Bát cương biện chứng – Hàn nhiệt biện chứng

Phân biệt hàn chứng – nhiệt chứng (hàn nhiệt biện chứng) là một trong những nội dung cụ thể của bát cương biện chứng (gồm tám loại chứng: âm, dương, biểu, lý, hàn, nhiệt, hư, thực – là các nguyên tắc cơ bản trong chẩn đoán y học cổ truyền). Đặc điểm của bát cương biện chứng là nắm bắt tính toàn diện, tính xác định và tính tương quan trong quá trình phát sinh và phát triển của bệnh. Hàn nhiệt là hai nguyên tắc cơ bản nhất để phân biệt nguyên nhân và tính chất của bệnh. Đồng thời hàn nhiệt cũng làm rõ tình trạng thịnh suy của âm dương trong cơ thể. 

Để phân biệt hàn chứng và nhiệt chứng, cần phân tích tổng hợp tất cả triệu chứng và dấu hiệu. Các điểm khác biệt chính bao gồm cảm giác lạnh hoặc nóng, có khát nước hay không, tình trạng tiểu tiện và đại tiện, cũng như hình thái lưỡi và mạch.

1. Hàn chứng

Biểu hiện chung của hàn chứng

Hàn chứng do cảm nhận hàn tà, hoặc do nội thương lâu ngày, dương khí suy yếu, hoặc do ăn uống quá nhiều đồ sống lạnh, âm hàn nội thịnh gây ra, với đặc điểm lâm sàng là cảm giác lạnh.

Đặc trưng của hàn chứng có thể được mô tả ngắn gọn trong 5 chữ: lãnh (lạnh), đạm (nhạt), hy (loãng), nhuận (ẩm ướt), tĩnh.

Các biểu hiện cụ thể trên lâm sàng của hàn chứng có thể gặp:

  • Sợ lạnh, cảm giác cơ thể lạnh hơn bình thường (so với thời tiết thực tế, hoặc so với những người xung quanh), chân tay lạnh, thích ấm
  • Đau tăng khi gặp lạnh
  • Miệng nhạt không khát
  • Đờm, dãi, nước mũi trong
  • Tiểu tiện trong dài, đại tiện lỏng
  • Sắc mặt nhợt nhạt, chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng ướt. 
  • Mạch trì hoãn hoặc trầm, tế vô lực hoặc khẩn

Phân loại hàn chứng

Hàn chứng bao gồm các loại như biểu hàn, lý hàn, hư hàn và thực hàn. Dựa trên sự phối hợp các cương lĩnh trong bát cương tạo ra các biểu hiện lâm sàng khác nhau

Hư hàn chứng

  • Nguyên Nhân: Do dương khí suy yếu (dương hư tất ngoại hàn), âm hàn tương đối thịnh.
  • Triệu Chứng Chính: Sắc mặt trắng, người lạnh, chân tay lạnh, mệt mỏi, lười nói, tự ra mồ hôi, tiểu tiện trong dài, đại tiện lỏng. Chất lưỡi nhạt, hình thái lưỡi to, bệu. Mạch nhỏ yếu, chậm.
  • Điều Trị: Dùng phương pháp ôn bổ dương khí.

Thực hàn chứng

  • Nguyên Nhân: Do hàn tà thịnh, tức “âm thịnh thì hàn”.
  • Triệu Chứng Chính: Sợ lạnh, chân tay lạnh buốt, nôn ra nước trong, đau lạnh vùng dạ dày và bụng, đại tiện lỏng, lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng, nhờn, mạch trầm thực hữu lực.
  • Điều Trị: Dùng phương pháp ôn tán hàn tà.

2. Nhiệt chứng

Biểu hiện chung của nhiệt chứng

Nhiệt chứng là các triệu chứng xuất hiện khi cảm thụ nhiệt tà hoặc khi dương khí cang thịnh và âm dịch bất túc.

Đặc trưng của nhiệt chứng có thể được mô tả ngắn gọn trong 5 chữ: nhiệt (nóng), xích (đỏ), trù (đặc), táo (khô), động.

Các biểu hiện cụ thể trên lâm sàng của nhiệt chứng có thể gặp:

  • Sốt, ưa lạnh, thích uống nước lạnh
  • Mặt đỏ, bồn chồn, không yên
  • Đờm, dãi, nước mũi vàng đặc
  • Tiểu tiện ngắn và vàng, đại tiện táo
  • Lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, khô và ít dịch
  • Mạch nhanh

Phân loại nhiệt chứng

Nhiệt chứng bao gồm các loại như biểu nhiệt, lý nhiệt, hư nhiệt và thực nhiệt. Dựa trên sự phối hợp các cương lĩnh trong bát cương tạo ra các biểu hiện lâm sàng khác nhau.

