Nguyên nhân và biểu hiện của ngủ ngáy

Ngủ ngáy là một biểu hiện thường gặp trong cuộc sống hàng ngày, ít nhiều ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống, một số trường hợp nặng có thể ảnh hưởng tới tính mạng (ngủ ngáy có cơn ngừng thở).

Ngủ ngáy là gì?

Là hiện tượng khi ngủ có tiếng kêu do đường dẫn khí từ ngoài qua hệ thống dẫn khí tới phổi bị hẹp lại, mức độ hẹp khác nhau ảnh hưởng tới mức độ tiếng ngáy và sự xuất hiện của cơn ngừng thở.

Hậu quả để lại: Người ngủ ngáy luôn trong tình trạng buồn ngủ; Ảnh hưởng tới giấc ngủ của người ngủ cùng nên đôi khi là lý do dẫn đến… hôn nhân tan vỡ.

 

Sự nguy hiểm của ngủ ngáy
Sự nguy hiểm của ngủ ngáy

Biểu hiện của chứng ngủ ngáy

+ Buồn ngủ nhiều lần trong ngày.

+ Ngáy to.

+ Thời gian ngưng thở khi ngủ kéo dài (được quan sát bởi người khác).

+ Tỉnh dậy đột ngột và khó thở.

+ Miệng khô và đau họng khi thức dậy.

+ Đau đầu vào buổi sáng.

+ Mất ngủ hoặc khó ngủ.

+ Giảm khả năng tập trung.

 

Nguyên nhân ngủ ngáy  nguyên nhân làm hẹp đường thở

Cơ chế tạo ra tiếng ngáy khi ngủ
Cơ chế tạo ra tiếng ngáy khi ngủ

1. Hẹp hốc mũi

– Viêm mũi xoang: làm cho hốc mũi hẹp lại do sự quá phát của cuốn dưới (viêm mũi quá phát cuốn), do thoái hóa niêm mạc mũi xoang – sự hình thành polip trong hốc mũi, dịch choán chỗ trong hốc mũi và xoang (các khoang cộng hưởng).

– Các dị hình hốc mũi: các mào vách ngăn lớn cản trở đưởng thở hoặc thay đổi van chuyển luồng không khí khi đi vào hốc mũi của một van nằm trên vách ngăn.

– Các dị vật hốc mũi: như các loại hạt, chất vô cơ, sỏi mũi….

– Do các khối u lành hoặc ác…

Bên cạnh triệu chứng ngáy sẽ là triệu chứng của các bệnh đi kèm: biểu hiện chảy mũi, ngạt mũi, hắt hơi, thay đổi màu sắc niêm mạc hốc mũi và dịch trong các ngách xoang (viêm mũi xoang), biểu hiện mào hoặc gai vách ngăn (dị hình), mủ thối 1 bên kèm chảy máu mũi, ở trẻ em (dị vật mũi).

Bệnh lý khối u hốc mũi: ngạt tắc mũi, chảy máu lờ lờ máu cá một bên ở người trên 40, dị cảm vùng mặt…

 

2. Nguyên nhân tại họng

– VA – Amiđan quá phát: độ 3 hoặc 4 làm cản trở luồng khí qua họng mũi, họng miệng, bên cạnh ngủ ngáy những người VA và Amiđan quá phát đều có cảm giác nuốt hơi bị cản trở.

– Lưỡi gà dài nên lúc thở khi ngủ không đóng lên mà thõng xuống họng, lưỡi gà dài thường đi kèm đáy lưỡi phì đại, tụt toàn bộ khối lưỡi về phía thành sau họng khi ngủ, làm đường thở hẹp lại.

– Khối mỡ thành sau họng phát triển.

– Phì đại cơ đáy lưỡi: Hiện tượng phì đại cơ đáy lưỡi làm khoảng không gian trống vùng họng miệng hẹp lại.

– Các khối u vùng họng miệng như u amiđan, u hạ họng – thanh quản.

3. Nguyên nhân hạ họng – thanh quản

– Các viêm nhiễm dẫn đến tình trạng phù nề niêm mạc đặc biệt phù Quink trong dị ứng đồ uống.

– Các khối u vùng hạ họng – thanh quản: u lành (u nang…), u ác tính (ung thư hạ họng, thanh quản…).

– Tuyến giáp lạc chỗ xuống hạ họng.

Ngoài các nguyên nhân trên thì ngủ ngáy cũng có thể xuất phát từ tư thế năm khiến đường thở bị hẹp như nằm sấp, nằm gập cổ… Cần có những thăm khám chuyên sâu để xác định nguyên nhân chính xác gây ngủ ngáy qua đó có phương án trị liệu và dự phòng biến chứng phù hợp.

PGS.TS Phạm Thị Bích Đào – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *