Sốt xuất huyết Dengue hay sốt xuất huyết (SXH) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra, muỗi Aedes aegypti là trung gian truyền bệnh. Bệnh có biểu hiện lâm sàng đa dạng, dễ biến chứng nếu không được điều trị đúng và kịp thời. Bài viết này chia sẻ về nguyên nhân gây bênh sốt xuất huyết và cơ chế bệnh sinh.
1. Tình hình sốt xuất huyết Dengue tại Việt Nam
SXH những năm gần đây có xu hướng lan rộng trong mỗi nước và lan rộng ra nhiều vùng khác nhau trên thế giới. Việt Nam là một trong các quốc gia nằm trong vùng có dịch SXH lưu hành nặng.
Thống kê cho thấy 6 tháng đầu năm cả nước có 70.800 trường hợp sốt xuất huyết.
Nửa đầu năm đến nay, TP HCM ghi nhận hơn 24.000 ca sốt xuất huyết, tăng 176% so với cùng kỳ năm ngoái, 5 người tử vong gồm 3 người lớn 2 thiếu niên.
Tại Hà Nội, số ca tương đương với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên các tuần gần đây số bệnh nhân lại có xu hướng gia tăng. Tuần cuối tháng 6, Hà Nội ghi nhận 162 ca, nâng tổng số người bệnh trong nửa đầu năm 2019 lên 820, trong đó 95 bệnh nhân vẫn đang điều trị ở các bệnh viện.
Theo báo cáo của 20 tỉnh thành của khu vực Nam Bộ-Lâm Đồng, đến hết tuần thứ 12 năm 2019, số ca mắc SXH được ghi nhận tăng cả số lượng mắc và tử vong. Theo đó, có tổng cộng 27.159 trường hợp mắc SXHD, trong đó có 4 trường hợp tử vong. Như vậy, số ca mắc tăng 319,3% so với cùng kỳ năm 2018 (6.476 ca), tăng 2 trường hợp tử vong so với cùng kỳ năm 2018 (2 trường hợp)
Thời điểm hiện tại dịch SXH đang bùng phát mạnh trên cả nước.
2. Phân vùng dịch tễ bệnh sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết được chia thành 3 vùng
- Vùng 1: Bệnh SXH lưu hành quanh năm, phát triển dịch mạnh vào mùa thu, đối tượng gặp chủ yếu là trẻ em. Bao gồm đồng bằng sông Cửu Long, ven biển miền Trung…
- Vùng 2: không có bệnh vào những tháng rét nhưng phát thành dịch vào mùa mưa – nóng. Gặp ở cả người lớn và trẻ em. Chủ yếu là đồng bằng Bắc bộ.
- Vùng 3: bệnh tản phát ở vài tháng mưa – nóng, thường không thành dịch. Tây Nguyên và miền núi phí Bắc.
3. Mùa dịch của sốt xuất huyết
- Miền Bắc thường bắt đầu từ tháng 6 và đạt đỉnh vào tháng 8,9,10.
- Miền Nam dịch có xu hướng xuất hiện quanh năm, tăng lên từ tháng 4 và đạt đỉnh vào các tháng 6, 7, 8.
4. Nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết
Tác nhân gây bệnh
Virus Dengue được cho là nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết Dengue.
Virus Dengue thuộc giống Favivirus. Có 4 typ huyết thanh I, II, III, IV. Ở mỗi khu vực và quốc gia có thể gặp cả 4 typ nhưng trong mỗi vụ dịch sẽ có typ nổi trội hơn. Ở Việt Nam gặp chủ yếu là virus Dengue typ I và typ II.
Nguồn bệnh
Người bệnh và động vật linh trưởng. Những bệnh nhân thể nhẹ, không được chăm sóc tại cơ sở y tế là nguồn bệnh quan trọng.
Vật chủ trung gian
Côn trùng trung gian truyền bệnh chính là muỗi Aedes aegypti, ngoài ra muỗi Aedes albopictus cũng có khả năng truyền bệnh.
Muỗi Aedes phân bố khắp mọi nơi từ nông thôn đến thành thị, đồng bằng, ven biển đến miền núi. Chúng thường sống nơi bùn lầy nước đọng trong nhà hay lùm cây, ngọn cỏ.
Muỗi Aedes aegypti cái đốt vào ban ngày, chủ yếu vào sáng sớm và chiều tối. Sau khi hút máu người bệnh, muỗi cái có thể truyền bệnh ngay nếu đốt người lành. Nếu không có cơ hội truyền bệnh, virus tiếp tục phát triển trong ống tiêu hóa và tuyến nước bọt của muỗi chờ dịp truyền sang người khác.
Muỗi Aedes đẻ trứng, trứng phát triển thành bọ gậy. Bọ gậy sống trong các dụng cụ chứa nước, rãnh, ao hồ. Mật độ tăng lên vào mùa mưa.
Cơ thể cảm miễn
Ở những vùng dịch lưu hành thì đối tượng mắc chủ yếu là trẻ em dưới 15 tuổi. Lứa tuổi chiếm đa số là 5 – 9 tuổi. Những vùng dịch mức độ vừa có thể gặp cả người lớn nhưng thường không quá 50 tuổi.
Điều kiện phát sinh dịch sốt xuất huyết
- Mật độ muỗi Aedes aegypti cao ≥ 1 con/nhà và ≥ 50% nhà kề cận có muỗi.
- Khí hậu và thời tiết phù hợp
- Mùa mưa
- Nhiệt độ môi trường 16°C – 22°C. Bọ gậy phát triển nhanh ở 26°C, virus Dengue phát triển nhanh ở 22°C
- Sinh thái người
- Mật độ dân cư cao, nhiều trẻ em, chưa có miễn dịch hoặc tiếp xúc hạn chế với virus Dengue.
- Điều kiện vệ sinh kém: nhà ở chật chội, ẩm thấp, tối, thiếu nước sinh hoạt, có nhiều dụng cụ chứa nước, nhiều rãnh, ao tù.
5. Cơ chế gây bệnh sốt xuất huyết
Sau khi muỗi mang virus đốt người lành, virus Dengue xâm nhập cơ thể, nằm trong các tế nào đơn nhân lớn. Cơ thể sẽ xuất hiện phản ứng chống lại các tế bào bị nhiễm virus. Quá trình này giải phóng ra nhiều chất gây viêm. Từ đó dẫn đến 2 rối loạn chủ yếu của bệnh là thoát huyết tương và rối loạn đông máu.
Tình trạng giãn mạch và tăng tính thấm thành mạch khiến cho các mao mạch bị giãn, phù nề quanh mạch máu gây thoát huyết tương. Khi thoát huyết tương nhiều dẫn đến giảm protein huyết thanh, cô đặc máu, giảm khối lượng tuần hoàn và nặng hơn là sốc. Nếu sốc kéo dài sẽ dẫn đến thiếu oxy mô, toan chuyển hóa, tăng nguy cơ đông máu nội quản rải rác và tử vong.
Tình trạng rối loạn đông máu tạo thành vòng xoắn bệnh lý khiến xuất huyết nhiều hơn, giảm khối lượng tuần hoàn và sốc. Bên cạnh đó các nhà khoa học cho rằng phức hợp miễn dịch kháng nguyên – kháng thể xuất hiện sau khi nhiễm virus Dengue vài ngày gây vón tụ tiểu cầu, hoạt hóa bổ thể và các yếu tố đông máu. Giải phóng yếu tố tăng tính thấm thành mạch gây nên sốc phản vệ dẫn đến tử vong.
Cả 2 cơ chế gây bệnh này đều có thể dẫn đến những biến chứng nặng nề của sốt xuất huyết Dengue như sốc, xuất huyết nặng và suy đa tạng.
BS Thanh Mai – Hội Nội khoa Việt Nam