Hướng dẫn dinh dưỡng cho trẻ bị thừa cân, béo phì

Thừa cân, béo phì ở trẻ em đang có xu hướng tăng nhanh và là vấn đề được xã hội quan tâm. Tuy nhiên, hoàn toàn có thể dự phòng bệnh bằng chế độ dinh dưỡng cân bằng, luyện tập hợp lý.

Thế nào được gọi là béo phì?

Béo phì là tình trạng đặc trưng bởi sự tích luỹ mỡ thái quá một cách cục bộ hay toàn thể tới mức ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ.

Béo phì được coi là bệnh vì đó là yếu tố nguy cơ mắc các bệnh mạn tính không lây, thậm chí là nguy cơ gây tử vong.

Nguyên nhân gây béo phì

60 – 80% béo phì là do dinh dưỡng, bên cạnh đó có thể do các rối loạn chuyển hoá của cơ thể thông qua vai trò của hệ thần kinh, tuyến nội tiết như tuyến yên, thượng thận, giáp trạng và tuỵ.

Nguyên nhân của béo phì do dinh dưỡng: Chủ yếu là do thay đổi cân bằng năng lượng, năng lượng ăn vào > năng lượng tiêu hao dẫn đến hậu quả tích luỹ mỡ.

  • Thói quen ăn uống: Ăn nhiều đồ ăn nhanh, nước uống có ga, ăn nhiều bữa.
  • Gen di truyền: Rối loạn nội tiết và gen chỉ chiếm số lượng nhỏ trong trẻ em bị béo phì. Béo phì cũng có tính chất di truyền rõ rệt trong gia đình.
  • Giảm hoạt động thể lực: ít lao động kể cả lao động chân tay và trí óc.
  • Thuốc: Béo phì còn có thể gây ra do tác dụng của thuốc hay bệnh nội tiết, nhưng tỷ lệ này rất rất thấp.
  • Điều hoà nhu cầu năng lượng: cân nặng ổn định do điều hoà năng lượng ăn vào và năng lượng tiêu hao nhờ các cơ chế điều hoà thần kinh, điều hoà thể dịch và điều hoà nhiệt.
  • Ngủ ít: chưa rõ ràng, chủ yếu xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi.
  • Suy dinh dưỡng thể thấp còi: trẻ khi cân nặng lúc sinh và lúc 1 tuổi thấp thì về sau mỡ có khuynh hướng tập trung ở bụng.

Hậu quả của thừa cân, béo phì ở trẻ em

70% béo phì trẻ em tồn tại đến khi lớn, là loại béo phì khó điều trị, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Béo phì ở trẻ em nếu không phòng ngừa, điều trị sớm sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Người lớn béo phì có tiền sử từ nhỏ, có nguy cơ mắc các bệnh mạn tính (tăng huyết áp, tai biến mạch não, tăng cholesterol dẫn tới nhồi máu cơ tim, tiểu đường, các bệnh xương khớp, nguy cơ cao mắc một số bệnh ung thư,…).

Béo phì có thể ảnh hưởng tới tâm lý, giảm hoạt động xã hội của trẻ.  

Biến chứng khác: Nghẽn thở khi ngủ, bệnh não (hiếm gặp, liên quan đến tăng áp lực trong sọ não).

Dinh dưỡng điều trị béo phì ở trẻ em

Mục tiêu giúp trẻ có một cân nặng và sức khoẻ lý tưởng, kiểm soát và duy trì cân nặng theo chiều cao nhưng vẫn có sức tăng trưởng tốt phù hợp lứa tuổi dẫn đến giảm nguy cơ biến chứng do béo phì.

Điều trị béo phì ở trẻ em gồm 3 vấn đề chính:

  • Điều chỉnh chế độ ăn: nhằm giảm năng lượng nạp vào.
  • Tăng cường hoạt động thể lực: nhằm tăng năng lượng tiêu hao.
  • Đảm bảo cung cấp đủ vitamin và khoáng chất theo lứa tuổi.

Chế độ dinh dưỡng được khuyến cáo

Dinh dưỡng cho trẻ thừa cân, béo phì
Dinh dưỡng cho trẻ thừa cân, béo phì

– Nguyên tắc: Ăn chậm nhai kỹ, tránh bỏ bữa hoặc nhịn đói, nên ăn nhiều vào buổi sáng, giảm ăn vào buổi chiều và tối. Không nên ăn trước khi đi ngủ.

– Xây dựng thực đơn khẩu phần ăn cân đối, hợp lý, đảm bảo cân bằng các chất dinh dưỡng.

  • Nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả ít ngọt, uống sữa không đường hoặc sữa gầy.
  • Hạn chế các món chiên rán, thức ăn chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, giảm bớt tinh bột từ gạo mà thay bằng khoai, sắn.
  • Hạn chế ăn các loại đường, kẹo, sữa đặc có đường, tránh nhai kẹo cao su vì có thể khiến trẻ lúc nào cũng muốn nhai.

– Ưu tiên các bữa ăn gia đình, tạo không khí thoải mái trong bữa ăn.

– Hoạt động thể lực giúp tăng năng lượng tiêu hao: Cho trẻ tham gia các hoạt động thể lực vừa ít nhất trong 60 phút/ngày, ít nhất 3 ngày/tuần, uống đủ nước để bù lại lượng nước trẻ mất qua mồ hôi trong quá trình luyện tập. Tránh để trẻ ngồi lâu với các hoạt động tĩnh.

Bệnh béo phì có thể phòng tránh?

– Trẻ nhỏ cần được bú mẹ đầy đủ, ăn bổ sung hợp lý.

– Giáo dục cho trẻ nếp sống lành mạnh ngay từ nhỏ.

– Các hoạt động tĩnh không nên quá 7h/ngày. Tránh vừa ăn vừa xem ti vi hoặc làm các việc khác.

– Thường xuyên theo dõi cân nặng và chiều cao của trẻ để có thể can thiệp kịp thời, tránh dẫn đến béo phì.

Khoa Dinh dưỡng & Tiết chế – BV Đại học Y Hà Nội

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *