Bệnh tay chân miệng (chân tay miệng) là bệnh truyền nhiễm do virus đường ruột gây ra. Bệnh tay chân miệng ở trẻ em dễ lây lan thành dịch. Phần lớn các trường hợp diễn biến lành tính và hồi phục nhanh trong 5 – 10 ngày. Một số ca biến chứng nặng có thể gây tử vong.
1. Nguyên nhân và đường lây truyền bệnh tay chân miệng
Nguyên nhân gây bệnh
Nhóm virus đường ruột bao gồm virus bại liệt, coxsackievirus, echovirus, enterovirus…
Tác nhân gây bệnh chân tay miệng thường gặp là coxsackievirus A16 và enterovirus 71 – EV71. Ngoài ra có thể do coxsackievirus 5, 10 và một số virus đường ruột khác. Tuy nhiên trong các vụ dịch phần lớn đều do coxsackievirus A16 và enterovirus 71 song hành gây bệnh. Các ca biến chứng nặng thậm chí tử vong thường liên quan đến enterovirus 71.
Bệnh không liên quan đến virus gây lở mồm long móng ở động vật.
Nguồn bệnh
Người là nguồn bệnh duy nhất. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Đi học tại nhà trẻ, mẫu giáo là yếu tố giúp bệnh lan truyền và bùng phát thành dịch.
Đường lây truyền bệnh tay chân miệng
Lây truyền trực tiếp từ người sang người. Không lây từ người sang động vật.
Bệnh do virus đường ruột gây ra do vậy bệnh cũng lây truyền chủ yếu qua đường tiêu hóa. Bên cạnh đó bệnh cũng có thể lây do tiếp xúc với dịch tiết ở miệng, dịch từ bọng nước vỡ, chất tiết đường hô hấp… Việc dùng chung bát đũa hoặc bắt tay ôm ấp. Phản xạ ho, hắt hơi cũng khiến virus phát tán mạnh.
Thời điểm dễ lây lan mạnh là trong tuần đầu bị bệnh. Virus phát tán ra môi trường trong 3 ngày trước khi sốt và 7 ngày sau khi hết sốt.
Đối tượng mắc bệnh
Thường gặp nhất là trẻ dưới 5 tuổi. Đây là đối tượng mà hệ miễn dịch chưa đủ mạnh để chống lại virus. Khi mắc bệnh có thể tạo kháng thể đặc hiệu chống virus nhưng người bệnh vẫn có thể mắc lại bệnh do chủng virus khác.
Ở người trưởng thành cũng có thể nhiễm virus nhưng thường đào thải virus mà ít biểu hiện thành bệnh tay chân miệng ở người lớn.
Phụ nữ mang thai cũng có thể mắc bệnh chân tay miệng nhưng bệnh có thể nhẹ hoặc không có biểu hiện gì. Chưa ghi nhận việc mẹ mắc bệnh truyền cho con trong bào thai tuy nhiên nếu mẹ bầu mắc bệnh gần lúc sinh hoàn toàn có thể truyền virus cho trẻ sơ sinh.
Mùa dịch chân tay miệng
Bệnh xuất hiện rải rác quanh năm, tại hầu hết các địa phương nhưng tập trung nhiều ở các tỉnh phía Nam. Thường bùng phát dịch vào tháng 3-5 và tháng 9-12.
- Năm 2017: 106.480 trường hợp mắc (48.668 nhập viện), 01 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2016, số nhập viện tăng 2,6%.
- 10 tuần đầu năm 2018: 4.583 trường hợp mắc (2.492 trường hợp nhập viện), chưa có ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2017, số mắc giảm 36,1%, số trường hợp nhập viện giảm 44,8%
- Năm 2017 bệnh lưu hành ở hầu hết các tỉnh, thành phố. Số mắc tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam, miền Bắc, khu vực Tây Nguyên.
2. Triệu chứng tay chân miệng
Cũng giống như các bệnh do virus khác gây ra dấu hiệu của bệnh tay chân miệng xuất hiện tuần tự theo từng giai đoạn. Bệnh diễn biến qua 4 giai đoạn
Giai đoạn ủ bệnh
Thường kéo dài 3 – 7 ngày và không có biểu hiện triệu chứng. Đây cũng là thời kỳ mà virus đã có thể lây từ người bệnh sang người lành.
Giai đoạn khởi phát
- Khởi phát bằng sốt nhẹ
- Có thể đại tiện lỏng vài lần trong ngày. Phân không có nhày máu mũi.
- Trẻ biếng ăn, có thể có đau họng.
Giai đoạn toàn phát
- Sốt
- Loét miệng, đầu lưỡi trẻ có chấm đỏ
- Bọng nước ở các vị trí tay, chân, mông hoặc cả thân mình.
- Trẻ có thể xuất hiện ngủ gà, lơ mơ. Nặng có thể co giật hôn mê, khó thở thậm chí ngừng thở → tử vong
Giai đoạn hồi phục
Thường diễn ra trong 7 – 10 ngày. Hầu hết trẻ hồi phục hoàn toàn
3. Bệnh có nhiều triệu chứng dễ nhầm lẫn với các bệnh khác
Các bệnh có biểu hiện loét miệng
- Viêm loét miệng: vết loét thường sâu, có dịch tiết, hay tái phát
- Vết cắn do trẻ cắn vào niêm mạc phần thịt má: trùng với vị trí cắn răng, không lan ra vùng lân cận. Chân vết loét có giả mạc trắng. Xung quanh vết loét sưng đỏ. Trẻ thường sẽ không sốt vì 1 vết loét do vết cắn phải.
Các bệnh có phát ban
- Sốt phát ban: Ban thường dạng sẩn. Có thể có hạch sau tai
- Dị ứng: ban thường đa dạng về hình dáng, không có phỏng nước.
- Thủy đậu: phỏng nước nhiều hình dáng, nhiều tuổi, rải rác toàn thân
- Viêm não mô cầu: Ban xuất huyết hoại tử từ trung tâm ra viền.
- Sốt xuất huyết Dengue: có kèm xuất huyết niêm mạc như chảy máu mũi, chảy máu chân răng
Các bệnh viêm não – màng não
- Khi trẻ bị biến chứng của bệnh tay chân miệng cũng có các triệu chứng thần kinh. Có thể có hiện tượng lơ mơ, đi loạng choạng , ngủ gà, yếu liệt chi…
Ngay khi trẻ có dấu hiệu ban đầu như sốt, xuất hiện ban trên da… nên đưa ngay trẻ tới viện để được chẩn đoán chính xác.
4. Biến chứng của bệnh tay chân miệng
Là bệnh xuất hiện hàng năm và khá quen thuộc. Vậy bệnh tay chân miệng có nguy hiểm không? Bệnh tay chân miệng có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Nhất là với các cơ quan hệ thần kinh, tim mạch và hô hấp. Đặc biệt là các ca nhiễm enterovirus 71.
- Biến chứng hệ thần kinh: viêm màng não virus, viêm não
- Biến chứng tim mạch – hô hấp: viêm cơ tim cấp, phù phổi cấp
Tất cả các biến chứng này đều khá nguy hiểm. Có thể dẫn đến sốc và tử vong.
5. Điều trị bệnh chân tay miệng
Bệnh tay chân miệng hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Cách điều trị bệnh tay chân miệng hiện nay chỉ là hỗ trợ điều trị triệu chứng.
Thông thường các ca tay chân miệng nhẹ được theo dõi, điều trị và chăm sóc tại nhà.
- Cho trẻ nghỉ ngơi, hạn chế vận động.
- Khi trẻ sốt có thể dùng paracetamol 10 mg/kg/lần. Uống mỗi lần cách nhau tối thiểu 4-6 tiếng. Kết hợp thêm lau người bằng khăn ấm để hạ sốt.
- Với loét miệng: Vệ sinh răng miệng sạch sẽ. Có thể dùng thêm các loại như thuốc bôi Zytee, Kamistad… giúp làm giảm cảm giác đau rát ở các vết loét miệng.
- Đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ đầy đủ theo lứa tuổi. Không cần cho trẻ ăn kiêng. Vẫn tiếp tục cho trẻ bú mẹ nếu trẻ còn bú mẹ. Nên cho trẻ ăn các thức ăn nguội, dễ tiêu, và uống nhiều nước hơn.
- Tái khám mỗi ngày hoặc 2 ngày/lần liên tục trong 10 ngày đầu tiên. Hoặc cho tới khi trẻ hạ sốt được ít nhất 48 tiếng.
Lưu ý theo dõi các dấu hiệu cảnh báo bệnh chuyển nặng để đưa trẻ đến viện ngay.
- Trẻ lạnh người, vã mồ hôi
- Sốt cao > 39°C
- Đi loạng choạng, co giật, run chi
- Khó thở…
6. Cách phòng bệnh tay chân miệng
Cũng giống như phần nhiều các bệnh do virus gây ra. Bệnh tay chân miệng hiện chưa có vắc xin phòng bệnh. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu là tránh tiếp xúc với nguồn bệnh.
- Vệ sinh cá nhân. Rửa tay bằng xà phòng trước ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Thường xuyên vệ sinh sàn nhà, các vật dụng và đồ chơi của trẻ
- Cách ly trẻ tại nhà khi trẻ bị bệnh. Không nên cho trẻ đi lớp, nhà trẻ.
- Cha mẹ và người thân nên thường xuyên quan sát trẻ để phát hiện sớm trẻ bị bệnh để điều trị kịp thời.
Bệnh tay chân miệng gần như năm nào cũng xuất hiện và lây lan thành dịch ở trẻ. Mặc dù là bệnh thường gặp xong nhiều chủng virus gây bệnh nhất là EV71 lại có thể khiến bệnh diễn biến nhanh và dẫn tới nguy hiểm. Việc theo dõi, phát hiện sớm và điều trị là cách thức an toàn bảo vệ trẻ trước dịch bệnh này.