8 lời khuyên dành cho phụ nữ đi làm trở lại sau thời gian nghỉ sinh con

Ở Việt Nam, phụ nữ sau sinh được nghỉ hậu sản 6 tháng theo Luật Lao động. Thời gian này thấy tưởng dài nhưng vòng quay bỉm-sữa sẽ làm cho kim đồng hồ quay nhanh hơn bạn tưởng. Nếu không có sự chuẩn bị tốt, bạn sẽ lúng túng khi phải trở lại với công việc. Nhất là nếu không có sự chuẩn bị tốt thì mẹ sẽ rất dễ bị mất sữa. Mất sữa mẹ có nghĩa là bé sẽ không còn được cung cấp nền tảng sức khoẻ lâu dài vì sữa mẹ giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, đái tháo đường…khi trưởng thành. Mất sữa mẹ, bé còn sẽ mất đi nguồn hỗ trợ miễn dịch vô giá mà không có loại sữa công thức nào có thể cung cấp được.

1. Mẹ cần quyết tâm duy trì nuôi con bằng sữa mẹ

Bạn cần tin tưởng rằng bạn đủ khả năng duy trì nguồn sữa mẹ cho bé đến khi bé ít nhất 2 tuổi nếu vắt sữa thường xuyên và đảm bảo chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi phù hợp. Duy trì việc cho bú sữa mẹ sẽ giúp bé khoẻ mạnh, không bị bệnh vặt và tiêu hoá tốt.

2. Tìm sự hỗ trợ từ gia đình

Bạn cần chuẩn bị người chăm sóc bé thay bạn ít nhất 1 tháng trước khi đi làm để có thời gian bé tập làm quen với người chăm sóc mới. Bạn sẽ cần chọn cách cho bé ăn sữa mẹ vắt sẵn. Cho bé ăn bằng thìa/muỗng hoặc tập cho bé uống bằng cốc/chung có lợi điểm là dễ vệ sinh. Thế nhưng bé dễ bị nhễu nhão sữa khi đút bằng thìa và mất nhiều thời gian khi cho bé uống bằng cốc/chung nên đòi hỏi người chăm sóc phải khéo léo và kiên trì. Khi bé đã quen bú vú mẹ thì bạn có thể tập cho bé bú bình khi bé được 3 tháng tuổi hoặc nếu bạn phải đi làm lúc con 2 tháng tuổi thì có thể tập khi bé được 1 tháng tuổi. Lúc này, bé đã có kỹ năng bú mẹ thành thạo nên việc bú bình không làm bé quên cách bú vú mẹ. Khi bạn ở nhà sẽ cho bé bú trực tiếp và khi bạn đi làm thì người nhà của bạn sẽ cho bé bú sữa mẹ vắt sẵn bằng bình sữa. Bú bình dù thuận tiện hơn cho ăn bằng muỗng hoặc uống bằng cốc nhưng việc vệ sinh bình sữa núm vú sẽ phức tạp hơn. Khi bé tập bú bình hoặc ăn bằng thìa, bạn nên để người sẽ chăm sóc bé tập cho bé và tạm tránh đi phòng khác. Em bé của bạn có khứu giác rất nhạy với mùi của mẹ, khi biết có mẹ đang ở gần bé sẽ không chịu tập cách ăn mới mà chỉ muốn được bú mẹ thôi!

3. Tìm sự hỗ trợ từ nơi làm việc

Bạn sẽ phải vắt sữa mỗi 3 giờ một lần, mỗi lần 20 phút. Hãy tìm sự ủng hộ và đồng cảm của đồng nghiệp và sếp của mình. Bạn có thể thương lượng với sếp cho phép bạn sắp xếp thời gian làm việc linh động để có khoảng thời gian vắt sữa cho con. Ví dụ bạn có thể dùng 60 phút được nghỉ mỗi ngày trong chế độ nuôi con đến 12 tháng tuổi để có 2 khoảng nghỉ vắt sữa ngoài giờ nghỉ trưa. Thuyết phục sếp rằng nếu con bạn được nuôi bằng sữa mẹ thì con bạn sẽ khoẻ mạnh hơn nên bạn sẽ ít phải nghỉ phép để chăm con ốm và công việc sẽ hiệu quả hơn.

4. Chuẩn bị dụng cụ trữ sữa và vận chuyển sữa

Bạn cần có túi mốp cách nhiệt và đá khô dạng gel đóng hộp để vận chuyển sữa từ nơi làm việc về nhà. Nếu dùng tủ lạnh tại nơi làm việc để trữ sữa thì bạn nên để sữa vào trong hộp nhựa rồi để vào ngăn đông để tránh nhiễm bẩn. Nếu nơi làm việc không có tủ lạnh thì sữa mẹ vắt ra có thể trữ an toàn 24 giờ trong một hộp giữ nhiệt có chứa nước đá sao cho nhiệt độ trong hộp là 150C.

5. Chuẩn bị vắt sữa từ khi nào?

Nếu từ lúc sinh đến giờ bạn cho bé bú mẹ trực tiếp thì bạn cần bắt đầu vắt sữa để trữ khoảng 4 tuần trước khi đi làm trở lại. Tuần đầu tiên, bạn chỉ cần vắt mỗi ngày 1 lần. Ba tuần kế tiếp, mỗi tuần bạn tăng thêm 1 cữ vắt sữa trong ngày. Hai tuần trước khi bắt đầu đi làm, bạn bắt đầu tập cho bé ăn sữa mẹ vắt sẵn. Sữa trữ đông có mùi vị khác sữa mẹ bú trực tiếp nên thoạt đầu bé có thể sẽ không thích. Bạn nhớ đừng lắc trộn túi sữa hoặc chai sữa sau khi rã đông mà xoay tròn nhẹ nhàng để hạn chế thay đổi mùi vị của sữa.

6. Cách trữ sữa mẹ

Bạn có thể dùng túi chuyên dụng để trữ sữa hoặc chai sữa bằng thuỷ tinh để trữ sữa. Chai nhựa trữ sữa làm giảm đáng kể kháng thể IgA có trong sữa mẹ. Nếu dùng chai nhựa trữ sữa thì chỉ dùng loại nhựa BPA free để tránh tác hại của bisphenol A lên hệ nội tiết của trẻ. Nếu trữ sữa ở ngăn mát tủ lạnh, bạn cần đảm bảo nhiệt độ ổn định ở 40C và không để sữa ở cánh cửa tủ lạnh. Sữa để ở ngăn mát có thể trữ được 4-8 ngày, tuỳ mức độ vệ sinh khi vắt sữa. Sữa có thể trữ được ở ngăn đông đến 3 tháng. Sữa trữ quá 3 tháng sẽ giảm chất lượng đi rất nhiều. Bạn nhớ ghi ngày tháng vắt sữa trên túi hoặc chai trữ sữa.

7. Cách rã đông sữa

Bạn đưa sữa đông lên ngăn mát qua đêm để rã đông chậm. Bạn có thể ngâm chai đựng sữa đã rã đông vào chén nước ấm 400C trong 20 phút để làm ấm sữa trước khi cho bé bú hoặc có thể cho bé uống sữa mát, không cần ngâm nóng. Nghiên cứu cho thấy sữa được ngâm nóng đến 370C bị mất chất béo do bám vào thành bình nhiều hơn là sữa 40C.

8. Duy trì chế độ dinh dưỡng phù hợp cho bà mẹ nuôi con bú

Khi đi làm, bạn sẽ dễ bị công việc làm quên đi việc uống nước đầy đủ, điều này sẽ ảnh hưởng đến lượng sữa mẹ. Ngoài ra, chế độ ăn cần được duy trì cân đối và đầy đủ dinh dưỡng để đảm bảo sức khoẻ cho công việc và tạo sữa cho con. Tránh bỏ bữa sáng do vội vã hay ăn uống qua loa.

Có được sự chuẩn bị tốt thì bạn hoàn toàn có thể tiếp tục duy trì sữa mẹ cho con khi trở lại với công việc. Vắt sữa đều đặn sẽ giúp bạn giữ được sữa mẹ cho con đến khi con được 2 tuổi. Sữa mẹ sẽ giúp bảo vệ bé yêu của bạn tránh những bệnh tật đang chực chờ tấn công khi lượng kháng thể của mẹ truyền sang con qua nhau thai đã cạn dần. Hãy tin tưởng vào khả năng của bản thân và tình yêu của người mẹ sẽ giúp bạn thành công.

BS. CK2.  Nguyễn Thị Từ Anh – Trưởng khoa Sơ sinh Bệnh viện Từ Dũ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *