Mạch môn là một loại thuốc thảo dược truyền thống phổ biến của Trung Quốc, Việt Nam và nhiều nước phương Đông. Nó được sử dụng làm thành phần chính trong nhiều đơn thuốc. Các nghiên cứu hiện đại đã xác minh rằng Mạch môn có thể được sử dụng như một loại thực phẩm lành mạnh hoặc một tác nhân điều trị để ngăn ngừa và điều trị nhiều bệnh lý.
1. Mạch môn là gì
Mạch môn – 麦 门冬 có nhiều tên gọi như mạch môn đông, mạch đông, củ tóc tiên…
Tên khoa học là Ophiopogon japonicus Wall.
Vị thuốc mạch môn là phần rễ củ của cây mạch môn (Ophiopogon japonicus (Thunb.) Ker-Gawl.) được thu hoạch vào mùa hè. Những rễ nhỏ hơn, xơ hơn bị bỏ đi. Thân rễ được phơi khô dưới ánh nắng mặt trời.
2. Mạch môn có tác dụng gì?
2.1. Tác dụng chữa bệnh của mạch môn theo y học cổ truyền
Ophiopogonis Radix (Maidong trong tiếng Trung Quốc), rễ của cây Ophiopogon japonicus, được sử dụng rộng rãi trong các loại thuốc địa phương của Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản và một số nước Đông Nam Á.
Theo nguyên lý y học cổ truyền, Mạch môn vị ngọt hơi đắng, tính hàn. Mạch môn có tác dụng bổ phế, thanh tâm, tả nhiệt, nhuận táo. Nó vốn được xếp vào nhóm thuốc bổ âm cùng với ngọc trúc, sa sâm, thiên môn đông… trong đông y.
Ứng dụng của mạch môn dùng để điều trị:
- Tiêu đàm chỉ khái: Ho do nhiệt, ho ra máu do phế âm hư
- Thanh tâm nhiệt: tâm phiền, không yên, khó chịu vùng ngực, tim đập nhanh, mất ngủ
- Chữa chứng vị nhiệt, miệng khô, lưỡi đỏ, khát, buồn nôn
- Táo bón do âm hư hoặc sốt cao
- Nhiệt gây chảy máu cam, ho ra máu, chảy máu chân răng…
- Dùng trong làm đẹp da
- Bí tiểu, tắc tia sữa
2.2. Tác dụng chữa bệnh của mạch môn theo y học hiện đại
Các nghiên cứu về mạch môn đã cho thấy nó có đặc tính hạ sốt, chống ho, long đờm, lợi tiểu, trợ tim… Nó cũng đã được báo cáo là làm giảm lượng đường trong máu, giảm viêm và bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng do vi khuẩn. Một số trích dẫn từ các nghiên cứu về mạch môn:
2.2.1. Tác dụng chống viêm
- Đại học Ma cao (Trung Quốc) + Đại học Leiden (Hà lan) – 2016: Các thành phần chính của Mạch môn bao gồm saponin steroid, homoisoflavonoid và polysaccharid, thể hiện các hoạt tính dược lý khác nhau, chẳng hạn như bảo vệ tim mạch, chống viêm, chống ung thư, chống oxy hóa, điều hòa miễn dịch, giảm ho, kháng khuẩn và chống tiểu đường.
- Học viện Khoa học Y tế Trung Quốc 2020: Mạch môn được sử dụng rộng rãi trong điều trị các bệnh viêm mãn tính và tim mạch.
- Đại học Trung y Quảng Châu 2017: Các nghiên cứu trước đây cho thấy mạch môn chứa các hợp chất có hoạt tính chống viêm trong đó có 4′-O-Demethylophiopogonanone E ức chế sự phosphoryl hóa ERK1/2 và JNK trong các con đường tín hiệu MAPK để giảm sản xuất NO và cytokine gây viêm. Mạch môn có thể được coi là một nguồn thuốc điều trị tiềm năng cho các bệnh viêm nhiễm.
2.2.2. Tác điều điều trị các bệnh lý tim mạch
Mạch môn dùng để chữa bệnh tim mạch bao gồm cả bệnh huyết khối trong hàng ngàn năm.
Xơ vữa động mạch:
Xơ vữa động mạch là một bệnh mãn tính và là một quá trình bệnh lý quan trọng liên quan đến nhiều bệnh lý tim mạch nguy hiểm. Rối loạn chức năng nội mô, tăng sinh tế bào cơ trơn mạch máu và hoạt hóa bạch cầu trung tính có liên quan đến sự phát triển của xơ vữa động mạch.
Mạch môn làm giảm mức độ của phân tử kết dính gian bào và phân tử kết dính tế bào mạch máu, tác dụng bảo vệ của nó chống lại tổn thương oxy hóa của nội mô và rối loạn chức năng nội mô. Bên cạnh đó mạch môn cũng ức chế sự tăng sinh tế bào cơ trơn mạch máu mật độ thấp do lipoprotein bị oxy hóa. Một nghiên cứu của Đại học Quốc tế Kobe (2019) phát hiên tác dụng bảo vệ tim mạch của chiết xuất saponin steroid từ mạch môn chống lại bệnh suy tim mạn tính thông qua cải thiện tình trạng stress oxy hóa và viêm.
Thiếu máu cơ tim
Mạch môn được phát hiện có một hoạt động chống thiếu máu cục bộ cơ tim duy nhất thông qua
- 1) bảo vệ tế bào cơ tim khỏi bị hư hại bằng cách ức chế sản xuất các gốc tự do gây ra bởi thiếu máu cục bộ cơ tim và loại bỏ các gốc oxy và
- 2) thúc đẩy sự hình thành các vi mạch trong vùng thiếu máu cục bộ.
Một nghiên cứu của Đại học Y học Cổ truyền Trung Quốc Thượng Hải 2009: Ophiopogon japonicus polysaccharide (FOJ-5) có tác dụng chống thiếu máu cục bộ cơ tim
Rối loạn nhịp tim:
Đại học Khoa học Y tế Tây Trung Quốc: Mạch môn có thể ngăn chặn hoặc loại bỏ những rối loạn nhịp tim.
2.2.3. Tiểu đường
Mạch môn không chỉ đường dùng trong các bài thuốc chữa tiểu đường như Sinh mạch tán, Mạch vị địa hoàng hoàn..
Một số nghiên cứu của y học hiện đại chứng minh công dụng hỗ trợ điều trị tiểu đường của mạch môn
- Đại học Y học Cổ truyền Trung Quốc Thượng Hải: β-d-fructan hòa tan trong nước (MDG-1) có trong mạch môn làm giảm tình trạng tăng đường huyết, tăng insulin máu và tăng lipid máu. MDG-1 là một hợp chất chống tiểu đường đầy hứa hẹn sẽ hữu ích cho việc điều trị bệnh đái tháo đường typ 2.
- Đại học Y học Cổ truyền Trung Quốc Thượng Hải: MDG-1 có tác dụng hạ đường huyết cấp tính và lâu dài, giảm đề kháng insulin. Đồng thời nó có tác dụng giảm tăng trọng cơ thể và trọng lượng mỡ dưới da.
- Đại học Y học Cổ truyền Trung Quốc Thượng Hải: MDG-1 có thể làm giảm bớt sự giãn nở trung bì cầu thận và xơ hóa mô kẽ ở chuột mắc bệnh tiểu đường. Mạch môn nên được đề xuất dùng trong các trường hợp dự phòng và điều trị biến chứng thận ở người tiểu đường
Mạch môn cũng được chứng minh là làm giảm lượng đường trong máu và tái tạo các tế bào cần thiết trong đảo tụy của Langerhans, nó cũng được coi là hữu ích trong việc điều trị sự mất cân bằng chất lỏng do bệnh tiểu đường gây ra, rất hiệu quả trong điều trị chứng khát nước và đi tiểu nhiều của tiểu đường.
2.2.4. Một số tác dụng khác của mạch môn
- Mạch môn là một chất khử trùng đặc biệt hữu ích trong việc chữa lành vết loét miệng.
- Chất an thần của nó giúp giảm chứng mất ngủ , tim đập nhanh, lo lắng và ít nghỉ ngơi. Nó tương tự như nhiều loại thuốc an thần hóa học được sử dụng trong y học phương Tây ở chỗ nó làm giảm co thắt cơ.
- Ophiopogon cũng làm ẩm màng nhầy của cơ thể bằng cách kích thích sản xuất chất lỏng niêm mạc. Giữ ẩm cho phổi làm giảm ho. Trong ruột, tăng mức độ ẩm giúp cải thiện quá trình đào thải. Do những phẩm chất này, ophiopogon được sử dụng trong các công thức để điều trị táo bón , khô họng và viêm phế quản khô mãn tính.
3. Một số lưu ý khi dùng mạch môn
- Củ to (béo) là tốt. Khi dùng bỏ lõi. Có thể dùng tươi, khô hoặc sao vàng với gạo tùy vào mục đích sử dụng
- Liều lượng thông thường hàng ngày 4 – 10 g, khi cây được sử dụng dưới dạng truyền hoặc sắc.
- Mạch môn đông không được dùng trong các trường hợp tỳ vị hư nhược dẫn đến tiêu chảy, ho do phong hàn hoặc ứ đờm ở phổi. Người tiêu chảy sau sinh kiêng dùng
- Không dùng cùng với khoản đông hoa, khổ sâm
BS Uông Mai