Cách cải thiện tình trạng nôn – buồn nôn ở bệnh nhân ung thư

Buồn nôn – nôn có thể là tác dụng phụ không mong muốn của nhiều phương pháp điều trị ung thư. Buồn nôn – nôn cũng có thể là một triệu chứng của bệnh ung thư mà người bệnh gặp phải trước khi tiếp cận với các phương pháp điều trị.

1. Nguyên nhân gây buồn nôn – nôn khi bị ung thư

  • Thuốc đang sử dụng để điều trị ung thư bao gồm hóa trị liệu và một số phương pháp điều trị nhắm đích
  • Xạ trị đặc biệt là cột sống, vùng bụng, vùng khung chậu có thể gây ra tình trạng buồn nôn, nôn.
  • Ung thư di căn não
  • Tắc ruột trong ung thư đại tràng
  • Sự thay đổi nồng độ khoáng chất trong cơ thể
  • Nhiễm trùng hoặc xuất huyết tiêu hóa trong ung thư
  • Thuốc chữa các bệnh khác ngoài ung thư

Buồn nôn và nôn ở mức độ nhẹ có thể khiến người bệnh không thoải mái nhưng thường không gây hại cho sức khỏe của họ. Tuy nhiên nếu nôn nhiều, mức độ nghiêm trọng có thể khiến bác sĩ buộc phải dừng điều trị ung thư cho người bệnh. Rất may hiện tại đã có nhiều phương pháp hỗ trợ tình trạng này.

2. Ngăn ngừa nôn và buồn nôn ở người bệnh điều trị ung thư

Để ngăn ngừa và hạn chế tình trạng nôn, buồn nôn ở người bệnh ung thư thì yếu tố cơ bản là phải cắt đứt được các nguyên nhân dẫn đến nôn – buồn nôn. Một số loại thuốc có tác dụng phụ không mong muốn gây buồn nôn và nôn hơn những loại khác vì vậy trước tiên phải hạn chế sử dụng các loại thuốc gây nôn và buồn nôn. Giải quyết tốt các nguyên nhân gây nôn sẽ giúp người bệnh thoải mái hơn và tránh các tác động tiêu cực do nôn nhiều gây ra.

2.1. Thuốc chống nôn và buồn nôn

2.1.1. Các thuốc chống nôn – buồn nôn

Hiện tại cũng có nhiều loại thuốc được đưa vào để hạn chế tình trạng nôn – buồn nôn ở người bệnh trong quá trình điều trị ung thư như:

  • Thuốc đối kháng serotonin (5-HT3)ngăn chặn tác dụng của serotonin, một chất thường gây buồn nôn và nôn. Những loại thuốc này được đưa ra trước khi hóa trị và sau đó vài ngày. (Ví dụ: ondansetron, granisetron, dolasetron)
  • Thuốc đối kháng NK-1 giúp giảm buồn nôn và nôn. Chúng thường được dùng cùng với các loại thuốc chống buồn nôn khác. (Ví dụ: aprepitant, rolapitant)
  • Steroid thường được dùng cùng với các thuốc chống nôn khác. Cách mà steroid hoạt động để điều trị buồn nôn và nôn không được hiểu đầy đủ. Tuy nhiên nhiều phát hiện nghi ngờ rằng tình trạng sưng viêm của các tổ chức có thể liên quan đến việc kích thích gây nôn (Ví dụ: dexamethasone)
  • Thuốc đối kháng Dopamine nhắm mục tiêu dopamine để giúp ngăn chặn chất này liên kết với các khu vực trong não gây ra buồn nôn và nôn. Nhiều lần các loại thuốc này được đưa ra khi buồn nôn và nôn không được kiểm soát tốt bởi các loại thuốc khác. (Ví dụ: prochlorperazine, metoclopramide)
  • Thuốc chống lo âu có thể giúp giảm buồn nôn và nôn bằng cách giảm lo lắng và giúp người bệnh cảm thấy bình tĩnh và thư giãn hơn. (Ví dụ: lorazepam, alprazolam)
  • Cannabinoids chứa thành phần hoạt chất trong cần sa. Những loại thuốc này có thể được sử dụng để điều trị buồn nôn và nôn do hóa trị khi các thuốc chống nôn thông thường không có tác dụng. Chúng cũng có thể được sử dụng để kích thích sự thèm ăn. Những bệnh nhân trẻ tuổi hơn và những người đã sử dụng cần sa trong quá khứ có xu hướng dung nạp các tác dụng phụ tốt hơn. (Ví dụ: dronabinol)
  • Thuốc kháng axit có thể được sử dụng để làm giảm chứng khó tiêu và ợ nóng và đôi khi những vấn đề dư thừa acid dạ dày cũng dẫn đến buồn nôn và nôn. (Ví dụ: ranitidine, famotidine)

2.1.2. Cách phối hợp các thuốc chống nôn trong điều trị bệnh nhân ung thư

Tùy từng đối tượng người bệnh, mức độ nôn – buồn nôn và phương pháp điều trị ung thư đang được áp dụng mà có phương án sử dụng phối hợp các thuốc chống nôn khác nhau.

  1. Nhóm bệnh nhân được hóa trị liệu, liệu pháp nhắm đích
  • Mức độ buồn nôn và nôn cao
    • Người lớn thường nhận được sự kết hợp của 4 loại thuốc để ngăn ngừa nôn mửa: NK1 + Kháng thụ thể 5 – HT3 + Dexamethasone + Thuốc chống lo âu
    • Trẻ em thường nhận được sự kết hợp của 2 hoặc 3 loại thuốc để ngăn ngừa nôn mửa. Chúng có thể bao gồm: NK1 + Kháng thụ thể 5 – HT3 + Dexamethasone
  • Mức độ buồn nôn và nôn vừa phải
    • Người lớn thường nhận được sự kết hợp của 2 hoặc 3 loại thuốc để ngăn ngừa nôn mửa: NK1 + Kháng thụ thể 5 – HT3 + Dexamethasone
    • Trẻ em thường nhận được sự kết hợp của 2 loại thuốc để ngăn ngừa nôn mửa. Chúng có thể bao gồm: Kháng thụ thể 5 – HT3 + Dexamethasone
  • Mức độ buồn nôn và nôn thấp
    • Người lớn thường nhận được chất đối Kháng thụ thể 5-HT3 hoặc dexamethasone
    • Trẻ em thường nhận được chất đối kháng thụ thể 5-HT3
  • Mức độ buồn nôn và nôn tối thiểu. Người lớn và trẻ em thường không nhận được thuốc khi rủi ro rất thấp.

2. Nhóm bệnh nhân ung thư điều trị bằng xạ trị

  • Mức độ buồn nôn và nôn cao. Xạ trị hướng vào toàn bộ cơ thể gần như luôn gây buồn nôn và nôn mà không cần dùng thuốc chống nôn. Để ngăn ngừa nôn mửa, bệnh nhân thường nhận được kết hợp 2 loại thuốc: Kháng thụ thể 5 – HT3 + Dexamethasone
  • Mức độ buồn nôn và nôn vừa phải. Bệnh nhân thường nhận được chất đối kháng thụ thể 5-HT3. Điều này đôi khi được kết hợp với dexamethasone.
  • Mức độ buồn nôn và nôn thấp. Bệnh nhân được xạ trị ít gây buồn nôn và nôn có thể được dùng thuốc chống nôn sau khi điều trị nếu họ cảm thấy buồn nôn hoặc nôn.
    • Đối với những người được xạ trị lên não, dexamethasone thường được sử dụng nếu buồn nôn hoặc nôn phát triển.
    • Đối với những người được xạ trị ở đầu và cổ, ngực hoặc xương chậu, thuốc đối kháng thụ thể 5-HT3, dexamethasone hoặc thuốc đối kháng thụ thể dopamine là những lựa chọn nếu buồn nôn hoặc nôn.
  • Mức độ buồn nôn và nôn tối thiểu. Bệnh nhân thường nhận được chất đối kháng thụ thể 5-HT3, dexamethasone hoặc chất đối kháng thụ thể dopamine nếu buồn nôn hoặc nôn

3. Nhóm bệnh nhân vừa xạ trị vừa hóa trị hoặc liệu pháp nhắm đích: Sử dụng thuốc điều trị như với trường hợp hóa trị

4. Với những trường hợp buồn, nôn trước khi bắt đầu điều trị ung thư có thể dùng thuốc khống chế ngay từ khi khởi phát buồn nôn

2.2. Một số cách khác không dùng thuốc để đối phó với buồn nôn – nôn

1. Uống nước: thường khi hóa xạ trị cơ thể dễ rơi vào tình trạng mất nước gây ra buồn nôn, nôn. Vì thế bạn nên bổ sung đủ lượng nước cần thiết. Nên mang theo bên mình chai nước nhỏ. Khi có biểu hiện nôn – buồn nôn có thể nhấp ngụm nước.

2. Sử dụng các loại thảo mộc tự nhiên: Rất nhiều thảo mộc tự nhiên có tác dụng giảm hoặc cắt cơn buồn nôn – nôn được sử dụng rộng rãi trong dân gian cũng như trong đông y như gừng, bạc hà, mật ong, hoa cúc, quế, hạt thì là… Có thể sử dụng các loại thảo dược này chế thành nước trà dùng khi có cơn buồn nôn – nôn.

Một số loại trà thảo dược trị buồn nôn - nôn
Một số loại trà thảo dược trị buồn nôn – nôn

3. Thay đổi chế độ ăn: Cơn buồn nôn – nôn có thể xuất hiện khi người bệnh bắt đầu bữa ăn. Có thể bữa ăn là một yếu tố kích ứng khiến khởi phát cơn buồn nôn – nôn. Lúc này có thể:

  • Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày.Cách này giúp giảm cảm giác buồn nôn. Tâm lý của người chăm sóc bệnh nhân ung thư là muốn người thân của mình ăn được càng nhiều càng tốt chính vì vậy rất nhiều người bệnh sợ bữa ăn hàng ngày. Thay vì tập trung ăn nhiều vào 1 bữa bạn có thể chia nhỏ bữa ăn. Mỗi bữa ăn một lượng vừa phải, không quá no, nhưng ăn làm nhiều bữa trong ngày. Thông thường người bệnh ung thư nên chia thành 5-6 bữa trong ngày.
  • Chế độ ăn ít muối (natri).Muối có thể làm tăng cảm giác buồn nôn nên bạn cần áp dụng chế độ ăn ít muối. Hạn chế cho muối vào thức ăn và tránh các món ăn nhiều muối như các món dưa muối, đồ chế biến sẵn..
  • Hạn chế ăn thức ăn giàu chất béo.Thực phẩm giàu chất béo thường khó tiêu và cũng dễ gây buồn nôn hơn vì thế bạn nên lựa chọn những loại thực phẩm ít béo như thịt nạc, rau củ, ngũ cốc… Nên ăn đồ luộc, thay vì đồ chiên xào.
  • Tránh xa những loại thực phẩm dễ kích ứng gây buồn nôn.Những thực phẩm nặng mùi, thực phẩm có tính acid, lòng trắng trứng, những món ăn trước đây đã từng gây cảm giác buồn nôn thì không nên ăn lại.

4. Liệu pháp mùi hương: Việc sử dụng các loại tinh dầu chiết xuất từ thảo mộc ngày một phổ biến. Các loại tinh dầu này không chỉ tạo cảm giác thư giãn, thoải mái mà còn có tác dụng trị liệu trong nhiều trường hợp. Tinh dầu bạc hà, cỏ xạ hương, chanh, gừng, oải hương, lan tây, hoa hồng… đều có thể hỗ trợ điều trị làm giảm tình trạng buồn nôn ở người bệnh. Tuy nhiên Tùy vào sở thích của mỗi người mà có thể chọn ra những loại tinh dầu phù hợp.

5. Châm cứu hoặc bấm huyệt.Bên cạnh các thuốc tây y, các loại thảo dược thì châm cứu bấm huyệt cũng đạt được những hiệu quả nhất định trong việc giảm buồn nôn – nôn. Hai huyệt vị hay được dùng là Nội quan, Hợp cốc

huyệt chữa nôn, buồn nôn
Cách xác định vị trí huyệt hợp cốc và huyệt nội quan

6. Tập thở: Không phải ngẫu nhiên mà việc tập thở được đưa vào danh sách những phương pháp giảm tình trạng buồn nôn – nôn. Trường Đại học Connecticut – Hoa Kỳ trong một nghiên cứu đã cho thấy tập thở sâu giúp giảm buồn nôn. Sau nghiên cứu Liệu pháp thở sâu đã trở thành một phần trong phác đồ thực hành thường quy của Đơn vị chăm sóc sau gây mê cũng như các đơn vị hậu phẫu khác trong trung tâm y tế của trường. Các bác sĩ và điều dưỡng tại viện đều cho rằng đây là phương pháp rẻ, hiệu quả lập tức, không tác dụng phụ và tác dụng vượt ngoài sự mong đợi. Một giả thuyết được đề xuất cho rằng do trung tâm nôn và trung tâm hô hấp ở não bộ có vị trí gần nhau. Khi trung tâm hô hấp ở não phải tập trung cao độ vào việc hít thở sâu có kiểm soát thì trung tâm nôn ít có khả năng xử lý các thông tin liên quan đến nôn và buồn nôn. Điều này tương tự như liệu pháp làm xao nhãng sự chú ý.

