Thay đổi chế độ ăn và thói quen để cải thiện triệu chứng bệnh trào ngược dạ dày thực quản

Có nhiều nghiên cứu và bằng chứng cho thấy bệnh trào ngược dạ dày thực quản có thể được cải thiện đáng kể nhờ điều chỉnh chế độ ăn và thói quen sinh hoạt hàng ngày.

Tác động của chế độ ăn và thói quen sinh hoạt lên triệu chứng bệnh trào ngược dạ dày thực quản

Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là bệnh lý phổ biến trong đó triệu chứng của bệnh nhân khá đa dạng nhưng gặp nhiều nhất là chứng nóng rát sau xương ức và có cảm giác dịch hoặc thức ăn trào lên. Việc điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt đối với bệnh lý này rất quan trọng và là bước đầu tiên trong quá trình quản lý toàn diện nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Trên thực tế lâm sàng, có nhiều trường hợp để điều trị dứt điểm triệu chứng gặp nhiều khó khăn, phải sử dụng thuốc lâu dài và phối hợp nhiều loại hoặc nhiều phương pháp.

Đo pH thực quản 24h là xét nghiệm dùng để đánh giá lượng acid trào ngược từ dạ dày lên thực quản
Đo pH thực quản 24h là xét nghiệm dùng để đánh giá lượng acid trào ngược từ dạ dày lên thực quản

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy trong chế độ ăn, một số loại thức ăn có thể kích thích làm triệu chứng nặng lên cũng như có một số điều chỉnh có thể giúp hạn chế triệu chứng. Béo phì cũng đã được chứng minh làm tăng mức độ nặng của các triệu chứng GERD. Việc thay đổi thói quen sinh hoạt như nằm ngủ kê cao vai đã chứng minh có tác dụng đối với bệnh nhân GERD. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu những điểm quan trọng nhất.

Điều chỉnh chế độ ăn ở người bệnh trào ngược dạ dày thực quản

Ở các nước phương Tây, tỷ lệ mắc dạ dày thực quản ngày càng tăng được giải thích một phần là do những thay đổi trong thói quen sinh hoạt và ăn uống kích thích các triệu chứng nặng hơn. Mặc dù đã bước đầu có những bằng chứng cho thấy có sự liên quan giữa một số loại thức ăn nhất định như thức ăn nhiều chất béo, đồ dầu mỡ, một số loại đồ uống, những nghiên cứu khách quan với số lượng lớn trên thực tế vẫn chưa được thực hiện. Các bằng chứng hiện tại nghiêng về tầm quan trọng của việc thay đổi thói quen sinh hoạt hơn.

Một số loại hoa quả như cam, cà chua có thể làm một số bệnh nhân có cảm giác triệu chứng nặng hơn. Một nghiên cứu đánh giá nhu động khi bệnh nhân ăn các loại hoa quả này cho thấy dịch acid khiến bệnh nhân mất thời gian để nuốt xuống hơn, cần nhiều nhịp nuốt hơn và thời gian tiêu thức ăn lâu hơn so với nhịp nuốt thông thường. Điều này góp phần giải thích tình trạng triệu chứng GERD ở một số bệnh nhân có thể nặng hơn khi ăn các loại hoa quả, uống các nước hoa quả có tính acid, uống cà phê hoặc nước có gas. Tuy nhiên, trên thực tế, mỗi bệnh nhân sẽ có một số loại thức ăn mà mình cảm thấy khó chịu hơn khi ăn hoặc uống và nên tự điều chỉnh để hạn chế các loại thức ăn hay đồ uống này. Một nghiên cứu cộng đồng đánh giá mức độ tuân thủ của bệnh nhân GERD với hướng dẫn chế độ ăn cho thấy bệnh nhân rất cố gắng tránh một số loại thức uống và hoa quả nhưng không phải tất cả các thức ăn này đểu làm triệu chứng tệ hơn ở tất cả các bệnh nhân.

Các triệu chứng điển hình của bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
Các triệu chứng điển hình của bệnh trào ngược dạ dày thực quản.

 

Chế độ ăn nhiều dầu mỡ đã được chứng minh là một yếu tố nguy cơ của bệnh trào ngược không gây viêm thực quản được định nghĩa là khi bệnh nhân có triệu chứng GERD điển hình nhưng trên hình ảnh nội soi không có tổn thương thực quản (viết tắt là NERD – nonerosive refux disease). Chế độ ăn nhiều chất béo cũng là yếu tố nguy cơ của Barrett thực quản, một bệnh lý mà khi có hình ảnh vùng niêm mạc biến đổi dài trên 3cm được coi là nguy cơ của ung thư thực quản. Trong khi đó, chế độ ăn uống nhiều rau có tác động phòng ngừa những bệnh lý này.

Trên thực tế, những bệnh nhân GERD có thể kèm theo nhiều triệu chứng tiêu hóa khác như chứng khó tiêu. Các thức ăn đóng hộp và rượu đã được nhiều nghiên cứu chứng minh làm tăng mức độ và tần suất xuất hiện triệu chứng khó tiêu. Điều này có thể do trong thức ăn đóng hộp có các thành phần được thêm vào để bảo quản hoặc giữ mùi vị, do pH của thức ăn và do nguyên liệu của hộp. Các thức ăn giàu chất béo khiến cho áp lực của cơ thắt thực quản dưới, được coi là hàng rào bảo vệ sinh lý chống hiện tượng trào ngược, bị giảm đi. Khi bệnh nhân ăn một bữa ăn nhiều chất béo, thời gian thực quản tiếp xúc với dịch acid sẽ nhiều hơn so với ăn bữa ăn thông thường.

Socola cũng là một loại thức ăn có thể làm nặng hơn triệu chứng trào ngược ở một số bệnh nhân. Mặc dù một số nghiên cứu đã chứng minh socola làm giảm áp lực cơ thắt thực quản dưới và kéo dài hơn thời gian niêm mạc thực quản tiếp xúc với dịch acid từ dạ dày, hiện vẫn chưa có nghiên cứu nào chứng minh được lợi ích cải thiện triệu chứng nếu ngừng ăn socola.

Trên thế giới, các bác sĩ lâm sàng và các nhà dinh dưỡng đã cố gắng để tìm ra những thực đơn giúp cải thiện triệu chứng GERD, đặc biệt đối với những bệnh nhân có nhiều bệnh lý phối hợp. Chẳng hạn những bệnh nhân có cả bệnh lý viêm ruột mạn tính (IBD – inflammatory bowel disease), chế độ ăn không có gluten đã chứng minh có tác dụng cải thiện cả triệu chứng của IBD và GERD. Chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải nhiều rau, đậu, ngũ cốc nguyên hạt, hoa quả, cá, dầu ô liu, ít rượu, sản phẩm từ sữa vừa phải và ít thịt đỏ đã chứng minh có ích lợi đối với các bệnh lý tim mạch, ung thư, đái tháo đường. Một nghiên cứu cắt ngang trên 817 bệnh nhân của tác giả Mone và cộng sự cũng đã chứng minh được hiệu quả của chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải trong việc giảm các triệu chứng của GERD. Tại Nhật Bản, các nghiên cứu cũng đã cho thấy chế độ ăn nhiều chất xơ tuy không giúp làm giảm các triệu chứng trào dịch vị nhưng lại giúp cải thiện các triệu chứng liên quan đến rối loạn nhu động ở bệnh nhân GERD như ợ hơi, nhanh đầy sau ăn, nặng tức bụng…

  • Hạn chế một số loại trái cây có tính acid (vị chua, pH <5), socola, đồ nhiều dầu mỡ.
  • Tăng cường ăn rau xanh, thực phẩm giàu chất xơ, có thể tham khảo chế độ ăn Địa Trung Hải

Người trào ngược dạ dày thực quản nên và không nên uống một số loại đồ uống sau

Lựa chọn đồ uống phù hợp có tác động đến triệu chứng GERD.

Các thức uống có cồn có thể làm triệu chứng nặng lên do làm giảm áp lực của cơ thắt thực quản dưới, tăng bài tiết dịch vị do kích thích bài tiết gastrin, giảm vận động của thực quản và chậm quá trình làm trống của dạ dày. Các nghiên cứu đều chỉ ra rượu làm nặng lên triệu chứng của GERD.

Các thức uống không có cồn nhưng nhiều gas cũng làm giảm áp lực nền của cơ thắt thực quản dưới, tăng bài tiết acid và có thể làm triệu chứng đầy bụng và trào ngược tăng. Khi so sánh nước có gas, coca cola bình thường, coca cola kiêng với nước thường, tất cả các loại đồ uống này đều làm giảm áp lực cơ thắt thực quản dưới. Một số nghiên cứu quan sát cho thấy ở nhóm bệnh nhân GERD mức độ trung bình đến nặng, xu hướng sử dụng các loại đồ uống này tăng hơn so với nhóm khỏe mạnh. Một nghiên cứu đa trung tâm đã chỉ ra việc sử dụng các đồ uống có gas làm nặng thêm triệu chứng trào ngược vào ban đêm. Vì vậy, những bệnh nhân hay bị nặng triệu chứng GERD vào buổi tối hoặc khi ngủ cần được hướng dẫn tránh sử dụng các đồ uống có gas.

  • Hạn chế uống rượu bia, đồ uống có gas đặc biệt là vào buổi tối trước khi đi ngủ

Một số thói quen sinh hoạt tác động đến bệnh trào ngược dạ dày thực quản

Cùng với chế độ ăn, thói quen sinh hoạt có tác động nhiều đến triệu chứng GERD. Các nghiên cứu đã chứng minh những thói quen như ngủ ít, ăn tối muộn và ngủ trong vòng 2 tiếng sau ăn, ăn thêm bữa khuya trước khi ngủ làm triệu chứng trào ngược nặng hơn.

Tư thế nằm phù hợp dành cho người trào ngược dạ dày thực quản
Tư thế nằm phù hợp dành cho người trào ngược dạ dày thực quản

Người bệnh buổi tối nên nằm ngủ kê cao vai để làm giảm thời gian và tần suất dịch vị trào ngược lên thực quản. Khi so với nhóm bệnh nhân vẫn nằm đầu bằng, một số nghiên cứu đã chỉ ra ở nhóm kê cao vai, thời gian làm sạch dịch acid ở thực quản nhanh hơn và bệnh nhân ít có các cơn trào ngược hơn.

Ngược lại, những bệnh nhân nằm nghiêng phải có thể có triệu chứng GERD nặng hơn do ở tư thế này, vị trí của túi acid sẽ gần hơn với vùng nối giữa thực quản và dạ dày. Các bệnh nhân mắc hội chứng ngừng thở khi ngủ thường cũng có triệu chứng trào ngược nặng nề hơn.

Nằm nghiêng bên trái tốt cho người bệnh trào ngược dạ dày
Nằm nghiêng bên trái tốt cho người bệnh trào ngược dạ dày

Đối với những bệnh nhân béo phì có GERD, giảm cân là chiến lược quan trọng trong việc quản lý triệu chứng GERD. Áp lực ổ bụng tăng ở những bệnh nhân béo phì làm vùng nối giữa thực quản và dạ dày không thể khít được như bình thường (hiện tượng thoát vị hoành). Ngoài ra, béo phì gây những biến đổi trong nhu động thực quản và các nghiên cứu đã chứng minh giảm cân giúp làm giảm thời gian thực quản tiếp xúc với acid. Các tài liệu trong y văn đã tổng kết lại bệnh nhân có chỉ số khối cơ thể (BMI) càng cao, khi đo pH thực quản càng phát hiện nhiều đợt trào ngược dịch acid lên thực quản và tương ứng với trên lâm sàng, bệnh nhân triệu chứng nặng hơn. Nghiên cứu của tác giả Bortoli và cộng sự đã chứng minh giảm cân giúp giảm một loạt các triệu chứng như nóng rát, trào ngược dịch, chứng đau ngực không do tim và ợ hơi. Những bệnh nhân giảm cân bằng chế độ ăn và tập luyện cũng giảm được liều thuốc chống trào ngược phải sử dụng.

Một nghiên cứu lớn trên cộng đồng đã chứng minh thuốc lá làm nặng hơn triệu chứng GERD và cai thuốc lá làm giảm triệu chứng ở những bệnh nhân đang được điều trị thuốc. Điều này cũng phù hợp với nhiều tài liệu y văn trước đây chứng minh sử dụng thuốc lá có liên quan đến các bất thường về nhu động thực quản.

  • Nên nằm ngủ kê cao vai, nằm nghiêng bên trái
  • Nên ngủ đủ, không nên nằm ngủ ngay sau ăn
  • Không nên ăn bữa tối muộn, không nên ăn trước khi đi ngủ buổi tối
  • Giảm cân, giảm vòng bụng
  • Không hút thuốc lá

Kết luận

Như vậy, bên cạnh nhìn nhận trào ngược dạ dày thực quản như một bệnh lý cần điều trị thuốc đơn thuần, sự hợp tác giữa bác sĩ và bệnh nhân trong việc điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt sẽ giúp tối ưu hóa liều thuốc sử dụng cũng như quản lý toàn diện cải thiện chất lượng sống cho người bệnh và hạn chế các biến chứng của bệnh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. DeVault KR, Castell DO (2005). Updated guidelines for the diagnosis and treatment of gastroesophageal reflux disease. Am J Gastroenterol, 100(1): 190 – 200.

2. Katz PO, Gerson LB, Vela MF (2013). Guideline for the diagnosis and management of gastroesophageal reflux disease. Am J Gastroenterol, 108(3): 308 – 28.

3. Ai Kubo, Gladys Block, Charles P Quesenberry et al (2014). Dietary guideline adherence for gastroesophageal reflux disease. BMC Gastroenterol, 14: 144.

4. Joel E Richter (2003). Dietary Advice for Patients with GERD. Accessed 20/05/2018: https://www.medscape.com/viewarticle/460314

5. The Cleveland Clinic Foundation (2014). Nutrition Guidelines for the treatment of Gastroesophageal Reflux. Accessed 20/05/2018: https://my.clevelandclinic.org/health/articles/15530-nutrition-guideline…

TS.BS Đào Việt Hằng – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *