Viêm cổ tử cung có thể âm thầm tiến triển, không triệu chứng hoặc đôi khi triệu chứng rầm rộ nhưng không quá đặc hiệu. Vậy làm thế nào để phát hiện viêm cổ tử cung kịp thời? Bên cạnh khám phụ khoa định kỳ để chẩn đoán kịp thời, chị em phụ nữ có thể cần đi khám ngay khi có một trong các dấu hiệu sau đây.
1. Bất thường về dịch âm đạo – khí hư
Khí hư hay dịch tiết âm đạo dùng để chỉ dịch tiết tự nhiên từ âm đạo phụ nữ. Dịch này dùng để bôi trơn và ngăn ngừa nhiễm trùng. Loại, màu sắc và lượng dịch tiết ra sẽ khác nhau ở mỗi người, và cũng khác nhau theo từng thời kì của chu kỳ kinh nguyệt. Dịch tiết âm đạo thường tuân theo quy luật sau:
- Ngày 1-5 của chu kỳ kinh nguyệt: khi xuất hiện hiện tượng chảy máu kinh nguyệt
- Ngày 6-14 của chu kỳ kinh: Khí hư thường có màu trắng sữa hoặc hơi vàng và khá dính.
- Ngày 14-25 của chu kỳ kinh: Chất tiết bị ảnh hưởng bởi quá trình rụng trứng, ban đầu có kết cấu mỏng và không vón cục (kết cấu và màu sắc tương tự như lòng trắng trứng). hoặc màu vàng nhạt.
- Ngày 25-28 của chu kỳ kinh: Sau khi bắt đầu có kinh, lượng dịch tiết sẽ giảm hoặc thậm chí ngừng hẳn
Nếu dịch tiết âm đạo có màu trắng đến vàng nhạt là bình thường. Tuy nhiên nếu xuất hiện kèm với mùi hôi, vón cụ, lượng dịch nhiều, đau hoặc ngứa âm đạo thì bạn nên đi khám phụ khoa.
Nếu dịch tiết có màu vàng nhạt, màu vàng, xanh nhạt, xanh có thể có tìn trạng nhiễm trùng, đặc biệt khi kèm theo triệu chứng có bọt, đặc hoặc có mùi hăng nồng nên đi khám ngay.
Nếu dịch tiết có màu xám hoặc dịch mủ thì càng nên khám ngay.
2. Chảy máu âm đạo không liên quan đến kinh nguyệt
Chảy máu âm đạo là bình thường khi đang trong kỳ kinh nguyệt. Nếu đang không trong kỳ kinh mà xuất hiện chảy máu âm đạo hoặc chảy máu âm đạo sau quan hệ tình dục thì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo viêm cổ tử cung. Khi cổ tử cung bị viêm, dễ sưng nề và mềm hơn. Chúng có thể dễ chảy máu khi bị tác động hoặc tự chảy máu.
3. Tiểu buốt, tiểu dắt, đau khi đi tiểu hoặc tiểu liên tục
Các vấn đề về tiểu tiện có thể gặp ở một số người viêm cổ tử cung. Trên phương diện giải phẫu tử cung nằm sau bàng quang, âm đạo nằm sau niệu đạo. Chính bỏi quá gần nhau nên khi cổ tử cung bị viêm nhiễm có thể ảnh hưởng đến hệ tiết niệu gây ra các rối loạn về tiểu tiện.
4. Rối loạn kinh nguyệt
Một trong các nguyên nhân gây viêm cổ tử cung là do thiếu hụt estrogen. Các rối loạn về nồng độ estrogen có thể kéo theo các rối loạn về chu kỳ kinh nguyệt.
Bên cạnh tình trạng rối loạn về chu kỳ thì tính chất kinh nguyệt cũng có thể ảnh hưởng. Lượng kinh nguyệt (rong kinh…), màu sắc (đen, nâu sẫm, đỏ thẫm…), mùi hôi tanh nồng cũng có thể xuất hiện.
5. Ngứa âm đạo hoặc bộ phận sinh dục ngoài
Viêm cổ tử cung có thể gây ngứa ran hoặc ngứa bên trong âm đạo hoặc bộ phận sinh dục ngoài. Tình trạng này thường xuất hiện ở những người có lượng dịch tiết âm đạo nhiều khiến vùng kín luôn trong trạng thái ẩm ướt. Nếu vệ sinh không đúng cách có thể khiến tình trạng ngứa ngáy trở nên trầm trọng ảnh hưởng đến cuộc sống.
6. Đau hoặc tức nặng vùng hạ vị, lưng
Viêm cổ tử cung có thể gây đau vùng hạ vị nhất là trong các trường hợp biến chứng viêm vùng chậu. Cơn đau cũng có thể xuất hiện khi quan hệ tình dục. Mức độ đau có thể từ âm ỉ, tức nặng đến dữ dội, khó chịu…
Trong 1 số trường hợp nặng đau có thể kèm theo sốt nếu viêm vùng chậu nặng.
Khi thăm khám cổ tử cung, các bác sĩ có thể mô tả về tình trạng phù nề, phì đại cổ tử cung, mòn cổ tử cung, vết xước loét cổ tử cung hoặc tình trạng dịch tiết âm đạo kèm theo mùi của dịch tiết…
Các triệu chứng chỉ điểm viêm cổ tử cung khá phong phú nhưng không đặc hiệu vì vậy ngay khi phát hiện một trong các biểu hiện bất thường của hệ sinh dục đặc biệt là các triệu chứng nêu trên cần ngay lập tức đi khám phụ khoa để kịp thời phát hiện và điều trị.
BS Uông Mai