Tư thế nằm tập thở giảm buồn nôn, nôn
Tư thế nằm tập thở giảm buồn nôn, nôn
  • Nằm ngửa, kê gối dưới cổ và khoeo chân sao cho tư thế tạo cảm giác thoải mái nhất.
  • Đan hờ 2 bàn tay vào nhau và úp lên bụng phần dưới ngay khung xương sườn để cảm nhận rõ nhất sự tách rời hai bàn tau khi hít thở và để biết mình đang thở đúng cách.
  • Hít vào thật sâu, thật chậm đồng thời bụng căng lên. Đây được gọi là cách thở hoành. Khi bụng nở ra cơ hoành đi xuống nhờ đó phổi có khoảng không để giãn ra nhiều hơn vì thế thu được nhiều khí hơn. Thở ra từ từ và hóp bụng lại.

7. Đảm bảo không khí, môi trường không tồn tại các tác nhân kích thích gây nôn.Những mùi hương nồng, mùi khói thuốc, khói xe, mùi chất giặt tẩy… thường là tác nhân kích thích gây nôn thạm chí cả ở người khỏe. Vì vậy môi trường sống và sinh hoạt của người bệnh nên hạn chế đến mức tối đa các loại mùi hương này. Nên di chuyển người bệnh ra xa khỏi người đang nôn ỏe. Rất nhiều người khi nhìn thấy hoặc nghe thấy âm thanh từ người đang nôn ọe lập tức có phản xạ buồn nôn theo.

8. Thư giãn và nghỉ ngơi: Căng thẳng đôi khi chính là tác nhân gây buồn nôn. Việc thư giãn và nghỉ ngơi nhiều hơn luôn được khuyến cáo đối với người bệnh dù cho họ mắc phải căn bệnh gì. Ngủ đủ giấc vào ban đêm, và chợp mắt vào buổi trưa là cách để cơ thể khỏe hơn cũng giúp bản thân kiểm soát tốt các cơn buồn nôn – nôn.

9. Nghỉ ngơi tại chỗ. Cũng giống như bệnh nhân tiền đình hay chóng mặt buồn nôn. Việc người bệnh nằm yên tại chỗ khi có cơn buồn nôn sẽ giúp rút ngắn thời gian diễn ra cảm giác này. Bạn có thể lựa chọn ngồi tĩnh trên ghế hoặc nằm thẳng trên giường.

10. Hoạt động gây xao nhãng. Cũng giống như nghiên cứu thở sâu, việc khiến não bộ tập trung vào một việc khiến sẽ giúp trung tâm nôn khó có thể xử lý được các thông tin kích thích gây nôn. Bạn có thể tập thở, xem phim, nói chuyện với bạn bè, nghe nhạc, thiền… Bên cạnh đó bản thân có thể áp dụng cách thức thôi miên tâm lý. Hãy nghĩ rằng việc nôn này còn tốt hơn là giữ lại. Bởi đôi khi việc cố gắng để không bị nôn còn khiến bạn cảm thấy tồi tệ hơn việc cứ nôn ra. Nghĩa là hãy coi nhẹ việc nôn và buồn nôn. Khi bạn đã coi nhẹ một điều gì đó thì nó sẽ không thể thu hút sự chú ý quan tâm của bạn vì vậy lâu sẽ thành thói quen và mất đi phản xạ nôn và nôn – buồn nôn sẽ không còn là yếu tố khiến bạn khó chịu nữa. Tuy nhiên cách này chỉ nên áp dụng trong trường hợp nôn khan, mức độ nhẹ.

Nguồn tham khảo

Hiệp hội ung thư hoa kỳ: https://www.cancer.org/treatment/treatments-and-side-effects/physical-side-effects/nausea-and-vomiting/nausea-and-vomiting-drugs.html

Hiệp hội ung thư lâm sang Hoa kỳ: https://www.cancer.net/coping-with-cancer/physical-emotional-and-social-effects-cancer/managing-physical-side-effects/nausea-and-vomiting

http://advance.uconn.edu/2002/020225/02022508.htm

BS Thanh Mai – Hội Nội khoa Việt Nam

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *