Kháng sinh đường uống có thể tăng nguy cơ sỏi thận ở trẻ em và người lớn

Các nhà nghiên cứu nhi khoa đã phát hiện ra rằng trẻ em và người lớn được điều trị bằng một số thuốc kháng sinh đường uống có nguy cơ phát triển sỏi thận cao hơn đáng kể. Đây là lần đầu tiên thuốc kháng sinh được phát hiện có liên quan đến tình trạng này. Nguy cơ cao nhất xuất hiện ở bệnh nhân trẻ tuổi và những bệnh nhân mới tiếp xúc với thuốc kháng sinh.

“Tỷ lệ mắc sỏi thận đã tăng 70% trong vòng 30 năm qua, với sự gia tăng đột biến ở đối tượng thanh thiếu niên và phụ nữ trẻ”, Gregory E. Tasian – Tiến sĩ nhi khoa chuyên ngành tiết niệu – BV Nhi Phialadelphia (CHOP) cho biết. TS.Tasian cũng cho biết sỏi thận trước đây thường hiếm gặp ở trẻ em.

Tiến sĩ Michelle Denburg, một bác sĩ nhi khoa tại CHOP nói thêm: “Lý do tăng tỷ lệ mắc sỏi thận mặc dù chưa rõ ràng, nhưng phát hiện của chúng tôi cho thấy thuốc kháng sinh đường uống có vai trò nhất định, đặc biệt khi trẻ em được kê đơn kháng sinh với tỷ lệ cao hơn người lớn”.

Nhóm nghiên cứu đã thu thập các hồ sơ y tế điện tử từ Vương quốc Anh, bao gồm 13 triệu người lớn và trẻ em được chăm sóc bởi các bác sỹ đa khoa trong Mạng lưới cải thiện sức khỏe từ năm 1994 đến năm 2015. Nhóm nghiên cứu đã phân tích phơi nhiễm kháng sinh cho gần 26,000 bệnh nhân bị sỏi thận, so sánh với 260,000 đối tượng kiểm soát.

Họ phát hiện ra rằng năm loại kháng sinh đường uống có liên quan đến chẩn đoán bệnh sỏi thận. Năm loại này là nhóm sulfa, cephalosporin, fluoroquinolones, nitrofurantoin và penicillin phổ rộng. Sau khi điều chỉnh các yếu tố độ tuổi, giới tính, chủng tộc, nhiễm trùng đường tiết niệu, các loại thuốc khác và các tình trạng y tế khác; bệnh nhân dùng thuốc sulfa có nguy cơ bị sỏi thận cao hơn gấp đôi so với những người sử dụng thuốc kháng sinh; đối với penicillin phổ rộng, nguy cơ tăng cao hơn 27%.

Đối tượng nguy cơ cao nhất mắc sỏi thận là ở trẻ em và thanh thiếu niên. Nguy cơ sỏi thận giảm theo thời gian nhưng vẫn tăng cao vài năm sau khi sử dụng kháng sinh. Các nhà khoa học đã biết rằng thuốc kháng sinh làm thay đổi thành phần hệ vi sinh vật của con người. Sự gián đoạn của hệ vi khuẩn đường ruột và đường tiết niệu có liên quan đến sự xuất hiện sỏi thận, nhưng không có nghiên cứu nào trước đây cho thấy mối liên hệ giữa việc sử dụng kháng sinh và sỏi thận.

Tiến sĩ Tasian chỉ ra rằng các nhà nghiên cứu khác đã phát hiện ra khoảng 30% thuốc kháng sinh được kê đơn trong phòng khám là không phù hợp, và trẻ em được dùng nhiều kháng sinh hơn bất kỳ nhóm tuổi nào khác, vì vậy những phát hiện mới khiến bác sỹ phải cẩn thận hơn trong việc kê đơn thuốc kháng sinh đúng. Ông nói thêm, “Những phát hiện của chúng tôi cho thấy rằng thực hành kê đơn kháng sinh đại diện cho một yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được – sự thay đổi trong việc kê đơn có thể làm giảm nguy cơ bệnh sỏi thận hiện tại ở trẻ em”.

Một đồng tác giả của bài báo Tiến sĩ Jeffrey Gerber, là chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại CHOP, người lãnh đạo chương trình về quản lý kháng sinh – một cách tiếp cận hướng dẫn các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe loại kháng sinh thích hợp nhất cho từng nhiễm trùng cụ thể nhằm cải thiện kết quả điều trị và giảm nguy cơ kháng kháng sinh tổng thể.

Tiến sĩ Tasian và các đồng nghiệp đang tiếp tục nghiên cứu hệ vi sinh vật của trẻ em và thanh thiếu niên bị sỏi thận trong một nghiên cứu đơn tại CHOP. Mục tiêu của họ là mở rộng nghiên cứu dựa trên quy mô dân số lớn hơn để hiểu rõ sự biến đổi về thành phần hệ vi sinh vật có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của sỏi thận như thế nào.

Tiến sĩ Tasian, Denburg và các đồng nghiệp đã công bố nghiên cứu của họ ngày 14/5/2018 trên tạp chí American Society of Nephrology (Tạp chí Hiệp hội thận học Hoa Kỳ).

Nguồn European Pharmaceutical Review – Tạp chí dược phẩm Châu Âu

Lược dịch: BS Thanh Mai

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *