Trào ngược dạ dày thực quản và những điều cần biết

Trào ngược dạ dày ở Việt Nam chưa có nghiên cứu về dịch tễ song ước tính có khoảng 10 – 15% bệnh nhân được nội soi dạ dày thực quản được chẩn đoán mắc bệnh. 

1. Thế nào là trào ngược dạ dày – thực quản?

Trào ngược dạ dày thực quản (Gastroesophageal Reflux Disease – GERD) là tình trạng các chất chứa trong dạ dày thực quản bị trào ngược lên. Hiện tượng này hay xảy ra ban đêm ở người bình thường. Trào ngược trở thành bệnh lý khi các dấu hiệu trở nên khó chịu và kéo dài lâu hơn, thậm chí gây biến chứng nặng. Bệnh có thể làm chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Cho đến nay, chưa có phương pháp nào chữa khỏi hoàn toàn bệnh lý trào ngược dạ dày – thực quản nhưng có thể kiểm soát rất tốt nếu theo dõi điều trị đúng phác đồ.

2. Tại sao bị trào ngược dạ dày – thực quản?

Bình thường khi chúng ta ăn, thức ăn từ miệng xuống họng đến thực quản, qua cơ thắt thực quản xuống dạ dày. Cơ thắt này mở ra cho thức ăn xuống rồi đóng lại. Khi cơ thắt luôn luôn mở hoặc đóng lại không khít làm cho thức ăn và acid từ dạ dày trào ngược lên thực quản và hầu họng, gây tổn thương niêm mạc và tạo cảm giác nóng rát ở ngực, lan lên cổ kèm ợ chua, khàn tiếng, viêm họng…

3. Chẩn đoán dấu hiệu bệnh

– Ợ nóng là triệu chứng điển hình nhất của bệnh. Đó là cảm giác khó chịu, nóng rát từ vùng bụng trên, lan lên giữa ngực, đôi khi lan lên vùng cổ, thường xảy ra sau bữa ăn.

– Ợ thức ăn lên thực quản, miệng: thường xảy ra sau khi ăn chua cay, nhiều gia vị, khi ăn no, mặc quần chật. Ợ ra thức ăn, ợ chua buồn nôn, ứa nước bọt trong miệng ra.

– Các dấu hiệu ở cơ quan khác: Cảm giác nghẹn ở cổ, ho dai dẳng nhất là về đêm, đau tức ngực không do tim, khàn tiếng, răng sâu, hen suyễn. Chính những biểu hiện này làm cho người bệnh lầm tưởng với bệnh lý tim mạch hoặc biểu hiện gián tiếp qua viêm nhiễm tái diễn vùng tai mũi họng.

Khi các triệu chứng trên xảy ra hơn 2 lần trong một tuần, cần đến bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.

4. Bệnh trào ngược dạ dày – thực quản gây biến chứng gì?

Theo thời gian, tình trạng trào ngược acid thường xuyên xảy ra có thể gây viêm loét thực quản. Về lâu dài, bệnh trào ngược dạ dày – thực quản có nguy cơ gây ung thư thực quản, tổn thương phổi, họng – thanh quản khó hồi phục.

Các triệu chứng cảnh báo có biến chứng của bệnh:

– Khó nuốt, nuốt đau (do biến chứng chít hẹp thực quản).

– Nôn ra máu (do biến chứng xuất hiện tại chỗ loét thực quản).

– Khó thở về đêm (co thắt phế quản hoặc viêm phổi do hít dịch acid vào phổi).

– Chán ăn, thiếu máu, sụt cân (do biến chứng ung thư thực quản).

5. Làm sao để chẩn đoán đúng bệnh?

– Người bệnh cần mô tả đầy đủ các triệu chứng bản thân gặp.

– Bác sĩ thăm khám lâm sàng.

– Một số trường hợp chỉ định soi dạ dày – thực quản, trong quá trình soi, có thể lấy một mảnh nhỏ thực quản hay dạ dày làm sinh thiết. 

Thông thường, từ việc hỏi và khám bệnh các bác sĩ có thể chẩn đoán và cho phác đồ điều trị.

6. Xử trí

– Thay đổi chế độ sinh hoạt

  • Hạn chế uống bia rượu, bỏ thuốc lá, giảm cân nếu thừa cân.
  • Kiêng ăn chua cay, các thực phẩm có tính acid như chanh, cà chua, cafe, socola, hạt tiêu.
  • Không ăn quá no.
  • Không nằm ngay hoặc ngủ ngay sau ăn 2 – 4 giờ.
  • Giảm lượng chất béo.
  • Nằm ngủ tư thế đầu cao 10 – 20 cm.

Các biện pháp nói trên có thể làm giảm triệu chứng của bệnh nhưng không thay thế việc điều trị bằng thuốc.

– Người bệnh cần đi khám và điều trị theo đơn của bác sĩ chuyên khoa, tránh dung nạp một số thuốc làm nặng thêm triệu chứng của bệnh: thuốc chẹn kênh canxi, thuốc ức chế alpha, beta giao cảm, theophylline, nitrates, và một số thuốc an thần, thuốc giảm đau chống viêm như aspirin, thuốc chữa bệnh khớp…

ThS.BS Trần Duy Hưng – BV Đại học Y Hà Nội

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *