguy cơ khởi phát đợt gout cấp. bởi thế mà ngày nay nhiều chuyên gia cho rằng việc bổ sung vitamin B5 trong điều trị gout đem lại triển vọng mới.
2. Giảm căng thẳng tâm lý – Giải pháp phòng tránh tái phát cơn gout cấp
Quay trở lại vấn đề tâm lý. Chúng ta có thể thấy rằng bước đầu căng thẳng, trầm cảm, lo lắng kéo dài… dù là do công việc, các mối quan hệ hay bất kỳ yếu tố nào khác đều có thể là yếu tố kích hoạt khởi phát đợt gout cấp.
Như vậy quản lý tâm trạng, giảm căng thẳng là một trong các giải pháp giúp người bệnh phòng tránh cơn gout cấp.
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để giảm bớt căng thẳng khi mà cuộc sống hiện đại với đầy rẫy những lo toan và áp lực?
2.1 Ăn uống lành mạnh
Một số người cố gắng giảm căng thẳng bằng cách uống rượu hoặc ăn quá nhiều. Những hành động này có vẻ hữu ích trong thời điểm này, nhưng thực tế có thể gây căng thẳng về lâu dài. Việc thực hiện một chế độ ăn lành mạnh, nhiều rau quả, đầy đủ dinh dưỡng sẽ làm cho cơ thể được cung cấp đầy đủ năng lượng và khỏe mạnh.
2.2 Tập thể dục
Khoan không bàn tới các tác dụng có lợi của việc tập thể dục với sức khỏe nói chung và hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý nói riêng. Chỉ tính riêng với căng thẳng tâm lý, tập thể dục là một giải pháp vô cùng hiệu quả. Nó không chỉ giúp cơ thể được thư giãn, các nhóm cơ bớt căng cứng, cải thiên lưu thông máu, thể dục còn giúp giải tỏa những áp lực tâm lý. Yoga, thiền, Thái cực quyền, Công phu phiến, Vẩy tay Đạt ma, aerobic, bơi lội hay chỉ đơn giản là tập thở cũng giups bạn thư thái hơn, giải phóng được nhiều endorphin – chất tự nhiên giúp bạn cảm thấy tốt hơn và duy trì thái độ tích cực.
2.3. Ngừng sử dụng thuốc lá và các sản phẩm nicotin
Cũng giống như rượu, nhiều người chọn hút thuốc lá là giải pháp giảm căng thẳng nhất là với những người làm nghề kỹ sư, kinh doanh, lái xe….
Có một sự thật nicotine trong thuốc lá là một tác nhân gây căng thẳng tâm lý. Cơ chế tác động của nicotine khá phức tạp. Trong ngắn hạn, nicotine kích thích não bộ sản sinh dopamine – tạo cảm giác sảng khoái và thư giãn. Nhưng tác dụng này không duy trì được lâu. Sau vài giờ tác dụng của nicotine giảm dần gây thèm nicotine. Đồng thời lúc này cơ thể cũng rơi vào trạng thái căng thẳng gia tăng do huyết áp và nhịp tim tăng, cơ bắp trở nên căng thẳng, và lượng oxy cung cấp cho cơ thể và não ít hơn.
2.4. Ngủ đủ
Ngủ đủ ở đây bao gồm đủ cả về số lượng và chất lượng.
- Thiết lập một lịch trình ngủ đều đặn: đi ngủ và thức dậy vào cùng một giờ mỗi ngày.
- Đảm bảo rằng giường của bạn và môi trường xung quanh thoải mái. Sắp xếp các chiếc gối để bạn có thể duy trì một vị trí thoải mái.
- Giữ phòng ngủ của bạn tối và yên tĩnh.
- Chỉ sử dụng phòng ngủ của bạn để ngủ. Không làm việc hoặc xem TV trong phòng ngủ của bạn.
- Tránh ngủ trưa quá nhiều trong ngày. Đồng thời, hãy nhớ cân bằng hoạt động với những khoảng thời gian nghỉ ngơi.
- Nên hạn chế các thuốc ngủ nếu không thật sự cần thiết. Bạn có thể lựa chọn một số trà thảo dược hoặc sản phẩm hỗ trợ giấc ngủ có nguồn gốc tự nhiên, không gây nghiện và lệ thuộc như lá vông nem, củ bình vôi, lạc tiên, liên tử, liên tâm…
2.5. Giảm căng thẳng bằng phương pháp y học cổ truyền
Có rất nhiều bài thuốc, vị thuốc cũng như phương huyệt giúp hỗ trợ giảm căng thẳng
- Một số bài thuốc như Sài hồ sơ can thang, Tiêu dao tán, Cam mạch đại táo thang, Khai tâm hoàn, Thư can giải uất thang, Ngũ linh, Việt cúc hoàn, Bán hạ hậu phác thang, Tứ nghịch tán là 9 bài thuốc từng được nghiên cứu trong điều trị trầm cảm, lo âu giúp làm dịu gan và giảm căng thẳng.
- Một số vị thuốc: Sài hồ, Cỏ Thánh John, Cúc hoa, Bạc hà, Nữ lang…
- Phương huyệt: Với giảm stress thì châm cứu, bấm huyệt, xoa bóp tỏ ra hiệu quả ngay tức thì bởi nó là tăng lưu thông máu, các cơ được thư giãn, giảm đau mỏi cũng giúp ích rất nhiều cho việc giảm căng thẳng.
- Ngoài ra việc ngâm chân buổi tối trước khi ngủ cũng là một giải pháp đem lại nhiều lợi ích sức khỏe và giảm căng thẳng hiệu quả.
2.6. Tư vấn và trị liệu tâm lý
Có nhiều vấn đề tâm lý cần được sự tư vấn và hướng dẫn từ các chuyên gia tâm lý. Nếu vấn đề vượt ngoài tầm khống chế và kiểm soát của bạn, bạn nên tìm đến sự giúp đỡ của các chuyên gia tâm lý học.
Căng thẳng tâm lý, trầm cảm, lo âu và gout là một vòng xoắn bệnh lý tác động qua lại theo hướng tiêu cực. Việc giảm căng thẳng đúng cách sẽ giúp người bệnh gout giảm được tần xuất tái phát cơn gout cấp và hạn chế được các biến chứng nguy hiểm do gout gây ra.
BS Uông Mai