Đau dây thần kinh sau khi bị Zona

Đau dây thần kinh sau zona (ĐDTKSZ) là một hội chứng đau mạn tính, thường hay gặp sau khi mắc bệnh zona cấp tính. Bệnh khó trị và đôi khi rất nghiêm trọng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

1. Bệnh Zona là gì?

Vị trí hoạt động của virus gây bệnh Zona thần kinh
Vị trí hoạt động của virus gây bệnh Zona thần kinh

Zona là tình trạng nhiễm virus herpes zoster (HZ) cấp tính của hệ thần kinh trung ương và ngoại vi, thường xảy ra chỉ ở một bên rễ thần kinh tủy sống. Bệnh chỉ xuất hiện ở những người đã từng bị thủy đậu mà đa số là các trường hợp xảy ra từ hồi bé, virut nằm yên trong các rễ thần kinh đến suốt đời và một ngày nào đó, khi bạn già đi hay khi hệ miễn nhiễm bị giảm sút hay do dùng một số thuốc hoặc hóa trị, virut có thể hoạt động trở lại và gây ra một phỏng giộp mới đau đớn ở da. Đó chính là zona hay herpes zoster. Nếu trẻ em được chủng ngừa thủy đậu từ bé, chúng sẽ không bị thủy đậu và do đó sẽ không lo bị zona về sau. Zona làm tổn thương các tế bào thần kinh cảm giác ngoại biên gây đau trên vùng da bị bệnh.

Tác dụng của Zostavax (vacxin Zoster sống) trong một nghiên cứu lâm sàng cho thấy: số trường hợp phát triển thành zona giảm 51,3% (P < .001) và số trường hợp ĐDTKSZ giảm 70% ở những người thuộc lứa tuổi 50-59. Một nghiên cứu lâm sàng khác cho thấy: nồng độ trong huyết tương của vitamin C hạ thấp ở 70% số bệnh nhân zona (P < .001) và việc khôi phục lại nồng độ vitamin C có tác dụng làm giảm chứng đau tự phát sau zona.

2. Ai dễ bị mắc Zona

  • Người già yếu > 55 tuổi.
  • Bệnh nhân ung thư, Hodgkin.
  • Bệnh nhân suy giảm hệ miễn dịch, AIDS.
  • Người được ghép thận, ghép tủy.
  • Đang dùng các loại thuốc ức chế miễn dịch, corticoides lâu ngày.
  • Tiền sử chấn thương, nhiễm trùng.

3. Thế nào là đau dây thần kinh sau Zona

Đau dây thần kinh sau zona còn được gọi tắt là đau sau zona. Đây là tình trạng tổn thương các sợi thần kinh và da, gây đau dai dẳng và có thể kéo dài từ nhiều tháng đến hơn một năm ở vị trí đã nổi sang thương zona (nốt mụn rộp)  trước đó, sau khi phát ban và bỏng giộp của zona đã biến hết. Thường xuất hiện trong vòng 3 tháng sau zona bộc phát.

Nguy cơ của ĐDTKSZ tăng theo tuổi, nhất là ở những người tuổi trên 60. Đau cải thiện dần theo thời gian và các điều trị cũng chỉ có thể làm nhẹ bớt triệu chứng.

4. Biểu hiện của đau thần kinh sau Zona

triệu chứng của zona thần kinh
Một số hình thái tổn thương Zona thần kinh

Nói chung là đau khu trú ở vùng da bị zona trước đó – hay gặp nhất là vòng quanh thân mình và thường ở một phía của cơ thể hoặc ở mặt. Đau có tần suất cao ở những trường hợp zona mắt. Thường gặp ở phái nữ nhiều hơn phái nam.

  • Đau kéo dài trong vòng 3 tháng hay lâu hơn sau khi zona đã khỏi. Đau âm ỉ hay đau như bị phỏng, buốt nhói như bị thọc mạnh hay đau dưới sâu ở vùng da đã bị zona trước đó.
  • Nhạy cảm khi sờ nhẹ và có cảm giác rát bỏng khi cọ xát với quần áo.
  • Ngứa và tê bì.
  • Đau cơ, đau khớp thứ phát quanh vùng da nhiễm bệnh.

5. Một số biến chứng thường gặp do đau sau Zona

  • Suy nhược, trầm cảm
  • Mệt mỏi
  • Khó ngủ
  • Ăn không ngon
  • Khó tập trung

6. Điều trị đau sau Zona

– Điều trị nhiễm zona cấp càng sớm càng tốt nhằm ngăn ngừa sự phát triển của virus và làm  giảm thiểu tổn thương dây thần kinh, hạn chế sự thiệt hại của các sợi thần kinh, do đó sẽ giúp hạn chế tần suất và mức độ trầm trọng của đau sau zona.

– Điều trị đau sau zona

Cho đến nay vẫn chưa tìm ra thuốc đặc hiệu chữa đau sau zona. Bác sĩ thường phối hợp nhiều loại thuốc và nhiều phương pháp chữa bệnh khác nhau.

  • Có thể sử dụng một số thuốc:
    • Thuốc chống động kinh: thuốc kiểm soát cơn động kinh nhưng cũng có thể làm giảm đau thần kinh: Carbamazepine (Carbatrol, Epitol, Tegretol), Gabapentin (Fanatrex, Neurontin), Pregabalin (Lyrica)…
    • Thuốc chống trầm cảm: giúp hỗ trợ trong các trường hợp đau mạn tính do nguyên  nhân thần kinh: Amitriptyline (Elavil), Desipramine (Norpramin),  Nortriptyline  (Pamelor)…
    • Thuốc giảm đau có tác dụng mạnh: Hydro- codone với acetaminophen (Lorcet, Lortab, Norco, Vicodin), Hydrocodone tác dụng dài hạn (Zohydro ER, Hysingla ER), Hydromor- phone (Dilaudid, Exalgo), Meperidine (De- merol), Methadone (Dolophine, Methadose), Morphine (Astramorph, Avinza, Kadian, MS- Contin, Oramorph SR), Oxycodone (OxyCon- tin, OxyFast, Roxicodone), Oxycodone and naloxone (Targiniq ER), Oxycodone and acet- aminophen (Percocet)…

Các thuốc này đều thuộc nhóm thuốc giảm đau gây nghiện, cần thận trọng khi sử dụng. Chỉ nên dùng trong thời gian ngắn để tránh việc “quen thuốc”, cả thể chất và tâm thần đều lệ thuộc vào thuốc.

  • Điều trị tại chỗ: thuốc bôi ngoài da gồm một số kem bôi chứa capsaicin – hoạt chất chiết từ quả ớt chín khô hay miếng dán chứa Lido- caine – thuốc gây tê phong bế cả sự phát sinh và dẫn truyền xung động thần kinh.
  • Điều trị kích thích điện: Kích thích điện dây thần kinh qua da hoặc phong bế thần kinh giao cảm bằng cách phong bế hạch rễ sau.
  • Tiêm Steroid ngoài màng cứng theo vị trí các dải phân vùng da – dermatomes (chi phối bởi các sợi cảm giác đến từ một rễ sau của tủy sống) để kháng viêm, làm giảm sự nhạy cảm của các sợi thần kinh bị tổn thương giúp làm giảm nhanh chóng các cơn đau dai dẳng. Tiêm  ngoài màng cứng là phương pháp an toàn và hiệu quả giúp giải quyết nhanh chóng đau sau zona, mang lại sự hài lòng cho bệnh nhân.

Một nghiên cứu về thuốc nhỏ mắt lidocaine 4%: bắt đầu giảm đau sau 15 phút và kéo dài trung bình 36 giờ (từ 8-96 giờ).

                                                                                        TS BS Nguyễn Minh Anh, ThS. BS Lê Viết Thắng

Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *