Hội chứng bàn tay-chân hay chứng đỏ da và dị cảm lòng bàn tay-bàn chân là một trong rất nhiều tác dụng phụ không mong muốn của một số phương pháp điều trị ung thư hiện nay. Hội chứng bàn tay – chân không chỉ khiến người bệnh đau đớn, khó chịu mà còn gây cản trở rất nhiều đến sinh hoạt của người bệnh
Triệu chứng của hội chứng bàn tay – chân
Mức độ nhẹ hoặc vừa phải người bệnh có thể xuất hiện một số triệu chứng như:
- Đỏ da tương tự như bị cháy nắng
- Sưng tấy
- Cảm giác đau ngứa râm ran như bị châm chích hoặc bỏng rát
- Tăng độ nhạy cảm của da dưới kích thích gây đau, đôi khi chỉ chạm nhẹ vào da cũng thấy đau.
- Căng bề mặt da
- Tăng các vết chai lòng bàn tay – chân, xuất hiện nhiều mụn nước nhỏ
Hội chứng tay-chân mức độ nặng
- Nứt da, bong da, hoặc lột da;
- Mụn nước, các vết loét trên da;
- Đau
- Khó khăn trong đi lại hoặc đau khi sử dụng bàn tay.
Nguyên nhân của hội chứng tay-chân
Các thuốc điều trị ung thư hiện nay có một số thuốc tác động đến sự phát triển của các tế bào da, mạch máu nhỏ ở tay, chân gây ra hội chứng bàn tay – chân. Các biểu hiện ở bàn tay – chân chủ yếu là đỏ, sưng, dị cảm.
Một số loại thuốc điều trị ung thư có thể dẫn đến hội chứng bàn tay – chân
- Các thuốc trong hóa trị liệu như: Capecitabine (Xeloda), Docetaxel (Docefrez, Taxotere), Vemurafenib (Zelboraf), Idarubicin (Idamycin), Cytarabine (Cytosar-U), Doxorubicin (adriamycin), Fluorouracil (5-FU, Adrucil), Doxorubicin liposome (Doxil), Paclitaxel (Taxol), Floxuridine (FUDF)
- Các thuốc dùng trong liệu pháp nhắm đích: Pazopanib (Votrient), Regorafenib (Stivarga), Axitinib (Inlyta), Sunitinib (Sutent), Cabozantinib (Cabometyx, Cometriq), Sorafenib (Nexavar)
Tuy nhiên cũng có một thưc tế rằng không phải tất các bệnh nhân được điều trị bằng các thuốc trên đều sẽ mắc hội chứng bàn tay – chân. Mức độ tổn thương cũng rất khác nhau ở từng người.
Phòng ngừa và kiểm soát hội chứng bàn tay-chân
Hội chứng bàn tay-chân thường biểu hiện rõ rệt và có thể ở mức độ nặng trong khoảng 6 tuần đầu sau điều trị ung thư bằng liệu pháp nhắm đích. Đối với hóa trị liệu tình trạng này có thể xuất hiện sau khoảng 2 – 3 tháng.
Lời khuyên dành cho người bệnh bị hội chứng bàn tay – chân
- Không nên dùng nước nóng để tắm hoặc rửa tay chân.
- Sử dụng vòi hoa sen hoặc bồn tắm và nước mát. Quá trình lau khô cũng cần thao tác nhẹ nhàng với vải bông mềm.
- Thường xuyên làm ẩm, làm mát bàn tay chân. Có thể gói đá vào vải mềm để chườm. Không nên chườm đá lạnh trực tiếp lên da.
- Nên tránh xa những nơi có nguồn nhiệt cao như phòng tắm xông hơi, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời nhất là vào những giờ cao điểm như giữa trưa, đầu giờ chiều.
- Hạn chế mang, vác, xách đồ nặng hoặc các hành động gây cọ xát vào bàn tay – chân, các động tác cần nhiều lực từ tay trong thời gian đầu sau điều trị ung thư như các môn thể thao dùng vợt, chạy bộ, băm chặt đồ…
- Không nên sử dụng hoặc tiếp xúc với hóa chất như nước giặt, nước tẩy rửa…
- Tránh tiếp xúc với hóa chất mạnh sử dụng trong bột giặt, hoặc các sản phẩm tẩy rửa gia dụng.
- Không nên sử dụng các loại găng tay từ cao su, nhựa vinyl để sử dụng nước nóng. Nên sử dụng các loại găng mềm bằng vải lót bên trong các loại găng tay kia.
- Thường xuyên thoa kem dưỡng da để giữ ẩm cho da vùng tay, chân. Thao tác nhẹ nhàng.
- Lựa chọn trang phục thoải mái, rộng rãi, chất liệu mềm và độ thấm ướt tốt.
- Không nên đi chân đất. Lựa chọn dép mềm, sử dụng tất để giảm ma sát khi đi giày dép. Mang giày vừa chân không nên đi giật chật để hạn chế ma sát
- Giữ vệ sinh các vết loét hoặc mụn nước
Điều trị hội chứng tay-chân
Hội chứng bàn tay – chân có thể gây ra những tổn thương viêm loét trên da nên các thuốc chống viêm giảm đau tại chỗ có thể có tác dụng. Các loại kem bôi ngoài da cũng được sử dụng nhiều
Trên thực tế có thể sử dụng một số loại thuốc sau:
- Thuốc giảm đau tại chỗ: lidocaine dạng kem bôi hoặc miếng dán, các thuốc giảm đau khác như ibuprofen, naproxen, celecoxib…
- Kem tẩy da chết dưỡng ẩm tại chỗ, các loại chứa ure, acid salicylic, ammonium lactate
Bạn cũng có thể sử dụng các túi nước đá đặt ở lòng bàn tày và chân trong khi hóa trị liệu để ngăn ngừa hội chứng bàn tay – chân
Bên cạnh đó các bác sĩ có thể sẽ điều chỉnh giảm liều hóa trị hoặc thay đổi lịch trình chạy hóa chất. Đôi khi phải tạm dừng hóa trị liệu cho đến khi các tổn thương của hội chứng bàn tay – chân được cải thiện.
Nguồn tham khảo
Hiệp hội ung thư lâm sàng Hoa Kỳ: https://www.cancer.net/coping-with-cancer/physical-emotional-and-social-effects-cancer/managing-physical-side-effects/hand-foot-syndrome-or-palmar-plantar-erythrodysesthesia
BS Thanh Mai – Hội Nội khoa Việt Nam