Hư nhiệt chứng

  • Nguyên Nhân: Do âm dịch hư tổn (âm hư sinh nội nhiệt)
  • Triệu Chứng Chính: Người gầy, mệt mỏi, sốt nhẹ về chiều (triều nhiệt), ra mồ hôi trộm (đạo hãn), lòng bàn tay bàn chân và vùng ngực nóng bứt rứt (ngũ tâm phiền nhiệt), họng khô, miệng khô nhưng không muốn uống nước. Chất lưỡi đỏ đậm, ít rêu hoặc không có rêu. Mạch tế sác.
  • Điều Trị: Dùng phương pháp tư âm giáng hỏa.

Thực nhiệt chứng

  • Nguyên Nhân: Do dương nhiệt sí thịnh
  • Triệu Chứng Chính: Sốt cao, khát nước, mặt đỏ, mắt đỏ, tiểu tiện ngắn và đỏ, đại tiện bí kết, tâm phiền, nóng nảy, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng dày khô, mạch hồng đại sác
  • Điều Trị: Dùng phương pháp thanh nhiệt tả hỏa

3. Hàn nhiệt thác tạp chứng

Hàn nhiệt tác tạp chứng là hiện tượng cùng một bệnh nhân đồng thời có biểu hiện của cả hàn chứng và nhiệt chứng. Đây là một hiện tượng bệnh lý phức tạp, trong đó hàn và nhiệt cùng xuất hiện. Trên lâm sàng, hàn nhiệt lẫn lộn có thể biểu hiện ở các vị trí khác nhau hoặc cùng một vị trí có cả hàn và nhiệt.

Có một số thể hàn nhiệt thác tạp chứng như biểu nhiệt lý hàn, biểu hàn lý nhiệt, thượng nhiệt hạ hàn (trên nóng dưới lạnh), thượng hàn hạ nhiệt (trên lạnh dưới nóng). Khi điều trị, cần xem xét các triệu chứng xuất hiện ở giai đoạn và vị trí nào, sau đó quyết định phương pháp điều trị phù hợp.

Trên – dưới là một khái niệm tương đối. Nếu lấy hoành cách mô làm ranh giới, thì ngực là trên và bụng là dưới. Trong bụng, phần trên bụng là dạ dày và thượng vị, còn phần dưới bụng là bàng quang, ruột già và ruột non.

Thượng nhiệt hạ hàn

  • Mô tả: Bệnh nhân đồng thời có các triệu chứng nhiệt ở phần trên và hàn ở phần dưới cơ thể.
  • Ví dụ: Bệnh nhân có nhiệt ở ngực, hàn ở ruột, vừa có các triệu chứng nhiệt như nóng rát ngực, đau họng, khô miệng ở phần trên, lại vừa có các triệu chứng hàn như đau bụng thích ấm, đại tiện lỏng ở phần dưới. 

Thượng hàn hạ nhiệt

  • Mô tả: Bệnh nhân đồng thời có các triệu chứng hàn ở phần trên và nhiệt ở phần dưới cơ thể.
  • Ví dụ: Bệnh nhân bị đau lạnh vùng dạ dày, nôn ra nước trong, đồng thời kèm theo tiểu tiện nhiều lần, tiểu đau, tiểu ngắn và đỏ. Đây là chứng hàn ở dạ dày và nhiệt ở bàng quang. Do đó, trung tiêu có hàn và hạ tiêu có nhiệt, xét về vị trí tương đối, trung tiêu nằm trên hạ tiêu. Vì vậy, thuộc chứng trên hàn dưới nhiệt.

Biểu nhiệt lý hàn

  • Mô tả: Bệnh nhân có đồng thời cả biểu và lý bệnh, với nhiệt ở biểu và hàn ở lý.
  • Ví dụ: Thường gặp ở người có hàn ở lý từ trước, lại bị cảm phong nhiệt từ bên ngoài, hoặc biểu nhiệt chưa được giải, điều trị sai dẫn đến tổn thương dương khí của tỳ vị. Triệu chứng gồm: sốt, đau đầu, ho, viêm họng (biểu nhiệt), cùng với đại tiện lỏng, tiểu tiện trong dài, chân tay lạnh (lý hàn).

Biểu hàn lý nhiệt

  • Mô tả: Bệnh nhân có đồng thời cả biểu và lý bệnh, với hàn ở biểu và nhiệt ở lý.
  • Ví dụ: Thường gặp ở người vốn có nhiệt trong cơ thể, lại bị cảm phong hàn từ bên ngoài, hoặc ngoại tà truyền vào lý hóa nhiệt nhưng biểu hàn chưa được giải. Triệu chứng gồm: sợ lạnh, sốt, không ra mồ hôi, đau đầu, đau mình, khó thở, bồn chồn, khát nước, mạch phù và khẩn, tức là hàn ở biểu và nhiệt ở lý.

Khi phân biệt chứng hàn nhiệt thác tạp, ngoài việc xác định vị trí trên dưới, biểu lý, điều quan trọng là phải phân rõ mức độ của hàn và nhiệt.

  • Hàn nhiều nhiệt ít: Nên tập trung điều trị hàn, kết hợp điều trị nhiệt chứng.
  • Nhiệt nhiều hàn ít: Nên tập trung điều trị nhiệt, kết hợp điều trị hàn chứng.

4. Chuyển hóa giữa hàn chứng và nhiệt chứng

Trong một số điều kiện, hàn chứng và nhiệt chứng có thể chuyển hóa lẫn nhau.

Chuyển từ hàn chứng sang nhiệt chứng

  • Mô tả chung: Bệnh nhân ban đầu có hàn chứng, sau đó xuất hiện nhiệt chứng, và khi nhiệt chứng xuất hiện, hàn chứng dần biến mất. Đây là quá trình chuyển hàn chứng thành nhiệt chứng. Thường do dương khí thịnh, hàn tà do dương chuyển thành nhiệt, hoặc do điều trị không đúng cách, dùng quá nhiều thuốc ôn táo.
  • Ví Dụ: Bệnh nhân cảm thụ hàn tà, ban đầu có biểu hàn chứng với triệu chứng sợ lạnh, sốt nhẹ, đau mình, không ra mồ hôi, rêu lưỡi trắng, mạch phù và khẩn. Khi bệnh tiến triển, hàn tà vào lý và chuyển thành nhiệt, triệu chứng sợ lạnh giảm dần, thay vào đó là sốt cao, bồn chồn, khát nước, rêu lưỡi vàng, mạch nhanh. Tình trạng biểu thị chứng bệnh đã chuyển từ biểu hàn sang lý nhiệt. Điều này cho thấy chính khí của cơ thể chưa suy yếu, tà khí và chính khí đang đấu tranh.

Chuyển từ nhiệt chứng sang hàn chứng

  • Mô tả chung: Bệnh nhân ban đầu có nhiệt chứng, sau đó xuất hiện hàn chứng, và khi hàn chứng xuất hiện, nhiệt chứng dần biến mất. Đây là quá trình chuyển nhiệt chứng thành hàn chứng. Thường do tà khí quá mạnh hoặc chính khí suy yếu, chính không thắng tà, chức năng cơ thể suy giảm; cũng có thể do điều trị sai, làm tổn thương dương khí.
  • Ví dụ: Bệnh nhân sốt cao, ra mồ hôi không ngừng, dương khí theo mồ hôi thoát ra, hoặc nôn mửa, tiêu chảy quá mức, dương khí theo dịch thoát ra, dẫn đến nhiệt độ cơ thể giảm đột ngột, chân tay lạnh buốt, mặt tái nhợt, mạch yếu gần như biến mất (thoát dương), quá trình chuyển đổi này diễn ra nhanh chóng.

Chuyển hóa giữa chứng hàn và chứng nhiệt phản ánh tình trạng thịnh suy của tà khí và chính khí trong cơ thể.

  • Chuyển từ hàn chứng sang nhiệt chứng: chính khí của cơ thể vẫn còn mạnh, hàn tà bị ức chế và chuyển thành nhiệt.
  • Chuyển từ nhiệt chứng sang hàn chứng: Thường do tà khí mạnh hơn và chính khí suy yếu, chính khí không thắng được tà khí.

5. Hàn nhiệt chân giả

Khi hàn chứng hoặc nhiệt chứng phát triển đến cực điểm, đôi khi sẽ xuất hiện những hiện tượng giả trái ngược với bản chất của bệnh, như “hàn cực tự nhiệt” và “nhiệt cực tự hàn”, tức là chân hàn giả nhiệt và chân nhiệt giả hàn. Những hiện tượng giả này thường gặp ở giai đoạn nguy kịch của bệnh, nếu không nhận biết kỹ lưỡng, dễ gây nguy hiểm đến tính mạng.

Chân hàn giả nhiệt

  • Mô tả: Đây là tình trạng bên trong bản chất là hàn nhưng bên ngoài lại biểu hiện giả nhiệt.
  • Cơ chế hình thành: Do âm hàn quá thịnh bên trong đẩy dương khí ra ngoài, âm dương hàn nhiệt tương khắc mà thành. Còn gọi là “âm thịnh cách dương”, âm thịnh bên trong, đẩy dương ra ngoài, tạo thành hiện tượng dương giả, âm cực giống dương.
  • Biểu hiện: Mình nóng, mặt đỏ hồng, khát nước, có thể có tình trạng chảy máu cam, mắt đỏ, mạch phù sác giống như nhiệt chứng, nhưng bệnh nhân mặc dù người nóng nhưng lại muốn đắp chăn, khát nước nhưng thích uống nước nóng và uống ít, mặt đỏ nhưng lúc có lúc không, mạch phù sác nhưng ấn xuống lại không có lực. Đồng thời còn có các triệu chứng như tứ chi lạnh buốt, ăn ít, nói nhỏ, tự ra mồ hôi, tiêu chảy ra chất lỏng trong, tiểu tiện trong và dài, lưỡi nhạt và mềm bệu, rêu lưỡi trắng trơn. Vì vậy, biểu hiện nhiệt chỉ là giả, dương hư hàn thịnh mới là bản chất của bệnh.

Chân nhiệt giả hàn

  • Mô tả: Đây là tình trạng bên trong thật nhiệt nhưng bên ngoài lại thấy giả hàn.
  • Cơ chế hình thành: Do dương nhiệt quá thịnh bên trong, dương khí bị ứ đọng bên trong, không thể phát tán ra tứ chi, hoặc dương thịnh bên trong đẩy âm ra ngoài. Còn gọi là “dương thịnh cách âm”. Dựa vào đặc điểm dương nhiệt ứ đọng gây lạnh tay chân, hiện tượng này còn gọi là “dương quyết” hoặc “nhiệt quyết”.
  • Biểu hiện: Tay chân quyết lạnh, mạch trầm giống như hàn chứng, nhưng tứ chi lạnh nhưng người không sợ lạnh mà lại sợ nóng, mạch trầm nhưng đập nhanh và có lực, đồng thời còn thấy khát nước, thích uống nước lạnh, họng khô, miệng hôi, nói sảng, tiểu tiện ngắn và đỏ, đại tiện khô cứng hoặc kiết lỵ nhiệt, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng và khô. Tay chân lạnh và mạch trầm chỉ là hiện tượng giả hàn, còn nội nhiệt mới là bản chất của bệnh

Để phân biệt chứng hàn nhiệt giả và thật, ngoài việc hiểu rõ quá trình diễn biến của bệnh, cần chú ý đến các điểm sau:

  • Vị trí xuất hiện của giả tượng: Giả tượng thường xuất hiện ở tứ chi, da và màu sắc của mặt, trong khi biểu hiện bên trong của tạng phủ, khí huyết và tân dịch thường phản ánh đúng bản chất của bệnh. Vì vậy, khi biện chứng nên lấy lý chứng, hình thái lưỡi và mạch làm căn cứ chính.
  • Khác biệt giữa giả tượng và thật tượng: Ví dụ, mặt đỏ giả nhiệt là màu sắc hồng nhẹ ở gò má, lúc có lúc không, trong khi mặt đỏ thật nhiệt là đỏ toàn mặt. Giả hàn thường biểu hiện lạnh tay chân, nhưng ngực và bụng lại rất nóng, khi ấn vào thấy nóng ran, hoặc toàn thân lạnh nhưng không muốn đắp chăn, trong khi thật hàn là nằm co ro, muốn đắp chăn.

Hàn chứng và nhiệt chứng phản ánh sự thịnh suy của âm dương trong cơ thể. Âm thịnh hoặc dương hư biểu hiện thành hàn chứng; dương thịnh hoặc âm hư biểu hiện thành nhiệt chứng. Phân biệt hàn nhiệt có ý nghĩa quan trọng trong điều trị. Trong sách “Tố Vấn. Chí Chân Yếu Đại Luận” có viết: “Hàn thì nhiệt trị”, “Nhiệt thì hàn trị”, hai phương pháp điều trị này hoàn toàn trái ngược nhau. Do đó, phân biệt hàn nhiệt phải chính xác và không được sai sót.

BS Uông Mai lược dịch

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *