Mùa thu nên ăn gì? làm gì?

Tiết Bạch lộ vừa qua, cái nóng mùa hè tuy chưa hoàn toàn tan biến, nhưng dưỡng sinh mùa thu đã bắt đầu rồi. Hôm nay, hãy cùng Vạn quốc dược vương nắm bắt những điểm quan trọng của dưỡng sinh mùa thu.

1. Mùa thu nên ăn gì? Dưỡng ẩm, nuôi dưỡng âm, tăng vị chua, tránh thức ăn lạnh

Thời tiết dần trở nên mát mẻ hơn, nhiều người bắt đầu nghĩ đến việc bổ sung dưỡng chất cho mùa thu. Tuy nhiên, sau mùa hè nắng nóng, chức năng tỳ vị của con người sẽ suy yếu đôi chút, nếu đột ngột bồi bổ quá nhiều có thể làm tăng gánh nặng cho tỳ vị. Vì vậy, có thể bắt đầu với các thực phẩm giàu dinh dưỡng và dễ tiêu hóa để từ từ “bổ sung dưỡng chất cho mùa thu”.

Dưỡng ẩm, nhuận táo

Dưỡng ẩm là điều cần thiết trong chế độ ăn uống mùa thu. Tại sao mùa thu lại gây khô hanh? Mùa thu thuộc hành Kim trong ngũ hành và tương ứng với phế (phổi) trong ngũ tạng của cơ thể. Lúc này, dương khí trong tự nhiên suy yếu, âm khí bắt đầu tăng lên, lượng mưa dần giảm, vì thế thời tiết chủ đạo của mùa thu là “khô hanh” đông y gọi là khí táo. Khí khô nóng dễ tổn hại đến phổi, làm hao tán âm dịch và khí trong cơ thể, gây ra các triệu chứng khô, như da khô nứt nẻ, khô miệng, khô mũi, họng khô, khát nước, lưỡi khô thiếu nước bọt, táo bón…. Trong trường hợp nặng hơn, phế bị ảnh hưởng dẫn đến đau họng, ho khan ít đờm hoặc đờm có máu.

Do thể chất mỗi người khác nhau, việc dưỡng ẩm cần phải được điều chỉnh phù hợp. Nhìn chung:

  • Nên ăn thức ăn thanh đạm, chọn rau quả tươi, uống nhiều nước;
  • Tránh các thức ăn cay nóng, chiên rán, nhiều dầu mỡ, cũng như tránh hành, gừng, tỏi, rượu mạnh;
  • Chọn các thực phẩm có tác dụng dưỡng ẩm, nhuận táo như bách hợp, mộc nhĩ trắng, vừng, óc chó, mía, sữa…

Dưỡng âm

Xuân hạ dưỡng dương, thu đông dưỡng âm. Mùa thu thích hợp để điều trị các chứng âm hư, nên ăn nhiều thực phẩm có tác dụng dưỡng âm.

  • Mộc nhĩ trắng (Ngân nhĩ, nấm tuyết): Giàu chất keo tự nhiên, có tác dụng làm đẹp, giúp điều hòa nhu động ruột, giảm hấp thụ chất béo. Tuy nhiên, những người bị tiêu chảy mạn tính không nên dùng.
  • Nhựa đào (đào giao): Khi kết hợp với hạt sen và mộc nhĩ trắng để nấu canh, dùng lâu dài có thể sinh tân, giảm khát, làm đẹp da. Tuy nhiên cần chuyên gia tư vấn về liều dùng cho phù hợp tránh độc.

Các thực phẩm khác có tác dụng dưỡng âm: mật ong, hạt sen, củ mài, táo đỏ, cùng với rau bina, nấm kim châm, sung, lê tuyết, củ cải trắng… có thể ăn thường xuyên để phòng ngừa tình trạng khô hanh làm tổn thương âm. Trong các vị thuốc Đông y, thạch hộc, kỷ tử, nhân sâm Mỹ đều có tác dụng dưỡng âm.

Tăng vị chua

Sau khi lập thu, có thể bổ sung một lượng vừa phải các thực phẩm có vị chua để thu liễm phế khí và dưỡng gan (gan có vị chủ đạo là chua, giúp tăng cường chức năng gan). Trong chế độ ăn uống, có thể ăn nhiều các loại trái cây có vị chua như nho, kiwi, sơn tra, chanh, táo, lựu, bưởi, v.v. Những loại trái cây này có tác dụng dưỡng âm, nhuận phế, sinh tân dịch, và giảm khát. Tuy nhiên, những người có đường huyết cao nên hạn chế hoặc tránh ăn nho.

Ăn thức ăn ấm

Vào đầu mùa thu, thời tiết vẫn còn nóng ẩm, làm suy yếu tỳ vị. Sau lập thu, khí hậu dần mát mẻ hơn, sức đề kháng của cơ thể cũng suy giảm. Như câu nói “Mùa thu ăn dưa hại dạ dày”, các loại dưa có tính hàn như dưa hấu, dưa gang nên ăn ít lại để tránh gây tổn hại cho cơ thể. Để bảo vệ tỳ vị, nên ăn nhiều thức ăn ấm và hạn chế các thực phẩm lạnh hoặc đồ uống lạnh, tránh gây ra các bệnh như viêm ruột, kiết lỵ. Có thể nấu cháo từ gạo tẻ hoặc gạo nếp, đều có tác dụng kiện tỳ vị và bổ trung khí. Tuy nhiên, người bị tiểu đường không nên uống cháo quá thường xuyên.

2. Mùa thu nên làm gì?

Nghỉ ngơi và vận động đều không thiếu. Mùa thu đến, con người nên ngủ sớm dậy sớm, giữ cho tinh thần ổn định, bình tĩnh, thu liễm khí thần đã tản ra trước đó, giúp phế khí giữ được sự trong sạch, từ đó cơ thể có thể thích ứng với khí thu liễm của mùa thu và đạt được sự cân bằng.

Ngoài ra, cũng cần điều chỉnh cảm xúc kịp thời, đây là nguyên tắc để thuận theo khí thu và dưỡng bảo chức năng thu liễm của cơ thể. Nếu chức năng thu liễm không được nuôi dưỡng đúng cách, sức mạnh bế tàng của mùa đông sẽ không đủ, sau khi vào đông dễ bị chứng tiêu chảy không kiểm soát, phân loãng hoặc phân sống.

Sau khi lập thu, có thể tăng cường vận động để nâng cao khả năng của phổi. Điều quan trọng nhất là tăng cường sức khỏe toàn diện, kiên trì luyện tập cơ thể. Đi bộ là hình thức vận động đơn giản và an toàn nhất, những người có thể trạng yếu có thể bắt đầu bằng việc đi bộ chậm, mỗi ngày đi từ 500 đến 1500 mét. Lúc đầu có thể đi với tốc độ quen thuộc của mình, sau đó tăng dần tốc độ, khi đã quen có thể tăng dần thời gian và quãng đường tập luyện.

Tần suất luyện tập nên giữ ở mức khoảng 30 phút mỗi ngày, hoặc có thể tập cách ngày, mỗi lần tập luyện kéo dài trên một giờ. Ngoài ra, các môn như leo cầu thang, chạy bộ chậm, thái cực quyền cũng rất tốt cho phổi.

Các bài tập hô hấp nên thực hiện ngoài trời, đều đặn và kiên trì để cải thiện chức năng phổi. Hơn nữa, các bài tập dành riêng cho cơ hô hấp có thể tăng cường sức mạnh và độ bền của cơ hô hấp, cải thiện chức năng phổi, tăng độ sâu của hơi thở, giúp tăng thông khí phế nang và độ bão hòa oxy trong máu. Các bài tập cơ hô hấp bao gồm thở bằng bụng, thở mím môi và các bài thể dục toàn thân kết hợp với hô hấp.

BS Uông Mai lược dịch

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *